Quá trình hình thành và diễn biến của tất cả tông phái Phật giáo Ấn Độ có thể phân thành năm thời kỳ để nghiên cứu.
Thời kỳ thứ nhất, thời kỳ Thế Tôn giáo hóa (531 - 486 TTL). Sau khi Thế Tôn giác ngộ, vì sự bất đồng căn tính của chúng sinh mà khai thị Phật pháp, đây là thời kỳ lấy Thanh văn thừa làm tư tưởng chủ yếu.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ kết tập bộ phái (486 TTL - 150 STL), là thời kỳ tranh luận và kết tập kinh điển Thanh văn, hình thành Bà sa tông (trong đó chia làm bốn hệ và 18 bộ phái riêng) và Kinh lượng bộ, sau đó là sự xuất hiện của kinh điển Đại thừa, lúc này xuất hiện sự tranh luận về “Tiểu thừa” và “Đại thừa phi Phật thuyết”.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ “Trung quán tiền hoằng” (150 - 350), là thời kỳ sáng lập Đại thừa Trung quán tông.
Thời kỳ thứ tư là thời kỳ “Duy thức nhiếp hóa” (350 - 650), là thời kỳ sáng lập Đại thừa Duy thức tông.
Thời kỳ thứ năm là thời kỳ “Trung quán hậu hoằng” (650 - 1200), là thời kỳ Trung quán tông tiếp tục được hoằng dương và cũng là thời kỳ hưng thịnh của Mật tông.
Ở trong các thời kỳ này Phật pháp vẫn liên tục được truyền thừa, chỉ là xu hướng của các tông phái vì hoàn cảnh nên có sự chuyển đổi mà thôi.
1) Thời kỳ giáo hóa của Thế Tôn (531 - 486 TTL)
Giáo pháp của Thế Tôn đã được truyền thừa từ các vị đệ tử qua từng thế hệ, sau cùng được ghi chép lại, phân loại, biên tập và lưu giữ trong Đại tạng kinh ngày hôm nay. Đại tạng kinh bao gồm: kinh, luật, luận tam tạng. Những kinh điển này, dưới sự biên tập và chỉnh sửa, mặc dù khó tránh khỏi sự thêm bớt nội dung của người đời sau, nhưng muốn nghiên cứu giáo pháp của thời kỳ Đức Thế Tôn thì vẫn phải nên lấy sự ghi chép trong Đại tạng kinh làm chỗ y cứ chính yếu.
Thời gian Thế Tôn đản sinh (khoảng năm 565 TTL), trong giới tư tưởng Ấn Độ có hai hệ thống lớn, một là hệ thống Bà la môn thừa nhận uy quyền của Phệ đà, chủ trương chế độ chủng tính và nuôi dưỡng tư tưởng Phạm ngã. Trong bốn bộ Phệ đà (Lê câu Phệ đà, Sa ma Phệ đà, Dạ nhu Phệ đà và A thát bà Phệ đà) thì A thát bà Phệ đà đã biên thành bốn loại chú văn là “Tức tai”, “Tăng ích”, “Hàng phục” và “Huyễn thuật”. Nội dung đề cao nghĩa lý của Phệ đà trong Áo nghĩa thư đối với sự truyền thừa giáo nghĩa thì có sự hạn định và tuyển chọn căn khí để truyền thụ, thực tế đã mang màu sắc của Mật giáo. Hệ thống lớn còn lại là hệ thống không phải Bà la môn, phản đối uy quyền của Phệ đà, hệ thống này có chủ trương tư tưởng nghiệp lực và luân hồi, cho rằng hành trì khổ hạnh có thể đạt được giải thoát. Trước khi Thế Tôn giác ngộ, Ngài đã sớm có sự nghiên cứu sâu vào hai hệ thống tư tưởng lớn này, nhưng Ngài cho rằng cả hai đều không phải cứu cánh. Năm 35 tuổi (năm 531 TTL), Ngài thể ngộ con đường trung đạo và lý duyên khởi của vô ngã, tư tưởng này hoàn toàn không giống bất cứ học phái nào đương thời, từ đó Phật giáo được sáng lập. Hơn 40 năm sau, Thế Tôn đã đặt chân khắp nơi trong nước để giáo hóa chúng sinh, tùy từng căn cơ khác nhau mà khai thị Phật pháp, mãi đến năm 80 tuổi (năm 486 TTL) thì Ngài nhập diệt.
