Trong bộ phim Bá Vương biệt cơ, sau khi Đoàn Tiểu Lâu đại náo Hoa Mãn Lâu, cùng Cúc Tiên đính hôn trở về, Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu đã xảy ra tranh cãi. Trình Điệp Y hy vọng Đoàn Tiểu Lâu đừng thành thân, cùng mình diễn hí khúc cả đời, bèn nói: “Huynh quên chúng ta nổi tiếng do đâu rồi sao? Chẳng phải là dựa vào một câu nói của sư phụ sao?” Đoàn Tiểu Lâu hỏi: “Câu nói gì?” Trình Điệp Y nói: “Trọn đời chỉ một!” Có lẽ khi nói câu này, Trình Điệp Y còn bao hàm cả tâm tình khác, nhưng từ xưa tới nay, trong và ngoài nước, có thành công của ai là tách rời bốn chữ này? Tình yêu cũng như vậy, sự nghiệp cũng như vậy.
Chiến lược của người nghệ nhân mới chính là triết học cuộc đời thờ phụng chữ “một”.
Chuyên tâm làm tốt một việc
Jack Ma, chủ tịch và người sáng lập của Tập đoàn Alibaba, từng nói: “Chỉ cần có ước mơ, chỉ cần bạn không ngừng nỗ lực học tập, bất kể tướng mạo của bạn như thế nào, bất kể bạn có tiền hay không, bạn đều có cơ hội.” Jack Ma là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, chuyên chú vào lý tưởng của mình là điểm then chốt trong thành công của ông.
Nói về con đường kinh doanh của Jack Ma, Son Masayoshi, Tổng giám đốc Điều hành của Tập đoàn SoftBank, từng nói rằng: “Trong rất nhiều doanh nhân, Jack Ma là người duy nhất ba năm trước nói gì với tôi, hiện tại vẫn nói với tôi những lời như thế.” Câu nói của Son Masayoshi để chỉ mục tiêu Jack Ma đặt ra khi lên kế hoạch thành lập Alibaba vào năm 1999. Vào thời điểm đó, Jack Ma đã dự kiến trước được Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có một ngày vươn mình ra thế giới.
Bởi vậy, bản đồ quy hoạch đầu tiên về Alibaba của Jack Ma chính là thông qua mạng Internet giúp đỡ doanh nghiệp Trung Quốc bước ra khỏi cánh cửa nước nhà, đồng thời giúp đỡ doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Trung Quốc. Vậy thì, ông đã làm thế nào để triển khai hành động? Qua quan sát và suy tính, Jack Ma nhận thấy nền kinh tế của Trung Quốc sở dĩ có thể phát triển với tốc độ rất nhanh, là nhờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng sự thúc đẩy của kinh tế tư nhân. Sau khi có được suy nghĩ này, ông cho rằng Alibaba nên giúp đỡ những doanh nghiệp thực sự cần được giúp đỡ. Nếu nói chiến lược ban đầu chỉ là một “quả táo rơi xuống đầu” Jack Ma, vậy thì thông qua cạnh tranh thị trường khốc liệt và sự biến hóa thất thường của thị trường trong vài năm qua, “quả táo” này đã được Jack Ma nghiên cứu thấu triệt. Với chiến lược đã vạch ra, Alibaba đã phát triển nhanh chóng, chiếm lĩnh được thị phần lớn. Jack Ma cũng ngày càng kiên định với suy nghĩ ban đầu của mình.
Hơn mười năm chìm nổi trong chiến trường không thuốc súng mang tên thương trường, Jack Ma hiểu rằng mình không thể theo đuổi trào lưu mãi được. Ông biết rõ, việc nhìn thấy mối làm ăn nào cũng đi góp vui không có lợi cho sự sinh tồn và phát triển lâu dài của Alibaba. Doanh nghiệp muốn phát triển tốt, thì phải dụng tâm, chuyên tâm.
Tháng 8 năm 2005, Jack Ma đã dẫn dắt đội ngũ thương mại của mình thành công mua lại Yahoo Trung Quốc. Việc này đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của Alibaba. Sau phi vụ mua lại này, Jack Ma, trở thành tiêu điểm quan tâm của giới doanh nhân. Khi đó nhiều người cho rằng chắc chắn Jack Ma muốn bắt chước Baidu, lợi dụng thành tích xuất sắc của Yahoo trên phương diện cổ phiếu, nhân cơ hội kiếm một khoản tiền kếch xù trên phương diện web search.
