Thành La Mã không thể xây xong trong một ngày, không ai có thể tự nhiên thành công, cũng không có thành công nào đến trong một sớm một chiều. Bất luận là người như thế nào, làm nghề nghiệp gì, nếu muốn đạt đến đỉnh cao nhất, thì phải không ngừng nghiêm khắc rèn giũa bản thân, đồng thời cũng phải chịu hy sinh nhiều hơn người khác. Đây là chân lý vĩnh hằng. Tinh thần nghệ nhân mới cũng đã đề cập đến những quan niệm lao động mới như sau:
Kiếm tiền dựa vào trí óc
Trên thế giới này có quá nhiều người bận rộn, trong khi một số người vẫn dừng ở trạng thái ăn no mặc ấm, thì một số người đã gặt hái được thành tựu to lớn. Cùng có những cơ hội và kỹ năng như nhau, một số người thì tích cực, có chí tiến thủ, còn một số người lại muốn an nhàn.
Chúng ta nên thông qua việc học hỏi không ngừng để trau dồi kỹ năng và năng lực của bản thân, hoặc là thông qua việc suy xét để học cách đối nhân xử thế, rèn luyện khả năng làm việc của mình trong thực tiễn. Đây cũng chính là lý do tại sao đa phần phụ huynh đều hi vọng con em mình học hành nghiêm chỉnh để thay đổi đường đời và tiền đồ phát triển của bản thân. Họ từng thiếu đi cơ hội học tập, nên gửi gắm kỳ vọng vào thế hệ sau của mình.
Một số người có thể không có học lực cao, kỹ năng giỏi, nhưng họ hiểu làm thế nào để vận hành nguồn vốn, thông qua phương thức tối ưu hóa nguồn tài nguyên mà bản thân có để kiếm tiền, tìm kiếm thành công. Tạo ra tài sản bằng trí tuệ và tầm nhìn xa trông rộng của bản thân là tiền đề quan trọng nhất để kiếm tiền. Sức sáng tạo và tầm nhìn quyết định bạn có thể đi được bao xa trong thời đại này. Điều quan trọng không phải là tài nguyên của ai nhiều hơn, bởi tài nguyên là thứ không cố định, then chốt nằm ở chỗ phân phối tài nguyên như thế nào.
Đa phần các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và người lập nghiệp đều sẽ tuân thủ một phương thức vận hành tài nguyên: đầu tư – điều chỉnh – vận hành – sản xuất. Khi bạn biết vận hành vòng tuần hoàn của tài sản, tài sản của bạn mới thực sự tăng trưởng.
Học tập quyết định tương lai
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) có một câu nói như thế này về nền kinh tế tri thức: “Trong nền kinh tế tri thức, học tập là điều hết sức quan trọng, có thể quyết định vận mệnh của cá nhân, doanh nghiệp cho đến đất nước.” Ở một mức độ nhất định, nền kinh tế tri thức chính là một dạng “kinh tế kiểu học tập”. Rất nhiều công ty lớn như Microsoft, Intel đều hết sức coi trọng việc học tập, luôn đặt nó ở vị trí quan trọng, đồng thời khích lệ sự sáng tạo. Sáng tạo là động lực giúp công ty không ngừng tiến về phía trước, giống như nhiên liệu đối với xe hơi. Đối với cá nhân cũng vậy, muốn trở thành một nhân tài hữu dụng, thì cần phải học, học nữa, học mãi; sống tới già, học tới già.
Ước mơ phải được chắp thêm đôi cánh hi vọng mang tên học tập. Chỉ có không ngừng cố gắng học tập, chúng ta mới có khả năng thực hiện ước mơ. Đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo, học tập sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thời đại biến chuyển từng ngày, ứng dụng kỹ năng mới đồng nghĩa với việc kỹ năng cũ dần bị đào thải. Vì vậy, con người cần phải không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Một người có khả năng nắm vững tri thức, có bản lĩnh, mới có thể không ngừng nâng tầm bản thân, có được không gian phát triển tốt hơn. Hiển nhiên, nhân tài mà một doanh nghiệp mong muốn giữ chân, nên là những người giỏi học tập, không cam chịu lạc hậu, dám tiếp nhận thách thức.