Thế Tôn tùy theo trình độ của chúng sinh mà giáo hóa, đối với người có căn tính Nhân thiên thừa, Ngài khai thị Ngũ giới, Thập thiện và các pháp về Nhân thiên thừa; đối với người có căn tính Thanh văn thừa, Ngài khai thị các pháp về Thập nhị duyên khởi, Tứ thánh đế, v.v.; đối với người có căn tính Bồ tát, Ngài khai thị về các pháp Bồ tát hạnh như Lục độ, Tứ nhiếp, v.v. hay những câu chuyện về bản sinh trong Trường A hàm và luật tạng đề cập đến chính bản thân Ngài khi thực hành Bồ tát đạo để từ đó chỉ dạy về Bồ tát hạnh. Trong hơn 40 năm Thế Tôn giáo hóa, Ấn Độ tất nhiên sẽ có người có căn tính Bồ tát, vì thế mà đương nhiên Ngài sẽ vì họ mà khai thị Bồ tát hạnh. Nếu như nhầm lẫn mà cho rằng Thế Tôn chỉ khai thị Phật pháp cho hàng Thanh văn thì hiển nhiên sẽ không thể phù hợp với nguyên tắc “tùy trình độ mà giáo hóa” của Ngài được. Chỉ là đệ tử Phật lúc ấy đa phần là người có căn tính Thanh văn, cho nên Ngài mới giảng nhiều về giáo pháp Thanh văn, lấy diệt khổ làm chủ yếu. Giáo pháp Thanh văn và Bồ tát hạnh nêu trên ngày nay đều được lưu lại trong A hàm kinh và luật tạng của cả Nam truyền và Bắc truyền.
2) Thời kỳ kết tập bộ phái (486 TTL - 150 STL)
Năm đầu tiên sau khi Đức Phật diệt độ (năm 486 TTL), hàng đệ tử đầu của Đức Phật Thích Ca vì muốn giáo pháp được trường tồn nên mới có cuộc kết tập lần thứ nhất (còn gọi là Vương Xá thành kết tập), dưới sự chủ trì của Đại Ca Diếp, trước hết A Nan tụng kinh tạng, tiếp đến Ưu Ba Ly tụng luật tạng, tổng cộng có 500 vị A la hán tham dự kết tập.
Sau khi Phật diệt độ 100 năm (năm 387 TTL), đệ tử thế hệ thứ hai của Đức Phật là Da Tu (Da Xá) tại thành Tỳ Xá Ly đã triệu tập một số đệ tử của ngài A Nan, A Na Luật và đệ tử tái truyền của Ưu Ba Ly là Tô Na Câu cùng 700 Tỳ kheo, cử hành kết tập lần thứ hai (còn gọi là Tỳ Xá Ly kết tập), đồng thời điều chỉnh thêm bớt một số điều trong giới luật, cũng vì lý do đó mà phái Thượng tọa luật được hình thành. Lần kết tập này trước tiên kết tập luật tạng, sau đó kết tập kinh tạng. Đại chúng bên ngoài đại hội (gồm những vị đệ tử còn lại của các ngài A Nan, La Hầu La, Ưu Ba Ly và Ca Chiên Diên) thì không muốn thay đổi thứ tự các điều luật, được gọi là phái Đại chúng luật.