Tại sao Jack Ma muốn mua lại Yahoo? Chắc chắn là ông có suy nghĩ của riêng mình. Ông từng nói rằng, Alibaba tuyệt đối không bỏ lỡ cơ hội phát triển tốt, nhưng cũng sẽ không vì sốt sắng thành công mà làm ẩu. Sau khi Jack Ma nói câu này, có người hỏi ông rằng chiến lược tiếp theo của Alibaba là gì. Ông trả lời rằng: “Hướng chiến lược tiếp theo của Alibaba là thương mại điện tử, vĩnh viễn là thương mại điện tử.” Điều này lại một lần nữa chứng minh chiến lược kinh doanh “chuyên tâm làm một việc” của Jack Ma.
Con người dễ mắc sai lầm khi tài chính quá nhiều hoặc quá ít, doanh nghiệp cũng như vậy. Từ trước tới nay, Jack Ma luôn kiên định với quan niệm “chuyên tâm làm một việc”. Ông cho rằng, chỉ cần có mắt nhìn, có mưu lược, sẽ luôn có cơ hội. Còn đối với nguy cơ, buộc phải bóp chết khi mới nảy sinh.
Đối với lãnh đạo của một doanh nghiệp, trong lòng không được rối như tơ vò, mà phải có một mục tiêu rõ ràng, phải hiểu rõ bản thân muốn làm việc gì, muốn thay đổi việc gì.
Trọn đời chỉ làm một việc
Trọn đời chỉ làm một việc là gì? Chúng ta hãy cùng đọc câu chuyện Khỉ con xuống núi. Khỉ con xuống núi, đầu tiên là bẻ ngô, sau đó hái được đào bèn quẳng ngô đi, khi nhìn thấy dưa hấu lại quẳng đào đi, sau khi gặp Thỏ con lại quẳng dưa hấu đi. Câu chuyện đơn giản nhưng đã gửi gắm một đạo lý sâu sắc: Trọn đời chính là sự chuyên tâm và kiên trì đối với những gì đã chọn.
Bà Rochelle “Shelly” Lazarus, từng sáu năm liên tiếp được tạp chí Fortune bình chọn là “Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn nước Mỹ”, nhiều lần đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Điều hành và Chủ tịch của Công ty Quảng cáo Ogilvy & Mather, là người giữ chức quản lý cấp cao lâu dài của một trong số ít những công ty quảng cáo. Từ năm 1971 khi vào làm việc tại Ogilvy & Mather cho đến năm 2012 khi chính thức nghỉ hưu, bà đã trung thành cống hiến cho công ty này.
Thành công của Rochelle “Shelly” Lazarus đến từ sự kiên trì của bà đối với sự nghiệp. Trong thời gian nỗ lực theo học chuyên ngành Marketing tại trường Đại học Columbia, bà phát hiện ra rằng, tuy có nhiều sản phẩm khi mới ra mắt thị trường sẽ bán rất chạy nhờ hiệu ứng quảng cáo, nhưng bởi không có nhóm khách hàng trung thành, nên sau khi cảm giác mới mẻ qua đi họ liền nhanh chóng bỏ quên sản phẩm.
Vì vậy, Rochelle “Shelly” Lazarus quyết định xây dựng một thương hiệu sở hữu một nhóm người tiêu dùng trung thành. Bà gia nhập Công ty Quảng cáo Ogilvy & Mather, trở thành một nhân viên Phòng Khách hàng, phụ trách kinh doanh sản phẩm chăm sóc tóc. Vốn chỉ định ở lại công ty một, hai năm để học tập và tích lũy tri thức liên quan đến sản phẩm chăm sóc tóc, nhưng chẳng bao lâu sau, bà đã phát hiện ra mình vô cùng tán đồng văn hóa của Ogilvy & Mather, bởi vậy bà đã quyết định gắn bó với công ty. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, bà đã phát triển vững chắc sự nghiệp của mình ở Ogilvy & Mather, thăng tiến từ nhân viên Phòng Khách hàng, tới Trưởng phòng Khách hàng, tới Giám đốc Phòng Khách hàng, rồi Thanh tra Phòng Khách hàng và cuối cùng là Tổng giám đốc công ty con. Năm 1991, việc kinh doanh của công ty con tại New York xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Trong lúc công ty lâm nguy, bà đã nhận trọng trách trở thành chủ tịch công ty. Bằng sự nỗ lực và kiên trì của bà, sau một năm, công ty con tại New York đã chuyển lỗ thành lãi, bà cũng nhờ vậy mà trở thành Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Ogilvy & Mather.
