Trong thời đại hiện nay, vòng đời của sản phẩm và công nghệ ngày càng ngắn, cộng thêm cạnh tranh thị trường khốc liệt và nhu cầu của người dùng ngày càng mang tính cá nhân, tất cả những điều này đã nảy sinh xung đột lớn với phương thức sản xuất, chế tạo và tổ chức truyền thống. Hiển nhiên, trong tình thế này, tinh thần nghệ nhân truyền thống “đã tốt còn muốn tốt hơn” đã không thể thuận theo yêu cầu phát triển của thời đại mới. Trong thời đại dữ liệu lớn, tinh thần nghệ nhân cũng cần sánh bước cùng thời đại.
“Tinh thần nghệ nhân mới” ngoài việc cần dung hòa nội hàm cơ bản của tinh thần “đã tốt còn muốn tốt hơn”, gọt giũa, trau chuốt, theo đuổi trình độ cao nhất của tinh thần nghệ nhân truyền thống, còn nên thể hiện đặc trưng mới, như sáng tạo, hợp tác cởi mở, vừa tốt vừa nhanh. Sáng tạo là nòng cốt, hợp tác cởi mở là phụ trợ, vừa tốt vừa nhanh là mục tiêu cố gắng, chúng hỗ trợ lẫn nhau.
Nhân vật đại diện cho “tinh thần nghệ nhân mới” có Steve Jobs và Elon Musk… Sản phẩm vượt thời đại iMac, iPod, iPhone mà Steve Jobs mang tới đã thể hiện một cách đầy đủ “tinh thần nghệ nhân + tinh thần sáng tạo”. Elon Musk được tôn vinh là “Iron Man” (Người Sắt), ông là một nhà khởi nghiệp truyền kỳ và doanh nhân được mọi người ở Thung lũng Silicon cho tới toàn thế giới ngưỡng mộ. Ông đã sáng lập và kinh doanh nhiều công ty khoa học công nghệ cao trong các lĩnh vực liên quan đến Internet, nguồn năng lượng sạch, xe ô tô điện, hàng không vũ trụ. Xe điện Tesla mà Elon Musk sản xuất, bất luận là phương diện chất lượng, an toàn, hay tính năng, thể nghiệm của người dùng, hiện tại đều đã đạt được tiêu chuẩn cao nhất trong ngành xe hơi thông minh trên thế giới. Xe điện Tesla đã trở thành thương hiệu xe điện sang trọng nhất, tiên tiến nhất thế giới, công lao thuộc về sự theo đuổi sự hoàn mỹ của Elon Musk trên các phương diện chất lượng và chi tiết của sản phẩm. Ngoài tinh thần nghệ nhân “đã tốt còn muốn tốt hơn”, trải nghiệm khởi nghiệp liên tiếp của Elon Musk cũng đã giải thích toàn bộ nội hàm của “tinh thần nghệ nhân mới” một cách hoàn mỹ. Năm 2014, Elon Musk tuyên bố đang chuẩn bị xóa bỏ mọi độc quyền của Tesla để giúp đỡ các doanh nghiệp khác nghiên cứu, phát triển xe điện tiên tiến. Việc này đã dẫn tới “cuộc vận động mã nguồn mở” của ngành xe hơi. Hay như công ty SpaceX do Elon Musk sáng lập, trong quá trình nghiên cứu, phát triển và thí nghiệm thu hồi tên lửa, đã thể hiện được đầy đủ quan niệm sáng tạo, vừa tốt vừa nhanh của “tinh thần nghệ nhân mới”. Bắt đầu từ tháng 1 năm 2015, tuy đã nhiều lần thất bại khi tiến hành thực nghiệm thu hồi lỗi đẩy của tên lửa Falcon 9 trên mặt đất và trên biển, nhưng trải qua quá trình không ngừng thí nghiệm và sáng tạo, cuối cùng vào tháng 12 năm 2015 và tháng 4 năm 2016, lỗi đẩy của tên lửa này đã được thu hồi thành công trên mặt đất và trên biển.
