Phật học gọi chủ thể hoạt động của tâm lý là Thức uẩn, còn gọi là Tâm vương, Tập luận phân thành tám loại: Tâm (đặc biệt chỉ cho A lại da thức), Ý (đặc biệt chỉ cho Mạt na thức) và sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức).
“Thế nào là Tâm? Tâm là nơi uẩn giới huân tập tập khí, tất cả chủng tử A lại da thức, cũng gọi là Dị thục thức, cũng gọi là A đà na thức, vì có thể tích tập các tập khí”.
“Thế nào là Ý? Ý là luôn luôn duyên vào sự đo lường của A lại da thức để làm tính, hằng tương ưng với bốn phiền não là ngã kiến, ngã ái, ngã mạn và vô minh (ngã si), Ý ở đây biến hành (có mặt khắp) tất cả thiện, bất thiện và vô ký, duy trừ thánh đạo hiện tiền hoặc nơi Diệt tận định và Vô học địa”.
“Thế nào là Nhãn thức? Nghĩa là mắt duyên vào sắc, liễu biệt làm tính”.
“Thế nào là Nhĩ thức? Nghĩa là tai duyên vào âm thanh, liễu biệt làm tính”.
“Thế nào là Tỵ thức? Nghĩa là mũi duyên vào mùi hương, liễu biệt làm tính”.
“Thế nào là Thiệt thức? Nghĩa là lưỡi duyên vào vị, liễu biệt làm tính”.
“Thế nào là Thân thức? Nghĩa là thân duyên vào xúc chạm, liễu biệt làm tính”.
“Thế nào là Ý thức? Nghĩa là ý duyên vào pháp, liễu biệt làm tính”.
Năm thức tương đương với thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, là tri giác do ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) sau khi tiếp xúc với đối tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) mà sinh ra. Ý thức là tri giác sau khi ý căn tiếp xúc với vạn pháp mà sinh ra. Ý (thức thứ bảy - Mạt na) lúc nào cũng lấy thức A lại da (thức thứ tám) làm đối tượng, cho đó là “ngã”. Tâm (chỉ thức thứ tám - A lại da) là chủ thể luân hồi. Phật học đặc biệt nghiên cứu Thức uẩn, chính là vì muốn nói rõ hiện tượng của sinh tử luân hồi. Trên đây là quan điểm của Tùy giáo hành Duy thức tông, chủ trương có tám thức, ngoài ra còn cho rằng Tâm, Ý và Thức, cả ba đều không giống nhau.