Từ xưa đến nay, chúng ta không hề thiếu tinh thần nghệ nhân. Trong lịch sử đã xuất hiện vô số tấm gương mang tinh thần nghệ nhân. Ví dụ, Lỗ Ban, ông Tổ nghề Mộc, sống trong thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc, đã dựa vào trí tuệ và kỹ nghệ tinh xảo của mình, không những phát minh ra công cụ làm mộc, công cụ nông nghiệp, mà còn chế tạo ra chim gỗ, người gỗ… Ông được coi là tấm gương điển hình của nghệ nhân. Thời kỳ Đông Hán, Trương Hành đã phát minh ra máy đo động đất. Thời kỳ Tam Quốc, Gia Cát Lượng đã chế tạo ra trâu gỗ, ngựa gỗ giúp vận tải quân lương… Có thể thấy, trong tinh thần nghệ nhân đích thực, không những phải có sử chuyên nghiệp trong quá trình chế tác, mà còn phải bao hàm một loại tín ngưỡng. Người nghệ nhân tin rằng sản phẩm mình chế tác ra là độc nhất vô nhị, là sản phẩm người khác không thể làm được. Họ mang theo lòng tin của mình, miệt mài làm một việc suốt mười năm, tận hưởng mỗi quá trình chế tác. Đây chính là tín ngưỡng đối với sự chế tác tinh xảo, cũng là tín ngưỡng đối với công việc. Tín ngưỡng là một trong những nội hàm quan trọng của tinh thần nghệ nhân.
Có người đã tổng kết lại sáu nội hàm lớn của tinh thần nghệ nhân như sau: chủ nghĩa tinh xảo, chuẩn xác, chủ nghĩa chuyên chú, chủ nghĩa hoàn mỹ, chủ nghĩa tiêu chuẩn, chủ nghĩa trật tự và tinh thần trung hậu. Về cơ bản đây là đặc trưng của văn hóa nước Đức: khắc khổ, trách nhiệm, đáng tin và thành thực. Tinh thần nghệ nhân truyền thống để chỉ những phẩm chất: kính nghiệp, chuyên chú, kiên nhẫn, kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ, hoàn mỹ.
Vậy thì tinh thần nghệ nhân mới là gì? Tinh thần nghệ nhân mới phải là đứng trên góc độ của người tiêu dùng, dùng triết học tối giản để mài giũa sản phẩm thật tinh tế.
Từ bỏ càng có lợi hơn chiếm hữu
Hokkaido Baked Cheese Tart ở Nhật Bản được mệnh danh là thương hiệu bánh tart phô mai nổi tiếng nhất châu Á, từng lập kỷ lục 1 năm bán ra 20 triệu chiếc, chưa đầy 2 giây đã bán được 1 chiếc. Thương hiệu này có tổng cộng 19 cửa hàng ở nước bản địa, người dân xếp hàng dài trước cửa tiệm chờ mua bánh là chuyện thường ngày. Để thu hút được nhiều khách hàng hơn, Hokkaido Baked Cheese Tart đã mời kiến trúc sư nổi tiếng Yota Kakuda tới thiết kế cửa tiệm. Kiến trúc sư Yota Kakuda đã dùng “gạch sứ” được chế tạo từ nhôm để trang trí cho cửa tiệm. Ở vị trí trung tâm của cửa tiệm, các sản phẩm được bày biện ngay ngắn, chờ khách hàng đến thưởng thức hoặc mang đi. Lò nướng có cửa lò là tấm kính trong suốt đã kéo gần khoảng cách giữa khách hàng và sản phẩm. Qua tấm kính thủy tinh này, khách hàng có thể nhìn thấy hình ảnh của những chiếc bánh đang được nướng nóng hôi hổi với màu sắc vàng óng hấp dẫn. Để tiết kiệm không gian, kiến trúc sư Yota Kakuda đã gắn lò nướng vào tường, chỉnh thể nhìn giống một lò bánh, toát lên bầu không khí có trật tự, gọn gàng, ngăn nắp. Đây chính là một biểu hiện của triết học tối giản trong nghệ thuật.