Trong xã hội hiện đại, ưu thế về tri thức chắc chắn sẽ giúp bạn nổi bật trong cuộc cạnh tranh. Có vốn tri thức thâm hậu và kỹ năng ứng dụng thành thạo, bạn sẽ đưa ra được lựa chọn đúng đắn khi đối mặt với các vấn đề khó; bạn sẽ có lòng tin, có dũng khí chinh phục các nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi. Chúng ta thường nhìn thấy những người như thế này xung quanh mình: Họ cảm khái mình không học hành nghiêm túc, không có đủ tri thức, bởi vậy đã đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển. Hiển nhiên, cuộc đời của họ đầy rẫy những chuyện không được như ý và bất đắc dĩ.
Thời đại hiện nay là “thời đại tri thức”, là “xã hội kiểu học tập”. Bởi vậy, bạn phải học, học nữa, học mãi, xây dựng tín niệm “học tập suốt đời”.
Đương nhiên, phải có phương pháp học tập đúng đắn. Học tập “có ý thức” là cách học mang đến hiệu quả tốt nhất, bởi chỉ có như vậy, bạn mới có mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, và nguồn động lực vô hạn.
Người xưa có câu “Học để mà biết”, để nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập đối với sự sinh tồn và phát triển của con người. Chỉ có thông qua học tập, con người mới có thể thu hoạch được đạo lý và kiến thức mới. Đây là con đường căn bản của thánh hiền trong việc nghiên cứu học vấn, tạo dựng cuộc sống và sự nghiệp riêng xưa nay. Những tấm gương thành công mà chúng ta biết đều có chung một ưu điểm, đấy chính là ham học. Trình độ trí lực bẩm sinh của con người đều ngang nhau, nhưng sự cố gắng sau đó lại khiến cách biệt giữa mỗi người ngày một lớn. Không phải con người sinh ra đã biết hết mọi thứ, mà là nhờ học mới biết. Chỉ có dựa vào sự nỗ lực, mới có thể tiến tới thành công.
“Quá khứ không thể sửa chữa được, nhưng tương lai thì có thể.” Thời gian như nước chảy xuôi dòng, không ai có thể đảo ngược, điều chúng ta có thể làm, chỉ là trân trọng hiện tại. Trẻ khỏe không nỗ lực, về già sẽ hối hận. Chúng ta không thể đợi đến già mới hối hận, bởi vì bấy giờ có hối hận cũng vô nghĩa.
Tỉ phú người Hồng Kông, Lý Gia Thành là một doanh nhân thành đạt trong mắt mọi người. Có người hỏi cách thức để có được thành công của ông là gì, ông trả lời: “Dựa vào học tập, không ngừng học tập!” Muốn sinh tồn trong thời đại này, thì buộc phải học cách học tập. Vậy ta phải làm như thế nào? Chúng ta nên tích cực bồi dưỡng hứng thú học tập, giữ vững lòng nhiệt tình học tập của bản thân, dốc toàn sức lực để gặt hái tri thức mới, bồi dưỡng năng lực mới. Việc học như chèo thuyền ngược dòng, không tiến tất lui. Bạn không nỗ lực, thì bạn sẽ lạc hậu so với người khác. “Cả đời đều phải sống trong học tập”, mới là quy luật sinh tồn quan trọng của kẻ mạnh.
Băng dày ba thước đâu phải do trời lạnh một ngày. Chúng ta đều hiểu đạo lý “Tích lũy nhiều dùng ít một”, vậy thì hãy kiên trì rèn luyện đi! Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, khi bạn tích lũy tới một mức độ nhất định, bạn sẽ có sức mạnh vươn lên. Đến lúc đó, bạn đi tới đâu, hay làm việc gì cũng đều suôn sẻ.
Những ngày tháng kiên trì rèn luyện có thể sẽ rất vất vả, rất hoang mang, nhưng bạn phải tin rằng: Quả chín mới là thứ quả ngọt nhất!
