Duy thức học (Vijñānavādin) là một trong hai tông phái lớn trong nền triết học của Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna), phát triển cực kỳ rầm rộ ở các nước viễn đông. Riêng ở Việt Nam, tư tưởng Duy thức học đã xuất hiện tương đối sớm. Từ thời ngài Thường Chiếu (? - 1203), chúng ta thấy Thiền sư Thường Chiếu dòng Thiền Kiến Sơ đã đề cập đến phạm trù quan trọng của Duy thức học trong một số bài kệ của mình, như:
Tại thế vi nhân thân
Tâm vi Như Lai tạng
Chiếu diệu thả vô phương
Tầm chi cánh tuyệt khoáng.
(Thân tuy sống trên đời
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu rạng cả mười phương
Nhưng tìm thì biệt dạng).
Đến nửa sau thế kỷ XX, trường phái Duy thức học này đã thu hút sự chú ý của giới Phật tử cũng như các nhà nghiên cứu Phật giáo. Sự tình này không những đã nâng cao trình độ hiểu biết của Phật tử mà còn có những đóng góp cụ thể cho công trình nghiên cứu về Duy thức học thế giới.
Như thế, ngày nay việc yêu cầu nghiên cứu về trường phái Duy thức học ở nước ta là một thực tế cần phải được thỏa mãn. Việc tiếp cận với các công trình nghiên cứu nước ngoài về Duy thức học cần phải được đẩy mạnh, đặc biệt là nền Duy thức học ở Trung Quốc mà từ lâu đã có ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Pháp sư Ấn Thuận, nhà nghiên cứu Duy thức học lâu năm của Đài Loan và Trung Quốc đã công bố kết quả trong tác phẩm của mình là Duy thức học thám nguyên. Tuy chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu Hán Tạng là chính, Duy thức học thám nguyên đã cho ta biết về nguồn gốc tư tưởng Duy thức từ những nguồn kinh luận khác. Đây là một đóng góp giá trị cho việc nghiên cứu Duy thức học. Đại đức Thích Quảng Đại đã phát tâm dịch tác phẩm này ra Việt ngữ, tôi hy vọng, bản dịch này sẽ giúp cho độc giả ở nước ta có thêm một số hiểu biết về nguồn gốc Duy thức học. Tôi viết mấy lời này xin giới thiệu cùng các bạn đọc.
Giáo sư Lê Mạnh Thát