Tín niệm của người nghệ nhân mới là gì? Là sáng tạo giá trị độc đáo, tạo ra tác phẩm của linh hồn. Giá trị độc đáo, nói một cách đơn giản chính là bạn có thể cung cấp giá trị mà người khác không cung cấp được, hoặc là bạn có thể cung cấp giá trị tốt hơn người khác. Bạn có thứ người khác không có, cho dù người khác có, nhưng bạn vẫn ưu tú hơn họ. Nếu người khác ưu tú, bạn lại có năng lực độc đáo hơn, còn là năng lực mà người khác không có. Trong thời đại mới, có thể cung cấp giá trị “độc nhất vô nhị” là vốn liếng giúp bạn sinh tồn tốt hơn.
Xét về mặt vĩ mô, ngoài việc cung cấp giá trị “độc nhất vô nhị”, thì người nghệ nhân còn phải nâng cao tỉ lệ sử dụng tài nguyên. Đến nay, cạnh tranh sản phẩm cùng loại đã lên đến mức căng thẳng tột độ. Ví dụ, một người câu được cá ở chỗ X trong ao đầm, sau đó sẽ có muôn người như ong vỡ tổ chen chúc tới chỗ đó câu cá, kết quả là mọi người đều không câu được con cá nào. Hay ví dụ như, một người mở một nhà hàng ở địa điểm Y, chuyện làm ăn vô cùng phát đạt, sau đó sẽ có vô khối người thi nhau bắt chước mở nhà hàng ở địa điểm đó. Kết quả có thể thấy, không hề lý tưởng. Trên thực tế, mở một cửa hàng tiện lợi, quán đồ ăn vặt hoặc quán cà phê ở gần nhà hàng đó mới là hành động sáng suốt.
Có vô vàn ví dụ tương tự như vậy. Trong môi trường thị trường như ngày hôm nay, ảnh hưởng trực tiếp mà hiện tượng kể trên gây ra chính là lãng phí tài nguyên xã hội, tức đầu tư quá độ. Đồng thời, nó làm giảm tỉ lệ sử dụng tài nguyên của cả xã hội, khiến nhiều hành vi thị trường không có hiệu quả.
Chỉ có tạo dựng sự khác biệt, tạo dựng giá trị độc đáo, mới có thể tận dụng tối đa tài nguyên xã hội, mới phù hợp với con đường phát triển khoa học mà chúng ta đề xướng.
Xét từ góc độ phát triển lâu dài của doanh nghiệp, nếu từ đầu đến cuối đều cung cấp cho người dùng giá trị tương tự, cũng là hành vi không sáng suốt. Trong những thời kỳ nhất định, số lượng người tiêu dùng là có hạn. Để giành được sự tin tưởng của nhiều người tiêu dùng hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ vắt óc nghĩ ra mọi cách, thậm chí đầu cơ trục lợi, không ngại sản xuất những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng để lừa gạt người tiêu dùng. Còn đối với người tiêu dùng, họ càng có chiều hướng ưa chuộng sản phẩm tốt, giá rẻ hơn. Bởi vậy, cạnh tranh sản phẩm cùng loại là mồi lửa quan trọng trong cuộc chiến giá thành. Nhưng vì giá thành sản phẩm ngày càng thấp, nên lợi nhuận của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng ít, điều này sẽ khiến một số doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ tổn hại nặng nề.
Nếu bạn có thể cung cấp cho người dùng sự khác biệt hay giá trị độc đáo, thì bạn có thể tránh khỏi cuộc cạnh tranh thị trường khốc liệt, đồng thời tìm được vị trí và giá trị tồn tại của mình trên thị trường.
Đối với người tiêu dùng, thị trường đồng nhất sẽ khiến những lựa chọn bị thu hẹp. Cùng với sự phát triển của thời đại, sự nâng cao thực lực kinh tế của người dân, sự tự tin cũng được tăng cường không ngừng, tiêu dùng cá tính hóa ngày càng trở nên rõ rệt. Chỉ có cung cấp giá trị độc đáo cho người tiêu dùng, thì doanh nghiệp mới có thể đạt được thành công thực sự.