Phong cách thiết kế này của kiến trúc sư Yota Kakuda đã thể hiện được đẹp thuận theo tự nhiên, nhấn mạnh sự mộc mạc của bản chất. Đó là phong cách trở về nguyên trạng, từ bỏ sự xa xỉ, phung phí và trang trí rườm rà, coi trọng công năng thiết thực, thể hiện tư tưởng thiết kế tối giản, lấy chất lượng tạo nên cái đẹp.
Nhiều nhân sĩ thành công đã theo đuổi triết học tối giản trong thời gian dài. Họ trở thành tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, từ họ chúng ta học được cách giải quyết vấn đề hiệu quả làm việc bị giảm sút vì quan tâm đến quá nhiều những việc vụn vặt khác. Steve Jobs – người sáng lập Công ty Apple luôn vận chiếc áo len cao cổ màu đen khi xuất hiện tại nhiều buổi họp báo giới thiệu sản phẩm của hãng. Có vẻ phong cách tối giản đã trở thành một phẩm chất riêng của người đứng đầu ngành khoa học công nghệ. Đây không phải là vấn đề có thời gian hay không, mà là họ chỉ cho phép mình dùng thời gian vào những việc quan trọng. Mark Zuckerberg cũng luôn mặc chiếc áo cộc tay màu xám, về điều này, Mark giải thích rằng, anh chỉ muốn dành thời gian cho việc nỗ lực phát triển dịch vụ của công ty, còn trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, anh ưa chuộng sự đơn giản. Nếu lãng phí thời gian cho những việc vụt vặt, thì không thể phát triển công việc được.
Để tâm càng ít, nhận được sẽ càng nhiều. Điều này nghe có vẻ trái với lẽ thường, nhưng vừa hay lại phản ánh bạn có lãng phí tinh lực và thời gian cho những việc không quan trọng hay không. Điều then chốt để có được cuộc sống tươi đẹp không phải là giành được tất cả, mà là có thể đặt sự quan tâm của mình vào những người và sự việc chân thực, có ý nghĩa. Khi bạn để tâm càng ít, nỗi sợ thất bại của bạn sẽ càng ít, từ đó bạn có thể làm việc một cách chuyên chú. Cứ chăm chăm theo đuổi thể nghiệm vui vẻ, là một loại hành vi tiêu cực. Ngược lại, nếu bạn có thể thản nhiên tiếp nhận thể nghiệm tiêu cực, đây cũng là điều tích cực. Đương nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải trở nên lãnh đạm, phớt lờ mọi chuyện.
Tôn sùng triết học tối giản, không có nghĩa là chúng ta phải sống cuộc sống của nhà tu khổ hạnh, mà là giảm bớt một số lễ nghi rườm ra không cần thiết, dành nhiều thời gian và tinh lực cho những việc có ý nghĩa hơn.
Phải học cách làm phép trừ, biến rườm rà thành đơn giản. Vứt bỏ càng nhiều, thứ giữ lại đương nhiên sẽ càng ít, như vậy bạn sẽ nhìn được càng rõ ràng hơn, sẽ biết được công việc và cuộc sống như thế nào mới là thứ mình thực sự để tâm. Đôi khi, từ bỏ còn cao minh hơn chiếm hữu.
Trong tối giản có chuyên chú
Ở Thung lũng Silicon, Mỹ có một nhà hàng Nhật Bản, sinh thời hầu như tuần nào Steve Jobs cũng đến dùng bữa một lần. Chủ nhà hàng này là ông Sakuma Toshio, sinh ra tại Fukushima-Ken, Nhật Bản. Năm mười lăm tuổi, ông bỏ học, đến một nhà hàng sushi để học việc. Sau mười sáu năm, cũng chính là năm 1985, người học việc năm xưa đã mở nhà hàng sushi của riêng mình ở Thung lũng Silicon, Mỹ, từ đó kết nên mối duyên với Steve Jobs. Sakuma Toshio còn được gọi là người Nhật Bản thứ ba ảnh hưởng đến Steve Jobs sau thiền sư Kobun Otogawa và ông Morita Akio – người sáng lập Tập đoàn Sony. Sinh thời, Steve Jobs rất thích món sushi do ông Toshio làm, trong nhà hàng thậm chí còn có chỗ ngồi “số 1” dành riêng cho Jobs.
