Khi phải cùng lúc đối mặt với nhiều sự lựa chọn, chúng ta thường sa vào tình cảnh phân vân hết sức khó khăn. Đôi khi, bất kể là sự lựa chọn nào, đều sẽ khiến nội tâm của bạn phải chịu đựng sự giày vò, bởi chúng là một thể hòa hợp của mâu thuẫn. Nguyên nhân chúng ta do dự có thể không phải là vì lòng nghi ngờ của bản thân, mà là vì tình cảnh khó khăn của chính vấn đề hoặc một số nhược điểm của con người, ví dụ như tâm lý ăn may, tham lam cái lợi trước mắt, xốc nổi…
Việc bồi dưỡng “tinh thần nghệ nhân mới” cũng phải đối mặt với ba “cái hố”, khiến chúng ta phải đi nhiều đường vòng trong quá trình tiến về phía trước.
Quá chú trọng đến lợi ích trước mắt
Rất nhiền nhân viên khi đi làm chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, những nhân viên có vẻ “khôn khéo” này, trên thực tế lại phải chịu đựng tổn thất vô cùng nghiêm trọng. Họ chỉ để tâm đến hạt vừng ở hiện tại, mà đánh mất đi quả dưa hấu có thể hái được trong tương lai. Khi họ dốc hết khả năng để trốn tránh công việc, đùn đẩy trách nhiệm, cả ngày so đo tính toán tiền lương với người khác, họ đã để tuột khỏi tay thứ quý giá hơn đang ở đằng sau. Đó là cơ hội rèn giũa, nâng cao năng lực của bản thân trong công việc, là nền tảng tích lũy kinh nghiệm phong phú. Điều đáng nói hơn cả là họ còn đánh mất cơ hội xây dựng phẩm cách, hoàn thiện nhân cách. Mà tất cả những điều này, vừa hay chính là con đường ắt phải đi để có thể thăng tiến trong tương lai.
Công việc và tiền lương không có mối quan hệ “trao đổi ngang giá”. Giả sử một người đối mặt với công việc, cuộc sống bằng tâm lý “trao đổi ngang giá”, vô hình trung đã bỏ lỡ cơ hội trưởng thành, thậm chí là cơ hội gặt hái thành công. Nhận được khoản tiền lương trước mắt, nhưng lại đánh mất tiền đồ, đánh mất phương hướng của cuộc đời, có khác gì với kiểu người “tham bát bỏ mâm”, suy nghĩ thiển cận? Làm thêm một vài công việc phát sinh không phải là cái cớ để chúng ta thở vắn than dài, bớt được một ít việc đáng lẽ phải làm thì chúng ta càng không nên gật gù đắc ý. Người nào có thể gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, người đó mới có tư cách đảm nhiệm vị trí cao hơn, có tương lai tốt đẹp hơn. Người không thể hiểu những điều này, sẽ bỏ lỡ cơ hội học tập để nâng cao kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, cả đời tầm thường, chẳng có gì nổi bật.
Trong xã hội hiện đại, mọi người thường thông qua thu nhập để đánh giá năng lực và mức độ thành công của một người. Nhưng đôi khi, sự tình không như mong đợi, tiền lương hậu hĩnh, nhưng niềm vui làm việc vẫn sẽ không đến theo. Khi trong lòng một người chỉ quan tâm đến thu nhập, tâm hồn của người đó sẽ trở nên khô căn, họ thắng được hiện tại, nhưng lại thua trước tương lai.
Ông Klimon – một người nổi tiếng trong giới báo chí Mỹ từng nói rằng: “Chỉ cần bạn ra sức hoàn thành nhiệm vụ, không màng tiền lương, cống hiến bằng con tim vô tư, theo đuổi giấc mộng bằng sự kiên định, sẽ không có tòa soạn báo nào để bạn đứng ngoài cửa. Như thế, bạn mới có tư cách đảm đương chức vụ phóng viên hoặc biên tập viên chính thức, thực hiện được ước muốn của mình.”
Lợi ích trước mắt không quan trọng, nếu muốn có được thành tựu ở một lĩnh vực nào đó, đầu tiên bạn phải thử tiếp cận nó, tham gia vào nó. Dù kết quả ra sao, bạn đều phải nắm bắt cơ hội đi về phía thành công, như vậy mới không nuối tiếc cả đời.
