“Cơ thể em đã khiếm khuyết, em không thể để tâm hồn mình cũng khuyết tật nốt. Em phải cố gắng học thật giỏi để khỏi phụ lòng người thân…” - đó là chia sẻ của cậu học trò Vi Văn Đại, người dân tộc Nùng, hiện ở thôn Mỏ Vàng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Đâu rồi hơi ấm của mẹ?
Vượt quãng đường hơn 200 km, tôi mới đến được xã vùng ba Thiện Kỵ trong một ngày mưa. Tiếp tôi trong căn nhà cấp 4 chênh vênh bên sườn đồi dưới chân núi Mốc Sáu, ông bà nội của Văn Đại ngậm ngùi kể về hoàn cảnh đáng thương của cháu.
Đại sinh ra trong niềm mong mỏi của cả gia đình. Thế nhưng số phận nghiệt ngã đã biến ngày vui trở thành điểm xuất phát của hành trình bao thách thức. “Vừa lọt lòng mẹ, đôi tay cháu gấp ngược vào phía trong. Khi con chưa chào đời, mẹ nó vui mừng chờ đợi là thế, vậy mà khi con mới 35 ngày tuổi, còn chưa kịp quen hơi mẹ thì mẹ cháu đành lòng bỏ đi biền biệt. Nhiều hôm thằng bé khát sữa khóc, tôi phải lấy nước ngô bón cho” - bà nội của Đại kể.
Xót xa hơn, khi đến tuổi học nói, một lần Đại được bế sang hàng xóm chơi, bắt chước những đứa bé xung quanh, Đại bất ngờ bật tiếng gọi “mẹ”, khiến người thân đau như xát muối.
“Bàn chân Nguyễn Ngọc Ký” của Lạng Sơn
Rồi cậu bé Đại đến tuổi đi học. Đi học thì phải cầm bút viết, mà đôi tay Đại teo nhỏ, cong như chiếc cần câu thì biết phải làm sao? Không từ bỏ khát khao đi học, Đại tập viết bằng chân. Được bố đóng cho một chiếc bàn giống như chiếc phản, em ngồi tập viết. Bàn chân mỏi nhừ vì kẹp bút, song chỉ tạo ra những nét nguệch ngoạc, méo mó. Không nản lòng, em cứ miệt mài viết, dần dần cây bút cũng chịu “nghe lời”. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, chữ dần dần tròn trịa hơn, không thua những bạn viết tay. Em Hoàng Thị Lan (thôn Quyết Thắng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, Đại thông minh, học rất giỏi và thường giúp đỡ bạn bè trong việc học.
Càng lớn Đại càng có ý thức tự lập trong những sinh hoạt cá nhân. Trong bữa ăn, em dùng đôi tay còng queo cố giữ lấy chiếc thìa, cúi gập người để xúc từng thìa cơm. Thỉnh thoảng đầu bị ngứa em lại cúi gập xuống lấy ngón chân gãi.
Thông minh, ham học, nên từ lớp 1 đến lớp 5, Đại là học sinh giỏi. Riêng năm học lớp 6 và lớp 7, Đại phải đi mổ chân ba lần, nghỉ học cả thảy hơn một tháng nhưng em vẫn đạt học sinh tiên tiến.
Hết lớp 9, Đại không thể tiếp tục đến trường vì trường quá xa nhà và đường đi khó khăn. Thầy Chu Hoa Nam, giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Thiện Kỵ, xin cho em xuống học tin học tại Trung tâm Nghị Lực Sống (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tại đây, Đại có cơ hội tiếp cận máy tính, tìm hiểu về lập trình, thiết kế web. Bao ý tưởng mới mẻ nảy nở trong tư duy của cậu học trò ấy. Đại hào hứng khoe những trang web em làm, nêu ý tưởng lập những gian hàng chuyên bán đồ cho người khuyết tật trên mạng.
Đôi bàn chân dũng cảm của cậu học trò Nùng ấy vẫn miệt mài trên hành trình học tập
Năm học này có một niềm vui mới đến với Đại: sau hơn một năm tưởng chừng như không được đi học nữa, Đại được vào học lớp chọn 10A9 của Trường THPT Vân Nham (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Trước lễ khai giảng, bố đóng cho Đại một chiếc bàn học đặc biệt.
Đôi bàn chân dũng cảm của cậu học trò Nùng ấy chắc chắn sẽ còn miệt mài trên hành trình học tập, bởi những khuyết tật đã và vẫn đang được bù đắp bằng nghị lực mạnh mẽ và những giấc mơ đẹp.
Dương Thị Khuyên