Trong cuộc đời gần 40 năm quân ngũ của mình, tôi đã từng đọc, được nghe nhiều mẩu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Một vị tướng mà mới chỉ nghe nhắc tới tên thôi đã tạo nên sự thu hút cùng cảm xúc đặc biệt của biết bao cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân các vùng miền. Dẫu sao, những mẩu chuyện tôi đã được đọc, được nghe về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn tản mát, thiếu hệ thống, thậm chí do lòng ngưỡng mộ Đại tướng, nhiều mẩu chuyện đã được thêu dệt, nâng lên thành giai thoại. Thật quý, đầu tháng 12 năm 2009, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân và Tổng cục Chính trị, đồng thời cũng để kỷ niệm 96 năm Ngày sinh Đại tướng (1.1.1914 - 1.1.2010), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản tác phẩm “Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” - thỏa nguyện ước mong nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo về Đại tướng của bao người.
Với độ dài trên 800 trang, khổ lớn (19 × 27cm). “Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” là một kho tư liệu quý báu làm sáng tỏ thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, Quân đội và nhân dân ta, làm rạng rỡ thêm thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
Dựa vào nội dung từng chuyên đề, kết hợp với trình tự diễn biến các sự kiện lịch sử, tác phẩm được bố cục thành 5 phần: Phần một, “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cuộc đời và sự nghiệp”; phần hai, “Vấn đề lập trường tư tưởng và công tác tư tưởng”; phần ba, “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội nhân dân Việt Nam”; phần bốn, “Công tác nông nghiệp, nông thôn và nông dân”; phần năm, “Những bài viết tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1964 - 1967”.
Phần một, “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cuộc đời và sự nghiệp”, vỏn vẹn có gần 40 trang. Phải chăng Đại tá Lê Hải Triều (Trưởng nhóm biên soạn, sưu tầm) cố tình khái quát sự nghiệp và cuộc đời của Đại tướng ở mức cô đọng nhất với những sự kiện tiêu biểu để bạn đọc mọi thành phần, lứa tuổi dễ đọc, dễ nhớ, dễ kể lại cho nhau nghe khi nói về Đại tướng? Thêm nữa, phần một ngắn gọn còn bao hàm một ý nghĩa sâu sắc. Rất phù hợp với phong cách của Đại tướng: Giản dị, khiêm tốn, ít nói về mình, suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp chung. Tôi hết sức nghẹn ngào khi đọc những trang, dòng viết về những tháng ngày hoạt động bí mật vô cùng gian khổ của Đại tướng, những lần Đại tướng bị bọn giặc lùng bắt, giam cầm trong nhà tù khắc nghiệt. Vượt lên bệnh tật, đói khát, bất chấp những đòn tra tấn dã man, Đại tướng vẫn cùng những người cộng sản trong tù siết chặt đội ngũ, sáng tạo ra nhiều phương pháp đấu tranh, đẩy kẻ thù vào thế lúng túng, bị động… Tôi vô cùng khâm phục lòng nhiệt huyết cách mạng, trí tuệ sắc sảo, kiến thức uyên thâm, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phong phú, sáng tạo của Đại tướng khi giữ nhiều trọng trách khác nhau của Đảng và Quân đội: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy (1950); Ủy viên Bộ Chính trị (1951); Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương (1960); Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam (1964)… Ở cương vị nào Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện tài - đức song toàn, nêu một tấm gương mẫu mực về hình ảnh “người đứng mũi chịu sào”, vượt qua mọi thử thách, mang lại lợi ích cho nước, cho dân và góp phần quan trọng để chiến thắng mọi kẻ thù…
Cũng ở phần một này, bạn đọc phần nào hiểu thêm về đời riêng của Đại tướng qua một số chi tiết được nhóm biên soạn đưa ra cô đọng, khiêm nhường, như: Tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Nguyễn Vịnh. Sau này, Đại tướng đã dùng tên thật để đặt tên cho người con trai của mình. Trường Sơn - một bút danh nổi tiếng Đại tướng là tên người con trai đầu đã mất năm 1950 khi Đại tướng cùng vợ là Nguyễn Thị Cúc hành quân từ Huế ra Việt Bắc… Trước ngày Đại tướng trở lại miền Nam, Bác Hồ đã mời cơm Đại tướng. Bữa cơm đạm bạc nhưng nồng ấm tình thương… Đau đến quặn lòng là những dòng ghi lại giây phút xót xa: Đại tướng đột ngột lâm bệnh trọng trước giờ ra trận, và 9 giờ ngày 6 tháng 7 năm 1967, trái tim dạt dào tình nhân ái, đau đáu vì hạnh phúc nước non của Đại tướng đã ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí suốt từ Bắc tới Nam…
