Xưa nay, Duy thức học (Vijñānavādin) là một vấn đề đặc biệt được giới nghiên cứu Phật giáo rất quan tâm, bởi vì nó là một trong những nền tư tưởng triết học cốt lõi của Phật giáo. Nói cách khác, Duy thức là môn tâm lý học của Phật giáo được Đức Phật nêu ra trong quá trình thuyết giáo của Ngài. Trải qua quá trình truyền thừa, chư Tổ, các vị luận sư Phật giáo đã tiếp nối, phân tích chia chẻ, hình thành hệ thống tâm thức học, nhằm triển khai rộng rãi giáo pháp của Đức Phật bằng những lý luận logic, hệ thống đó có thể gọi là “Tâm học”, “Nội tâm học” hoặc “Tâm lý học” của Phật giáo, nhưng không ra ngoài Bốn chân lý và con đường Bát chính để đi đến giác ngộ giải thoát mà Đức Phật đã dạy.
Tác phẩm Tìm hiểu nguồn gốc Duy thức học này được tác giả Ấn Thuận tìm tòi, nghiên cứu rất tỉ mỉ bộ môn Duy thức học qua quá trình diễn biến và phát triển của lịch sử tư tưởng Phật giáo. Theo thứ tự, tác giả đã nêu ra: trước hết là tìm hiểu tư tưởng Duy thức trong Phật giáo nguyên thủy, thứ đến là nối tiếp qua giai đoạn Phật giáo Bộ phái và Phật giáo Đại thừa, hay còn gọi là Phật giáo thời kỳ Duy tâm luận. Tư tưởng trọng tâm và mang tính nhất quán của ba thời kỳ Phật giáo nói trên là pháp Duyên khởi (Pratītya-samutpāda), và pháp Duyên khởi này cũng chính là nguồn gốc hình thành nên hệ thống tư tưởng Duy thức (Vijñānavādin) xuyên suốt cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa.
Trải qua quá trình phát triển của Phật giáo Ấn Độ, do sự bất đồng quan điểm trên lĩnh vực địa dư, cũng như tư tưởng truyền thừa của giáo lý Đức Phật, nên đã có những sự tranh cãi rất quyết liệt để rồi sự phân phái được hình thành. Tư tưởng Duy thức học trong giai đoạn này có một bước phát triển rất lớn và rất đáng được chú ý. Tác giả nhận xét:
“Trong hàng ngũ đệ tử Phật, một mặt là nghiên cứu thánh giáo của Đức Phật khai thị, một mặt là căn cứ vào sự thể nghiệm cùng với tư duy biện chứng, rồi vận dụng lý trí của mình và nêu ra những ý kiến để giải quyết, vì thế đã phát sinh ra sự bất đồng giữa các tư tưởng.
Ý kiến của họ quả thật quá ư phức tạp và nhỏ nhặt. Nhưng nếu đem quy nạp tất cả tư tưởng của họ lại thì vẫn có cùng một khuynh hướng nhất quán. Khuynh hướng ấy chính là họ đều lấy sự tồn tại hiện thực để làm điểm xuất phát của tư tưởng, từ sự suy luận gián đoạn đạt đến suy luận tương tục; từ chỗ hiển bày đến chỗ tiềm ẩn; từ chỗ thô thiển đến chỗ nhỏ nhiệm; từ chỗ sai biệt đến chỗ thống nhất; từ vô thường đến thường trụ; từ vô ngã đến hữu ngã. Các nhà tư tưởng này đều bàn luận về sự tương tục, tiềm ẩn, nhỏ nhiệm, thống nhất, thường trụ và hữu ngã, và đã thiết lập nên những thuyết “Bất tức bất ly”, “Bất đoạn bất thường” mà không trái với chủ thuyết “Chư hành vô thường”. Vì thế, họ khắc phục được mọi nan giải và nghiêm trọng đã nói ở trên. Những ý kiến của họ đề xướng đều có sự liên quan đến Bản thức và chủng tử của Duy thức học”.