Khi đề cập đến “tinh thần nghệ nhân mới”, tác giả chuyên viết sách về kinh tế doanh nghiệp Ngô Hiểu Ba nói, trong mười năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã thể hiện xu thế tăng trưởng chóng mặt, khiến một loạt tầng lớp trung lưu ra đời, kéo theo sự nâng cấp tiêu dùng. Đến nay, để phát triển tốt hơn, doanh nghiệp phải dựa vào dịch vụ, chất lượng sản phẩm và cách mạng công nghệ mới có thể thỏa mãn nhu cầu của tầng lớp trung lưu mới. Điều này đã khiến “tinh thần nghệ nhân mới” chuyển từ mô thức lấy chi phí làm trung tâm của mô hình truyền thống sang hướng vào sáng tạo sản phẩm và lấy sản phẩm làm trung tâm.
“Tinh thần nghệ nhân mới” dựa vào sản phẩm và dịch vụ, nòng cốt của nó chính là tay nghề mới, thẩm mỹ mới và liên kết mới.
Sáng tạo có hai con đường chính: sáng tạo kiểu siêu việt và sáng tạo kiểu lật đổ. Ví dụ, nhiều năm trước, xe hơi dung tích 3.0 chỉ có thể sản sinh 200 mã lực, nhưng ngày hôm nay, xe hơi cùng dung tích lại có mã lực gấp đôi trước kia. Hay ví dụ như, nhiều năm trước, máy hút bụi dáng nằm thường phải có trọng lượng hơn 2kg trở lên, nhưng ngày nay, cùng là máy hút bụi hút lực, không những trọng lượng chỉ có 200g, mà tính năng còn vô cùng tốt. Quá trình này chính là sáng tạo công nghệ kiểu siêu việt. Còn khai thác phát triển sản phẩm hoàn toàn mới là sáng tạo kiểu lật đổ. Ví dụ, xe điện đã lật đổ xe xăng dầu truyền thống, điện thoại thông minh lật đổ điện thoại truyền thống…
Trong tương lai, việc người tiêu dùng theo đuổi chất lượng sản phẩm sẽ trở thành xu hướng chính, thúc đẩy kết cấu sản phẩm cao cấp hơn chính là sự chuyển biến từ tính phổ biến sang tính riêng biệt mà người tiêu dùng yêu cầu. Như những gì chúng ta nói ở phần trước, để thích ứng với sự phát triển của thời đại, tinh thần nghệ nhân cũng cần bắt kịp bước đi của thời đại. Trong thời đại Internet, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, sự cá thể hóa của nhu cầu người dùng, vòng đời của công nghệ và sản phẩm trở nên ngắn hơn, những thay đổi này đã sản sinh ảnh hưởng to lớn đến việc sản xuất, chế tạo truyền thống. Bởi vậy, trong thời đại trí tuệ nhân tạo chúng ta cần có “tinh thần nghệ nhân mới”.
Vậy thì, làm thế nào để xây dựng “tinh thần nghệ nhân mới”?
Xóa bỏ “tư duy làm thuê”
Có rất nhiều ví dụ điển hình về “tinh thần nghệ nhân mới”, khai thác và tổng kết nó, sẽ có tác dụng vô cùng lớn đối với việc tạo dựng bầu không khí mới cho doanh nghiệp và toàn xã hội. Điều này không những có thể khích lệ nhân công và nghệ nhân phát minh, sáng tạo, mà còn có thể giúp họ thể nghiệm được sự tồn tại và giá trị của bản thân.
Dựa trên “tinh thần nghệ nhân mới”, khích lệ công nhân viên thay đổi “tư duy làm thuê” cũ. Đối với người nghệ nhân, nếu họ có trách nhiệm với sản phẩm của mình, hơn nữa còn cảm thấy tự hào về nó, vậy thì họ sẽ coi trọng mỗi chi tiết của nó, coi việc cẩu thả trong quá trình làm ra sản phẩm là hành động không thể tha thứ. Nếu chỉ dùng “tư duy làm thuê” để “đối xử” với sản phẩm của mình, vậy thì mọi điều họ làm chẳng qua chỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Họ không coi nó là thành quả của cá nhân, đương nhiên khó có thể dốc toàn tâm sức. Sức sống đích thực của doanh nghiệp đến từ sự dốc toàn tâm sức của các công nhân viên.
