Hai chân co quắp không thể đứng thẳng, nhưng không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Nguyễn Văn Tuyên (thôn Yên Lạc 3, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội) quyết tâm học nghề sửa điện thoại. Một năm sau, anh mở tiệm sửa điện thoại tại nhà. Đến nay, tiệm của anh đã “phủ sóng” trong phạm vi toàn xã.
Sóng gió tuổi thơ
Về thôn Yên Lạc 3, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội, chỉ cần hỏi cái tên “Tuyên còng”, “Tuyên lùn” hay “Tuyên điện thoại” thì rất nhiều người biết và có thể chỉ đường tận nơi. Vừa tìm đường đến với “Tuyên lùn”, tôi vừa cố hình dung về anh, nhưng không, anh khác hoàn toàn với ý nghĩ ban đầu của tôi về một người lùn. “Tuyên còng” tên thật Nguyễn Văn Tuyên (28 tuổi), khá đẹp trai, ăn nói lưu loát, giỏi nghề… chỉ mỗi tội không đứng được, lúc đi cũng giống như đang ngồi.
Câu chuyện về chàng trai hai chân co quắp, sửa điện thoại cho cả xã dần dần được hé lộ tại cửa hàng điện thoại, qua chất giọng đặc sệt, lơ lớ, thiếu dấu - vốn là đặc trưng của người dân nơi đây. Vừa lúi húi sửa điện thoại, Tuyên vừa ôn lại quá khứ…
Anh Nguyễn Văn Tuyên trong quầy sửa điện thoại của mình
Sinh ra lành lặn như nhiều đứa trẻ khác tuổi thơ của Tuyên những tưởng sẽ lành lặn, nhưng năm lên 7 tuổi anh bị dính gió nặng đến mức đau hết người và không muốn đi đâu. “Hôm đó tôi vẫn chạy đi chơi và giúp bố mẹ, anh chị việc trong nhà, đi lấy bu gà cho chị, rồi ra đồng chơi và bị dính gió. Sau đó cả nhà đưa tôi đi Bệnh viện Việt Đức điều trị…”, Tuyên vừa tháo chiếc điện thoại hỏng vừa nói.
Tuyên được chẩn đoán co gân háng, phải mổ và bó bột ba tháng để kéo thẳng hai chân. Sau thời gian bó bột tại bệnh viện, anh được hướng dẫn tập những bài tập phục hồi khả năng đi lại nhưng do không có tiền, nhà xa bệnh viện, lại thiếu người chăm sóc nên Tuyên xin về tập luyện tại nhà.
Ông Nguyễn Văn Ngọ - bố của Tuyên - cho biết: “Ngày ý vất vả lắm, tiền chả có, năm đưa Tuyên đi Bệnh viện Việt Đức ở nhà cũng đi kéo gỗ, xẻ gỗ ở nhiều nơi. Nhà còn bán con bò để chữa cho nó nhưng không khỏi”.
Từ sau trận ốm đó đến nay Tuyên phải gắn bó với đôi chân “gấp khúc”, lúc nào cũng phải ngồi xổm kể cả khi ngủ. Về sau có nhiều lần Tuyên được mời đi điều trị nhưng khi đến nơi bác sĩ đều nói dị tật quá nặng, lâu ngày nên không thể chữa trị.
Từ lúc bị tật, Tuyên cũng mặc cảm vì bị bạn bè trong xóm gán cho biệt danh “Tuyên còng”, “Tuyên lùn”… có lẽ vậy nên Tuyên đi học muộn 5 năm. Ở các cấp học, anh được các thầy cô đánh giá là không ngại khó, ngại khổ, học được. Dù đi lại khó khăn, lại thêm bị bạn bè trêu chọc nhưng anh luôn cố gắng học và không phải ở lại lớp.
Nghỉ tay một lát, Tuyên chia sẻ kỷ niệm khó quên lúc đi thi lên cấp II: “Hôm thi, tôi được cô giáo chủ nhiệm cử hai bạn nam khỏe mạnh trong lớp cõng đi. Đi được một phần ba quãng đường thì hai bạn đó mệt quá, tôi xuống đi bộ. Đi thêm được vài trăm mét thì tôi tức ngực, thế là lại ngồi nghỉ. Sau đó hai bạn cùng lớp lại cõng tôi đi tiếp. May có hai bạn đưa đi thi nếu không thì hồi đó tôi không được học tiếp”.
Bởi giấc mơ không bao giờ gấp khúc
Sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông, ý chí thôi thúc Tuyên rằng phải đi học nghề để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Ý nghĩ táo bạo đó nhanh chóng bị gia đình bác bỏ vì cho rằng anh không có sức khỏe, sẽ không làm được gì. Nhiều lần bị gia đình ngăn cản, anh đành trốn nhà để thực hiện ước mơ. “Hôm đó nhà có khách, tôi trốn bố và bảo anh trai đưa ra đường bắt xe buýt và ra Hà Đông học nghề. Lúc sau bố tôi gọi nhưng tôi quyết định không về”, Tuyên nói.
Mất mấy ngày lang thang ở Hà Đông vì lạ nước lạ cái lại không có người thân, Tuyên tìm được nơi học nghề, rồi gọi điện thông báo cho gia đình biết và nói chuyện với thầy dạy nghề. Trong thời gian học nghề, anh được nếm mùi cuộc sống tự lập, tự túc trong mọi việc và có sự giúp đỡ của thầy dạy nghề cùng chu cấp từ gia đình. Đôi chân “gấp khúc” nhiều khi khiến anh muốn từ bỏ nhưng nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, anh lại tiếp tục học. Có nghề trong tay, năm 2010, Tuyên trình bày với bố về ý định mở quán sửa chữa điện thoại tại nhà. Y như lúc xin đi học nghề, anh lại vấp phải sự phản đối từ phía gia đình vì mới học một năm, mãi sau đó Tuyên cũng được gia đình đồng ý.
Lúc đầu khi sửa điện thoại tại nhà, tiệm của anh là địa chỉ của bà con trong xóm, cứ ai có việc gì liên quan đến điện thoại là lại mang đến nhờ Tuyên sửa giúp, có người đến sửa còn được miễn phí. Đến nay hầu như cả xã ai cũng biết đến Tuyên. Anh Đỗ Tiến Thọ ở thôn Phú Lễ, người được Tuyên sửa điện thoại cho biết: “Tháng trước, điện thoại tôi bị ngâm nước, không thấy nó sáng, thế là mang lên nhờ anh sửa cho. Từ đó đến nay thì không thấy điện thoại bị làm sao nữa”.
Anh Tuyên đang giao dịch với một khách hàng
Ngoài những ngày sửa điện thoại tại nhà, “Tuyên còng” vẫn thường xuyên tìm tòi về công nghệ và tham gia các cuộc trao đổi với bạn bè cùng ngành để nâng cao tay nghề và giảm bớt giá thành sửa chữa. Không những thế, Tuyên còn làm mộc phụ giúp gia đình những lúc rảnh rỗi.
“Ngày nào cao thì được 200.000 đồng. Gọi là có đồng ra đồng vào thôi chứ số tiền đó có đáng là bao. Nhưng như vậy là đủ để lo cho bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình rồi. Hơn nữa, ở xóm hay xã cũng toàn người quen biết, người đồng hương. Mình sửa điện thoại cho khách cũng phải coi như sửa của mình thì mới trụ được” - anh cho biết thêm về thu nhập từ công việc sửa điện thoại.
Nguyễn Hinh