Nếu bạn muốn cung cấp giá trị độc đáo cho người tiêu dùng, thì giá trị ấy của bạn phải thực tế hơn đối thủ cạnh tranh. Có lẽ, sẽ có người hỏi, đối với người tiêu dùng, giá trị thế nào mới là độc đáo nhất? Thực tế, chúng ta không thể có câu trả lời cho câu hỏi trên. Trong thị trường coi trọng vật chất này, giá trị cung cấp cho người tiêu dùng mà bạn có thể nghĩ tới, có thể đã xuất hiện từ lâu rồi.
Doanh nghiệp có thể tìm thấy mọi đáp án liên quan đến vấn đề về người tiêu dùng trên thị trường. Giá trị “độc nhất vô nhị” không tự dưng xuất hiện, mà phải tìm kiếm. Phát hiện nhu cầu tiềm tàng của người tiêu dùng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một doanh nghiệp có đủ ưu tú hay không.
Doanh nghiệp có tinh thần sáng tạo sẽ có sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng, nhìn thấu tâm lý của người tiêu dùng. Ví dụ, Home Inn (Homeinns Co., Ltd) đã sớm hiểu rằng người tiêu dùng hi vọng được ở trong khách sạn vừa chất lượng vừa giá rẻ, nên đã xây dựng chuỗi khách sạn theo mô hình kinh tế, dùng khẩu hiệu “Nhà của người xa nhà” cùng chiến lược giá rẻ để bứt phá trong cạnh tranh khốc liệt, tạo ra một vùng trời đất thuộc về riêng mình. Hay ví dụ như, Công ty Youpon (Jiaxing Youpon Integrated Wall Co., Ltd.) được thành lập sau khi ông chủ vô tình nghe thấy lời phàn nàn của người tiêu dùng về trần nhà trong một chuyến công tác. Vị chủ doanh nghiệp này đã nảy ra ý tưởng về dòng sản phẩm trần nhà kiểu tích hợp. Cứ như vậy, Công ty trần nhà tích hợp Youpon đã trở thành người dẫn đầu trong ngành.
Home Inn và Công ty trần tích hợp Youpon sở dĩ có thể thành công, là bởi họ đã căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng, hoàn thiện và điều chỉnh lại sản phẩm và dịch vụ, từ đó đánh bại đối thủ cạnh tranh cùng ngành trên thị trường, cung cấp giá trị độc đáo cho người tiêu dùng tiềm năng.
Trong thị trường đồng nhất, doanh nghiệp phải học cách sáng tạo, cách tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, và phải dám khác biệt. Khác biệt là như thế nào? Ví dụ, khi mọi người đều cho rằng việc ứng dụng thương mại điện tử trong du lịch rất hay và nỗ lực đi theo hướng này, thì bạn nên khác biệt với người khác, phải dám sáng tạo, xây dựng điểm đặc sắc của riêng mình. Khác biệt, có thể là hữu hình, cũng có thể là vô hình, còn có thể là sự kêu gọi về mặt tình cảm. Phải xem chúng ta hiểu về nó như thế nào. Ví dụ, cùng là may âu phục, doanh nghiệp có thể đầu tư công sức về phần thiết kế, có thể sử dụng chất vải khác nhau, còn có thể cung cấp thể nghiệm tiêu dùng khác biệt cho người tiêu dùng về mặt tình cảm. Hay trong lĩnh vực nước uống, khi mọi doanh nghiệp đều sản xuất nước uống tinh khiết, Công ty Nongfu Spring của Trung Quốc đã trở nên nổi bật khi tung ra thị trường loại nước có “vị ngọt nhẹ”. Hãng nước uống Robust (Guangdong Robust Corp) cũng được đông đảo người tiêu dùng nhớ đến với công nghệ 27 tầng lọc nước. Chỉ có phát huy tính độc đáo của sản phẩm, mới có thể thoát khỏi vũng bùn của trận chiến giá cả, mới có thể khiến người tiêu dùng quan tâm đến giá trị của bạn hơn, chứ không phải là giá cả.
Chiến lược tạo sự khác biệt
Về việc làm thế nào để cung cấp giá trị độc đáo cho người tiêu dùng, chúng ta có thể đi từ phía nhà cung cấp.