“Tinh thần nghệ nhân mới” là một hạng mục văn hóa hết sức quan trọng, công ty nên tận dụng nó tốt hơn, coi nó là một phân tử trong “gen” trưởng thành của doanh nghiệp. Thông qua các phương thức, ví dụ như bồi dưỡng, tăng cường quản lý, chế độ khích lệ cùng với cơ chế lưu chuyển công việc, khai triển hoạt động đặc sắc… nhằm đưa “tinh thần nghệ nhân mới” thẩm thấu tới tận đáy lòng mỗi nhân viên. Ngoài ra, còn có thể tổ chức các hoạt động liên quan, ví dụ như bình chọn “bàn tay vàng, khối óc vàng” hoặc xây dựng “tuần lễ sáng tạo”… để mỗi người tham gia đều có cảm giác được vinh danh mãnh liệt, để “tinh thần nghệ nhân mới” trở thành ý thức chủ thể và tinh thần chính của nhân viên.
Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Great Star Hàng Châu (Hang Zhou Great Star Industrial Co., Ltd) luôn coi tinh thần nghệ nhân là nét văn hóa doanh nghiệp quan trọng, hiện đã nhảy vọt lên là một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công lớn nhất châu Á. Họ có một loại sản phẩm mới mang tên “tua vít tốc độ cao”, lượng tiêu thụ năm 2015 đạt 100 triệu chiếc. Bí mật của sản phẩm này nằm ở tay cầm của nó, có thể giúp người dùng khi vặn ốc vít không cần thay đổi phương hướng dùng lực, mang lại hiệu suất gấp 4 lần loại tua vít thông thường. Thiết kế này khiến “tua vít tốc độ cao” trở nên vô cùng nổi bật trong dòng sản phẩm cùng loại, trở thành một sản phẩm có điểm cộng lớn. Sự tinh tế và tìm tòi nghiên cứu của công ty còn thể hiện chi tiết: cung cấp thêm các loại đầu tua vít đa năng, đẩy nhanh tốc độ, thuận tiện trong sử dụng; tay nắm chống trơn trượt và dính bụi nhờ công nghệ nano. Thông qua việc thiết kế những chi tiết này, công ty khiến người tiêu dùng cảm nhận được tinh thần nghệ nhân ẩn chứa đằng sau sản phẩm một cách tốt hơn, thể nghiệm được tình cảm của người chế tạo, đồng thời tạo ra sự khác biệt với những sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền thông thường.
Cần có chế độ bảo đảm
Tầm quan trọng của văn hóa nghệ nhân hẳn ai cũng đã rõ, nhưng điều then chốt hơn cả là chế độ của doanh nghiệp có thể để nhân viên làm việc với thái độ tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc, nhận được sự tôn trọng và bảo đảm thiết thực hay không. Bởi vậy, chế độ khích lệ và biện pháp liên quan nên được thực hiện hiệu quả.
Tinh thần nghệ nhân nên được xây dựng dựa trên sự coi trọng của lãnh đạo, sự tuyên giảng đạo đức và sự tuyên truyền của truyền thông, cùng bộ quy tắc ứng xử tương ứng bổ trợ cho nhau, như vậy mới có thể được thực hiện một cách thuận lợi. Ví dụ, chúng ta đều biết rõ tinh thần nghệ nhân của Nhật Bản và Đức, chúng không tự nhiên sinh ra, mà được hình thành qua thời gian dài mài giũa. Tinh thần ấy bao gồm một bộ chế độ khen thưởng nhân viên có phẩm chất cao, tiêu chuẩn cao, cùng chế độ xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm quy định.