Nếu điều mà chúng ta muốn thực hiện là mục tiêu, chứ không phải là ảo tưởng bong bóng, chỉ cần chúng ta tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, không làm tổn hại đến quyền lợi của người khác, thì mong muốn đạt được công danh, lợi lộc một cách chừng mực sẽ thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến bước, mở ra vùng trời thuộc về riêng ta. Còn nếu để tâm quá mức đến lợi ích sẽ khiến chúng ta đánh mất lý trí, cuối cùng đánh mất phương hướng. Ai cũng phải làm việc để mưu sinh, nhưng không nên lấy đó làm cái cớ để bào chữa cho tầm nhìn hạn hẹp của bản thân. Giả sử chúng ta làm việc chỉ đơn thuần là để mưu sinh, chỉ theo đuổi mục tiêu ở tầng thứ hai trong Tháp nhu cầu của Abraham Maslow, vậy thì đấy không được coi là sống đúng nghĩa. Chúng ta cần theo đuổi mục tiêu cao hơn, kiên định với phương hướng đã vạch ra. Mỗi khi thực hiện được giá trị của mình, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng tự hào về bản thân, thấy cuộc đời thật tươi đẹp.
Thói tham lam vô độ
Gotthold Ephraim Lessing – nhà văn, nhà triết học người Đức, một trong những nhân vật quan trọng của thời kỳ Khai sáng, từng kể một câu chuyện như thế này:
Con chuột trong nhà kho cười nhạo đàn kiến: “Chúng mày đúng là lũ kiến đáng thương. Chúng mày làm việc quần quật, bận rộn cả một mùa hè chỉ để tích trữ chút lương thực ít ỏi như thế này, có đáng hay không? Chúng mày hãy nhìn xem lương thực của tao nhiều như thế nào!”. “Nghe đây!”, một con kiến phẫn nộ trả lời, “Chính vì lương thực mà mày dự trữ luôn vượt quá nhu cầu, cho nên mày mới bị loài người đuổi đánh, kho lương thực của mày rồi sẽ bị phá hủy. Mày phải dùng tính mạng để chuộc tội cho hành vi cướp bóc tham lam của mình, loài người làm như vậy thật đúng đắn!”
Có một câu chuyện ngụ ngôn có tên Người nước Tề cướp vàng, kể về một người nước Tề thời cổ đại vô cùng tham lam. Một ngày nọ, khi đi ngang qua một cái chợ, nhìn thấy có người bán vàng, hai mắt anh ta liền phát sáng, trong đầu toàn là vàng sáng lấp lánh. Thế nên, anh ta làm như ở đó không có người, đi tới lấy một miếng vàng rồi bỏ đi. Sau khi bị bắt lại, anh ta vẫn còn nói với giọng điệu hùng hồn rằng: “Tôi không thấy người, chỉ thấy vàng.” Anh ta đã bị lòng tham làm cho mờ mắt nên đã đánh mất lý trí và làm ra chuyện nực cười này.
Lòng tham của con người giống như cái thùng không đáy. Trong câu chuyện cổ tích Nga Ông lão đánh cá và con cá vàng, đã miêu tả về bà vợ của ông lão đánh cá có tính cách vô cùng tham lam. Bà ta đòi cá vàng cho một cái chậu mới, một ngôi nhà thật đẹp, đòi được làm nữ hoàng và thậm chí đòi làm cả Long Vương. Hay ví dụ như, một nhân viên bán vé của Cục Hàng không Quảng Châu, Trung Quốc đã lợi dụng chức vụ để làm giả vé máy bay. Sau khi nếm được “trái ngọt”, người này ngày càng táo tợn hơn. Trong hai năm ngắn ngủi, người này đã làm giả 37.300 tấm vé máy bay, tham ô hơn 3,13 triệu nhân dân tệ, tương đương với việc một chiếc máy bay Boeing 737 bay trên bầu trời một năm công cốc.
Đừng nên kỳ vọng quá cao về cuộc sống. Tuy mỗi người đều có nhu cầu và tham vọng, nhưng chúng phải phù hợp với tình hình thực tế, với năng lực và điều kiện của cá nhân. Cuộc sống có niềm vui, cũng có thiếu thốn, không thể phớt lờ điều kiện của bản thân, một mực ganh đua, so sánh với người khác. Người xưa có câu “Ai cũng có sở trường, sở đoản”. Hãy luôn giữ tâm niệm “tri túc thường lạc” (biết đủ thường vui), “tri túc” sẽ khiến chúng ta không nảy sinh suy nghĩ tham lam không nên có, “thường lạc” chính là có thể giữ được sự cân bằng trong tâm lý.