Luôn giữ vững chí tiến thủ
Đừng vội hài lòng về thành quả hiện tại của công việc, phải luôn mang trong mình chí tiến thủ. Nghiêm túc làm tốt từ những việc nhỏ nhặt, bạn mới có thể trở thành người nổi bật, bởi không cam chịu sự tầm thường sẽ khích lệ một người tự giác theo đuổi thứ tốt nhất. Hơn nữa, muốn trở thành một người có sức ảnh hưởng lớn trong doanh nghiệp, nếu không có chí tiến thủ, bạn sẽ dễ dàng thỏa mãn, khó có thể vượt lên chính mình.
Đương nhiên, không ai làm việc là không có khuyết điểm. Nhưng không thể phủ nhận, chỉ khi một người có yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn làm người, làm việc của bản thân, năng lực của người đó mới được khai phá nhiều hơn. Bản thân việc nâng cao năng lực chính là một bước tiến bộ lớn.
Là một thành viên của doanh nghiệp, nếu muốn ở vị trí cao, bạn cần phải có năng lực độc nhất vô nhị. Khi ấy, bạn sẽ nhận được sự coi trọng của doanh nghiệp. Bởi vậy, bạn phải bứt phá giới hạn của bản thân, nâng tầm năng lực lên cao nhất có thể, bạn phải để mỗi việc mình làm không ai có thể bắt bẻ. Có như vậy, bạn mới có thể đưa mình đến gần hơn với sự hoàn mỹ, cá tính của bạn cũng sẽ trở nên chín chắn hơn trong quá trình mài giũa này. Nếu một nhân viên chẳng có tài cán gì, chỉ sống vật vờ qua ngày, mục tiêu chính là không bị ông chủ phê bình, chưa từng chủ động trong công việc, vậy thì khả năng làm việc của người đó cũng khó có thể được nâng cao, càng khó lòng nhận được sự coi trọng của lãnh đạo. Thăng tiến và khen thưởng đối với những người như vậy mà nói là chuyện xa vời.
Có lẽ ban đầu bạn chỉ là một nhân viên học việc bình thường, nhưng sau đó được làm trợ lý, rồi lại lên chủ quản, tất cả những thành quả này đều được bạn xây dựng trên nền tảng không ngừng nâng cao năng lực. Với phẩm chất này, mong bạn tin rằng, có một ngày bạn sẽ trở thành hình mẫu lý tưởng mà bạn hướng đến. Nhân viên ưu tú nhất thường là những người không ngừng vươn lên, họ sẽ kiên trì nỗ lực trong công việc, không ngừng cải thiện khuyết điểm, phát huy ưu thế lớn nhất của bản thân, cuối cùng dựng lên một vùng trời tươi đẹp thuộc về riêng mình.
Tờ nhật báo The Times nổi tiếng khắp thế giới, bởi nó đã vạch trần sự thối nát của bộ máy quản lý quan liêu của nước Anh, dám đánh cược bản thân để thức tỉnh chính phủ u mê. Chính nỗ lực không màng khó khăn này của tờ báo đã khiến hiệu suất làm việc của cơ quan chính phủ Anh được nâng cao, ở một mức độ nhất định đã thay đổi một số chế độ của quốc gia này. Đây là kết quả của việc luôn theo đuổi sự hoàn mỹ của nhà báo Lord Northcliffe người thành lập The Times, người được tôn vinh là “Napoleon của giới tin tức”. Khi mới đi làm, lương tháng của ông chỉ vẻn vẹn 80 đô la Mỹ, hiển nhiên là ông vô cùng bất mãn với tình trạng này của bản thân. Sau đó, ông đã thành lập tờ London Evening Standard và DailyMail, dù vậy, ông vẫn không hài lòng về bản thân, cho đến khi The Times ra đời.
Có lần, ông dừng lại trước bàn làm việc của một biên tập viên mới và nói chuyện với người này:
“Cậu làm việc tại phòng biên tập được bao lâu rồi?”
“Sắp ba tháng rồi ạ.”
“Cậu cảm thấy phòng biên tập thế nào? Cậu thích công việc hiện tại của mình không? Cậu quen với quy trình làm việc của chúng tôi chưa?”
“Tôi rất thích công việc hiện tại của mình.” “Tiền lương hiện tại của cậu là bao nhiêu?” “5 bảng Anh một tuần.”
“Cậu có hài lòng về tình trạng hiện nay của mình không?”