Từ sau khi Đức Phật diệt độ 137 năm (năm 350 TTL) trở đi, các đệ tử của phái Thượng tọa luật và Đại chúng luật, vì đối với giáo lý của Đức Phật có cách nhìn không giống nhau nên đã xảy ra sự tranh luận. Bên trong phái Đại chúng luật cũng xảy ra tranh cãi về pháp, kết quả là phái Đại chúng luật hình thành Đại chúng bộ, Độc tử bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ (gọi tắt là Thuyết hữu bộ), cùng với Thượng tọa bộ của phái Thượng tọa luật trong đại hội kết tập, được gọi chung là Tứ thánh bộ.
(Nhưng sau khi Phật diệt độ 400 năm, Độc tử bộ và Thuyết hữu bộ đều tự cho rằng chính mình thuộc phái Thượng tọa luật, đây là một sự ngộ nhận).
Khi Phật diệt độ được 200 năm, Độc tử thượng tọa bộ của Độc tử bộ lần đầu tiên kết tập luận tạng để giữ vững tư tưởng của bộ phái mình, sau đó những bộ phái khác cũng tự biên tập luận tạng cho chính mình. Đáng chú ý nhất, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra sự tranh cãi về giáo pháp, đó là đã có tăng chúng thuộc Đại chúng bộ (như Long Thượng Tọa và Kiên Ý) nhìn ra được cảnh giới của Thanh văn A la hán không bằng sự viên mãn của Đức Phật.
Phật diệt độ 226 năm (năm 261 TTL), vua A Dục thống nhất Ấn Độ, những vị kiệt xuất trong các bộ phái Phật giáo hội tập tại Hoa Thị thành, lại làm dấy lên những tranh luận về giáo pháp, mà nổi tiếng nhất là giữa Đại Thiên và Mạt Xiển Đề. Đại Thiên cũng cho rằng A la hán chưa phải là cứu cánh, kết quả đại đa số những vị tăng trẻ tuổi đều tán thành Đại Thiên, do đó mà được gọi là Đại chúng bộ, còn một số ít những vị thượng tọa trưởng lão tán thành Mạt Xiển Đề thì được gọi là Thượng tọa bộ, kết quả là hệ thống luật được thuật ở trên bị lẫn lộn thành một. Trong đây có nói Hữu bộ và Độc tử bộ vốn không tán thành Đại Thiên, do đó mà các học giả đời sau (sau khi Phật diệt độ 400 năm) đã nhầm cho rằng là Thượng tọa bộ, Thuyết hữu bộ và Độc tử bộ đều thuộc phái Thượng tọa luật, kỳ thực cả Thuyết hữu bộ và Độc tử bộ đều thuộc phái Đại chúng luật.
Sau đó, vua A Dục tiếp nhận kiến nghị của Mục Kiền Liên Tử Đế Tu, phái tăng chúng của các bộ phái đi khắp nơi để hoằng pháp, hình thành 18 bộ phái và rất nhiều chi nhánh của bộ phái, các bộ phái đó là:
Các bộ phái được nêu trên được gọi chung là Bà sa tông, đây là lấy Căn bản thuyết hữu bộ để đại biểu cho những bộ phái này, trong số đó tư tưởng của các bộ phái kỳ thực là không giống nhau. Thời kỳ sau đó (khi Phật diệt độ 400 năm) có thêm một phái mới là Kinh lượng bộ trực thuộc hệ thống A Nan đột nhiên xuất hiện, phản đối kiến giải của Thuyết hữu bộ. Kiến giải của 18 bộ phái ở trên tuy chủ trương “nhân vô ngã” nhưng đại đa số vẫn đồng ý “pháp ngã”, điều này rõ ràng đã rời xa những kiến giải sâu xa về “chư pháp vô ngã” mà Đức Phật đã giảng.
