Trong kinh luận Phật giáo, những thứ thuộc vật chất đều được gọi chung là Sắc uẩn. “Uẩn” nghĩa là tích tụ, tập hợp. Đối với việc nhận thức về vạn hữu của chúng ta, đầu tiên phải xem hình thức sắc thái của vật chất, do vậy mà thường các luận điển trước tiên đều phân tích về Sắc uẩn. Định nghĩa về Sắc uẩn, Tập luận quyển 1 viết: “Tướng của Sắc uẩn như thế nào? Tướng biến hiện là sắc tướng. Có hai loại, một là xúc đối biến hoại, hai là phương sở thị hiện”.
Sắc uẩn phân thành “bốn chủng lớn” và “Sắc được tạo bởi bốn chủng lớn”. Bốn chủng là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới. Địa giới là tính kiên cố, thủy giới là tính ướt, hỏa giới là tính ấm nóng, phong giới là tính nhẹ lưu động. Địa giới, thủy giới và phong giới như thể rắn, thể lỏng, thể khí trong vật lý, hỏa giới như là plasma (Ion của chất khí). Sắc được tạo bởi bốn chủng có 11 loại là: nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, thân căn (năm loại này gọi chung là nội sắc, là ngũ quan thanh tịnh trên thân); sắc, thanh, hương, vị, xúc (năm loại này gọi chung là ngoại sắc, là đối tượng của ngũ quan); và pháp xứ sở nhiếp sắc1. Pháp xứ sở nhiếp sắc là đối tượng thuộc ý thức, ví dụ như cực vi. Cực vi là hạt nhỏ nhất, nhờ ý thức phân tích mà biết được sự tồn tại của nó, nhưng không phải cái nhãn thức có thể trực tiếp nhìn thấy được, cho nên quy về pháp xứ sở nhiếp sắc. Phật pháp tại sao phải phân tích vật chất đến chỗ cực vi? Đó là bởi vì Phật pháp muốn nghiên cứu chân lý cứu cánh của ngoại giới.
1 Ở trong 12 xứ, mọi sắc pháp được nhiếp thuộc trong pháp xứ, thì được gọi là pháp xứ sở nhiếp sắc.
Ví dụ, cái bàn có phải là Thắng nghĩa đế (chân lý cứu cánh) hay không? Dựa vào quan điểm của Thuyết hữu bộ thì cho rằng cái bàn là do cực vi tạo thành nên không phải là Thắng nghĩa đế; cực vi không thể chia nhỏ mới là Thắng nghĩa đế. Nhưng Duy thức tông cho rằng cực vi vẫn có đủ phương sở (phương hướng và nơi chốn), vẫn có thể chia nhỏ được nên không phải là Thắng nghĩa đế.
Trung quán tông thì lại cho rằng cực vi là cách thiết lập trên ngôn từ của thế tục, không phải đơn phương tồn tại. Lại như âm thanh mà tai nghe được (là một trong những ngoại sắc), có phải sẽ tồn tại bất biến không? Phật giáo và Ấn Độ giáo đối với vấn đề này mỗi bên đều có cách nhìn riêng, vì muốn làm rõ chân tướng nên các phái trong Phật giáo đối với Sắc uẩn đều có nghiên cứu chuyên sâu.