“Tôi rất hài lòng, cảm ơn ngài.”
“À, nhưng cậu phải hiểu rằng, tôi không hi vọng nhân viên của mình nhận được 5 bảng Anh một tuần đã cảm thấy rất hài lòng rồi.”
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể nhìn ra được là Lord Northcliffe rất không hài lòng với những nhân viên dễ dàng cảm thấy thỏa mãn.
Nếu năng lực của bạn chỉ cầm chừng mà không tiến bộ, vậy thì hơn nửa là bởi bạn đã cảm thấy hài lòng với chút thành tích ít ỏi mình có được, vậy thì sự nghiệp của bạn cũng sẽ giậm chân tại chỗ. Mỗi cá nhân luôn ở trong trạng thái chờ được hoàn thiện, bởi vậy bạn cần tiến bước trên con đường hoàn thiện bản thân. Nếu bạn dừng chân, đồng nghĩa với việc bạn đã ngừng tiến bộ. Nhân viên ưu tú sẽ luôn theo đuổi sự xuất sắc, tìm kiếm con đường hoàn thiện bản thân, từ đó không ngừng vượt lên chính mình, cuối cùng trở thành người dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Trong quá trình chọn lọc tự nhiên, người bứt phá sẽ có cơ hội sinh tồn. Một số nhân viên ở vào tình thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh, không chờ mong gặt hái được thành tích, dường như họ đã thừa nhận thất bại, cam chịu sự tầm thường. Họ chỉ sống những ngày tháng được sao hay vậy, cho đến khi bị đào thải. Phải cảnh tỉnh những người này! Trong thời đại trí tuệ nhân tạo, nếu bạn không nỗ lực, có thể bạn không chỉ đơn giản là bị đào thải, mà sẽ phải sống cảnh “giật gấu vá vai” cả đời. Chỉ có không ngừng tiến bộ, luôn giữ vững chí tiến thủ thì bạn mới có thể tồn tại, có thể thực hiện giá trị của cuộc đời và gặt hái được thành công.
Lười biếng là kẻ thù lớn của thành công
Có một câu chuyện về sự lười biếng như sau:
Có một con ếch vàng và một con ếch xanh sống trong một cái ao. Ếch xanh chịu thương chịu khó, thường đi đến ruộng lúa bắt côn trùng, còn ếch vàng lại chỉ núp trong lùm cỏ bên đường, nhắm mắt nghỉ ngơi. Một ngày nọ, ếch vàng đang nằm ngủ trong lùm cỏ, bỗng nghe thấy ếch xanh gọi: “Ếch vàng, ếch vàng.”
Ếch vàng uể oải mở mắt.
Ếch xanh nói với giọng quan tâm ân cần: “Ở đây gần đường lớn nguy hiểm lắm, mau dọn tới ruộng lúa sống với tôi đi! Ở đó, ngày nào cậu cũng được ăn no côn trùng, còn có thể trừ hại cho hoa màu nữa.”
Ếch vàng mất kiên nhẫn nói: “Tôi đã quen rồi, tôi lười động đậy, tại sao còn phải dọn tới ruộng sống cho phiền phức chứ? Với lại bên đường cũng có côn trùng.”
Ếch xanh khuyên bảo hết nước hết cái, thấy ếch vàng vẫn không chịu nghe lời mình, đành ra về. Một vài ngày sau, ếch xanh nhớ ra ếch vàng, bèn đi thăm nó, kết quả nhìn thấy nó đã bị xe cán chết bên đường.
Ếch vàng đã chết thảm. Nếu nhìn thấy trước hậu quả này, liệu nó có thay đổi thói quen lười biếng của mình không?
Ở Trung Quốc cũng có câu chuyện tương tự về chim Hàn Hào.
Truyện kể rằng có một loài chim nhỏ tên Hàn Hào. Nó có bốn chân cùng một đôi cánh to khỏe nhưng lại không bay được như những loài chim khác. Tới mùa hạ, chim Hàn Hào khoác lên mình bộ lông vũ vô cùng xinh đẹp. Đây là điều khiến nó kiêu ngạo. Nó cảm thấy phượng hoàng cũng không thể sánh được với nó, nó là con chim đẹp nhất trời đất này. Thế nên, nó đi khắp nơi chỉ để khoe khoang bộ lông vũ của mình, còn dương dương đắc ý hát cho mọi người nghe: “Phượng hoàng không bằng tôi! Phượng hoàng không bằng tôi!”