Đầu tiên, nhà cung cấp phải có tài nguyên và năng lực độc đáo. Tài nguyên, là chỉ sự vật có thể nhìn thấy, có thể định lượng, còn năng lực để chỉ thứ không thể nhìn thấy, không thể định lượng. Tài nguyên bao gồm vốn dự trữ, tài sản cố định, thiết bị sản xuất, số lượng kênh phân phối… Còn năng lực bao gồm khả năng trù hoạch vốn, mức độ cao thấp trong giá trị đầu ra của tài sản cố định, khả năng giải phóng sản lượng và tỉ lệ sử dụng, còn có vị thế thị trường của doanh nghiệp…
Tục ngữ có câu “Đắt ra quế, ế ra củi”, chủ yếu để chỉ tầm quan trọng của tài nguyên khan hiếm. Đúng như câu “Ông trời thưởng cho miếng cơm ăn”, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và gia công sản phẩm nông nghiệp, đã tận dụng giá trị độc đáo do tài nguyên khan hiếm cung cấp để có thể thu được lợi nhuận. Đơn cử có thể kể đến ngọc Hòa Điền của Tân Cương, táo Thiểm Tây…
Nếu các khu vực có thể tận dụng tài nguyên của mình để tạo ra giá trị độc đáo, vậy thì doanh nghiệp cũng có thể sử dụng ưu thế của mình để cung cấp giá trị độc đáo cho người tiêu dùng. Ví dụ, Công ty Dong-E E-Jiao (Shandong Dong-e E-Jiao Co.,Ltd.) chuyên sản xuất và bán các sản phẩm y học cổ truyền Trung Quốc đã vang danh thiên hạ với “thần dược” có tên Ejiao được ca tụng là “báu vật của ngành Dược Trung Quốc”. Đây là chất gelatin được chiết xuất từ da lừa, được quảng cáo là có công dụng tăng cường sinh lực, duy trì nét trẻ, chữa bệnh mất trí nhớ, vô sinh và các vấn đề về hô hấp khác. Công ty này có lợi thế về lịch sử lâu đời, tài nguyên da lừa và tài nguyên nước, hơn nữa còn có công nghệ luyện cao độc đáo. Những điều này cùng tạo nên giá trị “độc nhất vô nhị” của công ty.
Chiến lược tạo sự khác biệt thứ hai chính là xây dựng năng lực đặc biệt. Điều này được thể hiện ở phương diện sáng tạo của doanh nghiệp, ví dụ nghiên cứu phát triển kỹ thuật sản xuất và công nghệ sản xuất sáng tạo. Đương nhiên, nó còn được thể hiện ở phương thức kinh doanh, ví dụ trong phương diện quản lý kênh, chuỗi cung ứng và quản trị marketing. Ví dụ như hãng máy tính Lenovo sở hữu mô hình thương mại độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng. Hiện tại, tập đoàn Lenovo đã đầu tư xây dựng nhà máy mới và liên doanh với các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Brasil, Mỹ để sản xuất máy tính cá nhân và thiết bị Internet lưu động. Lenovo có thể đánh đâu thắng đó, là vì đã áp dụng mô hình thương mại độc đáo. Người đi sau đã bắt chước mô thức này, nhưng đều không thu được hiệu quả lý tưởng. Nguyên nhân là tại sao? Bởi Lenovo đã xoay quanh mô hình thương mại này để xây dựng năng lực độc đáo khó có thể bắt chước, doanh nghiệp khác khó mà áp dụng được. Hãng đã tận dụng công nghệ thông tin tiên tiến, xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả cao, trong đó năng lực quản lý chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Lenovo được cấu thành bởi bộ phận then chốt như quản lý tồn kho cung ứng, quản lý nhu cầu người tiêu dùng, quản lý cân bằng cung cầu toàn cầu thông qua sự ủng hộ của việc tối ưu hóa quy trình và sự nâng cấp hệ thống. Đây là một loại năng lực có tính kết cấu, tính hệ thống, là hệ thống kinh doanh được quy hoạch khoa học, thiết kế hợp lý, gắn kết với công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến. Do kết cấu tổ chức và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất máy tính truyền thống khó có thể tương thích với mô hình thương mại hiện đại, nên các nhà chế tạo máy tính truyền thống khó mà bắt chước mô hình kinh doanh độc đáo của Lenovo.