Doanh nghiệp nên căn cứ vào tình hình của mình để xây dựng một chế độ kiểm tra, đánh giá và thưởng, phạt hoàn chỉnh. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp kịp thời khen thưởng công nhân viên thành công đưa sản phẩm sáng tạo ra thị trường, tiếp tục khích lệ họ căn cứ vào đánh giá của khách hàng để kịp thời cải tiến và hoàn thiện sản phẩm, đồng thời xác định được trách nhiệm, phương hướng xử lý khi xảy ra vấn đề. Hãy khắc sâu quan niệm theo đuổi sự hoàn mỹ vào giá trị quan của mỗi công nhân viên.
Lấy nước Đức làm ví dụ. Chính phủ Đức đã đầu tư nhiều công sức để dẫn dắt doanh nghiệp nước này phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn xác, công nghệ cao. Các hiệp hội ngành nghề khi công bố bảng xếp hạng các doanh nghiệp, không dựa vào doanh thu để tiến hành xếp hạng, mà là dựa vào các phương diện như tiêu chuẩn sáng tạo, thị phần để tiến hành đánh giá. Như vậy, doanh nghiệp xếp hạng đầu và giành được giải thưởng thường không phải là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, mà là doanh nghiệp đi đầu trên phương diện sáng tạo. Tạo dựng bầu không khí văn hóa như thế, có thể dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển tốt hơn, giữ vững “tinh thần nghệ nhân”, không ngừng tích lũy, sáng tạo.
Cung cấp môi trường hoạt động cho “nghệ nhân mới”
Người sáng tạo (Maker) là người không lấy thắng lợi làm mục tiêu mà chuyên tâm đưa sáng ý trở thành hiện thực. Không gian sáng tạo, phòng thực nghiệm cho tới nhà để xe… là nơi chốn tụ họp, hoạt động của người nghệ nhân, người sáng tạo. Họ có thể dựa vào sở thích để cùng khai thác, phát triển hạng mục thú vị và giàu ý nghĩa.
Ý nghĩa và giá trị của không gian sáng tạo đã được một số doanh nghiệp dẫn đầu thế giới sớm phát hiện. Ví dụ, bộ phận phát triển First Build mà Công ty General Electric và Công ty Local Motors cùng xây dựng nên chính là một “công xưởng trong mơ” dựa trên quan niệm cộng đồng và nền tảng cộng đồng. Do đó nó đã thu hút rất nhiều nhà phát minh, nhà thiết kế, kiến trúc sư, sinh viên, thậm chí là người bình thường tập hợp lại và cùng sáng tạo, biến suy nghĩ của mình thành sản phẩm trong hiện thực. Đối với phần lớn các công ty truyền thống, quá trình sản xuất, từ khâu đưa ra ý tưởng ban đầu cho tới khâu nghiên cứu, phát triển, thiết kế, đến khâu hoàn thiện sản phẩm, cần ít nhất trên một năm. Nhưng ở First Build, mô hình “crowdsourcing6 + hợp tác”, kết hợp với công nghệ in 3D, đã nâng cao đáng kể hiệu suất công việc. Tại “First Build - công xưởng trong mơ” này, mỗi người đều sẽ trở thành “nhà sáng tạo”.
6 Kết hợp của hai từ “crowd” và “outsourcing”, là một hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người để mọi người cùng đóng góp ý kiến và thực hiện công việc đó.
Cung cấp công cụ cho “nghệ nhân mới”
Giáo sư Eric Von Hippel của Học viện Công nghệ Massachusetts đã đề xuất khái niệm “hòm công cụ sáng tạo của người dùng”. “Hòm công cụ sáng tạo của người dùng” là một loại công cụ giúp khách hàng hoàn thành hoạt động sáng tạo. Nó là một sản phẩm mới cho phép người dùng tham gia vào mắt xích thiết kế. Ngoài ra, nó còn cung cấp một nền tảng giúp người dùng có thể thực nghiệm nhiều lần, kịp thời phản hồi về quan niệm thiết kế của mình.
