Chi tiêu ít hơn thu nhập.
“Thành công tài chính thường đến từ việc kiên trì thực hiện những việc nhỏ, chứ không phải từ những việc lớn nhưng thất thường.”
-@Người thầy Oola
Sức khỏe Oola và Tài chính Oola có nhiều điểm tương đồng. Trong Sức khỏe Oola, chúng tôi kêu gọi “đốt năng lượng nhiều hơn nạp năng lượng”. Trong Tài chính Oola, chúng tôi chỉ muốn bạn “chi tiêu ít hơn thu nhập”. Cả hai điều này đều đơn giản về lý thuyết, nhưng không dễ thực hiện.
Khi nói đến tài chính cá nhân, nợ nần là vấn đề muôn thuở mà ai cũng biết nhưng ngại bàn đến. Nợ nần là chuyện tệ hại. Nợ nần rất không Oola. Chúng ta ghét nợ nần. Chúng ta loại bỏ những thứ mình ghét, vì vậy chúng ta nỗ lực thoát khỏi nợ nần. Việc này không hề dễ dàng hay nhanh chóng. Nhưng đây là việc rất đáng làm.
Vấn đề là nợ nần quá phổ biến trong xã hội đến nỗi chúng ta thấy nó hoàn toàn bình thường. Nợ nần không bình thường. Trên thực tế, nợ nần gần như là hiện tượng mới xuất hiện sau này. Hãy nhìn lại một hoặc hai thế hệ trước thôi. Ông bà chúng ta chi trả mọi thứ bằng tiền mặt. Ngoại lệ duy nhất là vay tiền để mua nhà. Thế hệ gần nhất là cha mẹ chúng ta, họ có thể chấp nhận vay tiền mua nhà, mua xe và thỉnh thoảng chi trả cho kỳ nghỉ hoặc sửa sang nhà cửa. Còn thế hệ chúng ta ngày nay thì sao? Tôi từng biết nhiều người trẻ cố gắng vay nợ chỉ để mua cho được chiếc điện thoại đời mới. Thật buồn cười.
Hãy có trách nhiệm với việc chi tiêu của bản thân. Tiến sĩ Danny Drubin đã nói về những “dấu gạch nối trong đời” trong quyển sách Letting Go of Your Bananas (tạm dịch: Buông mồi thoát bẫy). Ông nhớ lại cuộc đi dạo qua nghĩa trang và để ý tất cả những lời và con số được khắc trên mỗi tấm bia. Ông nhìn kỹ hơn và thấy dấu gạch nối giữa các con số.
Điều này khiến ông nhận ra cuộc đời rất ngắn ngủi và những gì bạn làm trong khoảng thời gian giữa những dấu gạch nối đó mới thật sự quan trọng. Tiến sĩ Drubin viết, “… hãy tận dung từng ngày bằng cách buông bỏ những thứ không góp phần tạo ra tương lai tươi sáng mà bạn hình dung cho bản thân”. Hãy sử dụng thời gian mà mình có được trên hành tinh này thật khôn ngoan - hãy nắm bắt từng dấu gạch nối.
Điều tương tự cũng đúng với tiền bạc. Bạn bước vào thế giới này với hai bàn tay trắng, và bạn ra đi trắng tay. Tiền sẽ đến và tiền sẽ đi giữa những dấu gạch nối của cuộc đời. Bạn sẽ kiếm được tiền, bạn sẽ chi tiêu và hy vọng bạn sẽ cho đi một ít (cho đi là việc rất Oola!). Những gì diễn ra giữa dấu gạch nối mới là quan trọng nhất. Nếu dùng tiền cho việc tốt, bạn sẽ thu hút thêm nhiều tiền hơn. Nếu bất cẩn hoặc vô trách nhiệm với tiền, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện mình không còn xu nào. Hãy quản lý tốt số tiền bạn có.