Khi mùa hè nhường chỗ cho mùa thu, những loài chim khác đều bận rộn lên kế hoạch cho mùa đông, một số chuẩn bị theo đàn bay về phương Nam, trải qua mùa đông ấm áp ở đó, một số ở lại thu thập thức ăn, một số sửa sang xây lại tổ ấm cho mình. Chỉ có chim Hàn Hào, vừa không chăm chỉ lao động, vừa không có bản lĩnh bay đến phương Nam, cả ngày rảnh rang không làm việc gì, chỉ ra sức khoe khoang bộ lông vũ lộng lẫy trên người mình.
Mùa đông đến, tiết trời giá rét, những loài chim khác đều quay về tổ ấm của mình. Lúc này, bộ lông đẹp đẽ trên người chim Hàn Hào bắt đầu rụng dần. Đêm đến, cả người nó run lên cầm cập vì rét, đành phải trốn vào khe đá, luôn miệng nói: “Lạnh quá, lạnh quá, đợi khi trời sáng phải làm tổ mới được!” Hôm sau, mặt trời mọc, ánh nắng ấm áp chiếu xuống, nó lại quên đi cái giá rét của buổi tối hôm trước, lại không ngừng hát ca: “Đứng dưới nắng trời thật ấm áp! Đứng dưới nắng trời thật ấm áp!” Nó cứ sống những ngày tháng hồ đồ như thế, mãi không chịu xây tổ cho mình. Cuối cùng, nó không thể vượt qua mùa đông giá rét, bị đóng băng trong khe đá.
Chúng ta đã nhìn thấy kết cục bi thảm của chim Hàn Hào, chỉ vì lười biếng mà cuối cùng phải bỏ mạng. Giống như một số người, làm việc được chăng hay chớ, không vạch kế hoạch lâu dài, sống tạm bợ qua ngày, không sẵn lòng chăm chỉ lao động để tạo dựng cuộc sống. Nếu họ có thể sửa đổi tật xấu của mình, dưỡng thành thói quen chăm chỉ, có lẽ vẫn sẽ có thành công đáng kinh ngạc tìm tới gõ cửa.
Vận mệnh mỗi người là do bản thân mình tự nắm giữ. Chọn chăm chỉ làm việc sẽ nhận được hạnh phúc, chọn lười biếng chắc chắn khó thoát khỏi trắc trở. Rất nhiều tai họa và bất trắc đều là vì sự lười biếng và những thói quen xấu khác của chúng ta gây ra. Việc dễ như trở bàn tay nhưng chúng ta không sẵn lòng thực hiện, đã định trước là phải trả giá nặng nề cho nó. Trên thế giới này, chăm chỉ chưa chắc đã được nhận thành quả, nhưng lười biếng thì chắc chắn sẽ không có thu hoạch.
Kiên trì đến cùng
Trong công việc cũng như cuộc sống, không phải chuyện gì cũng được như ý muốn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cố gắng mãi vẫn chẳng thể thăng quan tiến chức, hoặc công sức bỏ ra và đãi ngộ nhận lại chẳng tương xứng với nhau, hoặc bản thân có tài năng vượt trội nhưng lãnh đạo lại không trọng dụng, còn ai đó chẳng chút tài cán lại được thăng chức. Rơi vào hoàn cảnh đó, bạn có cảm thấy chán ngán không?
Thực ra, chúng ta hoàn toàn không cần thiết phải đau khổ vì việc này. Nếu bạn cảm thấy mình không nhận được báo đáp mà bản thân nên nhận, thì đó là vì bạn làm vẫn chưa đủ tốt, chưa khiến người ta tin tưởng và nghe theo mà thôi.
