Trần Phúc Đạt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Di chứng chất độc da cam thời chiến tranh từ người cha để lại khiến cho thân thể Đạt dị thường tưởng như không sống nổi.
Nhà nghèo, mẹ Đạt đôn đáo khắp nơi chạy chữa cho con, bố Đạt đi phụ hồ ở Tuyên Quang mong có đồng ra đồng vào để nuôi và chữa bệnh cho con. Mẹ em, bà Lê Thị Kim Thoa tâm sự: “Gia đình khó khăn nhưng cố gắng vay mượn cho các cháu học. Đạt học hết lớp 12 nhưng kinh tế gia đình khó khăn nên cháu tìm đến Câu lạc bộ Khúc Hạo luyện tập”. Bà theo con lên Hà Nội, ngày ngày kiếm chút tiền bán rau, nấu những bữa cơm để em có thể nuôi dưỡng ước mơ. Mẹ Đạt xúc động kể lại: “4-5 giờ sáng khi cả xóm đang ngủ, hai mẹ con đã bật đèn sáng trưng hí húi đóng cửa. Trong đêm tối, cháu lao xe vun vút từ nhà ra Hà Nội tập luyện. Tôi nhìn theo nó không cầm nổi nước mắt”.
Không phụ công mẹ, Đạt ngày đêm miệt mài luyện tập. Trong giải thi đấu thể thao khuyết tật toàn quốc tháng 9-2004, Đạt giành được một huy chương bạc môn xe lăn cự ly 400 mét và hai huy chương đồng cự ly 100 mét và 800 mét.
Trần Phúc Đạt trên đường đua
Tiếng súng vừa dứt, tít tắp phía đường đua, người ta đã nhìn thấy bóng dáng quen thuộc của Trần Phúc Đạt (29 tuổi, quê Hưng Yên) gò lưng bên chiếc xe lăn đang lao vun vút. Mồ hôi túa ra đầm đìa trong cái nắng chang chang, môi bặm lại, đôi tay cơ bắp của Đạt xoay thật nhanh những vòng xe. “Thắng rồi!”, bạn bè anh đứng san sát bên vòng ngoài của đường đua hét lên. Đạt trở thành vận động viên đầu tiên của Hà Nội có huy chương vàng bộ môn điền kinh nội dung đua xe 5.000 mét.
Chàng trai với đôi chân không bình thường sau một tuổi thơ u ám đến với điền kinh năm 2004. Mỗi ngày Đạt phải dậy từ 5 giờ sáng để tự đi xe máy từ thị trấn Như Quỳnh lên Trung tâm Khúc Hạo tập luyện, tối lại về với chân tay xây xát khắp nơi. Nhiều lần ngã, Đạt thấy đau lắm nhưng quyết không bao giờ rời xa đường đua.
Lúc đầu, Đạt thấy rất tự ti, nhưng khi đến trung tâm thì cảm giác ấy được thay bằng sự tự tin. Đạt mong muốn có một công việc ổn định, có thể nuôi sống bản thân và giúp những người đồng cảnh ngộ.
Trần Phúc Đạt