Tinh thần nghệ nhân là đại diện cho sự theo đuổi quan niệm “đã tốt còn muốn tốt hơn” đối với chất lượng sản phẩm. Cho dù hiện tại có nhiều doanh nghiệp vẫn đặt hiệu suất và lợi ích lên vị trí hàng đầu, nhưng cùng với sự hoàn thiện cao độ của nền kinh tế thị trường, sự đổi mới và nâng cao trong ý thức tiêu dùng của khách hàng, tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đang ngày càng được thể hiện rõ nét hơn.
Trong 20 năm tới, bốn lợi tức lớn mới của một số nước sẽ do bốn bộ phận lớn là tầng lớp trung lưu mới, nhân công mới, công nghệ mới, chỗ ở mới tổ hợp thành. Điều đáng chú ý là ba trong bốn bộ phận này có mối quan hệ chặt chẽ với nghệ nhân mới hoặc tinh thần nghệ nhân mới. Có thể nói rằng, không có lúc nào chúng ta cần tinh thần nghệ nhân như hiện nay.
Nguyên nhân tinh thần nghệ nhân xuất hiện trong thời kỳ xã hội nguyên thủy có thể là xuất phát từ nhu cầu của con người về vật tư sinh hoạt. Có thể tưởng tượng ra được niềm kinh ngạc và vui mừng của tổ tiên chúng ta khi treo viên đá sắc nhọn được mài giũa vào đầu cây gậy để săn bắt động vật hoang dã một cách dễ dàng. Đây chính là động lực nguyên thủy nhất của tinh thần nghệ nhân. Trong xã hội hiện tại, một con ốc vít gặp sự cố có thể hủy hoại thiết bị vũ trụ có giá hàng tỷ đô la Mỹ. Bất kể là sự biến chuyển từng ngày của khoa học công nghệ, hay sự quật khởi và nâng cấp tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mới, đều sẽ là đòn bẩy nâng tinh thần nghệ nhân lên một độ cao chưa từng có, cũng từ đây các ngành nghề bắt đầu coi tinh thần nghệ nhân là phương châm của mình.
Những viên ngọc, đồng điếu, đồ gỗ và đồ sơn mài tinh xảo ở bảo tàng nước Anh khiến người Trung Quốc vừa cảm thấy nuối tiếc, lại vừa cảm thấy vô cùng tự hào. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp đẽ này được tạo ra từ đôi bàn tay của nghệ nhân Trung Quốc, tuy bị cất giữ ở Anh, nhưng cũng đã cho người đời thấy được kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân truyền thống Trung Quốc. Đứng trong đại sảnh của bảo tàng, bạn sẽ nhìn thấy cánh cửa gỗ điêu khắc chạm rỗng được đặt ở vị trí chính giữa, cho dù lớp sơn dầu đã phai màu, nhưng tay nghề tinh xảo của người tạo ra nó đã để lại cho người xem ấn tượng vô cùng sâu sắc. Điều này không khỏi khiến người ta nhớ tới tường trắng ngói đen, điêu khắc trên gạch và điêu khắc trên gỗ, đại diện cho phong cách kiến trúc của vùng Giang Nam, Trung Quốc.
Viên Minh Viên4 với vách nát tường xiêu đã không còn là cảnh tượng chói lọi, rực rỡ của năm xưa, nhưng từ cấu trúc xây dựng của nó, chúng ta vẫn có thể nhìn ra được kỹ xảo chế tác của người nghệ nhân truyền thống và khí thế hùng tráng của nó năm xưa.