Thời kỳ sau của Phật giáo bộ phái (bắt đầu từ năm 50 Tây lịch trở đi), Đại thừa đột nhiên bắt đầu hưng khởi, nguyên do là bởi được rất nhiều hành giả Đại thừa thúc đẩy cổ xúy, y cứ vào Phật thuyết Văn Thù Sư Lợi Bát niết bàn kinh, Thế Tôn thọ ký cho Bồ tát Văn Thù:
Sau khi Phật nhập Niết bàn 450 năm, (Văn Thù) phải đến núi tuyết, tuyên dương và giảng giải 12 bộ kinh, giáo hóa thành thục cho 500 vị tiên nhân, giúp họ đều được bất thoái chuyển.
Tư liệu này không ngoài chứng minh: Sau khi Đức Phật diệt độ 450 năm, sẽ có 500 hành giả Đại thừa tu Bồ tát đạo, tu hành tại núi tuyết, đạt được sự tương ưng với bản tôn Văn Thù Bồ tát, sau đó hoằng truyền giáo pháp Đại thừa, bắt đầu thúc đẩy sự hưng khởi của Đại thừa. Chương 13 trong cuốn Sử Phật giáo Ấn Độ của Đạt Lạt Na Tha người Tây Tạng cũng có ghi chép: Sau cuộc kết tập tại Ca Thấp Di La không lâu, có 500 vị A xà lê (Quỹ phạm sư) xuất thế, như Đại đức A Tỳ Đạt Lô Ca, Tỳ Ca Đa La Già Độ Bà Xà, Đề Phù Da Ca La Khuất Đa, La Hỗ La Mật Đa La, Xà Na Đa La, Đại Ưu bà tắc Tăng Già Đa La, v.v. nhận sự giáo huấn của Bồ tát Văn Thù, tu học giáo pháp Đại thừa; sau đó, La Xoa Thấp Bà Vương ở phương Tây (Tương Mã Vương) xây dựng 500 ngôi chùa để thỉnh 500 vị A xà lê truyền pháp và sao chép một số lượng lớn kinh điển, nhờ đó mà xúc tiến được sự phát triển của Đại thừa. Do có một số kinh điển Đại thừa bất đồng với thánh điển A hàm truyền thống và nêu cao mục tiêu là phải thành Phật, bất đồng với Tứ đại thánh bộ (khi chỉ xem Thanh văn A la hán là mục tiêu chủ yếu); do hai bên phê bình lẫn nhau mà dần dẫn tới sự đối lập giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Trải qua hai, ba thời đại và đặc biệt là thời đại của ngài Long Thọ và Đề Bà, nhờ công cuộc trước tác luận điển nhằm xiển dương tư tưởng Trung quán mà cuối cùng giáo pháp Đại thừa đã phổ biến khắp toàn cõi Ấn Độ.
Khi Phật diệt độ được khoảng 600 năm (khoảng năm 115), vào thời kỳ của vua Ca Nị Sắc Ca, một bộ luận điển vô cùng quan trọng của Thuyết hữu bộ đã được biên tập tại Ca Thấp Di La đó là Đại tỳ bà sa luận, nội dung trong đó lấy giáo pháp Thanh văn làm cốt lõi. Nhưng lúc này kinh điển của Đại thừa Hiển Mật cũng đã bắt đầu được hoằng dương tại Ấn Độ, năm 148 ngài Chi Lâu Ca Sấm đến được đất Hán, những kinh điển Đại thừa được truyền bá và dịch thuật gồm có: Bát nhã đạo hạnh kinh và Ban chu tam muội kinh, cùng pháp môn niệm Phật A Di Đà để cầu vãng sinh Tây phương của người đời sau, đây là bằng chứng về sự có mặt đồng thời của Đại thừa Hiển Mật. Trong thời kỳ này, phái Di man sai của hệ thống Bà la môn Ấn Độ đã biên soạn ra Di man sai kinh, phái Thắng luận biên soạn ra Phệ thế sư già kinh, hiện tượng này không ngoài việc cho ta biết rằng lúc này các giáo phái tại Ấn Độ đã xem trọng việc viết ra văn tự để truyền bá giáo nghĩa của giáo phái mình.