Bí quyết thành công nằm ở sự kiên trì từ những việc nhỏ nhặt, tuy nhiên mọi người lại thường phớt lờ những vấn đề nhỏ ấy, chỉ nắm chặt tiêu điểm không buông. Không có thành công nào là dễ dàng có được, nếu không tích lũy từ những thành công nhỏ, thì làm sao gặt hái được thành công lớn? “Các vòng vân gỗ manh nha từ những vòng rất mỏng, đài cao chín tầng được xây lên từ đống đất nhỏ, đường đi ngàn dặm bắt đầu từ bước đầu tiên!”, “Một giọt nước có thể khúc xạ cả mặt trời!”. “Việc lớn” là do rất nhiều “việc nhỏ” không đáng kể tổ hợp thành. Muốn thành công, thì phải bắt tay vào từ việc nhỏ. Những người ngay cả việc nhỏ cũng không làm tốt, thì chắc chắn không thể làm tốt việc lớn được. Luôn muốn một bước lên trời, là sai lầm tai hại của rất nhiều người.
Công việc và cuộc sống thường ngày cũng như vậy, có những việc nhìn thì vụn vặt, rắc rối, không đáng nhắc đến nhưng chúng lại có mặt mọi lúc, mọi nơi và không thể bỏ qua. Có lẽ công việc hiện tại của bạn không quá nổi bật, hàng ngày lặp đi lặp lại những việc nhỏ nhặt, nhưng chỉ cần giữ được con tim không bao giờ ngơi nghỉ, tiến bước về phương hướng mà mình đã đặt ra, tích lũy cho tốt về lượng, là có thể thực hiện được sự đột biến về chất. Khi bạn ngưỡng mộ thành công của người khác, đừng quên nhìn trọn con đường mà họ đã đi qua. Không có thành công của ai là sinh ra đã có sẵn, tích lũy sâu dày, thả ra từ từ, tiến bước nào rào bước đấy, thà đi thêm một số con đường, còn hơn xốc nổi theo đuổi một bước lên trời.
Kiên trì làm từng công việc nhỏ nhặt đến nơi đến chốn, coi chúng là cơ hội để bản thân rèn luyện năng lực, nâng cao trình độ, là bàn đạp để bước về phía mục tiêu cao hơn. Nếu ngay cả việc nhỏ cũng không sẵn lòng làm, thì làm sao có thể làm được việc lớn? Người trẻ tuổi vừa mới bước chân ra xã hội đừng bao giờ nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Đây mới là quy luật bất bại để sinh tồn.
Câu chuyện nhỏ
CHỬ THỜI KIỆN: MỘT ĐỜI LÀM TỐT TỪNG VIỆC NHỎ NHẤT
Chử Thời Kiện, từng là Xưởng trưởng Xưởng thuốc lá Ngọc Khê và Chủ tịch Tập đoàn Hồng Tháp, được mệnh danh là “vua thuốc lá Trung Quốc”, “vua thuốc lá châu Á”, cũng là một trong những nhân vật tài chính gây nhiều tranh cãi nhất Trung Quốc. Sau đó, ông phải ngồi tù. Năm 2002, sau khi ra tù, Chử Thời Kiện đã 75 tuổi lại một lần nữa khởi nghiệp với việc trồng cam trên núi Ai Lao, Vân Nam.
Nhiều người đều khuyên ông hãy an hưởng tuổi già, nhưng ông cố chấp muốn trồng cam. Đây là giống cây trồng truyền thống của huyện Hoa Ninh quê ông. Ông không những muốn trồng cam, mà còn nhận thầu hơn 900 mẫu đất, sau đó mở rộng lên 2.400 mẫu. Năm 2015, ông lại mở rộng lên đến 7.000 mẫu. Tên tuổi của ông cũng nhờ cam mà lại một lần nữa nổi tiếng toàn Trung Quốc. Câu chuyện của ông đã cổ vũ vô số người đang trong giai đoạn nỗ lực phấn đấu, và cũng vì thế mà cam Chử được mọi người gọi là “cam khích lệ ý chí”.
Phải biết rằng, khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp không phải là một chuyện đơn giản. Từ khi trồng cam đến khi thu hoạch phải mất thời gian bốn, năm năm, chu kỳ dài, mạo hiểm lớn, còn phải có thời tiết tốt.