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi ông Sakuma Toshio vừa mở nhà hàng, sushi không được mọi người ở Thung lũng Silicon biết đến, thậm chí mọi người còn chỉ vào sushi trưng bày trong tủ kính và hỏi rằng: “Đây là bánh gato sao?” Đồ ăn Nhật Bản khi đó chưa được đông đảo mọi người biết đến, chính sự nỗ lực của những người đầu bếp Nhật như Sakuma Toshio đã khiến sushi trở thành một nếp sống, một trào lưu ở Mỹ, được đưa vào Từ điển Tiếng Anh.
Tháng 11 năm 2011, Sakuma Toshio đóng cửa nhà hàng, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời kinh doanh sushi hai mươi sáu năm ở Thung lũng Silicon của mình. Hơn hai mươi năm qua, ông đã theo đuổi triết học tối giản, tạo ra món sushi chất lượng cao. Ông kiên trì với tâm nguyện ban đầu của mình, luôn theo đuổi sự nguyên vị, từ chối đón nhận trào lưu. Ông khiêm tốn, cẩn thận, thản nhiên, thong dong. Trong cửa hàng nhỏ bé của mình, ông an phận làm việc, lẳng lặng quan sát. Chính sự chuyên chú, kiên trì đáng quý này đã giúp ông nâng tầm bản thân, đưa sushi trở thành món ăn được cả thế giới biết đến và công nhận.
Điều đáng chú ý là, vào năm 2011, sau khi biết nhà hàng của Sakuma Toshio sắp đóng cửa, Steve Jobs đã mời ông đến Công ty Apple và mở một nhà hàng sushi, như vậy Jobs có thể ăn sushi hàng ngày. Sakuma Toshio đã nhận lời. Đáng tiếc là khi nhà hàng sushi vừa hoàn tất việc trang hoàng và chuẩn bị mở cửa, thì Steve Jobs lại đột ngột qua đời.
Tại sao Steve Jobs say mê khoa học công nghệ và Sakuma Toshio chuyên làm sushi lại có sự đồng điệu như vậy? Thực ra, sản phẩm chính là nhân phẩm. Steve Jobs đã đưa sự tối giản và tư duy cực hạn của mình vào quan niệm thiết kế của Apple, thậm chí ông bị cho là mắc “chứng lập dị”. “Lập dị” nghe thì có vẻ hoàn toàn trái ngược với sự tối giản, cực hạn, nhưng trên thực tế chính sự “lập dị” của Steve Jobs đã tạo ra sự tối giản và cực hạn của Apple. Điều này đã thể hiện sự theo đuổi của ông đối với mỹ học. Chuyến du lịch đến Ấn Độ vào thời trẻ đã khiến ông có nhận thức mới về thiền. Sau khi trở về Mỹ, ông bắt đầu học thiền. Bấy giờ, thiền sư mà ông bái sư chính là Kobun Otogawa. Từ đó, ông luôn theo đuổi sự tối giản, chuyên chú. Có lẽ đây cũng chính là lý do ông thích sushi. Việc ông tu thiền cũng sản sinh ảnh hưởng nhất định đến thiết kế sản phẩm của Công ty Apple. So với Apple của thời đại Steve Jobs, thì thứ mà Apple hiện tại đã đánh mất có lẽ chính là sự tối giản, chuyên chú mà Steve Jobs đã tạo lập.
