“Điệu ru của mẹ” là tập thơ gồm các bài thơ chọn lọc từ hàng trăm bài thơ mà Văn Thùy đã sáng tác suốt hơn 10 năm. Tập thơ bao quát nhiều nội dung về cuộc đời với những số phận con người xưa và nay ở các vùng miền trên đất nước, trong đó có cả số phận thi nhân mà chính bản thân tác giả là một điển hình.
Cũng như con người Văn Thùy, nét đặc sắc nhất của tập thơ là sự pha trộn tự nhiên giữa “chất quê” đậm đặc và chất “lãng tử” hồn nhiên. Sự pha trộn ấy được thể hiện qua rất nhiều tứ thơ lạ với ngôn từ dân dã, giản dị mà giàu hình tượng. Người đọc bị cuốn hút, bất ngờ bởi những câu thơ tinh tế, đầy tâm trạng… bởi sự tìm tòi, phát hiện đậm dấu ấn rất riêng của tác giả:
“Quay về ngồi gốc đa thôi
Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm”
(Tỉnh ngộ)
“… Mẹ ta dằng dặc kiếp người
Loãng bầu sữa ngọt, đậm lời hát ru…”
(Điệu ru thành người)
“… Tóc rơi sợi chậm sợi nhanh
Con vơ nhịp rụng bện thành điệu ru…”
(Sợi thu tóc mẹ)
Ấn tượng mà “Điệu ru của mẹ” mang lại chính là nhờ cảm xúc chân thành, mãnh liệt cùng sự tài hoa (khiêm nhường đấy mà triết lý đấy) của tác giả. Đọc “Điệu ru của mẹ”, ta như được chiêm ngưỡng một bức tranh truyền thống đa sắc, vừa thân quen gần gũi tựa dân ca, ca dao vừa chứa những ý tưởng mới của cuộc sống hiện đại.
“Điệu ru của mẹ” đã góp phần tôn vinh thể loại thơ lục bát - thể loại thơ ta vẫn trân trọng, nâng niu bấy lâu nay, thể loại thơ đã ngấm vào máu Việt.
Cảm ơn Văn Thùy đã giúp người đọc thêm bổ dưỡng tâm hồn thấm đậm tình quê, tình người qua “Điệu ru của mẹ”.
Hà Nội - 2008