Nếu không yêu, hãy từ bỏ.
"Lời khuyên về công việc tốt nhất mà tôi nhận được là hãy tập trung và tiếp tục tiến về phía trước.”
- Jyga
Sự nghiệp Oola là công việc, nghề nghiệp của bạn. Đa số mọi người dành khoảng một phần ba thời gian làm việc của mình để cống hiến cho lĩnh vực này. Nếu bạn làm công việc nội trợ thì thời gian đó gần như là 100%.
Sự nghiệp Oola có hai phần: 1) công việc chính để kiếm sống, và 2) công việc mơ ước. Đa số chúng ta đều có một công việc để kiếm sống. Nhiều người khát khao có được công việc mơ ước. Một vài người đủ may mắn để đạt được điều đó.
Công việc kiếm sống là việc mà bạn làm để trang trải cuộc sống. Đó không phải là đam mê của bạn nhưng sẽ giúp bạn thanh toán hóa đơn sinh hoạt phí.
Công việc mơ ước là việc mà bạn khao khát được làm. Nếu tiền không phải là vấn đề thì bạn sẽ muốn làm gì? Bạn cảm thấy thôi thúc làm điều gì? Đối với một số người thì đó là khởi nghiệp, trở thành tác giả, ở nhà chăm con, làm bác sĩ, hay thậm chí là trở thành lính cứu hỏa.
Trong quyển sách bán chạy Quitter (tạm dịch: Kẻ bỏ việc), tác giả Jon Acuff đề cập đến áp lực mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy giữa công việc kiếm sống và công việc ước mơ, đó là khoảng cách giữa việc bạn phải làm và việc bạn thích làm. Ông khuyến khích chúng ta theo đuổi công việc mà mình mơ ước, nhưng chỉ khi ta có một kế hoạch rõ ràng.
Chúng tôi từng biết nhiều người đã bỏ công việc kiếm sống trong một phút chán chường để theo đuổi công việc mơ ước mà lại chẳng có kế hoạch nào để nối liền khoảng cách giữa hai công việc. Đó là một quyết định không ổn lắm.
Theo đuổi điều mình yêu thích là rất Oola. Nhưng hãy nhớ ba điểm sau đây:
1. Xác định việc bạn muốn làm.
2. Tìm cách để bạn được trả lương cho công việc đó.
3. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho quá trình chuyển đổi.
Cảnh báo: Đừng nhảy từ công việc kiếm sống sang công việc ước mơ cho đến khi bạn có kế hoạch vững vàng cho sự chuyển đổi này, nếu không bạn sẽ khiến các chữ F khác của Oola rơi vào tình trạng căng thẳng.
Nếu không nhìn thấy lối thoát, hoặc nếu bạn hài lòng với công việc kiếm sống của mình, không có gì phải lo lắng. Lao động là vinh quang. Nếu bạn xác định mình sẽ làm công việc này, hãy làm với phong cách riêng của bạn.
Có một câu chuyện ngụ ngôn về ba người thợ cắt đá. Chuyện kể rằng có ba người thợ làm việc tại một mỏ đá. Vào một ngày nọ, một vị khách đến thăm mỏ đá. Ông bước về phía người thợ thứ nhất và hỏi, “Anh đang làm gì vậy?”.
Người thợ thứ nhất trả lời có vẻ chán nản, “Ý ông là sao? Tôi đang làm gì hả? Ông không thấy hay sao? Tôi cắt đá. Tôi đến đây lúc bảy giờ sáng, về lúc sáu giờ chiều, và suốt cả ngày tôi toàn cắt đá”.
Vị khách đi đến chỗ anh thợ cắt đá thứ hai và hỏi, “Này anh bạn, tôi hỏi anh một câu được không? Anh đang làm gì vậy?”.
