Một chiều Đà Lạt, tôi nhận được thư của Nguyễn Việt Danh (lớp 11A2 Trường THPT Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) - học sinh tôi không trực tiếp giảng dạy. Cái lạnh của thành phố sương mù xen lẫn cảm xúc do những dòng chữ mang lại, tôi quyết định về huyện Lộc Ninh thăm em, mong sao giúp được điều gì.
Đường vào nhà Danh bụi mù đất đỏ, căn nhà tạm bợ là nơi che nắng trú mưa cho ba bố con. Tại đây, tôi cùng bố con Danh ôn lại những chặng đường lắm buồn ít vui của gia đình…
Bố của Danh quê ở ngoài Bắc, vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp và xây dựng gia đình. Niềm an ủi của gia đình nhỏ còn lắm khó khăn ấy là hai cậu con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Cũng vì quá khó khăn nên cậu cả Việt Danh phải ra ngoài Bắc ở với ông bà nội.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho tới một ngày gia đình biết Danh mắc bệnh u não vào năm em học lớp 10. Mọi vốn liếng chắt chiu bấy lâu đều dùng chi trả cho việc điều trị của Danh ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Những tháng ngày nằm viện là thử thách lớn với cậu học trò - không chỉ vì nỗi đau bệnh tật mà còn vì nỗi nhớ trường lớp không nguôi. Khát khao học tập của em được các bác sĩ cảm thông và cho phép tiếp tục đi học với điều kiện cường độ học tập phải hết sức nhẹ nhàng.
Chi phí điều trị ngày càng cao, áp lực của cái nghèo, bệnh tật khiến mẹ em buông xuôi và quyết định bỏ đi biệt xứ. Thương bố và em, Danh xin phép trở lại Bình Phước sum họp gia đình, vừa chiến đấu với bệnh tật vừa tiếp tục đến trường.
Hai anh em Việt Danh trước căn nhà đơn sơ của mình
Cái nắng đổ lửa của những ngày cuối mùa khô không thể làm chùn bước cậu học trò nghị lực. Việt Danh bắt đầu học lại lớp 10 và tiếp tục đạt thành tích học sinh giỏi. Danh còn thuộc đội tuyển học sinh giỏi toán và vật lý của nhà trường.
Thế nhưng giấc mơ học tập để trở thành bác sĩ của Việt Danh có nguy cơ phải dừng lại khi bài toán tiền nong của gia đình không tìm thấy lời giải bởi tài sản đã bán hết, những khoản nợ ngày càng chồng chất thêm…
Hằng tháng Danh phải xuống Bệnh viện Ung bướu TP. HCM điều trị theo lịch hẹn của bác sĩ. Mỗi lần đi là mỗi lần bố phải ngược xuôi vay mượn. Có hôm 2 giờ sáng lên đường thì 1 giờ sáng mới vay được tiền, ba bố con chỉ biết ôm nhau khóc vì tủi.
Nhà ở xa trường, sáng sáng bố lại đèo hai anh em tới trường bằng chiếc xe máy cũ tàn rồi rong ruổi khắp nơi đi làm thuê. Cậu em của Danh đang học lớp 3, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Hai anh em ở lại trường, lót dạ bằng bữa cơm đạm bạc ở căn-tin, học tiếp buổi chiều rồi đợi bố tới đón.
Ngồi cạnh ba bố con trong căn nhà thiếu bàn tay phụ nữ, bên mâm cơm tối chỉ toàn rau nhạt, tôi thấy mắt mình nhòe đi trong tiếng lòng nặng trĩu. Chia tay ba bố con, tôi quay lại Đà Lạt tiếp tục làm luận văn tốt nghiệp, lòng tự nhủ phải viết một bài về Việt Danh và gửi tới cuộc thi “Viết nên điều kỳ diệu”. Điều duy nhất tôi gửi theo những dòng chữ này là niềm hy vọng cậu học trò giàu nghị lực sẽ được tiếp sức từ những tấm lòng để được sống, được tiếp tục học tập và nâng niu giấc mơ trở thành bác sĩ.
Lê Thế Biên