Cẩm nang này được biên soạn nhằm giới thiệu những công cụ thiết thực để mỗi người chúng ta tự giúp bản thân mình trong những lúc ốm đau. Nội dung sách được soạn thảo dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của những người đã từng chữa trị và đương đầu với bệnh nặng, cùng sự đóng góp từ nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Khi bệnh nặng hay tàn tật, ta cảm thấy mình dường như không kiểm soát được những gì đang diễn ra và tưởng chừng sức khỏe của ta nằm trong tay người khác. Tuy nhiên trong ta vẫn có một nguồn lực rất lớn có thể thúc đẩy sự hồi phục về thể chất, cảm xúc, tinh thần và tâm linh.
Bảy công cụ trong cẩm nang này sẽ giúp bạn tự hỗ trợ bản thân theo cách như vậy – nâng cao ý thức về sự khỏe mạnh (thể chất, tinh thần, cảm xúc và tâm linh) và ý nghĩa của việc “tìm lại sức mạnh tinh thần”. Bằng cách dùng cuốn sách nhỏ này kèm theo nghe MP3, bạn sẽ học được cách khơi dậy những nguồn lực bên trong, giúp bạn vững vàng vượt qua những khoảng thời gian đầy khó khăn, thử thách.
Sách này dành cho
Cuốn cẩm nang này được soạn thảo cho những ai đang:
• có chẩn đoán bị bệnh nặng về thể chất
• đang đối phó với sự đau đớn hay tàn phế
• đang trải qua những đợt trị liệu khó khăn
• đang được chăm sóc giảm đau ở giai đoạn cuối
• đang bình phục sau tai nạn hay chấn thương thể chất
• đang trải qua hay đang bình phục từ những bệnh tâm thần như lo âu, trầm cảm
Bên cạnh đó, qua những bài tập thư giãn, nuôi dưỡng ý nghĩ và cảm xúc tốt lành đối với bản thân, tài liệu này cũng hữu ích cho những người săn sóc bệnh nhân và nhân viên y tế đang chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong công việc.
Bệnh tật và sự Thay đổi
Cú sốc từ thương tật, từ chẩn đoán mắc bệnh nặng hay bệnh nan y thường khiến cho sự an nhiên trong ta bị phá vỡ, ảnh hưởng đến ta ở tất cả các cấp độ – thể chất, tinh thần, cảm xúc, tâm linh. Không những thế, mối quan hệ giữa ta với gia đình, bạn bè và những người ta tiếp xúc trong cuộc sống cũng bị xáo trộn. Những vai trò quen thuộc hàng ngày, tài sản và những gì ta vẫn dùng để khẳng định mình nay trở nên lung lay. Ta thấy mình phải đối mặt với những câu hỏi lớn không có lời áp: “Sao lại thế này?”, “Sao lại là tôi?”, “Sao lại bây giờ?”, “Sao...?”, “Sao...?” và “Sao...?”.
Bệnh tật đẩy ta vào một vai trò lạ lẫm. Trong vai “bệnh nhân”, ta bắt đầu cảm thấy mình tách biệt và bị cô lập với những điều được coi là bình thường của cuộc sống. Ta bước vào thế giới của sự chờ đợi – chờ khám bệnh, chờ xét nghiệm, chờ kết quả, chờ phẫu thuật – nơi mà ta cảm thấy sức khỏe và tương lai như vuột khỏi tầm kiểm soát của mình.
Cùng với những xáo trộn trong cuộc sống là sự tuôn trào cảm giác mất mát và những cảm xúc có liên quan. Ta phủ nhận, hoặc kháng cự quyết liệt trước sự thật về tình hình của ta với ý nghĩ “chuyện này không thể xảy ra với mình”, “chuyện này lẽ ra không nên xảy ra” và nhiều điều khác nữa. Song, cách phản ứng ấy chỉ sinh ra thêm bực tức, oán hờn, thất vọng, rồi tuyệt vọng. Đôi khi ta cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa và dễ dàng buông xuôi ngay khi gặp chướng ngại đầu tiên này. Có lúc ta giận điên lên và muốn đổ vấy cho ai đó hay điều gì đó vì những chuyện đang xảy đến với ta. Ta cũng nói đến chuyện “chiến đấu” với ung thư, hay “đấu tranh” với trầm cảm. Nhìn chung, tức giận có thể “tăng lực” để giúp giải quyết một số vấn đề trong ngắn hạn, nhưng thực ra “cuộc chiến” này sẽ ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí, bởi nó rút cạn sức lực và làm tinh thần thêm căng thẳng đúng ngay lúc ta cần tổng huy động mọi nguồn lực.