Người thợ thứ hai đưa tay quệt mồ hôi trên trán và đáp, “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang kiếm tiền lo sinh hoạt phí. Đó là những gì tôi đang làm. Tôi có đến mấy miệng ăn phải nuôi, tiền nhà phải trả, quần áo phải mua. Tôi làm việc để kiếm tiền thanh toán các hóa đơn”.
Vị khách đến bên anh thợ thứ ba và hỏi, “Tôi hỏi anh một câu được không? Anh đang làm gì vậy?”.
Người thợ thứ ba cũng đưa tay quệt mồ hôi, cầm lấy đồ nghề và chỉ về phía xa, nơi người ta đang xây một tòa nhà. “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang góp phần xây Thánh đường kia kìa.” Với một nụ cười nhẹ nhàng và ánh mắt sáng lấp lánh, anh nói tiếp. “Đức Giám mục sẽ đến Thánh đường đó, truyền dạy cho chúng ta tất cả những gì ngài biết, và nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi.” Anh dừng một chút rồi nói, “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang góp phần thay đổi cuộc sống của các thế hệ tương lai”.
Theo đuổi công việc mơ ước (với kế hoạch cụ thể) là rất Oola. Nhưng nếu đó không phải là con đường của bạn, hãy làm công việc kiếm sống với niềm tự hào, giống như anh thợ cắt đá thứ ba vậy. Điều đó cũng rất Oola.
Hãy làm việc để phục vụ người khác và bạn sẽ được phục vụ.
NGƯỜI TÌM Oola
Những yếu tố thay đổi cuộc chơi
Cuộc sống đầy những ký ức và trải nghiệm đến mức chúng ta không tài nào đếm xuể. Nhưng tôi nghe nói là đến cuối đời, chỉ có ba sự kiện chính thật sự thay đổi cuộc đời ta và định nghĩa sự tồn tại của ta. Những sự kiện này có thể tích cực hoặc tiêu cực. Chúng thường được thúc đẩy bởi một lựa chọn được đưa ra ở ngã rẽ cuộc đời, hoặc bởi tình huống ngẫu nhiên. Ví dụ, bạn được thăng chức, nhưng bạn phải ra nước ngoài. Bạn quyết định đi, và nhờ vậy mà bạn gặp được tình yêu của đời mình, kết hôn, có con và thực hiện tất cả những việc có liên quan đến xây dựng gia đình và bắt đầu một cuộc sống mới. Tất cả những người bạn gặp gỡ, quán cà phê bạn thường lui tới, những ngày vui, những ngày buồn đều là kết quả của quyết định ra đi. Nhiều năm sau, đến một ngày nọ, bạn bị tai nạn và bị liệt. Giờ thì một sự kiện hoặc tình huống quan trọng đã tạo ra một bước ngoặt thay đổi tương lai của bạn và lái cuộc đời bạn sang một hướng hoàn toàn khác.
Nhiều câu chuyện của tôi trong quyển sách này kể về khoảng thời gian tôi tụt dốc - thời điểm mà tôi gọi cho Người thầy Oola. Có hai lý do chính khiến tôi muốn nói thêm về giai đoạn này của cuộc đời mình. Lý do thứ nhất là tôi cảm thấy nhiều người trong số các bạn đọc quyển sách này vì mong muốn những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình, và tôi muốn cho bạn thấy là bất kể bạn đang ở đâu, bạn không chỉ xứng đáng có được Cuộc sống Oola mà còn có khả năng đạt được nó. Lý do thứ hai là một trong những bước ngoặt đời tôi đã xảy ra vào đêm tôi ở nhà nghỉ, khi tôi tìm đến sự giúp đỡ của Người thầy Oola, một sự kiện đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi và mang Oola trở lại trong tầm tay tôi. Khi viết và suy ngẫm, tôi nhớ ra những sự việc ngẫu nhiên đã đưa tôi đến căn nhà bên bờ hồ ở phía bắc Minnesota này.
