Tinh thần nghệ nhân mới có nhiều nội hàm và ngoại diên hơn đòi hỏi chúng ta phát huy, ví dụ như tinh thần nghiêm túc có trách nhiệm, yêu nghề kính nghiệp, đã tốt còn muốn tốt hơn… Những điều này đều nên là phẩm chất mà một nhân viên ưu tú nên có. Trong công việc, hoàn thiện tay nghề; trong cuộc sống, tu dưỡng thể chất và tinh thần. Thời đại này không thiếu nhân tài, còn một nhân viên tài đức vẹn toàn luôn được mọi doanh nghiệp chào đón. Chúng ta nên hấp thu tinh thần nghệ nhân, biến nó thành tiêu chuẩn, quy tắc làm người, làm việc của chúng ta.
Tinh thần người thợ mới được hình thành dựa trên suy nghĩ hai chiều dưới đây:
Trở thành một người như thế nào?
Tục ngữ có câu: Làm người trước, làm việc sau. Đây là một đạo lý vĩnh viễn không thay đổi. Bạn muốn trở thành một người như thế nào? Làm người như thế nào, vừa thể hiện năng lực, lại vừa thể hiện tu dưỡng của một người. Có nhiều nhân tố để một người thành công, ví dụ năng lực cá nhân, tích lũy tri thức, điều kiện gia cảnh… Song năng lực của một người có mạnh đến đâu, tri thức tích lũy có nhiều đến mức nào, điều kiện gia cảnh có tốt đến mấy, mà phẩm chất đạo đức thấp kém, thì sự nghiệp của anh ta cũng sẽ không thuận lợi. Muốn đạt được thành tựu trong sự nghiệp, thì buộc phải có phẩm chất đạo đức tốt.
Các bậc tiên hiền đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “làm người trước” từ lâu. Khổng Tử từng nói: “Con muốn làm việc, thì trước tiên phải là người”, “đức với tài phải đi đôi với nhau, nhưng đức phải là gốc”, “đức là nguồn nước, tài là sóng nước”.
“Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ quý.” Con người sở dĩ phải chú trọng tu dưỡng, chính là để bồi dưỡng mình trở thành một nhân tài có ích cho xã hội, như vậy mới có thể gánh vác được kỳ vọng của mọi người. Tu dưỡng của một người như thế nào sẽ quyết định người đó có thể đảm nhiệm trọng trách lớn mức nào trong vị trí công tác của mình, có thể tiến bước bao xa trên con đường đi tới thành công.
Người biết tu dưỡng bản thân, mỗi chi tiết thể hiện ra trong quá trình đối nhân xử thế đều đậm chất tình người. Các Mác từng nói rằng: “Con người đến thế gian, vừa không mang theo gương, vừa không giống nhà triết học Fichte, nói tôi chính là tôi. Bởi thế, ban đầu con người lấy người khác để phản ánh bản thân.” Do vậy, tiếp xúc với người có tu dưỡng có thể phản ánh trình độ tu dưỡng của bản thân chúng ta.
Mục đích của việc tu dưỡng trong tư tưởng và phẩm chất đạo đức, là phải dạy bản thân nên làm người như thế nào. Tạp chí Reader’s Digest từng đăng một câu chuyện truyền kỳ về một đội bóng rổ của một trường trung học. Khi đội bóng rổ nọ bắt đầu thi đấu sa sút, huấn luyện viên đã nảy ra một ý tưởng để cải thiện thành tích của đội. Ông chia đội bóng làm ba nhóm, thành viên của nhóm A không được phép tham gia huấn luyện trong vòng một tháng, thành viên của nhóm B phải luyện tập ném bóng tự do một tiếng mỗi ngày, thành viên của nhóm C chỉ cần luyện tập ném bóng trong tưởng tượng mỗi ngày là được. Sau một tháng, huấn luyện viên triệu tập toàn đội lại để kiểm tra xem ba cách huấn luyện đem lại kết quả khác biệt như thế nào. Do một tháng không tập luyện, trình độ ném bóng trung bình của nhóm A đã giảm 2%, đây là chuyện trong dự liệu của huấn luyện viên. Còn nhóm B, bởi luyện tập thường xuyên, nên xác suất ném trúng bóng đã tăng 2%, đây cũng là chuyện trong dự liệu của huấn luyện viên. Còn nhóm C, một tháng qua luôn luyện tập ném bóng trong tưởng tượng, sẽ cho kết quả cuối cùng như thế nào? Thật bất ngờ, tỷ lệ ném bóng trúng rổ của nhóm này đã tăng lên 4%, đây là điều mà huấn luyện viên không ngờ tới. Tại sao việc luyện tập ném bóng trong tưởng tượng lại mang lại hiệu suất cao hơn việc luyện tập thực tế? Nguyên nhân hết sức đơn giản, bởi trong tưởng tượng của bản thân, mỗi trái bóng bạn ném ra, đều trúng rổ.
