Toàn thể nội dung Phật pháp có thể phân thành ba bộ phận lớn là: Cảnh, hành, quả.
“Cảnh” chính là “vạn hữu”. Việc nghiên cứu và phân loại về vũ trụ vạn hữu là bước đầu để đi vào triết học và nghĩa lý của Phật giáo. Trước tiên cần định nghĩa và phân loại rõ ràng các thuật ngữ về cảnh (vạn hữu), sau đó mới dễ dàng thâm nhập và tìm hiểu về nghĩa lý và triết học. Câu xá luận đem vạn hữu phân thành 5 vị 75 pháp, Đại thừa bách pháp minh môn luận của Duy thức tông đem vạn hữu phân thành 100 pháp, Đại thừa A tỳ đạt ma tập luận (gọi tắt là Tập luận) thì chia vạn hữu thành 109 pháp. Những điều dưới đây đều dựa vào Tập luận và bản chú thích của nó là Đại thừa A tỳ đạt ma tạp tập luận (gọi tắt là Tạp tập luận) để nghiên cứu 109 pháp.
Tập luận là trước tác của Bồ tát Vô Trước, Tạp tập luận là bộ chú giải cho Tập luận của Bồ tát An Huệ, hai bộ luận này đều đã được Pháp sư Huyền Trang dịch từ Phạn văn sang Hán văn. Trong 109 pháp của Tập luận, Sắc uẩn có 15 pháp, Tâm sở có 55 pháp, Bất tương ưng hành có 23 pháp, Thức uẩn có 8 pháp, Vô vi có 8 pháp. Cách phân pháp này là y vào thứ lớp trong ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn) và Vô vi mà kiến lập: Trước tiên nói về Sắc uẩn, sau đó nói về hai pháp đầu trong 55 pháp của Tâm sở là Thọ uẩn và Tưởng uẩn, 53 pháp Tâm sở còn lại và Bất tương ưng hành hợp thành Hành uẩn, tiếp theo đó là Thức uẩn, sau cùng là Vô vi pháp.
Trong vạn hữu, ngũ uẩn là hữu vi pháp, còn lại là vô vi pháp. Tập luận quyển 2 viết: “Nhược pháp hữu sinh, diệt, trụ, dị, khả tri thị hữu vi nghĩa” (Nếu pháp có sinh, diệt, trụ, dị, thì có thể biết được đó nghĩa là hữu vi). Pháp biến hóa thay đổi theo thời gian chính là pháp hữu vi, pháp không biến hóa thay đổi theo thời gian gọi là pháp vô vi.
Đã tìm hiểu về vạn hữu thì phạm vi đương nhiên là rất rộng. Sắc pháp tìm hiểu về những loại thuộc vật chất; Tâm sở và Thức uẩn tìm hiểu về phương diện tâm lý; Bất tương ưng hành thì tìm hiểu về những hiện tượng biến hóa nằm ngoài “vật chất đơn thuần và tâm lý đơn thuần” như: thời gian, phương hướng, con số, sinh, già, chúng sinh, v.v. Pháp vô vi tìm hiểu về những vấn đề chân lý, định luật, v.v. Do vạn hữu không nơi nào mà không bao trùm nên sự nghiên cứu về vạn hữu của Phật học không thể tránh khỏi việc trùng lặp với khoa học tự nhiên (như vật lý học, tâm lý học). Cả hai không phải không liên hệ với nhau, chỉ là sự nghiên cứu về hiện tượng của Phật giáo không sử dụng máy móc để đo lường mà đem trọng tâm xây dựng trên phương diện tâm lý.