Bành Lôi (Lucy Peng) – cựu CEO của Công ty Alipay (thuộc Tập đoàn Alibaba), là một trong “mười tám vị La Hán của Alibaba”. Năm 1999, sau khi gia nhập Tập đoàn Alibaba, bà đã dựa theo quan niệm “trọn đời chỉ một” để cống hiến cho tập đoàn, từng nhiều lần đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Phòng Quản trị Nhân sự, Phó Chủ tịch Phòng Thị trường và Phó Chủ tịch Phòng Dịch vụ khách hàng của Alibaba. Tháng 3 năm 2013, Bành Lôi đảm nhiệm chức vụ CEO của Công ty Alipay thuộc Tập đoàn Alibaba. Việc Bành Lôi trở thành người duy nhất nắm giữ tài chính của Alibaba có mối liên hệ lớn đến cách làm người khiêm tốn, nhã nhặn, khi làm việc thì đề cao thái độ, mục tiêu, chí hướng của bà. Năm 2010, trước khi Jack Ma – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Alibaba tuyên bố bổ nhiệm Bành Lôi đảm nhận chức vụ CEO của Công ty Alipay, bà đã quản lý các phòng ban nòng cốt như phòng sự vụ, hành chính, thị trường và quản trị nhân sự. Người trong nội bộ Alibaba chứng thực, Bành Lôi là người chấp hành kiên quyết nhất quyết sách chiến lược của Jack Ma. Bất kể là kiến thiết văn hóa của Alibaba, hay là xây dựng kho dự trữ nhân tài cấp cao, bà đều tuân thủ một cách nghiêm túc, dần gây dựng được vị trí “nữ chính thứ hai” của Alibaba.
Chúng ta không nên chỉ coi sự nghiệp là công cụ để mưu sinh, mà nên xây dựng thái độ kiên trì, nghiêm túc đối với công việc, “đã tốt còn muốn tốt hơn” đối với sản phẩm, để “tinh thần nghệ nhân” trở thành giá trị chung về văn hóa và tư tưởng của toàn doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp sản sinh động lực sinh tồn nội tại.
Vậy làm thế nào để chuyên chú?
Đối với cá nhân, trong hàng tá công việc phức tạp mỗi ngày, nếu chỉ có thể lựa chọn một công việc để làm, bạn cần lựa chọn công việc quan trọng nhất đối với mình. Đã bao giờ bạn ở trong trường hợp như thế này: Khi xem xong một bộ phim điện ảnh khích lệ ý chí, hoặc đọc xong một cuốn tự truyện của người nổi tiếng, hay nghe nói về thành công trong sự nghiệp của bạn bè, bạn đều sẽ thôi thúc bản thân cố gắng bắt đầu làm gì đó để theo đuổi ước mơ của chính mình. Để tận dụng thời gian, bạn liền bắt tay vào xây dựng kế hoạch và vạch ra các bước thực hiện chi tiết – mỗi ngày dành ra một tiếng đồng hồ để rèn luyện, hoặc đọc sách. Nhìn mục tiêu mình đề ra, bạn tràn đầy lòng tin, tưởng tượng đến tương lai tươi đẹp.
Nhưng đôi khi, sau khi kế hoạch của bạn thất bại hết lần này đến lần khác, bạn mới nhận thức rõ về bản thân. Bạn bắt đầu tự trách mình, giữ thái độ bất cần, cuộc sống của bạn lại trở về với dáng vẻ như xưa. Nỗ lực rồi lại từ bỏ, cuộc đời lặp đi lặp lại như vậy, đa số mọi người đều ở trong vòng luẩn quẩn này. Không phải là họ không có động lực hoặc lòng tin bước về phía trước, mà là họ không thể hoàn thành được kế hoạch đã định. Chúng ta luôn cho rằng có thể làm tốt mọi việc, mà quên rằng chúng ta không thể thập toàn thập mỹ, bởi thời gian và tinh lực của chúng ta có hạn.