Trong môi trường công sở, không nhất định phải dùng hành động để thể hiện quyết tâm tu dưỡng bản thân. Chỉ có không ngừng giữ vững khái niệm phải tu dưỡng bản thân trong tiềm thức, mới có thể từng bước cải thiện chính mình. Tất cả những người thành công đều là người “trước sau như một”. Tu dưỡng, để lời nói và hành động của bạn cũng tương xứng với nội tâm, làm như vậy mới có thể trở thành chính mình.
Làm người phải tuân thủ nguyên tắc sống của chính mình, phải có niềm tin vào cuộc sống, kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đề ra; làm người phải có chính kiến, không thể buông xuôi mặc nước chảy bèo trôi; làm người phải tôi luyện trong thực tiễn. Người vừa tham vặt vừa xốc nổi sẽ không làm được việc lớn, càng không thể trở thành nhân tài đầu đội trời chân đạp đất. Có tình cảm và tu dưỡng cao thượng, chúng ta mới có thể tiến bước xa hơn.
Nhân phẩm tốt là tài sản quý giá nhất của chúng ta, nó thể hiện mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta, vô hình trung ảnh hưởng tới cách đối nhân xử thế của chúng ta. Người có tu dưỡng tốt khiến người khác kính phục hơn người có năng lực cá nhân hay tài sản, là người làm ít nhưng thu hoạch được nhiều. Biết cách làm người, là biểu hiện trí tuệ của một con người.
Cuộc đời phong phú nhiều sắc màu, mọi chuyện đều có khả năng. Bất kể là thuê người khác làm việc cho mình hay đi làm thuê cho người khác, đầu tiên đều phải làm tốt chính mình, có phẩm hạnh đoan trang, an tâm về bản thân, trở thành người đáng tin. Nhận được sự công nhận của người khác, thể hiện được giá trị của bản thân, là chuyện hạnh phúc nhất trong cuộc đời, cũng sẽ là nguồn động lực vô tận trên con đường thành tài của chúng ta.
Quan niệm “đem lại ích lợi cho người khác” mà doanh nhân nổi tiếng người Nhật Bản Inamori Kazuo sùng bái đã giúp Công ty Kyocera do ông sáng lập có lãi liên tục trong 50 năm. Kết hợp với quan niệm kinh doanh “theo đuổi hai phương diện hạnh phúc là vật chất và tinh thần của toàn thể nhân công, cống hiến cho sự tiến bộ, phát triển của nhân loại và xã hội”, đã đưa Công ty Kyocera phát triển trở thành một trong 500 doanh nghiệp đứng đầu thế giới. Điều này đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của câu “Thành nhân đạt dĩ ” (người thành đạt là người làm được việc trở thành chính mình).
“Thắng lợi nhỏ là dựa vào trí tuệ, thắng lợi lớn là dựa vào đức hạnh.” “Đem lại ích lợi cho người khác” thực ra chính là biểu hiện cụ thể của “đức”, điều này phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Thử nghĩ xem, nếu Bill Gates không dựa vào tấm lòng “đem lại ích lợi cho người khác” để nghiên cứu sản phẩm, hệ điều hành Windows làm sao có thể phổ cập trên toàn thế giới? Nếu Steve Jobs không có tấm lòng muốn “đem lại ích lợi cho người khác” là xuất phát điểm, điện thoại Apple làm sao có thể được cả thế giới ưa chuộng? Môi trường thương mại ngày càng phức tạp, các loại sản phẩm ngày một đa dạng, quá nhiều sự lựa chọn khiến người tiêu dùng mất đi phương hướng. Điều này càng thúc đẩy doanh nghiệp phải thực sự đặt mình vào vị trí của khách hàng, thâm nhập vào cộng đồng khách hàng để tìm hiểu nhu cầu của họ. Doanh nghiệp nào có sản phẩm thực sự “đem lại lợi ích cho người khác”, doanh nghiệp đó có thể đạt được bước tiến dài hơn.