3) Thời kỳ Trung quán tiền hoằng (150 - 350)
Đại thừa Phật giáo với sự hưng khởi bất ngờ và toàn diện của mình, một mặt phát triển đạo Bồ tát của 500 vị tiên nhân, một mặt nương vào giáo pháp để tu chứng, lúc này đã có một số lượng lớn kinh điển được lưu truyền tại Ấn Độ, có thể kể ra như các kinh thuộc hệ thống Bát nhã… cho đến pháp môn Tịnh độ của Ngũ phương Phật cùng các pháp tu của Mật tông. Trong thời kỳ này trước tiên là có Phật sở hành tán của Bồ tát Mã Minh, tán tụng bổn hoài của Phật, mang đến tiếng vang rộng lớn. Tiếp theo đó Bồ tát Long Thọ nương vào “cái thấy sâu xa” của Đại Bát nhã kinh mà trước tác ra Trung luận, Thập nhị môn luận, v.v. trở thành bậc đại sư mở đường cho Trung quán tông; lại được đệ tử của mình là Đề Bà hoằng dương, trước tác có Bách luận và nhiều bộ sách khác được lưu truyền, giúp cho Phật pháp được phát triển lớn mạnh. Sự cống hiến quan trọng nhất của Long Thọ và Đề Bà là hai vị đã xác lập kiến giải về trung đạo cho Phật pháp, đồng thời bài xích thường kiến hoặc đoạn kiến của ngoại đạo. Năm 223, Chi Khiêm đến đất Hán, dịch Đại minh độ vô cực kinh và Đạo hạnh Bát nhã, đồng thời truyền các kinh Mật tông như Xuất sinh vô biên môn Đà la ni kinh, v.v. Từ đó cũng có thể thấy được thật sự trong thời kỳ này cả Hiển giáo và Mật giáo đều rất được xem trọng. Một thời gian ngắn sau đó, Kha Lê Bạt Ma (Sư Tử Khải) đã kết hợp một cách hài hòa hai quan điểm của Đại thừa và Tiểu thừa, trước tác nên bộ Thành thật luận. Mặt khác, phái Du già và phái Chính lý của hệ thống Bà la môn Ấn Độ cũng dần dần được hưng khởi.
4) Thời kỳ Duy thức nhiếp hóa (350 - 650)
Năm 350 - 650, hệ thống Bà la môn Ấn Độ đã lần lượt biên tập nên các bộ kinh điển gồm: Ni dạ da kinh của phái Chính lý; Du già kinh của phái Du già và Phệ đàn đa kinh (Phạm Vương kinh) của phái Phệ đàn đa, tư tưởng Phạm ngã phát triển lớn mạnh, vì thế mà Phật giáo cũng bị ảnh hưởng.
Giai đoạn đầu của thời kỳ này, Bồ tát Vô Trước (năm 350) nương vào lời chỉ dạy của sư phụ (chưa biết tên) tu quán bản tôn Từ Thị mà được thành tựu, trước tác các bộ Hiện quán trang nghiêm luận của Trung quán kiến hành và Du già sư địa luận của Duy thức kiến hành. Ngài Vô Trước một mặt nương vào Bát nhã kinh, hoằng dương rộng lớn hạnh nguyện Bồ tát (như Kim cang kinh luận), mặt khác nhằm hướng dẫn cho Thế Thân và nhiếp hóa ngoại đạo, bèn mang tư tưởng Duy thức truyền bá, và trở thành vị đại sư mở đường cho Duy thức tông của Phật giáo Đại thừa. Sau đó lại được sự hoằng dương của các vị như Trần Na, An Tuệ, Hộ Pháp, Giới Hiền, Pháp Xứng, v.v. đã giúp cho Duy thức tông của Phật giáo Đại thừa được kéo dài với khoảng thời gian hơn 300 năm. Tư tưởng Duy thức đã giúp nhiếp hóa được tín ngưỡng Phạm ngã của tín đồ Bà la môn, nhưng sau đó vẫn không đủ để kìm hãm sự hưng thịnh của hệ thống Bà la môn. Nên trong khoảng 300 năm này, tuy được sự hộ trì các vua như vua Giới Nhật, nhưng Phật giáo chỉ phát triển ở một số khu vực, sau đó cũng không thể chống cự được với ngoại đạo. Theo như sự ghi chép của Huyền Trang và Pháp Hiển, ta có thể nhìn ra diễn biến của cục diện này.