Quan điểm chủ đạo của Oola là cân bằng và phát triển. Để phát triển Tài chính Oola, bạn phải học hỏi. Chúng tôi biết một anh bạn có sáu năm nghiên cứu vật dụng khảo cổ từ thế kỷ thứ sáu sau Công nguyên. Anh rất thông hiểu đề tài này. Vấn đề là anh không thể cân bằng ngân sách hay thậm chí là nắm bắt khái niệm ngân sách. Bạn có thể sống tốt mà không biết ý nghĩa của một bản khắc axit trên chiếc đĩa vỡ từ năm 587 sau Công nguyên. Nhưng bạn không thể xoay xở trong đời nếu mù tịt về vấn đề tiền bạc; nếu bạn không hiểu được điều này, Cuộc sống Oola sẽ lướt qua bạn. Càng biết nhiều, càng học nhiều, bạn càng có trách nhiệm và càng gặp nhiều thuận lợi.
NGƯỜI TÌM Oola
Hẹn hò với Halle Berry
Hãy thử hỏi đàn ông câu hỏi này: “Nếu có thể hẹn hò với bất kỳ người phụ nữ nào trên thế giới, anh sẽ chọn ai?”. Bạn sẽ nhận được câu trả lời đa dạng từ Nữ hoàng Elizabeth đến nhân vật Fiona trong phim hoạt hình Shrek (đúng vậy, tôi từng nghe câu trả lời này rồi). Nhưng cứ thử đi, bạn sẽ thấy câu trả lời phổ biến nhất là Halle Berry… Là Halle Berry! Thường thì sau khi trả lời là Halle Berry, họ sẽ nói tiếp về chuyện họ sẽ nói gì và làm gì với Halle Berry trong cuộc hẹn đầu tiên, và họ tự tin nàng sẽ phải lòng họ như thế nào.
Nhưng thật lòng mà nói, đa số những người này sẽ không biết phải làm gì nếu Halle Berry bước vào nhà hàng, ngồi bên cạnh họ và nói, “Chào anh, tôi là Halle”. Điều đầu tiên mà họ sẽ làm là gọi cho anh bạn thân để kể về chuyện đang diễn ra. Kế tiếp, họ sẽ chụp ảnh để chứng minh cho anh bạn đó thấy đó thật sự là Halle Berry. Sau khi đăng ngay hình lên Facebook, họ sẽ không thể nặn ra lời trò chuyện nào, đầu óc họ chẳng nhớ được gì, và có thể họ còn bắt đầu cảm thấy khó chịu vì Halle ở đó. Trước khi họ kịp nhận ra, Halle sẽ rời đi và họ sẽ không bao giờ có cơ hội hẹn hò với cô ấy nữa.
Hồi tôi mới bắt đầu làm ra khoản tiền lớn khi ngấp nghé tuổi ba mươi, mỗi tờ chi phiếu giống như một cuộc hẹn hò với Halle Berry vậy - tôi không biết nên làm gì với nó. Tôi không biết làm thế nào để quản lý hoặc tiết kiệm khoản tiền đó, và cũng giống Halle Berry, nó nhanh chóng rời khỏi cuộc đời tôi.
Tôi chưa bao giờ học cách làm cho tiền bạc sinh sôi. “Tiền bạc là gốc rễ của mọi điều xấu xa” và “tiền không mua được hạnh phúc” là những ký ức sớm nhất của tôi về tiền.
Sau khi tụt dốc và đánh mất Oola hồi ba năm trước, tôi đã tập trung tìm hiểu về tài chính. Tôi tự tin là mình sẽ lấy lại được Oola; tôi tự tin là mình sẽ kiếm lại được tiền. Trong tất cả những gian nan mà tôi gặp phải khi lâm vào đường cùng, tình trạng thiếu tiền và khoản nợ khổng lồ chính là những sát thủ bậc nhất. Sau khi làm việc cực kỳ chăm chỉ và khôn ngoan, tôi tự hào tuyên bố tôi sắp trả hết nợ và có thể đảm bảo tương lai tốt đẹp cho bản thân và gia đình.