Với những thành công nhỏ, chộp giật, có lẽ có thể dựa vào trí tuệ để giành được chúng trong thời gian ngắn, nhưng thành công đích thực thì phải do “đức hạnh” đem lại. Doanh nghiệp và cá nhân nên trau dồi đức hạnh. Luôn mang trong mình tâm niệm “đem lại ích lợi cho người khác” sẽ giúp chúng ta có nhiều bạn bè hơn, giành được nhiều cơ hội phát triển hơn, đưa chúng ta đến gần với thành công hơn, cống hiến giá trị lớn hơn cho người khác và xã hội.
“Đem lại ích lợi cho người khác”, hi sinh bản thân một chút cũng là một hành vi cao thượng. Thử nghĩ xem, nếu có một ngày khi tan làm về nhà, bạn – người đang trong cơn mệt mỏi bước lên chiếc xe buýt chật ních người và khó khăn lắm mới tìm được một chỗ ngồi. Khi bạn đang muốn ngồi xuống hoặc đã ngồi xuống thoải mái rồi, bỗng có một người phụ nữ tay bế đứa con nhỏ chật vật bước tới bên cạnh bạn. Khi bạn nhường chỗ cho người phụ nữ kia, bạn sẽ cảm thấy tâm tình mình rộng mở, thể hiện được tấm lòng trong nhân cách của bản thân, những mệt mỏi của một ngày cũng theo đó tan thành mây khói. Sau đó, bạn sẽ hiểu ra rằng, thì ra “đem lại ích lợi cho người khác” cũng có thể khiến tâm tình con người ta vui sướng đến vậy. Hay ví dụ như, bạn thường xuyên mỉm cười với người khác, hoặc giúp ai đó làm một số chuyện, có phải là bạn cũng sẽ nhận được niềm vui không? Đôi khi, giúp một người già qua đường, quyên góp một số đồ dùng cho trẻ em vùng sâu vùng xa… tất cả những điều chúng ta làm chính là phát huy phẩm chất lương thiện – phẩm chất sinh ra đã có của bản thân (nhân chi sơ, tính bản thiện). Bất kể là “đem lại ích lợi cho người khác” về vật chất hay tinh thần, cuối cùng tấm lòng của bạn sẽ được báo đáp.
Đối với một tập thể, muốn sinh tồn và phát triển thì càng không thể tách rời tư tưởng “đem lại ích lợi cho người khác”. Điều này cũng giống như một con thuyền lớn đi trên đại dương mênh mông, khi gặp phải sóng to gió lớn, các thủy thủ không so đo được mất cá nhân mà đoàn kết một lòng, đưa con thuyền vượt qua gió bão tới đích an toàn. Nhưng nếu mọi người không đồng lòng, ai cũng nghĩ xem bản thân nên cứu mình như thế nào, vậy thì cuối cùng có thể con thuyền này sẽ bị đắm, các thủy thủ cũng khó mà thoát khỏi vận hạn. Bởi vậy, là một thành viên của xã hội, chúng ta phải thực hiện giá trị xã hội trước, sau đó mới đến giá trị bản thân.
Về mặt đạo đức, “đem lại ích lợi cho người khác” cũng có thể kiểm nghiệm phẩm cách con người. Xét từ góc độ dùng người của doanh nghiệp, tuyển người nên lấy đức làm gốc. Chúng ta không nên quên rằng, con người là động vật quần cư mang tính xã hội, hành vi có lợi cho sự phát triển của loài người mới là chân lý. Thấm nhuần tư tưởng “đem lại ích lợi cho người khác” mới có thể khiến cá thể có sức bứt phá, để tập thể có sức vượt lên.
Làm việc như thế nào?
Tại sao càng làm việc càng khiến bạn không vui?
