Vũ Xuân sinh ngày 25 tháng 4 năm 1946, nhập ngũ ngày 3 tháng 7 năm 1963. Trong trận tập kích đồn Kênh 2 (Gò Quao, Kiên Giang), anh đã anh dũng ngã xuống bởi những viên đạn tàn nhẫn của quân thù. Hôm đó là ngày 13 tháng 5 năm 1974.
Gần mười năm quân ngũ (chủ yếu ở chiến trường), Vũ Xuân đã có ba cuộc hành quân từ Bắc vào Nam “Gian lao mà anh dũng” để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Cuốn nhật ký quý giá anh để lại cho chúng ta hôm nay ghi khá chi tiết hai trong ba cuộc hành quân kỳ vĩ đó, đặc biệt cuộc hành quân thứ ba, từ quê hương Thái Nguyên đến tận mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, rồi về chiến đấu trong đội hình Đoàn 6 pháo binh. “Gần sáu tháng kể từ ngày xuất phát vẫn chưa tới đích”.
Suốt chặng đường hành quân “dài dặc ngút ngàn” ấy, những nỗi gian truân cùng sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ lần lượt hiện lên sống động trong từng trang nhật ký: “Bộ đội ốm như ngả rạ. Những cậu thanh niên trẻ măng, má bụ sữa phinh phính như con gái bỗng nhiên sốt li bì, sờ trán nóng ran. Có cậu sốt 40 độ vẫn lội suối, leo đèo…”, “… Hòa, cậu B phó mới phụ trách chính trị viên phó đã ngã xuống. Hòa ơi! Vĩnh biệt nhé! Nhớ mãi ngày nào Hòa còn ước mong “sang chỗ anh Xuân cùng Liên uống nước chè, tâm sự…”, “… thay mặt gia đình, thay mặt anh em bè bạn, vĩnh biệt mày Huyền ơi!...”, “… Các, cậu liên lạc cũ của mình đã nằm xuống tại vị trí chiến đấu với hai chiến sĩ… trong số trăm những anh hùng có danh còn ngàn, vạn, chục vạn anh hùng vô danh khác…”.
Gian khổ, hy sinh thậm chí “ngoài cả sức tưởng tượng” vẫn không ngăn nổi bước tiến của Vũ Xuân cùng những người đồng đội thân yêu của anh. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng đã tạo nên sức mạnh phi thường cho người chiến sĩ. “… Cả dân tộc Việt Nam, cả loài người tiến bộ mong một buổi sớm mai. Cái buổi sớm mà các mũi tiến công ào ạt như vũ bão lao vào sào huyệt cuối cùng của giặc. Trên khung cảnh nát tan của đồn thù, các chiến sĩ vừa nhảy lên vừa reo hò, tung súng, tung mũ lên cao, cờ bay phần phật trước gió. Từng đoàn quân chiến bại của giặc tay giơ cao ùn ùn từ các hầm pháo kéo nhau ra hàng…”.
Là một cán bộ chính trị (Chính trị viên đại đội, Chính trị viên phó, rồi Chính trị viên tiểu đoàn), anh luôn xác định phải đi đầu trong mọi hoàn cảnh, phải là tấm gương sáng để anh em noi theo. Những nỗi buồn đau, những giây phút yếu đuối, tròng trành đều được anh nén xuống, xua tan để còn lại một Vũ Xuân nhiệt huyết, hừng hừng quyết tâm, luôn giương cao ngọn cờ cách mạng. Anh đã nhắc nhở anh em và cũng tự nhắc nhở mình: “… Để có tất cả phải có những người dám cống hiến và hy sinh tất cả…”, “bàn giao nguyên vẹn cái cơ đồ, cái giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai chính là trách nhiệm của chính mình, của thế hệ những thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này…”.
Ý chí cách mạng luôn gắn bó, song hành với tình cảm cách mạng sáng trong. Đường hành quân tiến lên phía trước nhưng trong lòng Vũ Xuân và những đồng đội của anh luôn nặng trĩu tình yêu với Tổ quốc, quê hương: “… lại một ngày nữa trên Bô-lô-ven. Gió từ Tổ quốc vượt Trường Sơn sang đây ào ạt từng đợt, từng đợt liên tiếp không dứt. Quê hương định nói gì với chúng tôi vậy? Giận dữ gì chúng tôi chăng? Hay muốn xua tan không khí hanh hao của đất Lào đang hành hạ chúng tôi - Những đứa con xa Tổ quốc…”, “… đài báo gió lạnh về miền Bắc. Thầy mẹ mình, cái tuổi già nua, sức lực có vậy chống đỡ với giá lạnh sao đây…”.
Hơn 200 trang nhật ký là hơn 200 trang chất chứa bao kỷ niệm, nỗi niềm, bao khát vọng ước mơ. Sự trung thực, sinh động của những tháng ngày oanh liệt cũng như tâm hồn trong trẻo, lạc quan, nồng nàn yêu thương, cháy bỏng căm thù của người chiến sĩ ngưng đọng trong từng trang, từng dòng nhật ký. Ai đã từng lên đường đánh giặc sẽ gặp lại hình ảnh của mình trong cuốn nhật ký quý giá này, còn ai chưa có được niềm vinh dự đó, sẽ càng thấu hiểu hơn cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ.
“… Tôi chỉ muốn một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau là: Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước. Hãy giữ lấy mảnh đất vô giá này”.
Vũ Xuân đã viết như thế trong những trang cuối cùng của cuốn nhật ký.
Chúng ta cũng nguyện sống như thế, để xứng đáng với anh, với bao anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
2005