Công việc bận rộn khiến dịch giả - nhà văn Bích Lan mệt hơn, song niềm vui lại nhân lên gấp bội khi người con gái bé nhỏ được cống hiến sức mình cho những việc làm có ích.
Vươn lên vì mình - vì mọi người
Nhiều năm nay, báo chí và giới văn học thường nhắc đến cái tên Nguyễn Bích Lan không chỉ là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt qua số phận mà còn bởi niềm đam mê dịch thuật, viết văn, làm báo và làm nhiều công việc có ích cho xã hội. Việc cô gái sinh năm 1976, luôn phải sống trong những cơn đau do căn bệnh quái ác loạn dưỡng cơ hoành hành, mà vẫn đều đều hàng năm cho ra đời các tác phẩm dịch có giá trị, khiến cho nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và thán phục.
Trải qua hơn 10 năm cầm bút, Bích Lan đã dịch được gần 30 đầu sách cùng nhiều sáng tác văn học được bạn đọc rất yêu thích như:Triệu phú khu ổ chuột, Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm, Người đàn ông hoàn hảo, Cuộc sống không giới hạn, Không gục ngã... Năm 2010, Bích Lan vinh dự nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam với bản dịch Triệu phú khu ổ chuột. Cô chính thức trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và được lựa chọn là 1 trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tôn vinh trong khu trưng bày mới của bảo tàng.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Thái Bình. Năm 13 tuổi, căn bệnh loạn dưỡng cơ đã khiến cho cô phải bỏ giữa chừng công việc học hành, thay vào đó là chuỗi những ngày đấu tranh mệt mỏi với căn bệnh nan y quái ác. Từ một cô bé bình thường, Lan sụt cân nhanh chóng, đến chén cơm cũng không thể nâng nổi bằng đôi tay bé nhỏ. Cứ tưởng rằng bao nhiêu ước mơ và hoài bão sẽ vụt tắt, mọi cánh cửa của tương lai sẽ khép lại từ đây. Nhưng với ý chí, quyết tâm không chịu đầu hàng số phận, không chịu làm gánh nặng cho người thân và gia đình, người con gái gày gò, ốm yếu đã tự mày mò học tiếng Anh.
Sau khi tích lũy được vốn kiến thức tiếng Anh nhất định, chứng kiến cảnh các em nhỏ ở làng quê nghèo nơi mình sinh sống không có điều kiện được học tiếng Anh, Bích Lan mạnh dạn mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Thế là “Lớp học cây táo” đã ra đời, nhanh chóng nổi tiếng khắp xóm làng.
Lớp học duy trì được bốn năm thì Bích Lan kiệt sức do bệnh tật lúc này đã biến chứng sang tim, phải nằm liệt giường. Trong căn phòng ngột ngạt bé xíu chỉ có hơn 10 m2 tại vùng quê nghèo, Bích Lan lại tự vật lộn, đấu tranh với chính mình. Tuy nhiên, chính trong thời gian này, chị đã có cơ duyên làm quen với chiếc máy tính và bắt đầu thử sức với công việc dịch thuật. Năm 2002, tác phẩm dịch đầu tay “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” được ra đời, mở ra cho người con gái có số phận kém may mắn một cánh cửa mới , đó là “mong muốn được sống và cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời”. Từ đây, Bích Lan cứ vịn vào từng con chữ để sống, để khát khao.
Không thể gục ngã
Năm nào chị cũng cố gắng hoàn thành từ một đến hai tác phẩm để làm quà cho độc giả. Năm 2011, chị bất ngờ cho ra đời tập truyện ngắn và thơ “Sống trong chờ đợi”, gửi gắm nhiều nỗi niềm nhưng với một thái độ lạc quan, yêu đời, tràn đầy sự tươi mới. Một năm sau đó, chị tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn tự truyện “Không gục ngã”, chia sẻ trọn vẹn hơn về chuỗi hành trình gian nan của cuộc đời... Hiện tác phẩm vẫn là cuốn sách gối đầu giường của nhiều bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ có cùng cảnh ngộ như Lan.
Bích Lan – Người con gái không đầu hàng số phận
Giữa năm 2013, một nhân vật trong cuốn sách dịch rất được yêu thích của Bích Lan đã sang thăm Việt Nam. Đó là chàng trai người Mỹ gốc Australia không tay không chân nổi tiếng Nick Vujicic. Trong buổi gặp mặt đầy xúc động, Bích Lan đã trào dâng những giọt nước mắt hạnh phúc. Đối với chị, được gặp Nick là một điều không tưởng. Nick là tác giả của những cuốn sách của chị, do đó càng cặm cụi với những trang sách bao nhiêu, chị càng quý trọng tác giả của cuốn sách bấy nhiêu. Đến nay, tình bạn của Nick và Bích Lan trở nên ngày càng thân thiết. Cả cô và người đàn ông “đặc biệt nhất hành tinh” đều đang cố gắng sống hết mình để cống hiến cho xã hội bằng nhiều công việc ý nghĩa, theo những con đường mà mỗi người đã chọn.
Thời gian gần đây, quỹ thời gian của Bích Lan bị thu hẹp dần bởi bên cạnh việc miệt mài theo đuổi niềm đam mê dịch thuật, chị còn làm báo và cộng tác với nhiều cơ quan, tổ chức. Công việc bận rộn khiến Lan mệt hơn, song niềm vui lại nhân lên gấp bội khi người con gái bé nhỏ được cống hiến sức mình cho những việc làm có ích.
Hiện nay chị sống rất vui vẻ cùng gia đình trong chung cư trên con đường Vũ Trọng Phụng. Chỗ ở mới với không gian đẹp, thoáng đãng và góc làm việc chan hòa ánh nắng khiến chị có thêm nhiều năng lượng cho những sáng tác mới. Vượt qua những đớn đau về bệnh tật, người con gái bé nhỏ nhưng có quyết tâm lớn, vẫn đang nỗ lực từng ngày với công việc sáng tác, dịch thuật bởi có lẽ với chị, liều thuốc tốt nhất là từng ngày được sống với từng con chữ, được phiêu lưu khám phá trong từng trang sách.
Dẫu biết rằng hành trình phía trước còn nhiều gian nan, thử thách, cuộc vận lộn đầy khó khăn với căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ vẫn luôn đe dọa sức khỏe và tinh thần của nữ dịch giả trẻ, nhưng với quyết tâm, nỗ lực cùng một niềm tin lạc quan yêu đời mãnh liệt, chúng ta cùng hy vọng rằng trong thời gian tới, Bích Lan sẽ còn tiếp tục cống hiến cho độc giả thêm nhiều tác phẩm có giá trị.
Trần Ngọc Linh