4 Tổ hợp cung điện, vườn cảnh nằm cách Bắc Kinh 5km về phía Tây Bắc
Thương hiệu Trương Tiểu Tuyền nổi tiếng vào năm 1663, là cửa hàng dao kéo lâu đời của Trung Quốc, cũng là thương hiệu nổi tiếng duy nhất của nước này trong ngành chế tác dao kéo. Trải qua hơn 300 năm hoạt động, ở phương diện chế tác dao kéo, nghệ nhân đã kế thừa truyền thống, kiên trì lựa chọn thép cacbon trung bình chất lượng cao để khảm nạm, rèn lưỡi cùng bảy mươi hai khâu đánh mài tỉ mỉ. Cũng chính đặc điểm “gang thép rõ ràng, đánh mài tỉ mỉ, chia cắt sắc nhọn, khép mở nhẹ nhàng” này đã giúp Trương Tiểu Tuyền chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng.
Từ khi cải cách mở cửa đến nay, con người ngày càng mải mê chạy theo vật chất, kéo theo sự xuất hiện của nhiều sản phẩm nhái hàng gốc Trung Quốc. Trước kia, mọi người thường mua hàng hóa rẻ nhất, tiêu chuẩn về hàng tốt chính là rẻ. Ba nguyên tắc “tạo ra hàng hóa nhanh hơn, nhiều hơn, rẻ hơn” cùng với làm thế nào để thu được lợi ích lớn nhất đã trở thành mục tiêu của công xưởng Trung Quốc. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người dân đã vô hình trung thúc đẩy việc sản xuất chế tạo và tinh thần nghệ nhân mỗi người mỗi ngả.
Trong lúc này, nòng cốt phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc được thể hiện chủ yếu trên ba phương diện:
Một là “bắt chước”. Bắt chước doanh nghiệp tốt nhất của phương Tây, khai thác thị trường mới nhanh hơn. Trong quá trình này, các yếu tố “sáng tạo”, “truyền thống”, “bản sắc Trung Quốc” ngày càng rời xa các doanh nghiệp.
Hai là “rẻ”. Xưởng sản xuất nào đưa ra giá thành thấp nhất, xưởng sản xuất ấy sẽ “cầm chắc” tiền từ túi người tiêu dùng. Lúc này, sản phẩm tốt bị tốc độ, giá rẻ, số lượng thay thế.
Ba là “chạy theo trào lưu”. Các doanh nghiệp đổ xô đi làm những gì dễ kiếm tiền nhất. Những sản phẩm sản xuất thủ công với thời gian dài lại trở thành trò hề trong mắt nhiều người. Hiển nhiên, bầu không khí này đã đi ngược lại tinh thần nghệ nhân, còn doanh nghiệp thiếu tinh thần nghệ nhân cũng khó mà phát triển tiếp được.
Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2013, các nước có doanh nghiệp có tuổi thọ hơn 200 năm trên thế giới bao gồm: Nhật Bản có 3.146 doanh nghiệp, Đức có 837 doanh nghiệp, Hà Lan có 222 doanh nghiệp, Pháp có 196 doanh nghiệp. Nhật Bản có số lượng doanh nghiệp có tuổi thọ trên 200 năm nhiều nhất trên thế giới, vậy đâu là bí quyết của họ? Nguyên nhân quan trọng nhất chính là vì họ đã và đang kế thừa tinh thần nghệ nhân.
Ngày hôm nay, Đức là nước đi đầu trong ngành chế tạo của thế giới. Trước đại chiến thế giới lần thứ hai, Đức chính là cường quốc công nghiệp dẫn đầu thế giới. Tháng 4 năm 2013, chính phủ Đức đã công bố Sách lược công nghiệp 4.0 tại Triển lãm Hannover. Ngành chế tạo của Đức đã tiên tiến như vậy, nhưng họ vẫn đang tiếp tục kiên trì sáng tạo.
Kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) là bước đầu tiên trong chuỗi quy trình thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành cường quốc chế tạo của Trung Quốc. Ở giai đoạn đầu, kế hoạch này sẽ gặp vô số khó khăn, nhưng ý nghĩa mà nó mang lại vô cùng sâu sắc, chứng tỏ người Trung Quốc đang bước từng bước về phía tiêu chuẩn sáng tạo và nổi bật, chuyển từ bắt chước trong quá khứ sang sáng tạo. Tôi tin rằng đây chỉ là khởi đầu, quả ngọt sẽ chờ đợi chúng ta thu hoạch trong tương lai.