Nói đơn giản, nếu bạn chăm lo cho tiền bạc, tiền bạc sẽ không phụ lòng bạn.
NGƯỜI THẦY Oola
Không ai khác sống cuộc đời của bạn
Dù bạn thích hay không thì thành công vẫn thường được xã hội định nghĩa qua vật chất: chúng ta lái xe gì, sống ở đâu, làm nghề gì. Nếu mục tiêu của bạn là theo đuổi Cuộc sống Oola, trước hết bạn phải chống lại rất nhiều định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về thành công vật chất liên tục hằn sâu trong tiềm thức của chúng ta thông qua văn hóa và truyền thông.
Chúng ta là một xã hội gần như ám ảnh với vật chất và những cuộc ganh đua cho bằng chị bằng em. Kẻ thắng cuộc là kẻ xuống mồ với nhiều của cải nhất… Đùa hả? Đừng hiểu sai ý tôi, tôi thích một vài món đồ đẹp, tôi cũng có một vài món đồ đẹp, nhưng từ khóa ở đây là “một vài”. Hãy có kiểm soát; hãy giữ số lượng đồ cân bằng và phù hợp với tình trạng tài chính của bạn. Sẽ luôn có thứ to hơn, tốt hơn, nhanh hơn và mạnh hơn. Chúng ta cần kiểm soát ham muốn theo đuổi vật chất, vì theo đuổi vật chất thường là hành trình bê tha và rỗng tuếch. Đừng cho rằng tôi đang bảo bạn phải cạo đầu đi tu và từ bỏ hồng trần. Hãy giữ một vài món mình thích, nhưng hãy kiểm soát và giữ tỷ lệ phù hợp; nói cho cùng thì đó cũng chỉ là vật chất. Tất cả những gì tôi nhận thấy khi tích cóp ngày càng nhiều đồ là việc đó chỉ khiến tôi mất nhiều thời gian bảo quản và soạn đồ làm từ thiện mỗi nửa năm một lần.
Đối với tôi, tôi đã luôn tự tranh đua với bản thân từ trước đến giờ. Tôi không quan tâm đến việc bằng chị bằng em. Vào năm đầu đại học, tôi đã viết ra những mục tiêu của mình. “Trả sạch nợ trước tuổi bốn mươi” là mục tiêu hàng đầu.
Có thể tôi may mắn được sinh ra trong gia đình sung túc, nhưng không phải kiểu giàu từ trong trứng. Gia đình tôi không nghèo; chúng tôi đủ sống nhưng còn lâu mới có thể gọi là giàu có.
Từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy là gia đình sẽ chu cấp và chăm lo cho đến khi chúng tôi tốt nghiệp trung học, nhưng sau đó chúng tôi phải tự lo. Một số người tin là ký ức đầu tiên về tiền bạc sẽ có tác động lớn đến con đường tài chính của mỗi người. Đó là ký ức đầu tiên của tôi về tiền, và tôi luôn ghi nhớ thông điệp đơn giản đó. Tôi biết ơn bài học này. Bốn anh chị em chúng tôi đều tự xoay xở trong cuộc sống của mình, tự chăm lo cho bản thân và gia đình nhỏ của mình mà không cần sự hỗ trợ nào.
Tôi kết hôn vào năm cuối đại học. Vợ chồng tôi đều trẻ và phạm vài sai lầm về tiền bạc. Tôi tốt nghiệp đại học với khoản nợ sinh viên hơn năm mươi lăm ngàn đô-la, nhưng đó là chuyện từ trước rồi. Vợ tôi cũng có khoản nợ riêng. Chúng tôi vay nợ để mua chiếc xe mà lẽ ra không nên mua. Tôi mua ngôi nhà đầu tiên hoàn toàn bằng tiền vay. Thật ra tôi còn nhận được một chi phiếu sau khi chốt giao dịch, vì chú tôi là nhân viên môi giới bất động sản và ông đã cho tôi phần hoa hồng của ông. Đa số những hiểu biết của tôi đều không được học từ sách vở mà là từ cuộc sống, chẳng hạn học từ những lựa chọn sai lầm của bản thân.