Cố định mô hình kinh doanh là bệnh chung của các doanh nghiệp truyền thống. Trong thị trường hiện nay, có thể nói mô hình thương mại giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp là rất giống nhau, không phân biệt được, vì vậy có thể gây ra cạnh tranh đồng nhất hóa. Nếu một doanh nghiệp muốn thoát khỏi lớp lớp vòng vây, trổ hết tài năng từ mô hình thương mại về cơ bản giống nhau, vậy thì doanh nghiệp cần hình thành mô hình thương mại khác biệt. Chỉ có thông qua sự khác biệt, cung cấp giá trị thương mại độc đáo cho thị trường, doanh nghiệp mới có thể đứng vững.
Thời đại chúng ta đang sống là thời đại sản phẩm vật chất ngày càng phong phú, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng đa dạng. Xét về phương diện chi tiêu, có những xu thế sau:
Một là mức sống của người dân đã được nâng cao, đang dần quá độ từ “thường thường bậc trung” lên “giàu có”.
Hai là mô hình tiêu dùng của người dân đang chuyển hóa từ hình thức tương tự, cứng nhắc sang mô hình đa dạng hóa, phân tầng rõ ràng.
Ba là chỉnh thể cấu trúc tiêu dùng đã chuyển hóa từ dạng sinh tồn sang dạng hưởng thụ và phát triển, người tiêu dùng chú trọng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân hơn, mức độ tiêu dùng tăng nhanh.
Bốn là quyết sách tiêu dùng chuyển từ bị động sang chủ động, từ theo số đông sang cá nhân.
Năm là quan niệm tiêu dùng của người dân không còn là tiết kiệm như trước nữa, mà là tiêu dùng chừng mực, tiêu dùng lành mạnh, tiêu dùng xanh, tiêu dùng bảo vệ môi trường, tiêu dùng an toàn và tiêu dùng khoa học. Quan niệm phát triển bền vững dần được người tiêu dùng tiếp nhận.
Có nhu cầu mới có thể tạo ra thị trường nên trong bối cảnh hiện nay, khái niệm “marketing khác biệt” ngày càng được các doanh nghiệp chào đón.
Doanh nghiệp phải đặt tầm ngắm kinh doanh vào thị trường phân khúc, thực hiện chiến lược khác biệt hóa, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Chiến lược khác biệt hóa là gì? Là doanh nghiệp thông qua việc cung cấp sản phẩm có đặc tính, kỹ thuật và hình tượng thương hiệu độc đáo, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa để củng cố đặc điểm của sản phẩm, cung cấp giá trị gia tăng cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cái giá tương đối cao để mua hàng hóa. Xuất phát từ ba cấp độ của nội hàm hàng hóa, có thể chia chiến lược khác biệt hóa làm ba phương diện, bao gồm: khác biệt hóa sản phẩm, khác biệt hóa thị trường và khác biệt hóa hình tượng. Khi doanh nghiệp xây dựng hình tượng tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng, người tiêu dùng tự nhiên sẽ nảy sinh lòng yêu thích đối với sản phẩm của doanh nghiệp.
Chiến lược khác biệt hóa mà chúng ta nói tới ở trên là một quá trình động, mọi sự khác biệt đều không phải là vĩnh viễn, bất biến. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự nâng cao trong mức sống của người dân, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đang không ngừng biến đổi. Sự khác biệt của ngày hôm qua sẽ biến thành sự bình thường của ngày hôm nay. Đồng thời, sách lược của đối thủ cạnh tranh cũng đang không ngừng thay đổi, đặc biệt là trên các phương diện như giá cả, quảng cáo, đóng gói, và những khía cạnh này cũng dễ bị các doanh nghiệp khác bắt chước. Không có khác biệt nào có thể được duy trì vĩnh viễn. Nếu một doanh nghiệp muốn lấy sự khác biệt làm chiến lược phát triển lâu dài, chỉ có không ngừng sáng tạo, mới có thể thích ứng với sự biến đổi về nhu cầu của khách hàng; chỉ có thông qua sáng tạo để thoát khỏi việc bị bắt chước, mới có thể chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng.