Rồi đến khi ta bắt đầu chấp nhận và đối mặt với bệnh tật thì ta lại thấy mình chìm ngập giữa những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí còn thu nạp thêm lời bi quan từ mọi người xung quanh. Những suy nghĩ này tiếp nhiên liệu cho cảm giác cô độc và có thể dẫn đến những vấn đề về thể chất, như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh lực, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, huyết áp... Suy nghĩ tiêu cực còn sinh ra cảm giác mệt mỏi, chán chường, trầm cảm, mất khả năng suy nghĩ mạch lạc và không thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Những người xung quanh ta – người thân trong gia đình, bạn đời và bạn thân – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì đang diễn ra. Dù ta có muốn trấn an họ, nhưng bản thân ta lại không đủ mạnh để làm như vậy.
Dùng cách gì để giữ cho sự khổ sở không cần thiết này đừng đến gần ta? Làm thế nào ta có thể tự nâng đỡ tinh thần mình, không những thế còn cảm ơn hoàn cảnh bệnh tật mà chúng ta đang mắc phải?
Bệnh tật và Cơ hội
Những ai từng trải qua bệnh hiểm nghèo hay bị thương tật đều nhận thấy bệnh tật đã mang đến một số tác động tích cực không ngờ đối với cuộc sống của họ. Đây thường là cơ hội để họ:
• sống chậm lại và tận hưởng một nhịp sống êm ả hơn
• chiêm nghiệm lại những tình huống của cuộc sống và tạo ra sự thay đổi tích cực cho những điều ưu tiên trong đời
• quan sát và tận hưởng môi trường thiên nhiên xung quanh
• củng cố sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với bạn đời, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp
• tiếp tục thực hiện hoặc quay trở lại với những sở thích và hoạt động sáng tạo mà ta hằng theo đuổi
• học những kỹ năng mới
• nhận thức và thực hành tâm linh một cách sâu sắc hơn
• chuẩn bị cho tương lai và sắp xếp lại công việc
Thật ngạc nhiên là bệnh tật lại mang đến cho ta những thời khắc vui vẻ, bình yên và toại nguyện đến không ngờ. Những trải nghiệm này ngày càng lớn mạnh nhờ vào khả năng vui sống với từng phút giây hiện tại. Chúng ta nhận ra những thế mạnh và phẩm chất mà trước đây ta không hề biết là mình có. Những điều này giúp ta ứng phó tích cực với những thay đổi và thử thách trước mắt, giúp ta nhận ra ý nghĩa của sức khỏe và sự cân bằng.
Bảy công cụ hữu ích
Thực hành bảy công cụ hữu ích này trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp bạn khám phá và củng cố phương pháp đối phó với bệnh tật một cách nhẹ nhàng, tích cực hơn. Cụ thể là, những công cụ này sẽ giúp bạn tìm ra và rút về chốn bình yên ngập tràn sức mạnh ngay trong bạn. Trong khi đang phải vật lộn với cơn đau, sự khắc khoải và nỗi buồn khổ của người thân thì việc khơi dậy cảm xúc mạnh mẽ bên trong sẽ mở ra cho bạn một viễn cảnh ý nghĩa hơn về những gì đang xảy ra. Từ đó, bạn có thể suy nghĩ và hành động theo hướng có lợi nhất cho sự khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần, cảm xúc và tâm linh của bạn.
Bảy công cụ đó là:
Công cụ 1: Thiền định
Công cụ 2: Mường tượng
Công cụ 3: Cảm kích
Công cụ 4: Sáng tạo
Công cụ 5: Lắng nghe
Công cụ 6: Đùa vui
Công cụ 7: Chiêm nghiệm
Đây là những phương pháp đơn giản có thể thực hành trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong việc chăm sóc sức khỏe, và mỗi lần chỉ cần 1 – 2 phút thực hiện. Thực hành thường xuyên sẽ giúp bạn:
• xoa dịu cơn đau, nỗi lo lắng và buồn khổ
• nuôi lớn cảm giác bình yên và ổn định nội tâm
• gia tăng những suy nghĩ và hành vi tích cực, từ đó tạo ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh
• tăng sức bật cho cơ thể, tâm trí và cảm xúc
• nhận biết về bản thể đích thực và những nguồn lực nội tâm
• đứng lùi lại, nghĩa là tách biệt khỏi tình huống khó khăn để nhận ra cách ứng phó hiệu quả hơn
• cảm thấy hài lòng hơn trong các mối quan hệ
• chấp nhận tình trạng của mình và sống tích cực trong từng giây phút hiện tại
Sử dụng những công cụ này còn giúp tăng cường và làm sâu sắc hơn sự kết nối tâm linh (với Thiên nhiên, với Cội nguồn Thiêng liêng...) của bạn, những “điểm tựa” tâm linh giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh tật, trong quá trình chữa trị hay hồi phục, cũng như mang đến ý nghĩa đặc biệt cho cuộc sống của bạn.