May mắn là nền kinh tế khi đó khá ổn định và tài chính của chúng tôi không đến mức lao đao. Khi rút kinh nghiệm từ sai lầm của bản thân và học hỏi từ những người xung quanh, chúng tôi bắt đầu thay đổi, từ từ tiến bộ và lèo lái đời sống tài chính của mình đúng hướng.
Dave Ramsey, tác giả nổi tiếng và là người dẫn chương trình phát thanh về chủ đề tài chính cá nhân, đã gọi phương pháp này là “Nồi hầm và lò vi sóng”. Rõ ràng là trong những năm đầu chúng tôi đã đi theo kế hoạch tài chính “nồi hầm”, và “nồi hầm” của chúng tôi hoạt động rất chậm. Nhiều lúc chúng tôi dường như không hề tiến triển, nhưng chúng tôi không ngừng cố gắng trả nợ bằng bất cứ cách nào có thể. Chúng tôi chỉ cảm thấy mình đang đi đúng hướng. Vì mọi khoản tiền dư đều được dành để trả nợ, những năm đó chúng tôi không hề dư dả. Để bạn hình dung rõ hơn, thời đó chúng tôi đi hai chiếc Ford Pinto (một chiếc đã banh) và một chiếc Ford Fairmont màu vàng giá năm trăm đô-la. Chiếc Fairmont xấu đến mức chúng tôi đã gọi nó là “Bingo”, vì trông nó hệt như kiểu xe mà bà ngoại sẽ lái tới quầy lô tô vậy.
Tôi dành dụm tiền lẻ để đưa vợ đến cửa hàng pizza yêu thích của chúng tôi vào dịp sinh nhật của cô ấy mỗi năm (bọn trẻ nhà tôi vẫn không tin đó là sự thật). Ngân sách của chúng tôi khi đó có một mục gọi là “tiền vui vẻ”. Mục này có khoảng mười lăm đô-la cho cả tháng. Đi ăn ngoài đã được xem là một dịp vui vẻ rồi, thế nên chúng tôi không cần nhiều cho khoản này. Điều buồn cười là khi ngẫm lại chương này của cuộc đời mình, tôi thường mỉm cười thích thú. Đó là khoảng thời gian đặc biệt.
Vượt qua thử thách giúp xây dựng tính cách và sự tôn trọng. Tương tự, nhiều năm sau chúng tôi vô cùng nể trọng các huấn luyện viên và những người thầy đã thử thách chúng tôi nhiều nhất. Quá trình vợ chồng tôi cùng nhau nỗ lực cho mục tiêu chung trong những năm đầu hôn nhân chính là một trong những bí quyết tạo ra thành công mà giờ đây chúng tôi cảm thấy rất biết ơn vì mình đã được trải nghiệm.
Chúng tôi duy trì phương án “nồi hầm”, cần mẫn trả nợ từ ngày này qua ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Đến một ngày chúng tôi nhìn lại và thấy mình đã đến đích. Vào tháng mười một của năm bốn mươi tuổi, tôi đã viết tấm séc trả nợ cuối cùng. Chúng tôi đã sạch nợ - nợ vay mua nhà và tất cả những thứ khác! Thật khó tin. Nợ nần đã biến mất. Cách miêu tả chính xác nhất mà tôi có thể đưa ra là chúng tôi cảm thấy “nhẹ như bay”.
Không có thứ gì tôi từng mua có thể mang đến cảm giác sung sướng như cảm giác sạch nợ. Chúng tôi mất đến mười lăm năm. Vợ chồng tôi đã thề sẽ không bao giờ vay tiền vì bất kỳ lý do nào nữa. Thậm chí chúng tôi còn không có thẻ tín dụng. Chúng tôi quyết tâm đến mức như vậy đó.