Đằng sau sự đơn giản, thuần khiết, là tinh thần nghệ nhân, là sự cẩn thận, là lòng tin và thái độ kiên trì muốn tạo ra sản phẩm với chất lượng cao nhất. Chuyên chú là một điểm chung giữa nhà sáng lập Apple và nghệ nhân sushi. Khi Mark Parker mới nhận chức CEO của Công ty Nike, đã thỉnh giáo Steve Jobs về kiến nghị đối với hoạt động của công ty. Steve Jobs đã nói rằng: “Chỉ có một điều, một số sản phẩm của Nike là sản phẩm tuyệt vời nhất trên thế giới, có thể kích thích ham muốn mua sắm của mọi người. Nhưng bên cạnh đó, Nike còn có rất nhiều sản phẩm kém. Hãy dẹp những thứ vô dụng kia đi, dồn tinh lực cho những cái tốt nhất ấy.” Mark cảm thấy Steve Jobs nói rất đúng. Chuyên chú không phải là dốc hết tinh lực vào những việc bạn quan tâm, mà là phải giỏi chọn lựa kỹ càng nhưng điều quan trọng nhất.
Nói đến đồng hồ đeo tay, chúng ta đều sẽ nghĩ tới một số thương hiệu của Thụy Sĩ. Tại sao đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ lại tốt? Nhà chế tạo đồng hồ ở quốc gia này luôn yêu cầu sự tinh xảo đối với mỗi khâu, mỗi linh kiện nhỏ. Trong mắt họ, chỉ có dụng tâm, theo đuổi sự hoàn mỹ, yêu cầu nghiêm khắc đối với sản phẩm, mới tạo ra được sản phẩm tốt, mới tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường cho đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ.
Trong thời đại “Internet Plus”,5 tinh thần quý báu nhất chính là tinh thần nghệ nhân. “Tinh thần nghệ nhân mới” giống như quan niệm theo đuổi sự sáng tạo của thời đại này. Nó theo đuổi sự tối giản, cực hạn. Mà vừa hay, chính sự tối giản, cực hạn này đã mang tới khả năng vô hạn, năng lượng và động lực cho sự sáng tạo. Tư duy Internet giúp Steve Jobs tạo ra iPhone, và iPhone cũng chính là kết tinh của “tinh thần nghệ nhân mới”.
Sự phát triển của các doanh nghiệp hiện đại không tách rời khỏi sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo, doanh nghiệp mới có thể sinh tồn, phát triển. Song, 5 Chiến lược quốc gia được Trung Quốc ban hành vào năm 2015, hướng tới kết hợp Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet Vạn Vật với sản xuất hiện đại. sáng tạo làm sao có thể tách rời được sự chuyên chú đối với sản phẩm? Bởi vậy, trong thời đại trí tuệ nhân tạo doanh nghiệp càng cần phải giữ vững “tinh thần nghệ nhân mới” để ngày càng phát triển.
Tư duy ông chủ
Hiện nay, ngày càng có nhiều sinh viên đại học phải đối mặt với “nạn tìm việc”. Ở một mức độ nào đó, không phải họ thực sự không tìm được việc làm, mà là bản thân những sinh viên này quá kiêu ngạo, tự phụ, đòi hỏi quá cao. Doanh nghiệp làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu ấy của sinh viên mới ra trường? Có lẽ bạn sẽ nói, tôi là một sinh viên đại học được đào tạo bài bản, tôi nắm vững tri thức và kỹ năng cần có, có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng xin bạn hãy chú ý một điểm, mọi thứ đều là “bạn cho rằng”, doanh nghiệp chỉ dựa vào một bộ hồ sơ xin việc của bạn là có thể yên tâm về bạn sao? Không trải qua một thời gian khảo nghiệm, làm sao doanh nghiệp có thể công nhận năng lực của bạn được?
Năng lực của bạn, tri thức tích lũy của bạn đều cần thời gian để kiểm nghiệm. Thành công trong cuộc đời không phải chuyện một sớm một chiều là có được, bạn cần trải qua sự rèn giũa của thời gian mới có thể sống, làm việc tốt hơn, mới có thể chầm chậm bước về phía thành công. Tầm nhìn của bạn quyết định bạn có thể bước đi bao xa. Muốn thành công, thì cần phải biết nhìn xa trông rộng, đừng chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn. Càng so đo được mất đối với những việc cỏn con ở hiện tại, càng kìm hãm quá trình trưởng thành. Nhiều nhân viên chỉ ghim ánh mắt vào cái lợi trước mắt, còn một ông chủ đích thực lại quan tâm đến thu hoạch của một đời.