Trong thời đại phổ cập Internet toàn cầu, công cụ phát minh và sản xuất ngày càng đại chúng hóa. Chỉ cần bạn có ý tưởng sáng tạo, có thể thông qua phương pháp khoa học công nghệ để biến ý tưởng của mình thành thiết kế sau đó biến thiết kế thành sản phẩm hiện thực, rồi thông qua mạng Internet, bán sản phẩm ra toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của thời đại, các loại công cụ giúp ích cho sự sáng tạo của con người sẽ ngày càng phong phú hơn.
Xây dựng thương hiệu “nghệ nhân mới”
Đối với doanh nghiệp, tầm quan trọng của việc mở rộng thương hiệu sản phẩm đã là chuyện hai năm rõ mười. Để phát triển tốt hơn, khi tạo dựng và tuyên truyền sản phẩm sáng tạo, có thể kết hợp thương hiệu cá nhân của nghệ nhân mới và nhà sáng tạo lại với nhau một cách chặt chẽ. Thậm chí, có thể kết hợp sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và danh tiếng của giám đốc lại với nhau. Như vậy vừa có thể tăng cường trách nhiệm và cảm giác thành tựu của nghệ nhân và nhà sáng tạo, vừa có thể khiến sản phẩm truyền tải được tình cảm của nhà sản xuất. Chử Thời Kiện (người được mệnh danh là “vua thuốc lá” và “vua cam” của Trung Quốc) và La Vĩnh Hạo (giám đốc điều hành và người sáng lập Công ty Công nghệ Trung Quốc Smartisan) là những người có tinh thần nghệ nhân rất cao, việc truyền tải tâm tư, tình cảm vào sản phẩm là một trong những động lực thúc đẩy mọi người mua cam, mua điện thoại Smartisan OS của họ. Khi những sản phẩm được tạo ra từ đôi bàn tay bạn, bạn sẽ tràn đầy tình yêu đối với chúng.
Hãy kiên trì
Ai cũng muốn làm chút chuyện để lưu danh sử sách, nhưng luôn nói rằng không biết làm gì, không tìm được việc bản thân cảm thấy hứng thú, cũng không biết làm gì sẽ dễ thành công hơn. Ở đây đề cập tới “Lý luận ba vòng tròn nổi bật”, tức năng lực, hứng thú và lợi ích. “Lý luận ba vòng tròn nổi bật” cho chúng ta biết rằng, chỉ cần có thể kết hợp ba điều này lại với nhau, tìm được giao điểm giữa chúng, là có thể làm nên sự nghiệp để đời, thực hiện được giấc mơ vĩ đại. Điều này có vẻ mang chút chủ nghĩa lý tưởng, song vẫn có rất nhiều người tìm kiếm giao điểm ấy, chỉ là không mấy ai tìm được. Bởi vậy, điều này cũng trực tiếp dẫn đến việc rất nhiều người cả đời chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm, mà quên đi việc áp dụng hành động thực tiễn. Thực ra, khi chúng ta suy nghĩ đây có phải là việc chúng ta hứng thú hay không, thì nó đã bao hàm động cơ làm việc rồi.
Muốn thực hiện là giai đoạn đầu tiên của thành công. Chúng ta phải học cách khắc phục một số điểm yếu của con người, ví dụ như lười biếng, trì hoãn, làm ít hưởng nhiều. Hãy bình tĩnh lại và suy nghĩ xem, giả sử bạn đang làm một việc, nếu điều đầu tiên bạn nghĩ tới là việc này có thể mang lại cho bạn lợi ích gì, vậy thì bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ đó một cách máy móc, điều này không có lợi cho việc nâng cao năng lực cá nhân. Chỉ khi bạn thực sự nhập tâm vào công việc, thật lòng muốn làm tốt nó, bạn mới không ngừng tìm tòi và nghiên cứu để giúp bản thân tiến bộ hơn.
Điều mà người nghệ nhân đích thực cần suy xét không phải là hứng thú và lợi ích, mà là việc bản thân có thể làm được gì. Chỉ có như vậy, mới có thể chuyên tâm “làm tốt công việc”.