Trong quộc sống, có quá nhiều rắc rối khiến chúng ta mất tập trung, không thể chuyên tâm. Phần đông mọi người đều sốt sắng xử lý tất cả công việc trong tay. Nhưng kết quả của việc cưỡng ép bản thân phải làm mỗi việc tới độ hoàn mỹ, có thể chính là không được việc nào hoàn mỹ. Nếu chấp nhận những nhiệm vụ vụn vặt khiến bản thân phân tán sức chú ý, thì kết quả chính là bản thân bạn luôn ở trong trạng thái sức cùng lực kiệt. Và rồi sẽ có một ngày bạn cảm thấy không có sức lực để phấn đấu tiếp nữa. Thế nên, bạn vứt bỏ mọi thứ, bỏ lỡ cơ hội thành công. Bởi vậy, phải học cách làm những việc thực sự có ý nghĩa.
Một dạ hai lòng không có lợi cho việc chúng ta xử lý công việc quan trọng. Chúng ta có thể vừa nghe nhạc vừa trò chuyện, nhưng không thể vừa giải một đề Toán vừa gọi điện thoại cho người khác. Nếu thử làm vậy, có thể bạn sẽ không tập trung nghe được đối phương đang nói gì, hoặc sẽ tính sai đáp án. Trong mắt người khác thì bạn luôn bận tối mắt tối mũi, nhưng trên thực tế bạn lại đang lãng phí thời gian của mình. Bởi vì đại não của chúng ta có tư duy nối liền, cùng lúc làm hai việc, không có lợi cho việc chuyên chú, suy xét.
Phải làm thế nào mới có thể khiến bản thân trở nên chuyên tâm? Hãy tìm ra công việc có ý nghĩa với bạn, hơn nữa phải là công việc có thể thực hiện được lý tưởng của bạn, và dốc hết sức lực để làm tốt, chỉ vậy thôi.
* Chống lại được cám dỗ
Chuyên chú là một dạng tu dưỡng, muốn chuyên chú bạn cần phải chống lại được cám dỗ.
Chúng ta nên biến cuộc sống của mình trở nên đơn giản một chút. Bạn nên hiểu rằng, khi bạn nhập tâm làm một việc, việc đó sẽ trở thành chủ nhân của bạn. Bạn nên dành thời gian và tinh lực của mình để chuyên chú làm việc có hiệu quả. Chúng ta không cần quá nhiều bạn bè hay phải thường xuyên tham gia vào những cuộc vui, hãy biết cách từ chối và đơn giản hóa vòng tròn xã hội. Quá nhiều hoạt động dư thừa ngược lại sẽ ảnh hưởng đến quỹ tích cuộc sống của chúng ta, cám dỗ mọi lúc mọi nơi sẽ khiến sức chú ý của chúng ta bị phân tán.
Ngoài việc biến cuộc sống trở nên đơn giản hơn, chúng ta cần phải từ bỏ thói quen một lòng hai dạ, mỗi lần chỉ nên chuyên chú vào một việc. Nếu bạn có hàng tá việc cần làm, vậy thì hãy tạm thời gác chúng lại và nghỉ ngơi để có thể làm việc hiệu quả hơn. Nếu môi trường xung quanh có quá nhiều cám dỗ, khiến bạn khó tập trung, hãy tìm đến những nơi yên tĩnh, chỉ dành riêng cho việc học tập hay làm việc như thư viện, phòng tự học, có như vậy mới có hiệu suất cao.
Sau khi học được cách đơn giản hóa và từ chối, bạn mới đạt được hiệu quả cao.
Chúng ta nên hình dung ra kết quả công việc sẽ như thế nào. Mọi người đều hi vọng làm một việc có thể trước sau vẹn toàn. Trong công việc, khi bạn đã nỗ lực nhưng không nhận được kết quả dự kiến, có thể bạn sẽ cảm thấy tinh thần vô cùng sa sút, bởi phần đông mọi người chỉ căn cứ vào kết quả để phán xét bạn. Nhưng cùng lúc đó nếu bạn không ngừng bước về phía trước, bạn sẽ đạt được kết quả tốt, thậm chí là làm nên kỳ tích. Oán trách và tự coi nhẹ bản thân cơ bản không giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, nhất định phải “vui với công việc”. Khi bạn tha thiết yêu sự nghiệp của mình như yêu sinh mệnh, bạn sẽ coi công việc là niềm vui. Chuyên chú vào công việc, cuộc đời của bạn sẽ ngập tràn hạnh phúc.
