Để đáp ứng với yêu cầu tuyên truyền và cổ vũ các lực lượng vũ trang nhân dân hăng hái kháng chiến, Hội nghị chính trị viên lần thứ nhất của Quân đội ta do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung ương Quân ủy và đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Chính trị Cục chủ trì từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 2 năm 1947 đã quyết định: Tổ chức một tờ báo mới lấy tên là “Vệ quốc quân” và tổ chức một nhà xuất bản lấy tên là “Nhà xuất bản Vệ quốc quân”. Hội nghị cũng chỉ rõ: “Nên ra những quyển sách cho đội viên. Tủ sách ấy có thể gồm các loại chính trị, loại quân sự, loại truyện như gương anh dũng hay truyện dài hơn…” (“Lịch sử Nxb Quân đội nhân dân” - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005).
Do đặc điểm của việc xuất bản sách là không có tính định kỳ như báo và do đặc điểm tổ chức của ta lúc đó là “ít người nhiều việc” (trong năm 1947, lúc cao nhất quân số của Chính trị Cục cũng chỉ có 17 người) nên các cán bộ làm công tác tuyên truyền và làm Báo Vệ quốc quân đảm đương luôn nhiệm vụ xuất bản sách. Đồng chí Lê Tất Đắc, Phó Cục trưởng Chính trị Cục, Trưởng phòng Tuyên truyền, Chủ nhiệm Báo Vệ quốc quân đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Vệ quốc quân. Phòng Tuyên truyền lúc này có các đồng chí: Nguyễn Công Hoan, Tân Sắc, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Ngô Điền, Từ Bích Hoàng… và hai họa sĩ là Mai Văn Hiến và Dương Bích Liên.
Sau khi xuất bản một số cuốn sách “Mười vấn đề của cuộc trường kỳ kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cách mạng dân chủ mới ở Đông Dương” của đồng chí Trường Chinh, “Cuộc chiến tranh giải phóng của ta - Chiến lược và chiến thuật” của đồng chí Võ Nguyên Giáp… họa sĩ Mai Văn Hiến được giao nhiệm vụ vẽ biểu trưng của Nhà xuất bản Vệ quốc quân để in vào bìa sách. Vừa vẽ vừa xin ý kiến của tập thể để chỉnh sửa, cuối cùng họa sĩ Mai Văn Hiến đã hoàn thành nhiệm vụ, biểu trưng của Nhà xuất bản Vệ quốc quân đã ra đời. Đó là cuốn sách mở trên nền rừng núi trùng điệp được vẽ cách điệu. Hình ảnh núi rừng thể hiện ý tưởng: Nơi Nhà xuất bản sinh ra là Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Ở giữa cuốn sách mở là hình ảnh khẩu súng treo trên ngôi sao vàng 5 cánh, thể hiện chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Nhà xuất bản là làm sách quân sự. (Trước đó, Nhà xuất bản Sự thật và Nhà xuất bản Lao động đã ra đời. Đây là hai nhà xuất bản đầu tiên của chế độ mới). Hình ảnh khẩu súng treo trên ngôi sao vàng 5 cánh còn mang chút ý thơ “Đầu súng trăng treo” để gửi gắm tâm sự, ước vọng của những người làm sách quân sự… Biểu trưng này được in trên bìa sách của Nhà xuất bản Vệ quốc quân từ năm 1948.
Tháng 3 năm 1948, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng chỉ huy quyết định thành lập thêm tờ Báo Quân du kích và Nhà xuất bản Quân du kích do Cục Dân quân trực tiếp quản lý. Đồng chí Đào Phan được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Báo Quân du kích kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Quân du kích. Ban biên tập sách, báo gồm các đồng chí: Trần Cư, Hà Xuân Lợi, Ngọc Bằng, Hoàng Văn, Ngô Hoài, Lê Bách, Hoàng Thương… và họa sĩ Đinh Hạnh (Mai Sơn). Ngay sau khi thành lập, Nhà xuất bản Quân du kích đã xuất bản một số cuốn sách như “Phát động du kích chiến tranh” của đồng chí Võ Nguyên Giáp, “Một năm dân quân chiến đấu” của đồng chí Lê Liêm…
Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL quy định về tổ chức Bộ Tổng tư lệnh. Điều 3 của Sắc lệnh ghi rõ: “Tổng cục Chính trị gồm có: a) Cục Tổ chức; b) Cục Tuyên huấn; c) Cục Địch vận; d) Cục Quân pháp; e) Nhà xuất bản Vệ quốc quân…”. Thực hiện chủ trương của Thủ trưởng Bộ và Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, hai tờ báo Vệ quốc quân và Quân du kích sáp nhập làm một, lấy tên là Báo Quân đội nhân dân. Việc sáp nhập hai nhà xuất bản Vệ quốc quân và Quân du kích cũng được tiến hành đồng thời với việc sáp nhập hai tờ báo, nhưng tên gọi của nhà xuất bản mới có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ tên truyền thống Nhà xuất bản Vệ quốc quân, vì danh hiệu này vừa được Sắc lệnh số 121/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trong cơ cấu của Tổng cục Chính trị. Loại ý kiến thứ hai đề nghị đổi tên thành Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho thống nhất với tên Quân đội ta và Báo Quân đội nhân dân. Bởi vậy, trong gần 20 đầu sách xuất bản cuối năm 1950 đầu năm 1951, một số sách đã chuyển sang tên mới là Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhưng một số sách vẫn lấy tên cũ là Nhà xuất bản Vệ quốc quân. Tất nhiên biểu trưng in bìa sách cũng phải phù hợp với tên nhà xuất bản. Với tên mới, bên dưới cuốn sách mở trong biểu trưng, ba chữ V.Q.Q được thay bằng bốn chữ Q.Đ.N.D. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2.1951), tên sách của nhà xuất bản mới thống nhất là Quân đội nhân dân và cũng chỉ sử dụng một biểu trưng có hàng chữ Q.Đ.N.D. Ngoài thay đổi dòng chữ viết tắt, mọi hình ảnh trong biểu trưng vẫn giữ nguyên.
Từ giữa năm 1957 trở đi trên cơ sở trung thành với biểu trưng truyền thống, biểu trưng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân được tập thể cán bộ, nhân viên nhà xuất bản chỉnh sửa cho thanh thoát hơn: Nền núi rừng Việt Bắc được thu nhỏ, chuyển từ đường lượn cong sang đường thẳng; ngôi sao được tô đậm, thu gọn; khẩu súng và dây treo thanh mảnh hơn; bỏ bốn dấu chấm sau bốn chữ viết tắt (Q.Đ.N.D.) và nét bốn chữ QĐND cũng không tô đậm như trước…
Trải qua hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (nếu tính từ đơn vị tiền thân là Nhà xuất bản Vệ quốc quân là hơn 60 năm), trên 1 vạn đầu sách, với hàng chục triệu bản cùng hàng chục tỷ trang in của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã đến với đồng bào, chiến sĩ khắp mọi vùng, miền đất nước. Đồng thời vì ý nghĩa to lớn từ nội dung của các cuốn sách là góp phần hướng dẫn, chỉ đạo, cổ vũ động viên đồng bào, chiến sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biểu trưng của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã trở thành hình ảnh thân thương, gần gũi, tin tưởng của bạn đọc bao thế hệ. Biểu trưng đó cũng là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ những người lính làm sách, là lời nhắc nhở thế hệ những người lính làm sách hôm nay và mai sau: Hãy mãi mãi xứng đáng với truyền thống vẻ vang, nỗ lực vượt bậc, vươn lên không ngừng trên chặng đường đi tới.
2007