Hơn nữa, những sự tranh luận của các bộ phái nhằm mục đích là khiến cho mọi người hiểu rõ chính mình và hiểu rõ đối phương, đồng thời làm rõ vấn đề tư tưởng Phật học mà trong đó tư tưởng Duy thức học được các học phái đặc biệt quan tâm.
Ở Ấn Độ, trong quá trình phát triển của Phật giáo Đại thừa, quan điểm Duy tâm luận đã hình thành nên hai trào lưu tư tưởng, đó là Chân tâm và Vọng tâm.
Phái Chân tâm phát xuất từ Đại chúng Phân biệt thuyết hệ, thuộc miền Nam Ấn Độ, gọi là Nam phương Phật giáo. Phái Vọng tâm phát xuất từ Thuyết nhất thiết hữu hệ, thuộc miền Bắc Ấn Độ và gọi là Bắc phương Phật giáo.
Theo quan điểm Chân tâm luận, phái này cho rằng bản tâm vốn thanh tịnh nhưng bị khách trần phiền não che lấp, tức là do phiền não huân tập làm ô nhiễm tịnh tâm, từ đó các cảnh giới tạp nhiễm mới xuất hiện. Họ chú trọng về mặt kinh điển mang tính truyền thống, đặc biệt là nghiêng về vấn đề nhận thức trực giác, tổng hợp, xem trọng về lý tính và bản thể luận. Phái này lấy Tâm chân thường làm nơi y cứ của hết thảy các pháp nhiễm tịnh, trong đó bản thể thanh tịnh là yếu tố quyết định.
Theo quan điểm Vọng tâm luận, phái này cho rằng ba cõi đều hư vọng, tất cả đều do tâm tạo tác. Họ chú trọng vào phương diện cảm ứng của nghiệp lực, tức là tất cả chủng tử hàm chứa trong Bản thức do nghiệp cảm mà khởi ra hết thảy các pháp. Phái này xem trọng mặt luận điển, nhất là vấn đề biện luận, phân tích nên họ nghiêng về sự tướng, chú trọng về nhận thức luận. Họ lấy Tâm hư vọng làm nơi y cứ của hết thảy các pháp nhiễm tịnh, trong đó tịnh pháp chỉ là yếu tố phụ thuộc mà thôi.
Sở dĩ có hai quan điểm như trên, có lẽ một mặt là do tác động bởi phương diện địa dư, mặt khác là do ảnh hưởng của quá trình truyền thừa. Bên cạnh đó, ý kiến lại có giới hạn bởi từng cá nhân, từng quan điểm hay từng học phái riêng biệt. Tuy nhiên, chân lý càng bàn thì càng sáng, cho nên Chân tâm luận có thể phê bình Vọng tâm luận, Vọng tâm luận lại phản đối Chân tâm luận. Song vấn đề biện luận phải có điều kiện hay quy tắc chung, đó là y cứ vào lý chứng và giáo chứng của hai phái. Quá trình biện luận và thể nghiệm là quá trình chỉnh lý và trải qua thời gian lâu dài như thế đã kiện toàn được các hệ thống tư tưởng Duy thức học của Phật giáo.
Nội dung của tác phẩm Tìm hiểu nguồn gốc Duy thức học này khá phong phú và phức tạp, nhưng giúp cho người học Phật có một cái nhìn hệ thống về quá trình diễn biến và hình thành bộ môn Triết học Duy thức của Phật giáo. Đây là một công trình nghiên cứu rất nghiêm túc, có giá trị cho việc nghiên cứu và cũng có thể trở thành một giáo trình căn bản cho các trường Phật học và những ai có hứng thú với bộ môn này.
Tác phẩm này được NXB Tôn giáo cho phép xuất bản vào năm 2006, nhà sách Quang Minh đứng ra in ấn, nay người dịch xin chỉnh sửa lại để tái bản, đưa vào kho tư liệu truyền bá chính pháp của Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm tùng thư, vừa làm tư liệu nghiên cứu cho bản thân, vừa cùng mọi người nghiên cứu thêm. Lần tái bản này, dịch giả không nhằm mục đích thương mại mà chỉ để tặng biếu, mong quý vị độc giả hoan hỷ.
Người dịch
Thích Quảng Đại cẩn bút