Việc yêu thích công việc hay không, nhiều lúc không được quyết định bởi tính chất của công việc, mà được quyết định bởi tâm thái của bạn đối với công việc. Trong xã hội này, muốn tìm được một công việc mà bản thân thực sự yêu thích quả thực là quá khó khăn, thông thường công việc của bạn hoặc là không đúng chuyên ngành, hoặc là đãi ngộ và tiền lương không khiến bạn hài lòng; hoặc là phải tăng ca thường xuyên, hoặc là phải đối mặt với các mối quan hệ xã hội phức tạp… Cho dù là vậy, mọi người vẫn vừa chán ghét công việc mình đang làm, vừa ra sức tìm kiếm công việc lí tưởng mà tự bản thân cho rằng nhất định mình sẽ hài lòng.
Đại Vĩ cảm thấy bản thân thật may mắn vì đang được làm công việc mình yêu thích. Trước đây, khi mới chân ướt chân ráo vào làm tại một công ty nọ, cậu chủ yếu phụ trách công việc viết thông tin sản phẩm, tuy không cần tăng ca, nhưng việc phải làm mỗi ngày đều phức tạp, tiền lương và đãi ngộ lại không được như mong muốn. Giống như rất nhiều người khác, Đại Vĩ cũng không muốn làm công việc này lâu dài. Nhưng điểm khác biệt giữa cậu và người khác là, rất nhiều người rời bỏ công ty chỉ đơn thuần là vì muốn rời bỏ, nhưng lại không biết rốt cuộc mình muốn làm công việc nào, còn Đại Vĩ đã có mục tiêu hết sức rõ ràng – làm thiết kế đồ họa. Nhưng chuyên ngành của cậu không phải là thiết kế đồ họa. Đối với cậu mà nói, làm công việc này đồng nghĩa với việc phải bắt đầu lại từ con số 0. Đại Vĩ đã dùng hai tháng tiền lương để đăng ký một lớp bồi dưỡng thiết kế đồ họa. Thời gian ngoài giờ làm và ngày nghỉ cuối tuần, Đại Vĩ đều dành để đi học, mưa gió không cản bước chân cậu, cậu cứ kiên trì như vậy tới khi khóa học kết thúc. Mặt khác, ở chỗ làm, hàng ngày Đại Vĩ không chỉ hoàn thành công việc của mình đâu ra đấy, mà còn hăng hái giúp đỡ các đồng nghiệp làm công việc liên quan đến thiết kế đồ họa một cách bài bản.
Trong lúc rảnh rỗi, Đại Vĩ cũng sẽ gửi tác phẩm do mình thiết kế tới trang web thiết kế đồ họa, giao lưu với những người cùng sở thích, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Sau đó, khi Đại Vĩ xin thôi việc, để giữ chân cậu, công ty quyết định điều cậu đến phòng thiết kế đồ họa, nhưng cậu đã từ chối. Cậu nói rằng: “Tôi từ chức và rời đi là vì tôi biết, nếu muốn phát triển năng lực của bản thân tốt hơn, muốn có thành tích trong lĩnh vực này, thì tôi cần phải đến công ty thiết kế chuyên nghiệp hơn. Dù phải bắt đầu lại từ con số 0, nhưng sự trưởng thành trong mỗi ngày sau đó đều sẽ được tính theo cấp số cộng, thậm chí là cấp số nhân.” Sau đó, Đại Vĩ đã trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa cho một công ty thiết kế nổi tiếng. Tuy công việc vất vả hơn, nhưng cậu lại thích thú, làm việc trong tâm thái thỏa mãn và vui vẻ mỗi ngày.
Rốt cuộc công việc như thế nào mới khiến chúng ta yêu thích? Đầu tiên, đây phải là công việc mà bạn muốn làm, như vậy bạn mới sẵn lòng dốc toàn tâm sức đầu tư cho nó. Thứ hai, đây phải là công việc mà bạn tự tin thực hiện, như vậy bạn mới không tràn đầy cảm giác bất lực. Chỉ khi công việc hội tụ hai yếu tố này, mới có thể khiến bạn làm việc nhiệt tình và hăng say, không những có thể nâng cao hiệu suất và chất lượng, mà còn khiến cảm giác thành tựu và hạnh phúc trong bạn tăng lên gấp bội.