Gần 800 trang còn lại là tổng hợp phần hai, ba, bốn, năm, gồm các tác phẩm của Đại tướng, bao quát nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa nghệ thuật, quân sự… Với nhiều nội dung quan trọng, vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp bách trước mắt. Khi đề cập đến vấn đề lập trường tư tưởng và công tác tư tưởng, Đại tướng đã dành nhiều tâm huyết để phân tích vai trò của học thuyết Mác - Lênin và sự vận dụng sáng tạo học thuyết ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; vấn đề xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách công tác để nâng cao sức mạnh chiến đấu của từng tổ chức đảng và từng đảng viên; nhiệm vụ rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật vô tận của quần chúng, xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với xây dựng tư tưởng, tình cảm mới và nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu của quần chúng… Với ý thức thường trực xây dựng cái mới, cái tốt đẹp được tiến hành đồng thời với việc chống cái cũ, cái tiêu cực lạc hậu, trong đó nguồn gốc sâu xa là chủ nghĩa cá nhân, ngay từ những năm 1957, 1959, Đại tướng đã có những tác phẩm xuất sắc phân tích, mổ xẻ thấu đáo nguồn gốc sâu xa này, đó là: “Chống chủ nghĩa cá nhân”, “Phát huy chủ nghĩa tập thể, tiếp tục chống chủ nghĩa cá nhân”… Bằng phương pháp diễn đạt khoa học, văn phong giản dị, trong sáng, tôi tin rằng bất cứ ai khi đọc những tác phẩm này đều rất thấm thía, càng thấm thía hơn khi liên hệ, đối chiếu với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay để từ đó có cái nhìn toàn diện, nghiêm túc về bản thân mình, tập thể mình và môi trường xã hội nơi mình đang sống…
Nói về công tác xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa chính trị, tư tưởng và tổ chức, mối quan hệ của Đảng với Quân đội… mà phát triển, mở rộng những mối quan hệ đó trong mối liên hệ biện chứng với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Cuộc chiến tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc chiến tranh nhân dân. Nhờ toàn dân đánh giặc, trong đó quân đội là nòng cốt nên chúng ta có sức mạnh vô địch. Từ xuất phát điểm đó, khi phân tích về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội… bao giờ Đại tướng cũng đặt trong mối quan hệ tổng thể, mối quan hệ giữa “điểm” và “diện”, bởi thế “điểm” được phân tích rất sâu sắc và “diện” cũng được khắc họa rất rõ nét, nổi bật…
Khi miền Bắc thực hiện phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước vừa có tác động trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người vừa đóng vai trò quyết định để hoàn thành sứ mệnh “Hậu phương lớn” của chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao trọng trách là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Hôm giao nhiệm vụ, Bác kính yêu đã ân cần căn dặn Đại tướng: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”. Thực hiện lời Bác dặn, Đại tướng đã đi sâu sát nhiều cơ sở, lăn lộn với phong trào địa phương, đúc rút, tổng kết kinh nghiệm xây dựng phong trào hợp tác xã và phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Đại Phong. Khởi điểm từ phong trào này, mặt trận nông nghiệp sôi động hẳn lên và thu được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực, củng cố vững chắc hậu phương lớn miền Bắc. Tuy thời gian chỉ đạo nông nghiệp không dài nhưng Đại tướng đã có một loạt bài viết quan trọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, như: “Học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển”, “Đánh giá đúng tình hình, ra sức củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5”, “Hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong”, “Một số ý kiến về nông nghiệp”, “Mấy kinh nghiệm lớn về thâm canh tăng năng suất của hợp tác xã Thư Thị”… Những bài viết này như một “luồng gió mới” trên mặt trận nông nghiệp, được nông dân hào hứng đón nhận bởi tính hữu ích cao khi vận dụng vào thực tế sản xuất. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, đột ngột chuyển sang chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và đã hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao quả là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Kết thúc Tổng tập là những bài viết của Đại tướng tại chiến trường khi ở cương vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Đọc lại những bài viết này chúng ta càng thương nhớ Đại tướng biết bao. Vẫn văn phong ấy, giản dị, trong sáng mà giàu thông tin, hàm chứa những nội dung hết sức sâu sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam, tư tưởng chỉ đạo tác chiến, các bài học kinh nghiệm lớn trong tổ chức chiến dịch, xây dựng lực lượng vũ trang, phân tích chính xác những âm mưu, thủ đoạn cùng những mâu thuẫn nội tại của kẻ thù… Thời gian trôi đi, cách mạng Việt Nam đã bước sang những trang mới, nhưng những cống hiến sâu sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam mà đỉnh cao là chiến thắng mùa khô 1965 - 1966 và chiến thắng Đông - Xuân 1966 - 1967… cùng những tác phẩm quân sự sắc sảo vẫn mãi mãi in đậm trong lịch sử.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích, xây dựng nhiều công trình để hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn: 80 năm Ngày thành lập Đảng, 120 năm Ngày sinh nhật Bác, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… “Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” chính là một trong những công trình đó. Chắc chắn tác phẩm sẽ có sức sống bền lâu, sẽ đồng hành cùng quân dân ta trong từng bước đường đi tới tương lai vì những giá trị đích thực trên nhiều phương diện mà gốc rễ là: Sự tỏa sáng của một tấm gương lớn.
2009
1. Năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng tập được chỉnh lý, bổ sung và xuất bản lần thứ hai.