Hầu như mọi tôn giáo đều cho rằng có thiên đường và địa ngục. Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo đều tin như vậy. Phật giáo, vốn kế thừa và phát triển trên nền tảng của Ấn giáo, trong khi quan niệm về thiên đường và địa ngục đã xuất hiện từ rất sớm trong Ấn giáo giai đoạn Phệ Đà. Do vậy, về cơ bản, Phật giáo cũng tin có thiên đường và địa ngục.
Nếu nhìn từ quan điểm của Phật giáo thì thiện ác phân minh, đều có quả báo hoặc phúc báo. Người hành thiện tránh ác sẽ được sinh Thiên giới hưởng phúc cõi Trời; người vừa có nghiệp thiện vừa có nghiệp ác thì sẽ lưu lại cõi người có vui có buồn; còn người tạo quá nhiều ác nghiệp thì ắt sẽ phải đến địa ngục để chịu mọi khổ nạn. Đây cũng chính là quan điểm chung của hầu hết mọi tôn giáo.
Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ tâm lý, hình thái xã hội và phương thức sống để xét, thì theo tôi vẫn là có thiên đường và địa ngục.
Trước tiên hãy nói từ góc nhìn về hình thái xã hội và phương thức sinh sống, chúng ta không khó khăn gì để nhận ra trong xã hội ngày nay vẫn có rất nhiều những con người dù phấn đấu thế nào cũng vẫn luôn trong tình trạng nghèo túng, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật và thậm chí còn bị chiến tranh đe dọa. Những con người ấy, theo tôi, họ đang sống ngay giữa lòng của địa ngục trần gian.
Các vị hãy ngược dòng lịch sử, nhìn lại vụ đại thảm sát ở Nam Kinh mà xem, những con người sống trong không gian và thời gian ấy, nếu chẳng phải đang sống trong địa ngục thì là gì? Khi Adolf Hitler thi hành lệnh hạ sát hàng loạt người Do Thái, khi người Do Thái bị giam cầm trong các trại tập trung, quý vị thử nghĩ xem tâm trạng của họ lúc ấy có khác gì đang chịu khổ chịu nạn trong địa ngục?
Nếu nhìn từ phương diện tâm lý, thiên đường và địa ngục càng có lý do để tồn tại.
Có một lần, trong thời Pháp thoại, tôi hỏi đại chúng: “Trong cùng một gia đình, bốn năm con người ở chung dưới một mái nhà, trong một bữa cơm, có người đang ở thiên đường, có người lại đang ở địa ngục, quý vị có trải nghiệm tình huống này chưa?” Đại chúng đồng thanh đáp: “Dạ có, dạ có!”
Mấy hôm trước, có đệ tử đến gặp tôi mà thưa rằng: “Bạch thầy, sở dĩ con đến Nông Thiền Tự là vì con cho rằng môi trường tu học ở đây rất lý tưởng, nhưng sau năm năm tu học tại đây, thực lòng con thấy càng ngày càng bất ổn. Dường như trong tự, chỉ có một mình thầy là tốt với con, còn lại ai cũng khó khăn đủ kiểu với con hết.”
Nghe vậy, tôi mới nói với chú ấy: “Thầy nghĩ không đến nỗi thế đâu con, tâm tịnh quốc độ sẽ tịnh. Chư Bồ tát lấy chúng sinh làm cõi nước thanh tịnh, nơi nào có chúng sinh nơi ấy sẽ là Phật quốc. Vậy nên nếu con sống được với cái tâm như chư Bồ tát thì con sẽ thấy chỗ của mình ở ai cũng là Phật cả. Ngược lại, nếu con chọn sống với cái tâm bất bình, bất mãn, nhìn mọi thứ đều không vừa mắt thì mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của người chung quanh đối với con mà nói đều là những chiếc gai nhọn hướng vào con, và con luôn có cảm giác họ đang đối đầu với con.”
Có lần tôi đi làm cặp mắt kính, sau khi kính làm xong đeo vào thử, tôi thấy trời đất quay cuồng, mặt đất nhấp nhô, bước chân đi loạng choạng cứ như người say rượu hết thấy đường vậy, cả thế giới phút chốc bỗng trở nên điên đảo. Hóa ra, anh kỹ thuật viên làm kính đặt nhầm tròng kính bên trái qua bên phải và bên phải qua bên trái. Tôi vội tháo cặp kính xuống, may quá thế giới “lại trở về” trạng thái bình yên vốn có của nó.
Nên biết, thiên đường và địa ngục đều có những nội hàm ý nghĩa khác nhau. Một hành giả hành trì hạnh giải thoát đúng nghĩa, nhất định phải bước qua được cả thiên đường và địa ngục. Có nghĩa là đừng kỳ vọng, mong cầu được lên cảnh thiên đường và cũng không nên mang tâm sợ hãi, né tránh địa ngục. Bởi lẽ, càng tìm thiên đường, thiên đường càng hun hút, càng muốn lìa địa ngục, địa ngục lại kề bên; bạn càng muốn thoát ly nó, nó càng không cho bạn thoát ly, càng dính vào bạn như hình với bóng.
Chỉ cần tâm thay đổi, thiên đường hiện hữu ngay trước mắt, và chỉ cần tâm biến chuyển, địa ngục cũng gần kề.
Vượt qua được hai cái thấy cực đoan (nhị biên kiến), thì đó chính là tâm bình thường. Mà tâm bình thường là tự tại, vui vẻ nhất rồi.