* Phải có nội tâm mạnh mẽ
Quá trình học tập tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ (West Point) gian khổ hơn các trường quân sự khác. Trong số sinh viên trúng tuyển mỗi năm, có một phần năm sinh viên sẽ thôi học giữa chừng. Đa phần những sinh viên này đều rời khỏi trường khi vừa kết thúc năm thứ nhất. Bởi trong năm học này, họ cần trải qua một loạt khảo nghiệm trong một kế hoạch rất tàn khốc như sinh lý, tâm lý, xã giao. Những người không thể kiên trì, cuối cùng chỉ có thể bị loại hoặc bỏ cuộc.
Angela Duckworth – giáo sư tâm lý học nổi tiếng của Đại học Pennsylvania cho rằng, bài trắc nghiệm chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ) và thiên phú trước khi nhập học đủ để chứng minh những sinh viên kia có đủ tiềm lực để theo học tại đây. Nhưng điều khiến người ta khó hiểu là, tại sao kế hoạch tàn khốc này lại có thể đào thải nhiều sinh viên đến vậy. Nghi vấn đặt ra là: Kế hoạch này có phải cố tình làm khó sinh viên, hay là thực sự có thể phát hiện điểm thiếu sót trong nhân cách của sinh viên. Vì vậy, giáo sư Duckworth đã triển khai một loạt điều tra nhằm vào những sinh viên thành công hoặc thất bại trong kế hoạch này những năm qua, tức hạng mục nghiên cứu “trắc nghiệm sự vững vàng và nghị lực”. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: Phần lớn sinh viên hoàn thành kế hoạch đó của trường, thì sau khi tốt nghiệp đều có sự nghiệp thành công và gia đình mỹ mãn, còn bí quyết đạt được thành công bắt nguồn từ việc học tập kế hoạch tàn khốc năm xưa. Kế hoạch này đã bồi dưỡng tính bền bỉ và chí tiến thủ trong họ, khích lệ họ không ngừng tiến bước về phía thành công.
Thành quả nghiên cứu của giáo sư Duckworth không những được tổng kết thành 10 điều thị phạm kinh nghiệm, mà còn được xem là giáo trình quý giá nhất, có ý nghĩa nhất của Học viện Quân sự Hoa Kỳ.
Cuộc sống chốn công sở cũng tương tự như vậy, là rưng rưng nước mắt kiên trì đến cùng, hay cúi mình khuất phục trước khó khăn, đều do chúng ta lựa chọn. Khi đối mặt với trắc trở có thể bền chí đến cùng, không quản ngại gian lao, vất vả, mới có thể gặt hái được thành công.
Giáo sư Walter Mischel ở Đại học Stanford đã từng thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng mang tên “Kẹo dẻo”. Nhưng đứa trẻ tham gia thí nghiệm sẽ được đưa tới phòng riêng. Người ta sẽ đặt trước mặt chúng một chiếc kẹo dẻo và dặn rằng nếu trong thời gian họ ra khỏi phòng mà đứa trẻ không ăn kẹo thì sẽ được cho thêm một chiếc nữa.
Khi những đứa trẻ lớn lên, các nhà khoa học tiếp tục theo dõi chúng và nhận thấy rằng: Những đứa trẻ chống lại được cám dỗ, không ăn chiếc kẹo dẻo gặt hái được nhiều thành tựu trong học tập và công việc, kỹ năng xã hội tốt hơn, ít lạm dụng chất kích thích hơn, khả năng bị béo phì thấp hơn. Thí nghiệm trên đã chứng minh một điều: Kiên nhẫn và trì hoãn hưởng thụ là nhân tố then chốt ảnh hưởng đến thành công của một người. Giáo sư Duckworth từng nói rằng: Muốn trở thành người có nội tâm mạnh mẽ, nhận được cơ hội thực hiện giấc mộng, thì buộc phải có đủ kiên nhẫn để đối mặt với mọi áp lực mà thời gian và dục vọng gây ra.