Ngài Phật Hộ (470 - 540) và Thanh Biện (500 - 570) của Trung quán tông xuất thế trong thời kỳ này, đã chú thích Trung luận. Phật Hộ là tổ sư của phái Trung quán Ứng thành, Thanh Biện là tổ sư của phái Trung quán Tự tục. Phái Tự tục cho rằng, tất cả pháp trên phương diện danh từ ngôn ngữ đều do tự tướng mà có, còn trên phương pháp luận thì phái này chú trọng hình thức logic, sử dụng “lập” thức. Phái Trung quán Ứng thành cho rằng, tất cả pháp trên danh từ ngôn ngữ là không có tự tướng, ở trên phương pháp luận chú trọng phép biện chứng, sử dụng “phá” thức. Như vậy Trung quán tông chia ra thành hai phái lớn.
Bồ Đề Đạt Ma trong thời kỳ này (khoảng năm 530) đến đất Hán truyền Thiền tông, Đại sư Mật tông Cực Hỷ Kim Cang (năm 600) cũng xuất thế trong thời kỳ này, hoằng dương đại viên mãn pháp, cũng tương tự Thiền tông. Thời gian này còn có Tăng Già Bạt Đà La (năm 488) cũng đến đất Hán, dịch Khổng Tước Vương Đà la ni kinh và Văn Thù sở thuyết Bát nhã kinh, qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của cả Mật tông và Bát nhã pháp môn. Ngoài ra, Thế Thân trước tác Câu xá luận, đã tỉ mỉ phân tích đánh giá về những quan điểm của Thuyết hữu bộ. Những trước tác trên phương diện Nhân minh của Trần Na và Pháp Xứng, đã giúp cho tư duy giáo lý Phật giáo đi đến chỗ tinh tế tỉ mỉ, góp phần cống hiến rất lớn cho sự phát triển của triết học Ấn Độ thời kỳ sau này.
5) Thời kỳ Trung quán hậu hoằng (650 - 1200)
Từ năm 650 tới năm 1200, trong thời gian hơn 500 năm, là thời kỳ hưng thịnh của Trung quán và Mật tông. Ở thời kỳ Duy thức nhiếp hóa, Duy thức kiến hành sau một thời thịnh hành, đã dần không còn có thể kháng cự với hệ thống Bà la môn giáo truyền thống. Năm 650, Nguyệt Xứng xuất thế, sau khi tu chứng bản ý hạnh nguyện của Bồ tát Văn Thù, đề xướng Trung quán kiến hành (thuộc phái Ứng thành), không lâu kế đó Tịch Thiên xuất thế, lại tiếp tục làm mới và hoằng dương Trung quán kiến hành, xóa bỏ đi xu thế hỗn tạp giữa Phật và Phạm, đặt nền tảng cho thời kỳ “hậu hoằng”. Các ngài đề xướng quan điểm của phái Trung quán Ứng thành, chủ trương xóa bỏ tất cả chấp trước, dễ dàng ngộ nhập vào vô ngã, và có thể khế hợp với sự thực tiễn của Mật tông, để rồi có rất nhiều vị xuất thế đạt được thành tựu lớn, trong đó phải kể đến sáu hiền môn như các vị Na Lạc Ba, Hương Để Ba, Ngữ Tự Tại Xưng, v.v. Đầu thời kỳ này (năm 700), các vị Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí, mang Hành tục và Du già tục của Mật tông truyền vào đất Hán. Thời gian sau đó, một vị tăng người Nhật tên là Không Hải đã mang Mật tông truyền qua Nhật Bản, hình thành “Đông Mật”. Năm 750, Hiền Hộ và Liên