Ngoài ra, phải dùng tiêu chuẩn cao nhất của ngành nghề và thị trường lao động để yêu cầu bản thân phấn đấu. Khi bạn có thể nhìn nhận giá trị của bản thân từ những góc độ khác nhau, bạn sẽ phát hiện ra rằng, góc quan sát có thể thay đổi mô thức tư duy của mình một cách hiệu quả. Nếu bạn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất trong ngành nghề và thị trường lao động yêu cầu, luôn luôn cải thiện, thay đổi chính mình, vậy thì bạn có thể nâng tầm bản thân nhanh hơn. Tư duy quyết định thói quen, còn thói quen quyết định phương thức sinh tồn và làm việc. Doanh nhân phải biết cách thay đổi bản thân và doanh nghiệp, tích cực ứng phó với sự biến đổi.
Tuyển dụng một nhóm nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm không chỉ khiến doanh nghiệp giẫm chân tại chỗ, mà thậm chí còn ngáng chân doanh nghiệp phát triển. Bởi vậy, đối với chủ doanh nghiệp, thà thiếu người còn hơn tuyển người bừa bãi. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng người lao động lại thất nghiệp hiện nay. Bởi vì suy nghĩ của ông chủ khác với suy nghĩ của nhân viên, ông chủ cần chịu trách nhiệm với khách hàng. Nếu không, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại.
Napoleon Bonaparte, vị vua, nhà lãnh đạo quân sự vị đại người Pháp, từng nói rằng: “Binh sĩ không muốn làm tướng quân không phải là binh sĩ giỏi.” Người lao động mới đi làm đại khái có ba loại tâm thái, giống như ba người trong câu chuyện dưới đây:
Ba người thợ xây đang cùng xây tường nhà. Có người đi ngang qua hỏi: “Các anh đang làm gì vậy?”
Người đầu tiên xẵng giọng: “Không nhìn thấy à mà còn hỏi, xây tường.”
Người thứ hai ngẩng đầu lên cười, nói: “Chúng tôi đang xây một tòa nhà cao tầng.”
Người thứ ba vừa làm vừa ngân nga một bài hát, nụ cười của anh ta rất rạng rỡ: “Chúng tôi đang xây dựng một thành phố mới.”
Mười năm sau, người đầu tiên trong cuộc hội thoại trên vẫn là một thợ xây, người thứ hai trở thành một kiến trúc sư ngồi bàn giấy thiết kế còn người thứ ba trở thành ông chủ của hai người kia.
Câu trả lời của ba người này tương ứng với tư duy của ba kiểu người trong xã hội. Kiểu người đầu tiên là người đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình sống qua ngày, đây là kiểu người phổ biến nhất, không cần phải nói gì thêm. Kiểu người thứ hai là người đắm chìm trong lĩnh vực của mình, không quan tâm đến lĩnh vực khác. Có thể họ rất ưu tú ở phương diện chuyên môn, nhưng xét về sự phát triển lâu dài, họ thiếu đi khả năng cạnh tranh. Kiểu người thứ ba coi công việc của mình là một môn nghệ thuật, hiểu đúng về ý nghĩa của công việc mình đang làm, biết kết hợp lao động của mình với lao động của người khác để thực hiện mục tiêu to lớn hơn. Kiểu người này là nhân tài được các doanh nghiệp coi trọng nhất.
Jack Ma – người sáng lập Tập đoàn Alibaba, Trung Quốc từng nói một cách hình tượng rằng: Nếu bạn bảo nhân viên lên núi săn lợn rừng, khi súng hết đạn, lợn rừng xông tới, chắc chắn nhân viên sẽ quay đầu bỏ chạy mà không mảy may nghĩ ngợi. Nhưng nếu là ông chủ, khi súng hết đạn, ông ta sẽ vắt óc nghĩ mọi cách, cho dù là dùng một cái liềm nhặt ở dưới đất lên, cũng phải giết chết con lợn rừng. Tại sao ông chủ và nhân viên lại hành động khác nhau như vậy? Mấu chốt nằm ở chỗ phương thức tư duy của ông chủ và nhân viên khác nhau.