Cảm xúc tiêu cực sẽ quấy nhiễu chúng ta, khiến chúng ta đánh mất năng lực suy xét lý tính, năng lực lựa chọn, quyết đoán cùng năng lực giải quyết vấn đề. Người dễ mất kiểm soát cảm xúc đa phần đều có tính tình nóng nảy, tính công kích mạnh, tự phụ quá mức… Kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả, thông qua việc tự hỏi bản thân những vấn đề như “tính khí nóng nảy từ đâu tới”, “nguyên nhân nóng nảy là do đâu”, “có cần thiết phải nóng nảy không”, dần dà có thể nâng cao năng lực tự kiểm soát.
Người ưu tú khi gặp khó khăn thường sẽ lựa chọn tiếp tục kiên trì, bởi họ nhận định đây là phương án tốt nhất. Họ hiểu rằng, sợ hãi không phải là con đường giải quyết vấn đề, không chỉ có vậy, lựa chọn trốn tránh cũng là đang trì hoãn thời gian tiến tới thành công của chính họ.
Câu chuyện nhỏ
PHẠM GIAO THÔNG: KẾ THỪA TAY NGHỀ, GIỮ TRỌN TÂM HUYẾT CỦA NGƯỜI NGHỆ NHÂN
Huyện Trầm Khâu thuộc tỉnh Hà Nam, xưa gọi là Mạt Lăng, là vùng đất có lịch sử lâu đời, bề dày văn hóa sâu đậm. Hàng ngàn năm qua Trung Hoa đã hình thành văn hóa yêu ngọc, thưởng ngọc, cất giữ ngọc, người Trầm Khâu cũng coi ngọc là báu vật. Sau khi Trung Quốc được thành lập, doanh nghiệp mọc lên như nấm, xưởng điêu khắc ngọc ở Trầm Khâu đã được khởi công xây dựng vào thời điểm đó. Trải qua nhiều năm kinh doanh và phát triển, xưởng đã có chút tiếng tăm ở Dự Đông và trên cả nước, không những đã đưa ngọc điêu khắc trở thành sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường đồ ngọc Trung Quốc, mà còn bồi dưỡng nên một loạt thợ điêu khắc ngọc giỏi. Phạm Giao Thông là một người trong số đó.
Phạm Giao Thông là con nhà nông, kế thừa truyền thống gia đình, vừa làm ruộng vừa đi học. Anh là người chịu thương chịu khó, chuyên cần hiếu học. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Phạm Giao Thông đã từ bỏ chức vụ cán bộ xã mà người khác ngưỡng mộ, kiên quyết đến làm việc tại xưởng điêu khắc ngọc Trầm Khâu. Anh kiên định một niềm tin rằng: Học một môn kỹ thuật, để yên thân gửi phận trong xã hội, trong hành trình dài đằng đẵng của đời người.
Ở xưởng điêu khắc ngọc Trầm Khâu, Phạm Giao Thông bắt đầu từ vị trí học việc, anh dụng tâm học tập, nghiên cứu, nắm vững công nghệ kỹ thuật điêu khắc ngọc, nhiều lần được người trong xưởng bình chọn là người thợ tiên tiến và giỏi kỹ thuật. Năm 1993, Phạm Giao Thông có được cơ hội đến học chuyện sâu tại lớp đào tạo chuyên ngành thủ công mỹ nghệ do Nhà nước Trung Quốc mở ra. Trong thời gian này, anh khiêm tốn học hỏi các thầy có trình độ cao, nên tài nghệ điêu khắc ngọc có tiến bộ vượt bậc, đồng thời được mở mang tầm nhìn về ngành văn hóa ngọc. Điều này đã đặt nền móng vững chắc cho việc khởi nghiệp sau này của anh.
Khi làn sóng kinh thế thị trường ập đến, Phạm Giao Thông cảm nhận được sự yếu kém sâu sắc trong tình hình phát triển của khu vực và hạn chế trong kỹ thuật của bản thân. Sau nhiều lần cân nhắc, anh đã từ bỏ công việc hiện có, đến Bạng Phụ, An Huy để lập nghiệp.
Hành trình đến Bạng Phụ gập ghềnh và đầy chông gai. Để kiếm tiền, ban đầu, Phạm Giao Thông làm kỹ thuật viên điêu khắc ngọc cho một xưởng điêu khắc ngọc không có tiếng tăm. Sau đó, xưởng đóng cửa, không trả tiền lương cho nhân công. Chút tiền sinh hoạt mang theo bên mình đã dùng hết, Phạm Giao Thông trở thành người không công ăn việc làm, không một xu dính túi, không cơm ăn áo mặc.