Giai đoạn thứ hai, muốn làm tốt công việc của mình. Người nghệ nhân không cho phép mình và tập thể làm việc qua loa lấy lệ, mà phải một lòng không ngừng theo đuổi sự tinh tế, hoàn mỹ, đã tốt còn muốn tốt hơn.
Vậy họ làm điều đó bằng cách nào? Thứ nhất, họ hiểu rằng, có thể chịu đựng được cô đơn, chịu bỏ thời gian học hỏi là những tố chất cần có để có được bản lĩnh cao siêu. Đồng thời cũng phải có sự kiên trì, bền bỉ của người thợ. Ở Nhật Bản, thợ mộc Akiyama nổi tiếng trước khi xuất sư bắt buộc phải tu hành đủ tám năm. Đây chính là “quy tắc mười nghìn giờ”7. Thứ hai, cho dù đã nắm chắc kỹ năng cơ bản, vẫn phải duy trì thái độ học tập nghiêm túc, không ngừng hoàn thiện bản thân, đồng thời cải tiến phương pháp làm việc; dùng trái tim để thấu hiểu sản phẩm và dịch vụ mà người tiêu dùng cần; nỗ lực hết mình, không dừng bước ở sản phẩm đạt chất lượng 99%, mà nghiêm khắc yêu cầu mức độ hoàn mỹ lên tới 99.999%. Theo đuổi chất lượng sản phẩm tốt nhất, không cố tình chạy theo số lượng luôn là quan niệm mà người nghệ nhân giữ vững. Inamori Kazuo, huyền thoại kinh doanh của Nhật Bản, từng nói rằng: “Tỷ lệ thành công trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm của tôi là 100%, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.” Sáng tạo là sản phẩm phụ của tinh thông, muốn đạt tới độ tinh thông, chỉ có thông qua quá trình học tập và thực tiễn lâu dài để bồi dưỡng. Bởi vậy, phải đứng ở góc độ thị trường và khách hàng để suy nghĩ, phải quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, bởi vì mọi phát minh và sáng tạo không thể làm một lần là xong.
7 Khái niệm được tác giả Malcolm Gladwell nhắc đến trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng được xuất bản năm 2008 của ông. Đây là nguyên tắc cho rằng để trở nên xuất chúng hay tài giỏi trong bất kỳ lĩnh vực nào thì phải rèn luyện mười nghìn giờ không ngừng nghỉ.
Người thợ sáng tạo sản phẩm luôn giữ vững con tim khắt khe theo đuổi sự hoàn mỹ, không ngừng đốc thúc bản thân phải làm tốt hơn nữa. Họ chưa từng theo đuổi số lượng và thị phần một cách mù quáng, mà thường xuyên kiểm điểm bản thân.
Giai đoạn thứ ba, làm việc bằng lương tâm. Xung quanh chúng ta đang không ngừng xuất hiện những cụm từ như “giá trên trời”, “xa xỉ”, nhiều sản phẩm danh không đúng với thực, cuối cùng chỉ có thể đi tới diệt vong.
Những người nghệ nhân ưu tú đều hiểu tường tận về giá thành, giá trị của sản phẩm và dịch vụ của mình, nhưng họ thường hết sức khiêm tốn, không bao giờ thổi phồng bản thân, cũng không bao giờ khoác lác về sản phẩm, mà còn thường xuyên nghĩ cách hạ giá thành sản phẩm để đối mặt với áp lực giá cả liên tục tăng cao, nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhiều người tiêu dùng nhiều hơn. Họ sẽ không đưa những thứ hàng kém chất lượng vào lẫn với hàng tốt cho đủ số lượng, luôn dốc hết tâm lực, dùng nguyên vật liệu tốt nhất để tạo ra sản phẩm, suy nghĩ cho lợi ích của người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
“Đồng Nhân Đường Bắc Kinh” là cửa hiệu lâu đời về Y học cổ truyền Trung Quốc. Họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của tổ tiên “bào chế tuy phức tạp nhưng không bớt công đoạn, dược liệu tuy đắt đỏ nhưng không bớt thành phẩn”, xây dựng ý thức tự kỷ luật “phối chế bằng lương tâm, ý đồ ông trời thấu”, giữ vững tinh thần tỉ mỉ trong quá trình chế tạo thuốc. Sản phẩm của họ được cả trong và ngoài nước biết đến nhờ “phương pháp phối chế độc đáo, lựa chọn nguyên liệu chất lượng, kỹ thuật tinh xảo, hiệu quả chữa trị rõ rệt”.