Hoa Sinh đại sĩ mang Phật pháp Hiển Mật truyền vào Tây Tạng, hình thành Phật giáo Tây Tạng. Hệ thống này đã diễn tiến trở thành phái Ninh mã. Năm 1042, A Để Hiệp sang Tây Tạng hoằng pháp, hình thành phái Ca đương. Trác Nhĩ người Tạng sang Ấn Độ học Mật, rồi trở về Tây Tạng hoằng pháp, sau đó hình thành phái Tát già. Mã Nhĩ người Tạng học pháp Mật với Na Lạc Ba, rồi trở về Tây Tạng hoằng pháp, hình thành phái Cát cử. Năm 1400, Tông Khách Ba người Tạng kế thừa A Để Hiệp sáng lập phái Cách lỗ. Các phái kể trên đều là những hệ thống phân phái rất quan trọng của Mật giáo Tây Tạng. Thời Tống, các vị Thiên Tức Tai và Thi Hộ mang Vô thượng Du già, lục tục truyền vào đất Hán, đồng thời còn phiên dịch các luận điển về Trung quán, điều này cũng đã biểu thị mối quan hệ mật thiết giữa Trung quán và Mật tông.
Năm 1100, cuối triều vua Ba La, Vô Úy Tác Hộ (A Bạt Da Già La) xuất thế, hoằng dương Trung quán và Mật tông. Trong 100 năm sau đó, dưới triều đại vua Tư Na, có 24 vị “đại Tự tại” xuất thế cũng hoằng dương Trung quán và Mật tông, trong đó có Thích Ca Thất Lợi vào Tây Tạng hoằng pháp năm 1204, Ngài là vị đại sư sau cùng trong thời kỳ này. Lúc này quân đội Hồi giáo đã nhiều lần tấn công Ấn Độ, các đại sư Phật giáo cũng dần di cư sang Tây Tạng và Nepal, Phật giáo Ấn Độ dần suy vong. Phật giáo Ấn Độ suy kiệt sau khi bị quân đội Hồi giáo xâm chiếm, phái Phệ đàn đa của Bà la môn đã hấp thụ tư tưởng Trung quán của Phật giáo và phái Di man sai hấp thụ đặc điểm của Mật tông dần dần được phục hưng, khôi phục lại ưu thế của hệ thống Bà la môn truyền thống. Về Phật giáo thì không có thêm điểm gì nổi bật nên cũng không thể hưng khởi được.
Tóm lại nội dung được trình bày ở trên: Phật giáo tại Ấn Độ trong hơn 1.700 năm, bắt đầu từ Thích Ca truyền xuống, trải qua thời kỳ bộ phái với những bình luận bất đồng về giáo lý, lại thêm sự hoằng dương Đại thừa của 500 vị tiên nhân. Sau đó Long Thọ, Đề Bà hoằng dương quan điểm Trung quán, trải qua sự nhiếp hóa của Vô Trước, phát triển Duy thức của Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng, sau cùng là sự đề cao Trung quán trở lại của Nguyệt Xứng và Tịch Thiên, cùng việc xuất thế của sáu huyền môn và 24 đại Tự tại. Trong quá trình phát triển và thay đổi của Phật giáo tại Ấn Độ, tư tưởng căn bản khác với hệ thống Bà la môn giáo và các tôn giáo khác mà Thế Tôn đã truyền thừa là “vô ngã, duyên khởi, trung đạo”. Trong thời kỳ hoằng dương tư tưởng vô ngã, rất nhiều người đã đạt được thành tựu, trong hơn 1.700 năm Phật giáo phát triển tại Ấn Độ, ta đã thấy rõ được sự thật này, tình hình phát triển tại Tây Tạng cũng có thể phát biểu như vậy.