Nuôi thú cưng trong nhà không phải chỉ là câu chuyện của thời đại chúng ta. Ngay từ thời cổ đại, tầng lớp quan lại giàu có của Trung Quốc cũng như giới quý tộc cung đình của phương Tây đều có nuôi thú cưng. Đơn giản bởi họ thuộc giai tầng quyền quý, không tùy tiện giao du với bá tánh thường dân, phải giữ một khoảng cách nhất định; do vậy, nuôi thú cưng như là một giải pháp giúp họ giải khuây, tiêu khiển trong lúc nhàn rỗi.
Cũng có không ít người chọn nuôi dưỡng những loài động vật quý hiếm, đắt đỏ để thể hiện khả năng kinh tế của mình. Từ đó, thú cưng trở thành minh chứng cho tài lực và thế lực của vị chủ nhân nuôi chúng, qua đó nhằm thỏa mãn cái tâm hư vinh của họ.
Cứ như hiện nay, khi đi sang Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu, tôi nhận thấy việc nuôi thú cưng đã trở thành một việc cực kỳ phổ biến tại những đất nước này. Ngay cả tại Trung Quốc đại lục, những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều người nuôi thú cưng trong nhà. Đây là điều mà chỉ hơn mười năm trước thôi khó mà hình dung việc này có thể phát triển đến thế.
Dẫu vậy, hiện nay tại Đài Loan, việc nuôi thú cưng đã có chiều hướng đi lệch quỹ đạo. Nhất là vào các dịp nghỉ hè, nghỉ đông, bọn trẻ lại dấy lên phong trào nuôi thú cưng, từ chó, mèo, rùa, cá, thỏ… nói chung người lớn chơi cái gì thì bọn trẻ bắt chước chơi cái đấy.
Tục ngữ nói: “Trẻ con nuôi se sẻ, chết nhiều hơn sống”. Người lớn có ý niệm ban đầu khi cho bọn trẻ nuôi thú cưng là muốn tập cho chúng nuôi dưỡng cái tâm biết yêu thương và quan tâm. Nhưng vấn đề là bọn trẻ lại không biết cách chăm sóc, chưa đủ trưởng thành để nhìn nhận vấn đề nên khi vui thì xem thú cưng như bảo bối thượng giới, đến khi nổi cáu thì lại quay ra ngược đãi chúng.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh hai chị em, một đứa hai tuổi, một đứa ba tuổi nuôi một con thỏ trong nhà. Đứa lớn thì kéo tai, trong khi đứa nhỏ thì kéo đuôi, làm một hồi con thỏ bê bết máu, tôi bế lấy con thỏ, rồi ba mẹ hai đứa nhỏ thấy vậy vội đưa con thỏ đến bác sĩ thú y nhưng mọi việc đã quá muộn, con vật đáng thương ấy giữ được mạng sống nhưng phải chịu cảnh tàn phế đến suốt đời.
Ba mẹ hai đứa nhỏ vô cùng ân hận, vốn dĩ muốn cho con cơ hội trưởng dưỡng tâm từ, nhưng ngờ đâu lại khiến cho con vật tội nghiệp ấy trở nên sống dở chết dở như thế. Bọn trẻ càng thê thảm, khi thấy máu me bê bết trên người con thỏ, chúng đã khóc thét, sau sự việc ấy, tâm lý bị ảnh hưởng, không bao giờ dám chạm vào con thỏ ấy nữa. Cũng khó trách, do chưa đủ nhận thức, chúng cứ nghĩ con thỏ như một món đồ chơi nên cứ thế mà miết, kéo, lôi, và cứ nghĩ là sẽ không sao. Thảm họa là, con thỏ con ấy là một thực thể sống, không phải một món đồ chơi.
Bởi vậy, tôi khuyên các bậc phụ huynh khi muốn cho con mình nuôi dưỡng một con vật nào đó, phải suy nghĩ thật kỹ xem bọn trẻ có thực sự đủ tri nhận, ý thức và kỹ năng để nuôi dưỡng chúng hay chưa.
Cũng cần phải nên biết rằng, nếu chọn nuôi thú cưng, cho dù có là bất kỳ loài động vật nào đi nữa thì cũng phải có trách nhiệm với suốt cuộc đời của chúng, đừng hồ hởi lúc ban đầu rồi lại hắt hủi khi đã chán chê.
Có một anh Phật tử quy y học Pháp với tôi, anh ấy có một cậu con trai. Khi thằng bé mới sáu tuổi đã nằng nặc đòi mua một con chó về nuôi. Mẹ thằng bé thấy vậy mới đồng ý với một điều kiện là phải học xong tiểu học và thi vào trung học cơ sở với thành tích loại ưu.
Thằng bé đồng ý và rất cố gắng. Khi nó vào được trung học cơ sở, để thực hiện lời hứa trước đây, người mẹ đã mua cho nó một con chó con về nuôi. Từ khi có con chó, suốt ngày thằng bé cứ quấn quýt chơi đùa với con chó, đến nỗi việc học sa sút thấy rõ.
Trầy trật mãi rồi cũng lên được trung học phổ thông, nhưng phải đi học xa, lưu trú lại ký túc xá của trường, một tháng mới về thăm nhà một lần. Vậy là con chó của thằng bé phải để lại nhà nhờ người mẹ nuôi giúp.
Sau đó, do không có thời gian, lại không mấy thích nuôi chó nên người mẹ đã đuổi con chó ấy đi. Đến khi thằng bé về nhà, hỏi đến con chó thì người mẹ bảo là đã cho đi rồi. Nghe vậy, trong lòng nó vô cùng uất ức và khó chịu, từ đó tạo thành sự mâu thuẫn giữa hai mẹ con. Do xử lý không khéo nên vì chuyện con chó mà tình cảm mẹ con bị ảnh hưởng xấu.
Trước đây, tại Nông Thiền Tự của chúng tôi cũng xuất hiện hai chú chó, tôi biết có người cố ý chở chúng đến bỏ lại ở chùa. Khổ nỗi, chùa xưa nay là nơi tu tập của tăng ni và các Phật tử, chưa từng nuôi chó mèo, thế là cả chùa chúng tôi khốn đốn suốt một thời gian dài vì hai chú chó ấy. May mà sau đó, có hai vị cư sĩ phát tâm mang về nuôi, mọi việc mới được giải quyết ổn thỏa.
Thiết nghĩ, các vị một khi đã nuôi thú cưng trong nhà thì hãy nuôi đến cùng, đừng giữa đường lại sinh tâm chán nản rồi từ bỏ chúng, quăng chúng ra đường, để mặc chúng lang thang tìm cái ăn nơi bãi rác. Chưa kể, do không được chăm sóc, chúng dễ sinh chấy rận ghẻ lở, gieo mầm bệnh cho cộng đồng.
Tôi cũng thành thật khuyên các vị, nếu không thực sự muốn nuôi chó mèo, nếu không thực sự thương yêu các loại thú cưng thì đừng nên nuôi chúng, nhất là không nên cho trẻ con chưa đủ nhận thức nuôi các loài động vật. Còn như đã quyết định nuôi thì phải có trách nhiệm với cả cuộc đời của chúng, đừng tùy tiện vất bỏ vì bất kỳ lý do gì, đó là biểu hiện của thiếu từ bi. Xã hội ngày nay, có một số người thực sự thiếu trách nhiệm, khi chạy theo phong trào nuôi thú cưng, xem chúng như báu vật, đến khi chán chê rồi lại cảm thấy chúng là gánh nặng. Đó chính là một sự bất công, thậm chí là vô đạo đức.