“Cái tâm của người làm nghề”, chính là làm tốt sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng bằng thái độ nghiêm túc. Trong quá trình làm việc, người thợ có thể tận hưởng cảm giác đầy đủ mà công việc mang lại, tức có thể tận hưởng sự trưởng thành và niềm vui trong quá trình tương tác với sản phẩm. Ngoài ra, còn có thể tận hưởng cảm giác hài lòng và vui sướng khi sự phục vụ của mình được mọi người đón nhận và yêu thích. Họ giữ vững tâm nguyện thuở ban đầu để làm việc lâu dài.
Đến nay, tinh thần nghệ nhân coi trọng chất lượng, theo đuổi sự hoàn mỹ đang được đông đảo mọi người sùng bái. Nhưng khi đề cập đến tinh thần nghệ nhân, không ít người sẽ mang sản phẩm của Trung Quốc ra so sánh với sản phẩm của Đức, Nhật Bản, quy kết nguyên nhân gây ra sự khác biệt là do thiếu sót của tinh thần nghệ nhân trong truyền thống văn hóa Trung Quốc. Cách nói này thiếu tính công bằng và hợp lý.
Nhìn lại lịch sử, sản phẩm do Nhật Bản và Đức chế tạo cũng từng bị gắn mác “giá rẻ kém chất lượng”. Hình tượng sản phẩm chất lượng cao mà họ đang xây dựng hiện tại không tách rời chiến lược “cách mạng chất lượng”, “chất lượng cứu quốc”, “chấn hưng chất lượng” mà họ thực hiện lúc bấy giờ, không tách rời sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và hệ thống giáo dục toàn diện. Thành công của họ không phải là chuyện một sớm một chiều, mà phải trải qua quá trình nỗ lực cải thiện vài chục năm, thậm chí là hàng trăm năm.
Trong quá trình công nghiệp hóa, ngành chế tạo của Trung Quốc ban đầu chỉ có thể dựa vào ưu thế “đồ tốt giá rẻ” để tiến vào thị trường quốc tế, nhưng trong giai đoạn phát triển với tốc độ chóng mặt, trên thị trường đã bắt đầu đầy rẫy hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nguyên nhân là bởi nhiều doanh nghiệp vì theo đuổi hiệu quả, lợi ích kinh tế nhất thời mà phớt lờ đi chất lượng và nội hàm của sản phẩm.
Sau một loạt sản phẩm chất lượng cao như tàu cao tốc, điện hạt nhân, điện gia dụng, điện thoại di động vươn tầm vóc ra thương trường quốc tế, người tiêu dùng Trung Quốc đã dần tìm lại được lòng tin với sản phẩm của nước nhà, ngành chế tạo của Trung Quốc cũng bắt đầu được công nhận, tiếng tăm đang dần trở lại. Đây là điều mọi người cảm thấy vui mừng. Giai đoạn hiện tại đang là giai đoạn bước ngoặt của cách mạng khoa học công nghệ và cải cách ngành nghề mới, việc sản suất và phát triển mô hình chế tạo cũng đã phát sinh cải cách lớn. Những thay đổi này vừa hay đã phù hợp với quan niệm và nội hàm mới của tinh thần nghệ nhân.
Đúng như câu “Mười năm mài kiếm”, mọi việc không thể làm nhanh vội, việc gây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng vậy. Muốn bồi dưỡng tinh thần nghệ nhân, để nó sánh kịp với thời đại, thì đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tăng cường ý thức thương hiệu, không ngừng hoàn thiện chế độ khích lệ và môi trường văn hóa xã hội, nâng cao quyền lực mềm, tạo dựng hình tượng tốt đẹp về sản phẩm.