Chiếc lò sưởi khiến không khí trở nên ấm áp, và tiếng kêu êm dịu của những chú chim lặn gavia có vẻ rất hợp với nền nhạc Tyrone Wells. “Mình không phải là một tác giả, đúng không?”. Nhìn tách cà phê và màn hình máy tính đầy chữ, có vẻ tôi đích thị là một tác giả. Tất cả những điều này hơi không thật một chút.
Tôi ngẫm nghĩ về sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tại sao anh chàng kia lại bị bắt? Nếu khi đó tôi chọn ở trong một nhà nghỉ khác, có phải bây giờ tôi vẫn ở dưới đáy cuộc đời không? Tôi có từng tình cờ gặp anh chàng bị bắt đó không, ở trạm xăng, nhà hàng hoặc thậm chí là trong công việc? Tất cả những gì tôi biết là cảnh tượng kịch tính đó - tiếng cảnh sát la hét, tiếng tông cửa và ánh sáng đèn xe cảnh sát rọi lên tấm màn cửa rẻ tiền chiếu thẳng vào mắt tôi - đã đánh thức và kích thích bộ não tôi phải lập tức chuyển hướng và hành động. Giá mà tôi có thể cảm ơn anh chàng bị cảnh sát bắt đêm đó, vì anh ấy là một phần trong sự kiện làm thay đổi đời tôi. Và giờ đây có thể thay đổi cuộc đời bạn nữa.
Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau cuộc gọi đó thật sự là khoảng thời gian dài đằng đẵng. Một giờ dài như một năm. Tôi đã bắt tay thực hiện một kế hoạch rất khó khăn ở thời điểm đó nhưng chính việc đó đã giúp đưa tôi đến vị trí hiện tại - nơi mà cuộc sống cân bằng hơn và phát triển hơn. Buổi sáng sau cuộc gọi đó, tôi lái xe lên núi và tỉnh táo nhìn nhận tình cảnh của mình. Tôi vẽ ra Bánh xe Oola của mình (bạn sẽ tìm hiểu về khái niệm này ở Chương 23) trong một quyển sổ có bìa da màu nâu nhạt và điền vào đó những thông tin trung thực nhất. Tôi toàn chấm cho mình hai hoặc ba điểm (điểm số rất tệ) và vẫn còn nhớ mình đã nghĩ, “À, ít nhất mình cũng cân bằng”.
Khi đã cảm thấy chắc chắn về vị trí hiện tại của mình, tôi chuyển sang Kế hoạch Oola (xem Chương 24) và Con đường Oola (Chương 25). Sau một buổi sáng dài, tôi đã hoàn tất và thành quả là đây: một bản kế hoạch được viết ra trên giấy mô tả cụ thể những việc tôi phải làm để có lại Cuộc sống Oola. Lúc đó, tôi nói thật to (và với giọng mỉa mai), “Nếu việc này hiệu quả, tôi sẽ dành cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục và khai sáng cho cả thế giới về Oola”. Nói ngắn gọn thì kế hoạch đó có hiệu quả, và tôi dần chuyển hướng sự nghiệp của mình sang làm việc toàn thời gian với Oola.
Hơn bất kỳ thời điểm nào khác, bây giờ là lúc khả thi nhất để bạn theo đuổi đam mê và biến đam mê thành sự nghiệp. Ví dụ, giả sử bạn đang sống một cuộc sống bình thường tại một thành phố triệu dân, và niềm đam mê sâu kín của bạn là hoa phong lan. Bạn luôn trông hết giờ làm việc để về nhà chăm sóc mấy chậu phong lan của mình. Bạn tìm hiểu về phong lan và tìm cách trồng cũng như chăm sóc chúng tốt hơn. Đó là những gì bạn luôn nghĩ đến và muốn cống hiến cuộc đời mình để thực hiện. Bây giờ thì hãy quay lại mười lăm năm trước. Để bỏ công việc kiếm sống và theo đuổi công việc chăm sóc hoa lan, bạn cần phải thuê mặt bằng, xây dựng một cửa hàng bán hoa hoàn hảo ở vị trí hoàn hảo, dành nhiều tiền để quảng cáo và tiếp thị về cửa hàng của mình. Tầm hoạt động của bạn đại khái nằm trong bán kính từ năm đến tám cây số xung quanh và trong thị trường đó có ba người cùng yêu hoa lan giống bạn, một trong số đó là chị của bạn. Thực tế là bạn cần bán được thật nhiều hoa lan để duy trì hoạt động của cửa hàng, và bạn cần đa dạng hóa hoặc phải đóng cửa.