Biển lớn luôn có sóng cả, đời người luôn có thiếu sót đáng tiếc. Có một số người cần phải trải qua vô số lần tìm kiếm, mới có thể tìm thấy công việc thích hợp với mình. Có một số người lại cần phải trải qua sự rèn giũa không ngừng, mới có thể khiến bản thân yêu thích công việc mình đang làm. Bởi vậy, người có thể thuận buồm xuôi gió trên đời vô cùng ít ỏi.
Nhiều lúc, chúng ta luôn viện lý do như lương thấp, tăng ca quá nhiều, nhiệm vụ quá nặng nề, áp lực quá lớn để than thở với người khác về công việc của mình, thậm chí là ám thị cho bản thân, rằng chính những nguyên nhân này mới khiến mình không thể yêu công việc đang làm. Nhưng nguyên nhân về căn bản lại không nằm ở những lí do kể trên, mà là bởi chúng ta đã không thực sự nhận thức được tâm thái và tư thái bản thân nên có khi làm việc. Đây là điều người ngoài không thể làm thay chúng ta, chỉ khi chúng ta biết tự điều chỉnh tâm thái cho tốt, học cách làm việc với một thái độ đúng đắn thì công việc mới trở nên phù hợp với chúng ta.
Nếu bạn cảm thấy mình đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không có được niềm vui trong công việc, nếu bạn có mục tiêu rõ ràng và đang tràn đầy lòng dũng cảm, vậy thì bạn nên dứt khoát xông pha, tự tạo dựng chân trời nghề nghiệp của riêng mình. Nếu bạn không có dũng khí tự làm chủ, vậy bạn hãy làm việc đến nơi đến chốn, thay đổi tâm thái, bớt oán trách. “Càng nỗ lực càng may mắn”, bạn sẽ phát hiện rằng khi bạn nỗ lực hơn nữa, thì kết quả cũng không tệ như bạn nghĩ.
Tâm nguyện ban đầu khi chúng ta lựa chọn một công việc, đều không chỉ đơn thuần là vì cơm áo gạo tiền, mà còn là khát vọng nghề nghiệp, là ước vọng tương lai. Như vậy, bất kể bạn làm công việc gì, bạn đều sẽ kiên nhẫn hơn người thường, bởi bạn hiểu rõ “có công mài sắt có ngày nên kim”. Đời người có ai luôn thuận buồm xuôi gió, tâm thái tốt đẹp sẽ khiến bạn càng thong dong hơn khi đối mặt với trắc trở và gian khổ.
Đôi khi, chúng ta cũng có thể tìm được công việc trọn vẹn nhiều bề. Đó có thể là một công việc vừa có đãi ngộ cao, vừa có thể thực hiện được giá trị cuộc đời bạn, nếu có thể cùng lúc giúp bạn thực hiện mục tiêu cuộc đời, thì không gì tốt bằng. Nhưng chúng ta nhất định phải phân rõ chính yếu, không thể bỏ gốc lấy ngọn.
Cần luôn nhắc nhở bản thân về tâm nguyện ban đầu đối với công việc đã chọn. Điều quan trọng nhất là, tâm nguyện ban đầu của chúng ta nhất định phải mang ý nghĩa tích cực, chứ không phải tiêu cực. Nếu không, dù bạn bỏ ra bao nhiêu nỗ lực và công sức, cuối cùng cũng chỉ xôi hỏng bỏng không.
Làm thế nào để tìm ra công việc bạn thực sự yêu thích?
