Phàm tất cả những sự vật không thuộc vào loại vật chất đơn thuần, cũng không thuộc vào loại tinh thần đơn thuần lại tùy thời gian mà biến hóa, thay đổi đều gọi chung là Tâm bất tương ưng hành. Trong Tập luận có 23 pháp Tâm bất tương ưng hành là (1) Đắc, (2) Vô tưởng định, (3) Diệt tận định, (4) Vô tưởng dị thục, (5) Mạng căn, (6) Chúng đồng phận, (7) Sinh, (8) Lão, (9) Trụ, (10) Vô thường, (11) Danh thân, (12) Cú thân, (13) Văn thân, (14) Dị sinh tính, (15) Lưu chuyển, (16) Định dị, (17) Tương ưng, (18) Thế tốc, (19) Thứ đệ, (20) Thời, (21) Phương, (22) Số, (23) Hòa hợp.
Định nghĩa Dị sinh tính: “Như thế nào là Dị sinh tính? Chính là chưa chứng đắc thánh pháp, giả lập là Dị sinh tính”.
Chúng sinh chưa chứng đắc thánh pháp thì gọi là Dị sinh (tính), ví như phàm phu, trâu dê, ngạ quỷ, v.v. Như nói về người thì bởi vì không phải thuần túy thuộc về vật chất, cũng không phải thuần thuộc về tinh thần, hơn nữa lại có sự sinh tử biến hóa nên quy về Tâm bất tương ưng hành. Nhưng chúng sinh ở trong luân hồi này đều gọi chung là hữu tình thế gian, phân thành lục thú (lục đạo): Na lạc già (địa ngục), bàng sinh (súc sinh), ngạ quỷ, phi thiên (A tu la), người và trời. Năm loại đầu thuộc Dục giới. Thiên (thần tiên) có rất nhiều loại, phân ra tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Tập luận quyển 3 có viết:
“Trời bao gồm trời Tứ đại vương, trời Tam thập tam, trời Dạ ma, trời Đổ sử đa, trời Lạc biến hóa (Hóa lạc), trời Tha hóa tự tại (trên đây gọi chung là trời Lục dục, thuộc Dục giới); trời Phạm chúng, trời Phạm phụ, trời Đại phạm (ba cõi này thuộc Sắc giới Sơ tĩnh lự, tức Sơ thiền); trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh (ba cõi này thuộc Sắc giới Đệ nhị tĩnh lự, tức là Đệ nhị thiền); trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh (ba cõi này thuộc Sắc giới Đệ tam tĩnh lự, tức Đệ tam thiền); trời Vô vân, trời Phúc sinh, trời Quảng quả, trời Vô tưởng hữu tình, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh (chín cõi trời này thuộc Sắc giới Đệ tứ tĩnh lự, tức Đệ tứ thiền); trời Vô biên không xứ, trời Vô biên thức xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ” (bốn cõi này thuộc Vô sắc giới, tức Tứ vô sắc)”.
Các “trời” được nêu ở trên, tổng cộng có 28 tầng (trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc trời Sắc cứu cánh được gọi là Hữu đỉnh), nên biết phạm vi của Dị sinh tính rất rộng, bao gồm cả hữu tình trong tam giới. Tam giới hoặc gọi là tam hữu. Nơi cư trú của hữu tình được gọi là Khí thế gian, mà Vô sắc giới thì không có nơi chốn, bởi vì không có sắc pháp, không có phương hướng.
Bên trên đã nói về Dị sinh tính, bây giờ tiếp tục xem định nghĩa của các pháp khác trong Tâm bất tương ưng hành: “Như thế nào gọi là “đắc” (được)? Nghĩa là các pháp thiện, bất thiện và vô ký, hoặc tăng hay giảm, giả lập mà đạt được thành tựu”.
“Được” và “mất” đều là một loại Tâm bất tương ưng hành. Trồng cái nhân thiện ác, tương lai sẽ gặt quả báo tốt xấu khác nhau, đây là ví dụ về “đắc” (được).
“Thế nào là Vô tưởng định? Đó là đã rời xa cái dục của cõi trời Biến tịnh nhưng chưa rời xa được thượng dục (cái dục ở cõi cao hơn), vì rời xa tưởng tác ý làm đầu nên Bất hằng hành tâm tâm sở1 đều diệt nên giả lập là Vô tưởng định”.
1 Bất hằng hành chính là lục chuyển thức. “Chuyển” ý nghĩa sinh khởi ra, thức của sáu loại sinh khởi có lúc khởi, có lúc không khởi, chính là “bất hằng hành”.