Ngày nay, công nghệ khiến thế giới trở nên nhỏ hơn, và do đó các cơ hội là vô tận. Ngày nay, thị trường của bạn không còn bị giới hạn trong bán kính năm đến tám cây số quanh cửa hàng nữa - thị trường của bạn là cả thế giới. Khách hàng của bạn là bất cứ ai có sử dụng mạng Internet, một chiếc laptop hoặc điện thoại thông minh - và như thế là quá đủ. Bạn có thể viết blog về tình yêu hoa lan của mình, bạn có thể chia sẻ những bài viết đó trên trang Facebook về hoa lan, tìm kiếm những người cũng yêu hoa lan trên Twitter, và bạn có thể bán hoa lan khắp thế giới, không chỉ để kiếm tiền mà còn vì bạn thật sự yêu hoa lan.
Có phải bạn cho rằng ví dụ này thật viển vông? Không đâu. Đây thật sự là ví dụ thực tế của một thanh niên yêu hoa lan và hiện đang kiếm sống bằng cách chia sẻ tình yêu hoa lan của mình với thế giới. Anh chàng yêu hoa lan đó và tôi có con đường giống nhau trong Sự nghiệp Oola. Tôi chăm chỉ làm công việc kiếm sống của mình mỗi ngày, và mỗi tối, sau khi bọn trẻ đã ngon giấc, tôi bắt tay vào đam mê đích thực của mình, đó là Oola.
Tôi bắt đầu phát triển kế hoạch mang Oola ra thế giới... về cơ bản là khởi đầu Xu hướng Oola. Đó là hai năm dài đằng đẵng và thiếu ngủ, nhưng khi quãng thời gian đó chấm dứt thì một sự nghiệp mới ra đời. Người ta đội nón Oola, mặc áo thun Oola, nhiều tập đoàn bắt đầu học hỏi nguyên tắc Oola dành cho công sở, và một số công ty đã tìm đến chúng tôi để mua bản quyền Oola cho các dòng sản phẩm về lối sống của họ. Một từ, một đam mê cá nhân ban đầu đã phát triển thành một hoạt động kinh doanh đáng giá hàng triệu đô-la.
Tôi bất đắc dĩ phải chia sẻ bản tuyên bố sứ mệnh cá nhân mà tôi đã gõ vào điện thoại di động của mình hai năm trước và đã đọc vào mỗi sáng và mỗi buổi tối. Chỉ có bốn người từng được xem những lời sau đây trước khi quyển sách này được phát hành. Bản tuyên bố sứ mệnh này được viết theo định dạng “Mục tiêu. Cách thực hiện. Thành quả”. Về cơ bản, đó là tôi muốn trở thành cái gì, tôi cần làm gì, và tôi sẽ có được gì sau khi hoàn thành sứ mệnh.
MỤC TIÊU: Trở thành nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, nhà giáo dục, người mang đến niềm vui và người hỗ trợ Oola trên khắp thế giới.
CÁCH THỰC HIỆN: Luôn biết ơn tất cả những trải nghiệm trên hành trình của mình - quá khứ, hiện tại và tương lai. Luôn đưa ra những lựa chọn dựa trên tình yêu thương, sự chính trực và sự theo đuổi không ngừng nhằm đạt được mục đích cuộc đời. Luôn đảm bảo rằng mình có tất cả kiến thức và sự khôn ngoan cần thiết để tạo ra nền tảng Oola và mang cơ hội có được Cuộc sống Oola đến với mọi người.
