Mồ côi cha, mẹ suy thận nặng phải ở luôn trong bệnh viện để điều trị - có lẽ là những lý do khiến ánh mắt cậu trò nghèo học giỏi Lê Văn Linh (thôn 4, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội) luôn u uẩn buồn lo.
Từ bé, bao nỗi bất hạnh đã ập đến với Linh. Mẹ em - chị Lê Thị Ninh - kết hôn với người đàn ông cùng xã. Năm 2001, Linh chào đời, những mâu thuẫn giữa bố mẹ nảy sinh, bố bỏ đi, Linh lớn lên mang họ của mẹ.
Chị Lê Thị Ninh vốn có nhiều bệnh tật từ thuở thiếu nữ bởi ảnh hưởng chất độc màu da cam từ cha. Cú sốc hôn nhân khiến bệnh tình nặng hơn, nhất là bệnh suy thận. Để duy trì sự sống, chị phải ở luôn tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Bé Linh hóa côi cút, đành nương tựa bà ngoại với rau cháo qua ngày trong căn nhà lụp xụp. Bà vất vả lo cho cháu rồi đêm về rớt nước mắt thương con gái bơ vơ chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo nơi bệnh viện.
Khoảng 2-3 tuần chị mới về nhà một lần vào dịp cuối tuần, rồi sau đó lại quay lên bệnh viện để chạy thận. Tôi hỏi Linh có nhớ mẹ không? Cậu bé cúi mặt đi, một lúc sau mới trả lời nhỏ nhẹ: “Cháu nhớ mẹ lắm, chỉ mong cuối tuần mẹ về thăm. Có thời gian bệnh mẹ nặng hơn, mấy tháng liền mẹ không về, bà ngoại không có điều kiện lên thăm mẹ, cháu lại càng nhớ mẹ hơn”.
Những thiếu thốn về tình cảm, những âu lo cho cuộc sống bấp bênh như khiến Linh chững chạc hơn bạn bè cùng trang lứa. Để bà đỡ vất vả, Linh giúp đỡ bà nhiều việc đồng áng và tự giác học tập. Góc học tập của Linh chỉ đơn sơ với chiếc bàn cũ kỹ, xập xệ. Ánh sáng để học bài từ bóng đèn duy nhất thắp chung cho cả căn nhà. Tập giấy khen được Linh gói ghém cẩn thận trong chiếc túi ni-lông cũ, chỉ duy nhất tờ giấy khen danh hiệu “Học sinh nghèo vượt khó” do nhà trường trao tặng được treo trang trọng trên tường.
Năm học 2009-2010, Linh được tặng danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long”. Hai năm cuối cấp I, Linh đều đạt giải trong hội thi “Viết chữ đẹp” cấp huyện; gần đây nhất là giải khuyến khích kỳ thi Giải toán qua Internet cấp huyện. Em Thắng, bạn học cùng lớp với Linh, chia sẻ: “Linh học rất giỏi, tính tình hòa nhã nên được nhiều bạn yêu quý”.
Con đường học hành của cậu trò nghèo còn nhiều khó khăn...
Bước sang lớp 6, chặng đường phía trước nhiều chông gai, Linh và bà ngoại cố gắng từng ngày để đường giấc mơ chữ không gãy gánh giữa đường. Bà Toàn, bà ngoại của Linh, lo lắng: “Không biết tôi có lo cho Linh được tiếp tục đi học không khi gánh nặng tiền ăn học của cháu và tiền chữa bệnh cho con gái đè cả lên thân già này”.
Luôn nhớ thương mẹ nên ước mơ nghề nghiệp của Linh mang theo cả tình thương của cậu con trai nhỏ: “Cháu mong học thật giỏi để sau này có thể làm bác sĩ chữa được bệnh cho mẹ. Gần ba năm nay mẹ chạy thận suốt trên bệnh viện, chẳng về với cháu. Cũng vì thế mà bà ngoại ngày càng già yếu”.
Niềm khát khao vươn lên bằng con chữ luôn cháy rực trong trái tim bé nhỏ, kiên trì ấy. Song liệu con đường học tập của em sẽ dài bao lâu khi điểm tựa duy nhất của em là bà ngoại nay đã ngoài 70 tuổi?
Dương Linh