“Thế nào là Diệt tận định? Đó là rời xa cái dục của cõi trời Vô sở hữu xứ, siêu vượt Hữu đỉnh, vì tạm thời ngưng tưởng tác ý làm đầu nên Bất hằng hành tâm, tâm sở và một bộ phận Hằng hành tâm tâm sở đều diệt nên giả lập là Diệt tận định”.
“Thế nào là Vô tưởng dị thục? Đó là đã sinh lên cõi trời Vô tưởng hữu tình thì Bất hằng hành tâm tâm sở đều diệt nên giả lập là Vô tưởng dị thục”.
Vô tưởng định và Diệt tận định là Vô tâm định, làm cho tâm sở không khởi tác dụng, tuy gọi là “định” nhưng lại không thuộc Tâm tương ưng hành. Vô tưởng dị thục chỉ cho chúng sinh sinh lên cõi trời Vô tưởng hữu tình.
“Thế nào gọi là Chúng đồng phận? Đó là đối với các loài hữu tình, tự thể của các chủng loại đều tương tự nhau nên giả lập là Chúng đồng phận”.
“Thế nào là Mạng căn? Đó là ở nơi Chúng đồng phận, nghiệp đầu tiên dẫn dắt, quyết định lúc sống nên giả lập là Mạng căn”.
“Thế nào là Sinh? Đó là ở nơi Chúng đồng phận, các hành (thân của chúng sinh) vốn không mà nay có nên giả lập là Sinh”.
“Thế nào là Lão? Đó là ở nơi Chúng đồng phận, các hành biến đổi liên tục nên giả lập là Lão”.
“Thế nào là Trụ? Đó là ở nơi Chúng đồng phận, các hành không hư hoại liên tục nên giả lập là Trụ”.
“Thế nào là Vô thường? Đó là ở nơi Chúng đồng phận, các hành biến hoại liên tục nên giả lập là Vô thường”.
Sinh, Lão, Trụ và Vô thường đều là quá trình thay đổi theo thời gian nhưng được gán cho những thuật ngữ (tên gọi) khác nhau.
“Thế nào là Danh thân? Đó là lời nói thêm về tự tính của các pháp nên giả lập là Danh thân”.
“Thế nào là Cú thân? Đó là lời nói thêm về sự sai biệt của các pháp nên giả lập là Cú thân”.
“Thế nào là Văn thân? Đó là những chữ (văn tự) làm sở y cho hai loại trên (Danh thân và Cú thân) nên giả lập là Văn thân”.
Thân ở chỗ này có nghĩa là “tập hợp”; tập hợp danh, cú và văn, thuộc Bất tương ưng hành.
“Thế nào là Lưu chuyển? Nghĩa là nhân quả tương tục không gián đoạn nên giả lập là Lưu chuyển”.
“Thế nào là Định dị? Nghĩa là nhân quả vô số sai biệt nên giả lập là Định dị”.
“Thế nào là Tương ưng? Nghĩa là nhân quả xứng hợp với nhau nên giả lập là Tương ưng”.
“Thế nào là Thế tốc? Nghĩa là nhân quả lưu chuyển nhanh chóng nên giả lập là Thế tốc”.
“Thế nào là Thứ đệ? Nghĩa là nhân quả lưu chuyển tuần tự nên giả lập là Thứ đệ”.
“Thế nào là Thời? Nghĩa là nhân quả lưu chuyển tương tục nên giả lập là Thời”.
“Thế nào là Phương? Nghĩa là nhân quả ở Đông Tây Nam Bắc, trên dưới sai biệt nên giả lập là Phương”.
“Thế nào là Số? Nghĩa là ở các hành mỗi mỗi sai biệt nên giả lập là Số”.
“Thế nào là Hòa hợp? Nghĩa là ở nhân quả các duyên tụ hợp nên giả lập là Hòa hợp”.
Lưu chuyển, Định dị, Tương ưng, Thế tốc, Thứ đệ, Thời, Phương, Số, Hòa hợp nêu trên đều liên quan đến sự biến hóa của nhân quả, vì vậy chúng cũng đều liên quan tới những chủ đề mà khoa học nghiên cứu như thời gian, không gian, tốc độ, động lượng, động năng, v.v. Chỉ là khoa học thông qua máy móc và số liệu để nghiên cứu, nhờ đó mà kết quả thu được rất cụ thể chi tiết.