THÀNH QUẢ: Cơ hội để bản thân tôi và các con tôi đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới và trải nghiệm nguồn cảm hứng bất tận.
Chính bản tuyên bố về sứ mệnh đơn giản này đã giúp tôi vượt qua nhiều đêm dài làm việc. Nó giúp tôi đưa ra những quyết định khó khăn để giữ công ty đi đúng hướng. Nó mang đến cho tôi lòng can đảm để bán công ty của mình và thực hiện bước chuyển được lên kế hoạch thật tốt, thật tỉ mỉ để làm việc toàn thời gian với Oola, cũng như giúp tôi tiến thêm một bước đến gần hơn với Cuộc sống Oola của mình!
NGƯỜI THẦY Oola
Từ nơi không ai biết
Tôi từng có cả công việc kiếm sống lẫn công việc ước mơ, và thậm chí có cả một công việc nằm đâu đó giữa hai loại công việc này.
Tôi đã làm nhiều công việc kiếm sống, chẳng hạn như nhân viên giao hàng, nhân viên bán quầy quà lưu niệm trong khách sạn, công nhân dây chuyền lắp ráp. Có vài công việc tôi yêu thích, vài công việc tôi có thể chịu đựng được và vài công việc tôi muốn rời bỏ càng sớm càng tốt. Tôi luôn cố gắng hết mình vì tôi tin lao động là vinh quang, và vì tôi biết đó là những bước đệm đưa tôi đến với những gì to lớn hơn, tốt đẹp hơn.
Trong suốt mười bảy năm, tôi sở hữu một công ty riêng tại quê nhà. Tôi rất yêu công ty đó. Tôi đã quen biết rất nhiều người thú vị và tuyệt vời; nhiều người trong số họ vẫn là bạn thân của tôi cho đến hôm nay. Qua những năm tháng đó, tôi nhận ra công việc mơ ước của tôi là giúp đỡ người khác.
Tôi thích giúp đỡ mọi người. Tôi cũng thích sáng tạo, xây dựng và phát triển. Thật thú vị khi xây dựng một công ty và nhìn nó phát triển. Theo thời gian, tôi mệt mỏi với công việc giấy tờ. Mỗi năm lại càng có thêm nhiều giấy tờ hơn. Đến khi tôi nhận ra mình dành thời gian cho công việc giấy tờ còn nhiều hơn dành thời gian với con người, tôi biết đã đến lúc phải rời bỏ. Đó là thời điểm tôi khép giai đoạn làm công việc nằm giữa công việc kiếm sống và công việc ước mơ.
Tôi không giỏi sống gò bó. Tôi có thiên hướng thích phiêu lưu. Tìm thì sẽ thấy. Vào năm 1999, tôi có cơ hội mở thêm chi nhánh cho công việc kinh doanh - vốn là công việc kiếm sống của tôi - ở Dubai và chia sẻ việc kinh doanh này với người dân ở đây. Điều này vô cùng phù hợp với hệ thống giá trị của tôi trong việc muốn chia sẻ kiến thức của mình với người khác.
Với cơ hội này, thay vì chỉ tác động được mỗi lần một người, tôi có cơ hội tác động đến cả một khu vực. Đó là vào năm 1999, trước khi Dubai được biết đến rộng rãi, và điều đó thật tuyệt. Công việc đó hoàn toàn đúng với sở trường của tôi. Đến nay tôi vẫn còn tham gia vào dự án này.