Có thể kể đến một vài thành tựu khoa học công nghệ của Trung Quốc như sau: Ngày 20 tháng 6 năm 2017, siêu máy tính Sunway TaihuLight được chế tạo từ vi mạch của chính Trung Quốc đã vượt lên siêu máy tính Tianhe-2 và đứng đầu danh sách Top 500 (danh sách liệt kê 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới). Vào 11 giờ 20 phút ngày 15 tháng 7 năm 2017, hai con tàu cao tốc Fuxing do Trung Quốc tự thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, có quyền sở hữu trí tuệ toàn diện đã hoàn thành cuộc thử nghiệm giao nhau tốc độ cao trên tuyến Trịnh Châu - Tư Châu với vận tốc trên 420km/h. Vào 1 giờ 40 phút ngày 16 tháng 8 năm 2017, tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc đã thành công trong việc dùng tên lửa Long March 2D phóng QUESS – vệ tinh lượng tử thử nghiệm quy mô vũ trụ vào không gian. Nhiệm vụ lần này đã được hoàn thành một cách xuất sắc, đánh dấu công tác nghiên cứu khoa học không gian của Trung Quốc đã tiến thêm một bước quan trọng.
Những đột phá mang tính lịch sử trong lĩnh vực khoa học công nghệ kể trên đại diện cho sự sống lại của tinh thần nghệ nhân Trung Quốc, là sự kiên trì và hy sinh thầm lặng ngày qua ngày, năm qua năm của vô số nhà nghiên cứu khoa học và thợ thủ công mỹ nghệ. Sự theo đuổi của doanh nghiệp đối với tinh thần nghệ nhân được lợi từ sự nâng cấp tiêu dùng của tầng lớp trung lưu mới. Đối tượng cần tinh thần nghệ nhân không chỉ là kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” chất lượng công nghệ cao, mà còn có sự hưng khởi của giai cấp trung lưu và sự thay đổi trong ý thức tiêu dùng của họ.
“Tầng lớp trung lưu mới” là tầng lớp đang hứng khởi của Trung Quốc. Ăn no mặc ấm không còn là mục tiêu tiêu dùng của họ, chất lượng cao hơn và thể nghiệm của người dùng tốt hơn đã trở thành cái đích mà họ theo đuổi. Họ sẵn lòng bỏ tiền mua sản phẩm chất lượng cao, có tính độc đáo. Các bản tin thời sự cho hay, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu đều chuộng mua sản phẩm từ nước ngoài, như bình sữa của Nhật Bản, sữa bột của New Zealand, máy ép hoa quả của Đức. Khi tầng lớp trung lưu trở thành đối tượng tiêu dùng chính trong nước, thì tinh thần nghệ nhân truyền thống cũng phải đối mặt với sự khảo nghiệm của thời đại mới.
Trong thời đại mới, tinh thần nghệ nhân không chỉ dừng lại ở việc kế thừa truyền thống thủ công mỹ nghệ của ông cha, mà còn bao gồm cả lòng kính nể trước sự sáng tạo khoa học công nghệ. Hy vọng khi nhắc đến sản phẩm của Trung Quốc, người tiêu dùng sẽ không còn những ấn tượng xấu như “chất lượng thấp”, “cẩu thả” nữa; nhân công cũng không còn là người chỉ biết thực hiện những công việc máy móc, mang tính lặp lại nữa, mà nên là người sáng tạo sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ cần kế thừa tinh thần nghệ nhân “đã tốt còn muốn tốt hơn”, chuyên chú làm việc, mà còn phải tìm kiếm hướng đi mới cho việc phát triển sáng tạo, để tinh thần nghệ nhân truyền thống thắp sáng vầng hào quang của thời đại mới. Ngành nghề mới của chúng ta cũng cần theo tinh thần nghệ nhân mới, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, kiên trì, sáng tạo.