Nếu bạn có thể coi công việc là sự nghiệp của mình, vậy thì điều này sẽ kích phát trí tuệ, nhiệt tình, trí tưởng tượng và sức sáng tạo của bạn hơn. Là một nhân viên, chỉ khi bạn đối đãi với công việc bằng thái độ tích cực và chủ động, bạn mới có thể nhận được nhiều lời tán thưởng và cơ hội nghề nghiệp hơn. Cho dù ở nơi làm việc không tìm được sân khấu để thể hiện tài hoa của mình, bạn cũng có thể nâng cao năng lực chuyên môn, làm phong phú thêm mạng lưới quan hệ của mình và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Mỗi người đều có điểm mạnh của riêng mình, có người giỏi về suy xét, có người quảng giao, có người lại có sở trường viết lách… Ví dụ như tác giả nổi tiếng người Đài Loan – tiểu thuyết gia Quỳnh Dao, có một chị gái có thành tích học tập vô cùng xuất sắc, đặc biệt là môn Toán. Cha mẹ của Quỳnh Dao thường khen ngợi người chị gái, còn đối với Quỳnh Dao thì lại thất vọng về thành tích học tập bình thường của bà. Nhưng không ngờ Quỳnh Dao lại có niềm yêu thích đặc biệt với văn học, hơn chín tuổi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tên Tiểu Thanh đáng thương, được đăng tải trên phiên bản nhi đồng của tờ Đại Công báo. Đến nay, tiểu thuyết của bà nổi tiếng Trung Quốc, và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ngoài phương diện sáng tác, bà còn gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên phương diện điện ảnh.
Hứng thú là tiền đề để học hỏi, cũng là khởi điểm để chúng ta đạt được thành tựu. Hứng thú của một người thường sẽ trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho người đó đi về phía thành công. Nếu bạn có thể dốc toàn tâm sức vào một việc trong thời gian dài, từ đó hình thành chuyên chú, vậy thì đây sẽ là nền tảng quan trọng cho thành công của bạn sau này.
Bạn sẽ làm công việc như thế nào? Cần có những năng lực công tác nào? Đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp mà nói, e là đại bộ phận vẫn còn mơ hồ về điều này. Sinh viên mới ra trường thường không biết mình muốn làm gì, có thể làm gì, thậm chí có lúc tốt nghiệp đồng nghĩa thất nghiệp. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi khi còn học đại học, sinh viên đã xem nhẹ sự quy hoạch đối với tương lai, không chủ động bồi dưỡng hứng thú nghề nghiệp cho bản thân, hoặc đã đánh mất phương hướng trong quá trình tìm tòi sự nghiệp của mình, hoặc là vẫn chưa tìm được điều mà mình hứng thú. Bởi vậy, cần phải tìm hiểu xem bản thân thích hợp làm gì, sẵn lòng làm gì, đừng miễn cưỡng chọn đại một nghề, một việc khi mới ra trường.
Ở Mỹ, một số trường học thường tổ chức “Ngày hội việc làm”. Vào ngày này, nhà trường sẽ mời những người đang công tác ở một số ngành nghề, ví dụ như luật sư, kế toán, nhân viên đội phòng cháy chữa cháy, vận động viên, người thiết kế đồ chơi… đến trường học để giới thiệu về công việc của mình cho sinh viên. Như vậy sinh viên sẽ biết được đặc điểm của các ngành nghề, yêu cầu đối với nhân sự của từng nghề. Phương thức giáo dục như vậy sẽ khiến các bạn trẻ bớt phải đi đường vòng trên con đường tìm kiếm sự nghiệp cho mình.
Tại sao nhất định phải lựa chọn nghề nghiệp mình yêu thích? Bởi vì nếu coi nghề nghiệp là sự nghiệp, tính chủ động của con người sẽ được phát huy đầy đủ, con người sẽ tích cực trau dồi kiến thức, nỗ lực phát triển trong lĩnh vực mình yêu thích, sẽ tích cực suy xét, can đảm tìm tòi, đồng thời sẽ tận hưởng được niềm vui lớn từ công việc. Dẫu công việc có gian khổ đến mấy, thì tâm tình vẫn sẽ luôn vui vẻ; dẫu khó khăn có nhiều đến mấy, cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc, thậm chí quên ăn quên ngủ, như say như si mà làm việc.
Các ngành nghề khác nhau cần những con người khác nhau. Một người giỏi về thao tác, có thể thuận buồm xuôi gió khi làm các công việc liên quan đến kỹ năng, nếu bắt anh ta nghiên cứu lý luận, anh ta sẽ cảm thấy khô khan, buồn tẻ. Chính sự khác nhau trong hứng thú đã trở thành căn cứ quan trọng để mọi người lựa chọn nghề nghiệp.