Chử Thời Kiện là trường hợp được tạm tha ra tù vì lý do sức khỏe. Trong những ngày đầu lập nghiệp, thậm chí ông phải truyền dịch Insulin để lên núi thăm nom vườn cam. Những việc như bón phân, phòng bệnh, tưới tiêu… ông đều phải theo dõi. Hồi đầu, cam vừa ra thị trường, mùi vị không ổn, con đường tiêu thụ không thuận lợi, phải nhờ cậy mạng lưới quan hệ của ông. Khó khăn gặp phải trong lần khởi nghiệp này còn lớn hơn nhiều những gì ông gặp phải khi xưởng đường bị lỗ vốn nhiều năm liên tục và xưởng thuốc lá bị đóng cửa trước kia. Hơn nữa, vốn khởi nghiệp ông đều vay mượn từ người quen, có thể thấy áp lực của ông lớn nhường nào.
Vậy Chử Thời Kiện đã làm như thế nào? Chử Thời Kiện không muốn sống dưới sự che chở của người khác, dựa vào mạng lưới quan hệ để làm ăn không phải là tâm nguyện ban đầu của ông. Thế nên, ông đã áp dụng cách thức quản lý xưởng thuốc vào việc trồng cam, bắt đầu áp dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng, cố gắng thực hiện nguyên tắc cùng hưởng lợi. Thực tiễn chứng minh rằng, phương pháp này lại một lần nữa hữu dụng. Trước kia, người nông dân phải lệ thuộc vào thời tiết khi trồng trọt, một khi gặp phải hạn hán hay ngập lụt là mất sạch hoa màu. Chử Thời Kiện biết rõ ảnh hưởng của thời tiết đến việc trồng trọt. Ông bắt kịp thời đại, tìm lối đi khác, tận dụng triệt để phương pháp hiện đại hóa trong việc trồng cam, cố gắng tránh khỏi tình trạng trông trời kiếm miếng ăn, dữ liệu hóa, chi tiết hóa kinh nghiệm.
Thành công của Chử Thời Kiện cũng nhờ thói quen thích đọc sách của ông. Trong thời gian trồng cam, khi gặp phải vấn đề khó, phản ứng đầu tiên của ông chính là tìm hiểu, tra cứu trong sách. Ông thường đọc sách tới tận đêm khuya, trên đầu giường của ông có bày đủ loại sách về lĩnh vực trồng trọt. Ông còn thường xuyên tìm gặp một số chuyên gia để nghiên cứu, thảo luận về một vài vấn đề trong trồng trọt. Họ thảo luận về việc cải thiện kết cấu phân bón thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ phân lân, kali, nhằm cải thiện hương vị của cam.
Chử Thời Kiện từng nói: “Từ nhỏ tôi đã biết mình luôn muốn làm tốt hơn người khác, vì tôi nghiêm túc, có trách nhiệm.” Bất luận là làm việc gì, phải học cách quan sát, tổng kết, tìm được quy luật, thì phương pháp sẽ xuất hiện. Sự nghiêm túc và kiên trì của ông đã mang lại cho ông sự công nhận của xã hội và thành công.
“Mỗi ngày đều làm tốt mỗi công việc, làm tròn mỗi trách nhiệm của mình, sẽ không sống hoài phí cuộc đời này.” Đây là câu nói cửa miệng của Chử Thời Kiện. Đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện chết chóc, nó đến hoặc không đến, không ai khống chế được. Sắp xếp mỗi ngày cho tốt, làm chuyện có ý nghĩa chính là tâm nguyện của ông.
Không chỉ trong việc trồng cam mà dù làm gì thì Chử Thời Kiện vẫn giữ vững tinh thần nghệ nhân.