Mặc dù cuộc phiêu lưu này rất thú vị, nhưng khi các con tôi dần lớn lên, chúng tôi nhận ra mình rất nhớ gia đình và muốn nuôi dạy các con ở Mỹ. Thế là chúng tôi trở về nhà, nơi tôi vẫn còn sở hữu một doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi trở về, tôi nhận ra công việc giấy tờ trong công ty còn tăng lên nhiều hơn trước. May mắn là chúng tôi được đảm bảo về mặt tài chính, và thế là chúng tôi đánh giá những phương án lựa chọn của mình.
Tôi cùng vợ đến dự một bữa tiệc cưới và ngồi cùng bàn với vợ chồng cháu gái của tôi - vợ chồng nó bay từ Phoenix đến đây để tham dự bữa tiệc này. Cháu tôi nói giá nhà chỗ nó ở rất rẻ. Đó là vào năm 2008, đỉnh điểm của cuộc đại suy thoái. Tôi thích bất động sản và đã nghiên cứu về ngành này suốt nhiều năm qua, thế nên tôi chỉ nghĩ cháu gái tôi không thật sự hiểu những gì nó đang nói. Sống ở vùng Trung Tây nước Mỹ và luôn tìm cách trốn đông, tôi đã tìm hiểu về bất động sản ở Phoenix cách đây vài năm. Giá cả khi đó quá đắt đỏ so với khả năng tài chính của chúng tôi.
Thế nhưng sau bữa tiệc cưới đó, tôi chỉ mất mười phút tìm kiếm thông tin trên Google để nhận ra cháu gái tôi đã đúng. Vài ngày sau tôi lập tức bay đến đó.
Chúng tôi có phương châm tài chính khá đơn giản: nếu có đủ tiền tiết kiệm, chúng tôi sẽ cân nhắc việc mua thứ gì đó. Nếu không, chúng tôi sẽ không mua. Chúng tôi sẽ phải đợi đến khi tiết kiệm đủ tiền, hoặc chúng tôi sẽ bỏ qua món đồ đó.
Thế nhưng chuyến đi đó thật điên rồ. Những căn nhà mà hai năm trước đó từng có giá một triệu đô-la giờ đây được bán với giá chỉ ba trăm năm mươi ngàn đô-la. Tôi xem đó là dấu hiệu tốt. Vậy là trên đường ra sân bay để về nhà, tôi trả mức giá thấp đến vô lý để mua một căn nhà được trang bị nội thất đầy đủ. Tôi không hề trông đợi là người ta sẽ đồng ý bán. Tôi chỉ xem chuyến đi đó như cuộc thăm dò và tìm kiếm thông tin. Vợ và các con tôi thậm chí còn chưa xem qua ngôi nhà.
Thế mà người bán đã chấp nhận đề nghị của tôi. Và thế là chúng tôi chuyển nhà. Với sự ủng hộ vô điều kiện và sự tuyệt vời như thường lệ của gia đình tôi, cả nhà tôi lên đường.
Tôi bán công ty của mình, và chúng tôi chuyển đến Phoenix.
Vậy đó! Cuối cùng tôi cũng đến đích. Bốn mươi hai tuổi, nghỉ hưu hoàn toàn và không phiền não vì bất kỳ điều gì trên đời. Tôi chơi gôn, du lịch, chạy bộ, đi ăn ngoài. Tôi đã thực hiện được Giấc mơ Mỹ!
Nghe tuyệt vời lắm đúng không? Nhưng… chỉ được một khoảng thời gian ngắn thôi. Không phải tôi không vui; cuộc sống rất tốt đẹp. Nhưng tôi không cảm thấy cân bằng. Sự nghiệp Oola của tôi xuống thấp. Thấp đến mức nào? Vào mùa hè sau khi bán công ty, tôi ngồi ở bến tàu đọc quyển sách bán chạy của Tim Ferriss, The 4-Hour Work-week (tạm dịch: Tuần làm việc bốn giờ). Anh trai tôi cầm quyển sách lên, liếc qua tựa đề và nói với giọng mỉa mai quen thuộc, “Cậu định làm việc thêm à?”.