Đối với sự nghiệp mà bạn thật lòng yêu thích, bạn sẽ không tính toán được mất, mà sẽ thể hiện ra lòng dũng cảm phi thường. Hứng thú là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định của nghề nghiệp, sự thành công trong sự nghiệp. Bởi vậy, khi lựa chọn nghề nghiệp làm kế sinh nhai, không chỉ đòi hỏi chúng ta phải biết bản thân có năng lực làm nghề như thế nào, mà quan trọng hơn là chúng ta phải biết bản thân có hứng thú với công việc nào.
Trong quá trình tìm kiếm nghề nghiệp mình thật sự yêu thích, chúng ta cần có phương pháp khả thi. Nếu bạn đang cảm thấy mơ hồ về phương hướng cuộc đời mình, hãy thử liệt kê những nghề nghiệp bạn biết, sau đó đưa ra lựa chọn. Có lẽ bạn sẽ thất vọng, nhận thức của mỗi người về môi trường mình sống đều bị hạn chế bởi tri thức và kinh nghiệm của bản thân. Nhưng trong thời đại biến chuyển từng ngày như hiện nay, vẫn có rất nhiều lĩnh vực và công việc mà bạn chưa biết tới.
Thử tự hỏi bản thân: Từ nhỏ bạn đã thích làm gì? Ưu thế của bạn là gì? Trong cuộc sống và trong học tập, khi làm những việc nào thì bạn thành thạo nhất, vui vẻ nhất, không biết mệt vì nó nhất? Khi làm những việc nào bạn sẽ cảm thấy bức bối, không được tự tại? Bạn có thể bỏ ra một khoảng thời gian để nghiêm túc suy nghĩ về những vấn đề này, sau đó ghi chép lại, rồi hỏi chính mình: Có sẵn lòng chỉ làm nghề này cả đời, dẫu có cực khổ cũng không oán trách, hối hận không?
Giả sử bạn gặp trắc trở trong quá trình tìm kiếm nghề nghiệp mình thật lòng yêu thích, hãy nhớ trả lời câu hỏi ấy một cách thành thật. Nhất định phải tìm thấy sự nghiệp có thể mang đến cho mình sự tự tin và lòng nhiệt tình, đồng thời bắt tay vào làm nó. Trong quá trình tìm kiếm, chúng ta không cần rập khuôn máy móc cách làm của người khác, bởi “điểm” nhiệt tình của mỗi người mỗi khác. Những người cuối cùng đã tìm thấy nghề nghiệp mà mình thật lòng yêu thích kia, cũng từng có quá trình chuyển biến tư tưởng tương tự như vậy; cũng từng mang theo nỗi sợ hãi và hoài nghi, nhưng chưa bao giờ thôi tìm kiếm, dũng cảm nắm bắt mọi cơ hội.
Thực ra, công việc nào cũng vậy, dù nó dường như sinh ra để dành cho bạn thì cũng có những lúc bạn cảm thấy nó thật khô khan, nhàm chán. Nhưng một khi đã nhận thức được đó chính là công việc phù hợp nhất, là sự nghiệp cả đời này của bạn, thì bạn phải kiên trì gạt bỏ những trắc trở để làm nó tới cùng. Đây có lẽ sẽ là một quá trình dài đằng đẵng và đầy đau khổ, đòi hỏi chúng ta phải có đủ dũng khí và kiên cường, làm tốt công tác tự giám sát, tự đốc thúc bản thân, để bản thân bước về phía trước trên con đường nghề nghiệp đúng đắn. Song trên thực tế, hiếm người có thể kiên trì đi đến thắng lợi, phần đông mọi người đều bận rộn, bôn ba với đủ việc vặt, thậm chí khuất phục trước cám dỗ của công danh, lợi lộc và áp lực của cuộc sống. Đây thực ra là một thái độ sống vô cùng tiêu cực. Chỉ tính riêng trong công việc thôi, thái độ này không những sẽ lãng phí thời gian quý báu của bạn, mà còn lãng phí những cơ hội giúp bạn trưởng thành. Do vậy, không thể giữ thái độ sống “ăn xổi ở thì” này.
Mang theo tinh thần nghệ nhân để làm người, làm việc, chính là đang thực hiện giá trị của bản thân. Trong xã hội hiện đại, tinh thần nghệ nhân là một món tài sản tinh thần, cần chúng ta phát huy và gìn giữ.