Giữa hè 2008, Ngã ba Đồng Lộc nắng chang chang. Sau khi làm lễ dâng hương tưởng niệm mười cô gái - mười đóa hoa bất tử: Tần, Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, đoàn cán bộ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân lặng lẽ hóa vàng mười quyển sách “Đồng Lộc - Những người con bất tử”. Được sự giúp đỡ nhiệt thành của Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, sự phối hợp chu đáo của Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chỉ trong vòng hơn một tháng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm “Đồng Lộc - Những người con bất tử” để kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc (24.7.1968 - 24.7.2008).
Hơi nắng, hơi lửa hòa vào nhau hầm hập. Áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Mặc. Từng trang, từng trang sách cháy bùng. Tôi thầm gọi: “Các chị ơi! Ngọn lửa thiêng sẽ mang những trang sách này gửi tới các chị. Những trang sách có sông La, sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu… có quýt đỏ Sơn Bằng, có bưởi Hương Khê đấy!... Hãy nhận tấm lòng thành từ những người chiến sĩ chúng tôi…”.
Càng về trưa người đến dâng hương tưởng niệm và thăm viếng các chị càng đông. Rất nhiều người không cầm được nước mắt. Trên từng ngôi mộ hoa dày thêm, trắng nhưng nhức. Mắt tôi đỏ hoe mờ nhòe hương khói. Tôi rút khăn mùi soa, nhẹ bước về gốc cây bồ kết bên phải nghĩa trang. Thật bất ngờ! Trước tấm bia đá khắc bài thơ “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng là một cháu trai chừng sáu, bảy tuổi đang ngồi xổm cặm cụi chép bài thơ vào vở. Mặt mũi cháu nhễ nhại mồ hôi. Mải chép, cháu hầu như không để ý đến những người xung quanh, quên cả cởi chiếc mũ bảo hiểm bé xíu trên đầu. Đứng bên cháu là một người đàn ông đen sạm, gầy guộc. Tôi đến bên người đàn ông hỏi nhỏ:
- Thưa anh, anh là bố cháu ạ?
- Vâng! Em là bố cháu. Trước đây em cũng đi bộ đội được gần 20 năm, sau về công tác ở địa phương.
- Quê anh ở đâu?
- Em ở ngoài Ninh Bình. Xem tivi thấy nói về nghĩa trang Đồng Lộc, cháu cứ đòi đi. Em bảo chờ đến dịp nghỉ hè. Sáng nay hai bố con đi xe máy từ 4 giờ…
- Cháu học lớp mấy?
- Dạ! Vừa mới hết lớp một.
Mọi người xúm đến bên cháu ngày một đông. Thấy lưng cháu đầy nắng, Trung tá Bùi Kim Dung - Trưởng ban Tài chính và Trung úy Nguyễn Minh Thủy - cán bộ biên tập Phòng Biên tập sách Văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội thay nhau cầm ô che nắng cho cháu. Nhiều dòng thơ rất khó đọc bởi mưa nắng đã làm bong những nét sơn tô theo nét khắc. Có dòng, cháu bé phải nhìn sát vào bia để luận. Một người, hai người rồi ba, bốn người trở thành “phiên dịch viên” tự nguyện giúp cháu. Một cán bộ trong đoàn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân thương cháu, bày tỏ:
- Tiếc quá! Biết trước, để dành tặng cháu một quyển “Đồng Lộc - Những người con bất tử” thì cháu đỡ phải chép.
Bố cháu cười hiền từ:
- Em cũng bảo, để bố về tìm bài thơ này cho con, nhưng cháu không nghe. Cháu nói: “Con tự chép ở đây cơ. Con chép để về tặng mẹ, tặng ông bà”.
Tôi lặng người! Trời ơi! Tâm hồn trẻ thơ sao trong trẻo và sâu sắc thế. Tò mò, tôi ngồi thụp xuống sau lưng cháu. Cháu nắn nót viết từng chữ, dẫu không đẹp nhưng dễ đọc:
Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc…
Tôi nhẩm tính: “Với người lớn, bài thơ này nếu chép từ bia chỉ mất khoảng 10 phút, nhưng với cháu bé lớp một này, mười phút mới chép được bốn câu. Bài thơ dài 25 câu, nghĩa là cháu phải ngồi chép hơn một tiếng”. Nhà thơ Vương Trọng đã từng tâm sự: “Có lần tôi tới bia đá thấy rất nhiều sinh viên xúm xít mở sổ chép thơ. Biết tôi là tác giả, các em xin chụp ảnh lưu niệm và hỏi rất nhiều chuyện xung quanh bài thơ”. Vâng! Sinh viên chép bài thơ này là chuyện thường tình nhưng một cháu bé mới lớp một mà cặm cụi hơn một tiếng để chép bài thơ này thì quả là hiếm. Nếu nhà thơ Vương Trọng có mặt hôm nay, chắc ông cũng cảm động nhiều lắm.
Công việc phía trước còn nhiều, chúng tôi phải chia tay cháu khi cháu đang chép dở bài thơ trên bia đá. Gió xôn xao, cây bồ kết ngả bóng che mát cho cháu bé. Chiếc ô tô 16 chỗ tiếp tục tiến về phía Nam. Hình ảnh bố con người cựu chiến binh đi xe máy lặn lội mấy trăm cây số để đến thắp hương tại Ngã ba Đồng Lộc, rồi cháu bé cặm cụi ngồi chép bài thơ bên bia đá cứ xao xuyến mãi trong tôi.
7-2008