Tôi đọc mê mải “Lời sông” rồi chợt nhận ra rằng: “Lời sông” chính là lời người đấy! Mượn lời sông để nói lời người, mượn phận sông để nói phận người âu cũng là lẽ ẩn mình tự nhiên thường thấy xưa nay của những cây bút nữ. Đó là lời, là phận của những người mẹ, người vợ, người chị, người em… mà cuộc đời của họ tựa như cuộc đời sông ngàn năm oằn mình chảy. Là sự hòa trộn giữa hạnh phúc với khổ đau, giữa niềm vui và nỗi buồn muôn thuở tựa như dòng sông luôn đan xen giữa thanh bình, yên ả với xiết xoáy, cuộn trào trong vòng tuần hoàn miệt mài của tạo hóa.
Nếu coi chi tiết là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên hồn cốt và dáng vóc của truyện ngắn, thì ở điểm này Lâm Hoàn đã thành công: Su Li Nha như kẻ mộng du lặng lẽ trở lại giảng đường. Anh mơ hồ tìm lại hơi ấm bàn chân của cô giáo Hạnh rồi ướm bàn chân mình vào từng nốt chân nhỏ xinh trong tưởng tượng… Người mẹ trẻ ôm khư khư chiếc gối bông mềm, sau khi hít hà thơm lên má gối là những lời ru dịu ngọt. Bất thần, nhận ra không phải con mình, chiếc gối rách tan vì tình yêu thật không thể neo đậu nơi không thật. Người mẹ băng mình đi tìm con. Người ta gọi chị là “người đàn bà điên” nhưng tình yêu con quên cả bản thân mình đang tồn tại thánh thiện, cao vời để ta ngước mắt nhìn lên… Giữa nghi ngút khói hương, Lan đổ người trên mộ tưởng được ôm chầm lấy người chồng yêu quý. Lan chết lặng! Thân thể Khương đang hòa vào cát bụi. Chỉ có hoa mua là thực, rung rinh tím ngắt đến nhức lòng… Nhiều, rất nhiều những chi tiết giản dị mà ấn tượng, gần gũi mà mới lạ, đọc xong sự ám ảnh cứ làm lòng ta thêm trĩu nặng.
Yêu văn thơ từ nhỏ, đã từng trải qua những năm tháng đói nghèo đến giấc mơ cũng xoay quanh nghèo đói, Lâm Hoàn rất thấu hiểu cuộc đời của những người phụ nữ sinh ra, lớn lên từ bần hàn, lam lũ. Nhân vật chính trong suốt tập truyện ngắn “Lời sông” đều là những người phụ nữ bình dị mà ta vẫn thường gặp giữa cuộc đời: Người mẹ nghèo, cô giáo say nghề, nữ sinh viên vô tư trong sáng, cô họa sĩ đa tài, người đàn bà bán hàng rong… Có điều, tất cả những nhân vật ấy đều không bình thường vì: Họ khát khao được hạnh phúc, được yêu. Họ muốn cháy hết mình cho cuộc đời. Phũ phàng thay, nỗi khát khao hạnh phúc, tình yêu của họ đều dang dở, thậm chí kết cục là bi kịch mà bản thân họ lại hoàn toàn vô tội.
Không day dứt sao được khi người mẹ nghèo ra đi trong tê tái. Chồng mất, con mất, bà đã chết hai lần. Đứa con gái buôn lậu ma túy đã đẩy bà đến lần chết thứ ba… Tình yêu giữa Trâm Anh và Minh đẹp đẽ là thế, ấm nồng là thế, vậy mà Trâm Anh phải nuốt nước mắt nhìn Minh lên xe hoa. Cuối truyện, người con trai hào hoa ấy lâm bệnh trọng. Vợ Minh bỏ đi, để mặc Trâm Anh nức nở bên Minh trong giây phút sắp vĩnh viễn xa nhau… Cô họa sĩ phải lòng chàng kiến trúc. Giọt máu để lại trong cơ thể người con gái đam mê những gam màu lớn dần. Bất ngờ, sự phản bội lộ diện. Những gam màu sặc sỡ như mùa xuân phút chốc trở thành màu đen ảm đạm. May sao, những gam màu thật của cuộc đời đã níu cô ở lại dẫu nỗi xót đau còn hành hạ mãi trái tim cô…
Xưa nay và có lẽ mãi mãi về sau, bất kể ở đâu, làm gì người phụ nữ bao giờ cũng là đối tượng dễ tổn thương. Họ sinh ra ở đời như một minh chứng điển hình của sự mâu thuẫn mỏng manh mà kiên trinh; yếu đuối mà dữ dội; thầm lặng hy sinh nhưng khát khao cháy bỏng… Hạnh phúc và tình yêu là điều muôn thuở. Suốt đời họ kỳ vọng, vươn tới… nhưng (lại một chữ “nhưng” muôn thuở) trong cuộc hành trình gian nan, dài dằng dặc ấy họ không thể tự đến đích nếu thiếu sự đồng cảm hy sinh, sự sẻ chia trách nhiệm và tình yêu cao đẹp, sáng trong (thậm chí có lúc mang tính mở lối, dẫn đường, là điểm vịn tựa vững chắc) của đấng mày râu… Phải chăng, sâu thẳm trong từng trang viết Lâm Hoàn muốn bày tỏ lời nhắn gửi ấy - lời nhắn gửi của phái đẹp, phái yếu, lời của những trái tim nhân hậu, vị tha nhưng vô cùng khát khao, đa cảm.
Tôi đọc “Lời sông” và tự thấy càng phải trách nhiệm hơn với cuộc đời bởi phần nào đã nhận ra lời nhắn gửi của nhà văn.
2008