Trời không tuyệt đường người. Không bao lâu sau, anh nghe nói công xưởng của thầy Thời Bồi Thành cần người, lòng vui sướng khôn tả. Ở quê nhà Hà Nam, anh từng nghe nói tới thầy Thời tiếng tăm lẫy lừng. Sáng hôm sau, anh bèn tới công xưởng của thầy Thời để xin vào làm việc.
Thầy Thời thấy được tay nghề xuất sắc của Phạm Giao Thông, bèn sắp xếp anh làm việc trong công xưởng. Anh không đề cập chuyện tiền lương với thầy Thời, thầm nghĩ có miếng cơm ăn, có chỗ để ở đã tốt lắm rồi. Thầy Thời nhìn biểu hiện của Phạm Giao Thông ở công xưởng, cảm thấy anh có thể chịu khổ, tính cách trung hậu, thành thật, lại có nhận thức tốt, mỗi tháng phát cho anh hơn 1.000 tệ. Đây được xem là đãi ngộ khá cao lúc bấy giờ. Nhờ kết quả xuất sắc trong công việc, chưa đầy một năm, Phạm Giao Thông đã nhận được trả công hơn 3.000 tệ một tháng.
Là vàng thì sẽ luôn phát sáng, tay nghề xuất sắc và phẩm chất thành thật của Phạm Giao Thông khiến thầy Thời Bồi Thành cảm thấy ưng ý, quyết định nhận anh làm học trò. Có thể trở thành học trò chính thức của thầy Thời Bồi Thành “đệ nhất đồ ngọc Bạng Phụ”, là chuyện mà những người học điêu khắc ngọc đều tha thiết ước mong. Từ đó về sau, cuộc sống và công việc của Phạm Giao Thông đã phát sinh chuyển biến lớn. Trong thời gian hơn ba năm, thầy Thời đã tay cầm tay chỉ dạy tận tâm, dốc lòng truyền dạy cho Phạm Giao Thông, nhờ đó kỹ thuật điêu khắc ngọc của anh được nâng cao rõ rệt, giúp anh trổ hết tài năng trong ngành đồ ngọc ở Bạng Phụ.
Nhưng Phạm Giao Thông không thỏa mãn với thành tựu đã có, anh tiếp tục rèn giũa tay nghề, nắm vững từng kỹ thuật. Đối với mỗi tác phẩm, anh đều dày công điêu khắc từng chi tiết – một con rồng, một ngọn núi, một cái cây, một pho tượng, một đồ vật trang trí, đều giống hệt như thật, tinh xảo, sinh động. Có công mài sắt, có ngày nên kim, Phạm Giao Thông đã được trao tặng danh hiệu “Bậc thầy thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc”, “Bậc thầy thủ công mỹ nghệ điêu khắc ngọc Trung Quốc”.
Phạm Giao Thông luôn cho rằng, “ngọc và nhân phẩm so đức” là nội hàm đích thực của văn hóa ngọc Trung Quốc. Đến nay, anh đã xây dựng khu sản nghiệp văn hóa ngọc của mình, dốc sức gây dựng “bức thành ngọc vùng Trung Nguyên”, thu hút những người yêu thích, những người sưu tầm châu báu ngọc thạch ở khắp nơi tới giao lưu. Anh luôn giữ nguyên tắc làm nghề “Lấy người làm gốc, thiện chí giúp người, thành tâm kinh doanh”, kiên trì với tâm nguyện “Làm người trước, làm việc sau”. Trong khi người khác cho rằng người cùng ngành là đối thủ cạnh tranh, thì Phạm Giao Thông lại tin tưởng vững chắc rằng, chỉ khi mọi người giúp đỡ lẫn nhau, mới có thể cùng phát triển. Và anh cũng bởi vậy mà có được danh tiếng tốt trong giới.
Suốt hành trình của mình, Phạm Giao Thông luôn mang theo tâm nguyện ban đầu, chuyên tâm với sự nghiệp điêu khắc ngọc tới tận bây giờ. Trong tương lai, anh vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này, để sự nghiệp điêu khắc ngọc tạo phúc cho nhiều người hơn. Anh đang nghiêm túc thực hành tinh thần người nghệ nhân, không ngừng kế thừa, phát triển, sáng tạo, giữ vững tâm nguyện ban đầu, theo đuổi giấc mơ, tiến về phía trước.