Lòng tham của con người chịu ảnh hưởng của văn hóa thế tục trong môi trường xã hội. Nó khiến con người hình thành giá trị quan ích kỷ, chiếm đoạt, bất mãn, làm cho con người có hành vi bất thường. Nếu muốn sửa đổi, chỉ có thể tự mình điều chỉnh. Tham lam “ác tính” dễ chiếm cứ tư tưởng của một người, bởi vậy mỗi người cần phải ngăn chặn được “viên đạn bọc đường” này. Có một số người thường vắt óc nghĩ xem làm thế nào để không làm mà hưởng, giàu có sau một đêm, sống cuộc sống giàu sang quyền quý. Để đạt được mục đích, họ không tiếc “đói ăn vụng túng làm càn”, làm ra đủ chuyện vi phạm pháp luật. Chúng ta có thể tưởng tượng ra kết cục mà những người đó phải đối mặt, nhưng suy cho cùng, chính lòng tham “ác tính” đã khiến họ bước lên con đường sai lầm.
Chúng ta nên trân trọng những thứ mình có thể đạt được, đừng quá cố chấp với những gì ngoài tầm với. Nếu không, sẽ được một mất mười, hối hận không kịp. Tham lam là một thói xấu, càng là một nhược điểm chết người của con người. Một người nhiễm thói tham lam, thường sẽ bị những người bụng dạ khó lường lợi dụng, khiến bản thân thân bại danh liệt.
Tâm lý ăn may
Tâm lý ăn may là một loại tâm lý cầu may, gửi gắm hi vọng vào nhân tố ngẫu nhiên có thể giúp bản thân đạt được thành công. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, thường xuyên xuất hiện một số câu chuyện về việc đạt được thành công một cách thần tốc. Có cư dân mạng nói vui: “Bây giờ ngày nào tôi cũng trông chờ ba việc. Buổi sáng thức giấc, mong đợi giàu có sau một sớm. Chiều tối về nhà, mong đợi giàu có sau một chiều. Buổi tối đi ngủ, mong đợi giàu có sau một đêm.” Tuy là câu nói đùa, nhưng từ đó có thể phản ánh tâm lý ăn may, luôn nóng lòng mong muốn thành công và theo đuổi sự thành công thần tốc của nhiều người.
Muốn làm ít hưởng nhiều, gửi gắm hi vọng vào ăn may để giành được thành công, tuy sẽ có một số con cá lọt lưới, nhưng xét từ góc độ xác suất, thành công có được qua cách này chỉ là thiểu số, chắc chắn sẽ không phải là phương pháp chắc thắng trên con đường phát triển của chúng ta. Xác suất là một quy luật toán học khách quan, ổn định, nó sẽ không vì ai sốt sắng mà thiên vị người ấy.
Nếu một người sa vào vũng bùn của tâm lý ăn may, vậy thì cơ hội giành được thành công sẽ trở nên vô cùng mong manh. Giao phó sự phát triển của mình cho vận mệnh an bài, ắt sẽ phải chịu sự trêu đùa của vận mệnh. Sự tồn tại của tâm lý ăn may còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công việc. Ví dụ, nhân viên bán hàng giữ tâm thái ăn may thường sẽ mong chờ lợi ích thương mại không hề tương xứng với tài nguyên hoặc năng lực thực tế của mình; đôi khi để đạt được mục đích, người này không ngại, dùng thủ đoạn để thu lợi bất chính. Mánh khóe này cuối cùng sẽ bị phát hiện, bởi đâu phải tất cả mọi người đều mù mờ ngờ nghệch, hơn nữa đây không phải là một chuyện đáng để vui mừng đối với sự phát triển ổn định và lâu dài của doanh nghiệp mà nhân viên này làm việc hoặc đối với sự phát triển vượt bậc của cá nhân người đó.
Người ôm tâm lý ăn may, thường sẽ tạo cho người khác ấn tượng về cách làm việc không kiên định, khiến người khác không dám đặt lòng tin. Thực ra, một người vốn có phẩm chất như thế nào, năng lực mạnh mẽ ra sao, có bao nhiêu trải nghiệm thành công và cống hiến nổi bật, đều tồn tại một cách khách quan. Một người thực sự có tài năng và tầm nhìn xa rộng, sẽ không gửi gắm hi vọng vào việc ăn may. Khôn lắm dại nhiều, đây là sự tất yếu của tâm lý ăn may. Những người tận chức tận trách với công việc của mình sẽ không phí thời gian cho việc đó, mà sẵn lòng dành sức lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách chu toàn, như vậy mới khiến người khác cảm thấy đáng để tin tưởng và gửi gắm trách nhiệm, nhận được sự tôn kính của nhiều người xung quanh hơn.
Trong công việc và cuộc sống, phải học cách làm việc thiết thực, nói ít làm nhiều, như vậy mới có thể đảm nhiệm trọng trách. Giữ tâm lí ăn may, sẽ chỉ để lại cho người khác ấn tượng xấu, không giúp ích gì được cho chính mình, càng không có ích lợi gì cho thành công của bản thân.