Tôi cần thêm mục đích làm việc. Tôi cần sử dụng kỹ năng của mình để mang lại lợi ích cho người khác… bằng cách nào đó.
Từ năm 1997, thỉnh thoảng nhóm chúng tôi tổ chức cuộc gặp thường niên về Kế hoạch Oola để vạch ra các chiến lược cá nhân dài hạn của mình.
Mùa đông năm đó chúng tôi gặp nhau ở Vegas. Đó là khi Người tìm Oola gặp riêng tôi. Anh đã tìm lại Oola được một thời gian rồi, và tôi hết sức hào hứng được nghe về những chiến thắng của anh cũng như thấy các nguyên tắc một lần nữa lại phát huy hiệu quả. Anh đã hỗ trợ tôi chia sẻ những hiểu biết của chúng tôi với thế giới.
Bạn thấy đó, chúng ta đều có một nỗi khát khao sâu kín, đó là mục đích sống của chúng ta. Trải nghiệm sống đã dạy tôi biết công việc ước mơ của tôi là sáng tạo, xây dựng và phát triển. Và về mặt công việc thì tôi cảm thấy thỏa mãn nhất khi được làm điều này cho thật nhiều người - những người mà tôi quan tâm - giúp họ cân bằng và phát triển cuộc sống, cũng như giúp thế giới này theo đuổi Oola. Tôi biết vì khi chia sẻ điều này với người khác, tôi thấy được truyền cảm hứng. Tôi có thêm năng lượng. Tôi cảm thấy thời gian như ngừng trôi.
Tôi vẫn thích chạy bộ, chơi gôn và du lịch. Nhưng ngày hôm đó ở Vegas, Người tìm Oola đã tái kết nối tôi với công việc mơ ước của mình, đó là giúp thế giới khám phá Cuộc sống Oola... nhưng với tư cách một người ẩn danh ở một nơi bí mật, mặc quần lướt sóng và mang dép lê.
BÍ QUYẾT SỰ NGHIỆP Oola
1. Nếu không yêu, hãy từ bỏ
Lao động là vinh quang. Nếu bạn có một công việc, hãy biết ơn vì điều đó, hãy làm việc tận tâm hoặc thôi việc. Biết đâu được? Có thể nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và bạn sẽ thăng tiến. Còn nếu công việc kiếm sống của bạn hoàn toàn không mang đến cảm giác thỏa mãn và chỉ là bước đệm để bạn tiến tới công việc mơ ước của mình thì cũng chẳng sao. Chúng tôi khuyến khích bạn theo đuổi công việc mơ ước của mình, nhưng chỉ khi bạn có kế hoạch chu đáo. Đừng vội chuyển đổi nếu bạn chưa có cách ứng phó với sự biến động về tài chính mà quá trình này gây ra.
2. Luôn cập nhật
Thời thế thay đổi, công việc cũng thay đổi. Để tiến lên, bạn cần nắm bắt thông tin. Hãy đi trước đón đầu. Dù là trong công việc kiếm sống hay công việc ước mơ, hãy luôn nhìn xa trông rộng.
Hãy đọc, tìm người cố vấn, xây dựng mạng lưới quan hệ, học hỏi và phát triển. Việc này sẽ củng cố vị trí hiện tại của bạn và mở ra nhiều cơ hội mới.
3. Phục vụ
Bất kể bạn làm gì, hãy luôn nhìn nhận vấn đề từ góc độ phục vụ người khác. Hãy nhớ câu chuyện ba người thợ cắt đá. Họ làm cùng một công việc nhưng với những góc nhìn hoàn toàn khác nhau. Cả ba người đều nhận số tiền lương bằng nhau, nhưng người thợ cắt đá làm việc với suy nghĩ rằng anh đang thay đổi cuộc sống và phục vụ người khác sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn. Hãy là người thợ cắt đá thứ ba.