(Theo lời kể của Đại tá Trần Hữu Đạo nguyên Trưởng ban Thông tin hữu tuyến điện - Đoàn 559)
Trưa ngày 7 tháng 4 năm 1975, Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được bức điện tối khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức điện mang mã số 157-H-TK, với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Ngay lập tức, qua các phương tiện thông tin, toàn văn bức điện được gửi tới tất cả các đơn vị. Toàn tuyến sục sôi khí thế. Trên vách nhà tổng đài, trạm cơ vụ, trạm máy, trạm canh dây… và trên các vành mũ của cán bộ, chiến sĩ thông tin đều dán khẩu hiệu: “Thần tốc - táo bạo - toàn thắng”.
Khi cánh quân Duyên Hải được thành lập, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Phó Tư lệnh cánh quân này. Phòng thông tin chúng tôi bố trí ngay một tổ xe điện đài trực tiếp đi phục vụ giữ vững liên lạc cho Tư lệnh. Sau khi tuyến phòng thủ của địch bị vỡ, Nha Trang được giải phóng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định chuyển Sở chỉ huy cơ bản vào Nha Trang, đặt tại trường hạ sĩ quan thông tin của địch ở Đồng Đế mà quân ta vừa tiếp quản. Bến Tắt (Sở chỉ huy cơ bản cũ ở nam sông Bến Hải) trở thành hậu cứ, Sở chỉ huy tiền phương vẫn ở Buôn Ma Thuột. Theo lệnh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, trong một tuần thông tin phải tổ chức xong đường tiếp sức ven biển nối giữa Nha Trang và Bến Tắt. Đại đội 4 tiếp sức thuộc Tiểu đoàn 16 thông tin Tổng trạm đã khẩn trương thu quân, dùng 4 xe công trình xa theo Quốc lộ 1 tiến qua các vùng mới giải phóng còn nghi ngút khói lửa để thiết lập các trạm tiếp sức trên các điểm cao Ngự Bình (Thừa Thiên - Huế), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), núi Ấn (Quảng Ngãi), đèo Rù Rì (Nha Trang). Suốt đêm ngày anh em phải tháo máy khuân vác bộ lên các đỉnh cao. Ngày 13 tháng 4 năm 1975, tuyến liên lạc đã thông suốt đúng thời gian quy định. Để liên lạc giữa Sở chỉ huy cơ bản và Sở chỉ huy tiền phương bằng tiếp sức, anh em đã khẩn trương cơ động, đặt trạm tiếp chuyển trên đỉnh đèo Phượng Hoàng. Liên lạc giữa hai Sở chỉ huy nhanh chóng thông suốt, chất lượng tốt. Bộ Tư lệnh rất hài lòng và biểu dương thành tích xuất sắc của thông tin tiếp sức. Tại Sở chỉ huy cơ bản, mạng thông tin được tổ chức rất gọn nhẹ. Ngoài máy vô tuyến điện báo vẫn được duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các hướng, các đơn vị; liên lạc đường dài bằng mạng tiếp sức… chúng tôi chỉ đặt một tổng đài 40 số để phục vụ liên lạc nội bộ Sở chỉ huy. Tổ đài 15 oát cơ động phục vụ bộ phận đại diện Bộ Tư lệnh Trường Sơn do Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy phụ trách đặt bên cạnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh luôn giữ liên lạc tốt.
Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị khẩn cấp với thành phần là cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Tư lệnh thông báo tình hình phát triển của chiến dịch, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Ngay sau hội nghị, thông tin vô tuyến điện đã chuyển ngay bức điện của Bộ Tư lệnh đến tất cả các đơn vị tham gia chiến dịch và động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Trước đó, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 1975, trong vòng gần 20 ngày Sư đoàn 571 đã huy động 1.000 xe đưa đội hình Quân đoàn 1 vượt 1.200km đường Trường Sơn vào tới Đồng Xoài, trước sáu ngày so với thời gian quy định. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 471 cũng đã đưa đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B (Khu 5) vào Lộc Ninh đúng thời gian quy định… Với sự đóng góp lớn của mình, bộ đội vận tải Trường Sơn đã góp phần quan trọng cơ giới hóa đội hình các mũi tiến công của quân ta để thực hiện tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…”.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, đợt tổng công kích vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của chính quyền ngụy bắt đầu. Trên các hướng tiến công của quân đoàn chủ lực, 2 sư đoàn xe ô tô 571 và 471 của Bộ đội Trường Sơn đã tham gia tích cực đưa lực lượng quân ta tiến vào nội đô. Các đơn vị công binh Trường Sơn bảo đảm giao thông trên các trục lộ chính. Bộ đội đường ống xăng dầu suốt ngày đêm bảo đảm nhiên liệu cho xe cơ giới cơ động tiến về phía trước… Khắp các lực lượng, thông tin Trường Sơn đều bố trí các tổ điện đài đi cùng để giữ vững liên lạc. Không khí tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong các ngày 28, 29 tháng 4 năm 1975, có lúc căng thẳng đến tột độ. Tin tức điện báo từ các mũi tiến công liên tiếp gửi về. Nhiều bức điện vừa được dịch xong, nét mực còn tươi đã được đọc ngay trước Bộ Tư lệnh. Sang ngày 30 tháng 4 năm 1975, tin tức điện về tăng gấp bội. Các bức điện đều cho biết: Từ nhiều hướng, các quân đoàn 1, 2, 3, 4 đồng loạt tiến công dũng mãnh vào nội đô Sài Gòn và lần lượt đánh chiếm những mục tiêu trọng yếu của địch.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 đã tiến công làm chủ dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập… Điện từ Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ đại diện Bộ Tư lệnh Trường Sơn bên cạnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch báo về, báo vụ của Tiểu đoàn 16 thông tin tổng trạm nhận xong, cơ yếu túc trực bên cạnh dịch ngay rồi chuyển cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tại Sở chỉ huy, chúng tôi vui mừng đến nghẹt thở. Tin vui cũng lan nhanh đến các chiến sĩ thông tin của 2 trung đoàn dây trần đang phục vụ liên lạc ở hai tuyến Đông, Tây Trường Sơn; đến các chiến sĩ tiếp sức trên các đỉnh cao heo hút dọc ven Biển Đông và ở Tây Nguyên; đến các chiến sĩ thông tin nam nữ đang phục vụ tại các tổng đài, tổ, trạm, máy… trên toàn tuyến - những người đã kế tục truyền thống cha anh, giữ vững mạch máu thông tin suốt 16 năm qua để góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử hôm nay, cái ngày mà như Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã nói sau giờ toàn thắng: “Ngày mà cả đời người mới có một lần, thậm chí nhiều đời mới có một lần…”.
Chiều và đêm 30 tháng 4 năm 1975, cả thành phố Nha Trang tưng bừng cờ hoa mừng chiến thắng. Cờ đỏ sao vàng, cờ nửa xanh nửa đỏ rợp đất trời. Tôi và một số anh em ở Sở chỉ huy hòa vào dòng người đông nghịt trên các đường phố chính. Tất cả phất cao cờ và hô vang các khẩu hiệu: “Cách mạng muôn năm!”; “Nhiệt liệt chào mừng chiến thắng!”; “Nhiệt liệt chào mừng Quân giải phóng!”… Nhiều người không nén được cảm xúc trào dâng đã òa khóc. Đúng là những giọt nước mắt dành cho ngày chiến thắng, dành cho ngày vui đoàn tụ Bắc Nam, sum họp một nhà.
Tôi bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm buồn vui đã qua. Tôi vào chiến trường cuối năm 1965, suốt gần 10 năm trên dải Trường Sơn, tôi cùng đồng đội sống chết có nhau để xây dựng và bảo vệ mạch máu thông tin, nay đã toàn thắng nhưng biết bao đồng đội tôi đã nằm lại giữa rừng, không kịp đón mừng giờ phút thiêng liêng lịch sử này. Đêm 30 tháng 4 năm 1975, tại Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Đồng Đế, Nha Trang không mấy ai ngủ được.
Tôi đã thức trọn đêm, ngắm bầu trời đầy sao và nghe tiếng sóng biển rì rào, lòng mong ước trời nhanh sáng để lại được cùng đồng đội hân hoan sẻ chia niềm vui chiến thắng.
2009