Trước đây, để giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho mẹ, ông đã chủ động nghỉ học ở nhà để nấu rượu. Rượu nấu Ngọc Khê có lịch sử lâu đời, quy trình kỹ thuật hoàn thiện. Vốn dĩ, chỉ cần làm theo kinh nghiệm của người đi trước là có thể nấu ra rượu ngon. Nhưng Chử Thời Kiện muốn làm tốt hơn, ông bắt đầu suy xét về thời gian, nhiệt độ, độ cồn của rượu… Ông muốn hao tốn ít nguyên liệu nhất mà nấu ra được lượng rượu nhiều nhất, ngon nhất. Mỗi lần sắp bán hết rượu, ông sẽ căn cứ vào chất lượng để điều chỉnh giá cả, không để tồn hàng, để khách hàng được hưởng lợi ích thực tế. Ở xưởng thuốc lá Ngọc Khê, Chử Thời Kiện cũng thực hành tinh thần nghệ nhân. Ông luôn suy xét mọi việc, không bỏ lỡ một chi tiết nào, càng không qua loa lấy lệ. Bất kể là trồng cây thuốc lá hay là cải tiến máy móc và công nghệ, ông đều tự mình thực hiện. Chính sự theo đuổi gần như là hà khắc với chất lượng sản phẩm của ông, đã khiến xưởng thuốc lá của ông dần trở thành doanh nghiệp nằm trong top đầu châu Á. Khi ông quản lý xưởng đường cũng vậy, ông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, theo đuổi sự hoàn mỹ, khiến mặt hàng đường đỏ loại kém trong xưởng được nâng lên thành đường đỏ loại tốt, bên cạnh đó còn sản xuất đường trắng cao cấp hơn.
Quay lại việc trồng cam, doanh nhân Phùng Luân từng nói rằng: Một người vấp ngã lại đứng dậy không có gì khó, cái khó là sau khi rơi xuống thung lũng từ đỉnh cao nhất, vẫn có thể bước xa hơn. Đây không phải là chuyện người thường có thể làm được. Ở Chử Thời Kiện tựa hồ có một loại “siêu năng lượng”, bắt nguồn từ tiêu chuẩn cao và yêu cầu nghiêm khắc trong cách làm người, làm việc của ông. Cũng chính “siêu năng lượng” này đã giúp ông đứng cao hơn, đi xa hơn.
Tinh thần nghệ nhân của Chử Thời Kiện khiến mọi người phải kính nể. Bất luận ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào, doanh nghiệp nào, cho dù là tay trắng lập nghiệp, ông vẫn có thể dùng tinh thần này tạo ra kì tích, sống đời truyền kì.
Trong thời đại mà mọi biến chuyển đều xảy ra rất nhanh chóng như hiện nay, rất cần những người có thể kiên trì làm tốt mỗi việc như thế. Chúng ta nên học hỏi thái độ làm việc của Chử Thời Kiện. Nòng cốt trong quan niệm kinh doanh của ông chính là phải cẩn thận, tỉ mỉ, nghiêm túc, kiên trì. Đây lẽ nào không phải là tinh thần nghệ nhân mới chúng ta hiện đang khởi xướng? Nó đại diện cho sự kiên trì và chấp hành trong thời gian dài với mục tiêu đã định. Mục tiêu này có thể là hứng thú của bạn, cũng có thể là mong muốn ban đầu của bạn, hoặc là tâm nguyện, hay ước mơ nảy sinh vì một nguyên nhân nào đó.
Mỗi khi làm một việc, luôn cố gắng làm nó thật tốt, đây chính là lời giải thích tốt nhất cho tinh thần nghệ nhân mới. Muốn đạt đến cảnh giới này thực ra không khó, ở ngành nghề nào bạn cũng có thể làm được, then chốt chính là bạn có thể kiên trì, bền bỉ hay không.
Trong suốt cuộc đời mình, Chử Thời Kiện từng quản lý nhiều doanh nghiệp, và mỗi doanh nghiệp mà ông tiếp nhận và lãnh đạo luôn có thể chuyển lỗ thành lãi. Ông đã từng nói rằng mình không có con đường tắt nào để đi tới thành công. Phải bắt tay vào hành động, trải qua gian khó, mới có thu hoạch thực sự. Nóng lòng muốn thành công, sẽ dễ bị một số thứ ràng buộc. Mục tiêu không thiết thực, thì cũng khó có thể tiến xa và hướng đến cái đích cuối cùng. Hãy khích lệ ý chí của bản thân, để sau khi nhìn rõ dáng vẻ vốn dĩ của cuộc sống, bạn vẫn sẵn lòng cố gắng tiến bước, dốc hết sức lực để có cuộc đời tốt hơn hiện tại.