Chúng tôi chia sẻ câu chuyện của mình không phải để ba hoa, mà là để cho bạn thấy điều khả thi. Việc này không dễ dàng, nhưng hoàn toàn khả thi. Lời khuyên duy nhất tôi có thể đưa ra dựa trên hành trình mười lăm năm của chúng tôi để sạch nợ là đừng ganh đua cho bằng bạn bằng bè; họ đâu có sống cuộc đời của bạn! Thay vào đó, hãy ganh đua với bản thân. Hãy sử dụng nguồn năng lượng và tiền bạc từng bị đặt sai chỗ để trở nên tốt hơn mình trước đây. Tôi từng nghe ai đó nói, “Không có gì cao quý khi chứng tỏ bản thân hơn người; sự cao quý đích thực nằm ở việc tiến bộ hơn chính mình trước đây”. Nếu khoản nợ kếch xù là vấn đề của bạn, hãy kiên trì giải quyết nó từng chút một!
Tôi biết rõ những gì bạn sẽ phải từ bỏ để giải quyết nợ nần. Bạn sẽ phải từ chối mua cho bản thân và gia đình những gì người khác có. Nếu lắng nghe những người hiểu lẽ đời, bạn sẽ nhanh chóng hiểu là thành công đích thực trong cuộc sống không đến từ chiến tích vật chất mà đến từ sự mãn nguyện. Sự mãn nguyện được giải thích rõ ràng nhất qua một đoạn trích trong Đạo đức kinh của Lão Tử:
“Nếu nhìn vào người khác để tìm sự mãn nguyện thì ta sẽ không bao giờ thật sự được mãn nguyện. Nếu hạnh phúc của ta lệ thuộc vào tiền bạc, ta sẽ không bao giờ hạnh phúc với chính mình. Hãy hài lòng với những gì mình có; hãy hân hoan đón nhận bản chất của vạn vật. Khi nhận ra mình không thiếu thốn thứ gì, khi đó bạn có được cả thế giới.”
Tái bút: Đừng mắc nợ… (Phần này là tôi thêm vào).
BÍ QUYẾT TÀI CHÍNH Oola
1. Không nợ nần
Nợ là gánh nặng. Nợ là tồi tệ. Chúng ta có thể chấp nhận khoản vay thế chấp mua căn nhà đầu tiên, nhưng chỉ vậy thôi, và chỉ khi số tiền đó hợp lý. Hãy tin chúng tôi, bởi chúng tôi từng mắc nợ và đang không mắc nợ. Cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều khi không có nợ. Việc này không dễ dàng, nhưng hãy trả hết nợ, bạn sẽ thấy sự đảm bảo tài chính mà bạn gặt hái sau khi hoàn thành quá trình này là rất ngọt ngào.
2. Hãy là người quản lý tiền thông minh
Hãy coi sóc những đồng tiền đến với bạn. Hãy quản lý tốt phần tiền mà bạn may mắn có được. Chúng ta đến cuộc đời này với hai bàn tay trắng và sẽ rời đi mà không mang theo được thứ gì. Nếu bạn làm điều tốt đẹp và có trách nhiệm với đồng tiền của mình, ngày sẽ càng có thêm nhiều tiền đến với bạn. Chúng tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này.
3. Hãy học hỏi
Đừng trốn tránh. Hãy chú ý, tìm hiểu về tiền bạc. Có rất nhiều nguồn thông tin về chủ đề này. Hãy theo dõi thu nhập và chi tiêu của mình. Hãy lập ngân sách. Hãy lên kế hoạch trước. Hãy để dành tiền cho những trường hợp cấp bách và những dự định tốn kém (du lịch, nghỉ lễ, học phí đại học, đám cưới, v.v.). Quyển sách của Dave Ramsey, The Total Money Makeover (tạm dịch: Thay đổi tài chính cá nhân) là một khởi điểm tốt.