Chúng ta cần nghiên cứu qua về tư duy của ông chủ và nhân viên, bởi phương thức tư duy của hai đối tượng này tồn tại khác biệt rất lớn. Tư duy của ông chủ là tư duy của doanh nghiệp, coi lợi ích của doanh nghiệp là điểm nhìn để nhìn nhận, suy xét vấn đề, mọi thứ phải lấy sự phát triển của doanh nghiệp làm trọng tâm. Còn tư duy của nhân viên là tư tưởng cá nhân, phần lớn nhân viên đều đưa ra quyết định dựa trên lợi ích cá nhân, chuyện gì cũng lấy bản thân mình làm trọng. Ông chủ ở bên trái, nhân viên ở bên phải; ông chủ chú trọng tới kết quả, nhân viên lại coi trọng quy trình. Nếu tư duy của ông chủ và nhân viên đã tồn tại khác biệt, vậy thì ắt hẳn sẽ phát sinh mâu thuẫn. Nếu một doanh nghiệp muốn thu hẹp mâu thuẫn và khác biệt này, trước tiên nhân viên phải có tư duy của ông chủ. Vấn đề đã xuất hiện. Là một nhân viên, phải làm thế nào mới có thể suy nghĩ như CEO của doanh nghiệp? Phương thức tư duy như thế nào mới là phương thức tư duy của ông chủ?
Đầu tiên, nhân viên phải có ý thức của người làm chủ, tức “tôi là chủ nhân của công ty”.
Nhân viên làm việc ở doanh nghiệp nên giữ ý thức “tôi là chủ nhân của công ty”. Khi nhân viên tự tạo được cho mình tư tưởng này, sẽ được nó khích lệ, để duy trì kết nối hiệu quả với cấp trên và đồng nghiệp, tích cực, chủ động hoàn thành công việc của mình, giữ lòng nhiệt tình cao độ với công việc. Không có lòng nhiệt tình, mọi công việc đều trở nên khô khan. Trong công việc, có thể xây dựng ý thức của người làm chủ chính là một kiểu trau dồi bản thân. Nếu một nhân viên có thể suy nghĩ cho doanh nghiệp, suy nghĩ cho tập thể, vậy thì nhân viên này là người có thái độ tốt và sẽ thăng tiến nhanh trong công việc.
Thứ hai, phải đứng ở góc độ của ông chủ để xem xét, đánh giá nội dung và giá trị công việc của bản thân. Đối với nhân viên, đứng ở góc độ của ông chủ để suy xét vấn đề, bất kể là có tư duy của ông chủ hay không, đều là một phương thức rèn luyện bản thân. Bạn có thể thu hoạch được nhiều điều bổ ích từ quá trình này. Dần dà, năng lực suy xét của bạn sẽ được nâng cao, có lẽ còn có một số phát hiện bạn không ngờ tới.
Muốn mưu cầu sự phát triển tốt hơn, lâu dài hơn ở doanh nghiệp, thì bạn buộc phải học cách đứng ở vị trí cao hơn của mình để xem xét vấn đề. Góc độ nhìn nhận vấn đề quyết định thứ bậc của chúng ta, hãy suy xét công việc và năng lực của bản thân từ góc độ rộng lớn hơn, chứ đừng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân.
Muốn thay đổi hiện trạng, thì phải tạo dựng một tâm thái như ánh nắng. Thái độ quyết định mọi thứ, kể cả địa vị của một người. Chỉ có thay đổi thái độ, hành vi mới thay đổi, hành vi thay đổi, thói quen cũng sẽ thay đổi, dưỡng thành thói quen tốt, đương nhiên kết quả cũng sẽ tốt theo.
Mỗi người chỉ sống một lần trong đời. Trong tay chúng ta nắm giữ tấm vé một chiều, bắt đầu từ khoảnh khắc chào đời, chuyến tàu cuộc đời đã lăn bánh. Chúng ta không cần để tâm đến điểm cuối cùng nằm ở đâu, phong cảnh trên đường mới là thứ đặc sắc nhất.