Ví dụ, đối với doanh nghiệp truyền thông, sự khác biệt hóa trong dịch vụ được thể hiện ở chỗ có thể lựa chọn một số phương diện trong hoạt động marketing để tạo sự khác biệt, ví dụ kênh, phương pháp, sản phẩm… Khác biệt hóa sản phẩm truyền thông chính là cách để sản phẩm của doanh nghiệp có ưu thế hơn đối thủ cạnh tranh về mặt tính năng, chất lượng. Giá trị nòng cốt của sản phẩm của một doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh cùng ngành nghề là tương đồng, cái khác là mức độ tốt xấu về tính năng, chất lượng.
Nhà quản lý doanh nghiệp phải coi sự khác biệt là chiến lược, chứ không phải là chiến thuật. Bậc thầy Quản lý học Peter Ferdinand Drucker từng nói rằng, tôn chỉ của doanh nghiệp là những thứ tồn tại ngoài bản thân doanh nghiệp, nó chỉ có một định nghĩa, đó chính là tạo ra khách hàng. Còn then chốt của khác biệt hóa chính là sáng tạo giá trị độc đáo cho khách hàng, dùng đặc điểm không thể bắt chước của sản phẩm để thu hút khách hàng, tạo ra khách hàng, giữ chân khách hàng.
Giá trị khách hàng tối cao
Giá trị khách hàng, thực ra chính là mức độ cống hiến của khách hàng đối với doanh nghiệp. Giá trị ở đây bao gồm giá trị kinh tế và giá trị xã hội. Giá trị khách hàng chủ yếu thể hiện ở trách nhiệm. Một doanh nghiệp nên có tinh thần “ba trách nhiệm”, tức chịu trách nhiệm về lợi ích công ty, về sự trưởng thành của công ty và về giá trị khách hàng.
Doanh nghiệp có hai loại khách hàng: khách hàng nội bộ và khách hàng bên ngoài. Giữa các phòng ban, giữa các đồng nghiệp, giữa trình tự làm việc trên và dưới trong doanh nghiệp đều tồn tại mối quan hệ phục vụ và được phục vụ, nên họ cũng trở thành khách hàng nội bộ của nhau. Khách hàng bên ngoài chính là người tiêu dùng, bao gồm khách hàng cố định sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, và khách hàng tiềm năng.
Bởi vậy, một doanh nghiệp muốn giành được hiệu quả phục vụ khách hàng tốt nhất, đầu tiên nên phục vụ tốt khách hàng nội bộ. Phải chăm sóc nhân viên, có chế độ đãi ngộ hợp lý, cung cấp cơ hội học tập và thăng tiến cho nhân viên… Doanh nghiệp có tiêu chuẩn, chế độ và phương thức khảo hạch như thế nào, sẽ xây dựng được đội ngũ nhân viên như thế. Ngoài ra, đối với khách hàng bên ngoài, phải không ngừng nâng cao và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, không ngừng sáng tạo mô hình thương mại, như vậy mới có thể có được một lượng khách hàng lớn, chất lượng cao.
Ở phương diện này, HaiDiLao (Haidilao International Holding Ltd) đã thực hiện vô cùng tốt. HaiDiLao là một chuỗi nhà hàng lẩu Tứ Xuyên mở ra ở Giản Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã trổ hết bản lĩnh trong trận tranh hùng trên mặt trận kinh doanh nhà hàng ăn uống, vươn mình nổi tiếng khắp quốc gia này chỉ trong thời gian ngắn. Đòn sát thủ mà HaiDiLao tung ra chính là dịch vụ chất lượng cao. Sự coi trọng của HaiDiLao đối với dịch vụ đã thẩm thấu tới mỗi mắt xích trong sự vận hành của doanh nghiệp. Ví dụ, nhà hàng đã chuẩn bị các loại đồ ăn, thức uống, trò chơi cùng với các dịch vụ miễn phí khác cho khách hàng đang chờ được phục vụ, để quá trình này tràn đầy niềm vui. Khi bạn dùng bữa ở HaiDiLao, bạn sẽ cảm nhận được rằng, cái bạn mua không phải là đồ ăn thức uống, mà là lòng nhiệt tình, chu đáo của nhà hàng. Đây là điều mà những doanh nghiệp kinh doanh đồ ăn khác không thể làm được. HaiDiLao đã hoàn toàn phá vỡ nhận thức cố hữu của mọi người về định nghĩa “dịch vụ”. Ngoài ra, ở HaiDiLao, từ quản lý cho tới nhân viên, đều nhận được đãi ngộ cao hơn rất nhiều so với nhân viên các nhà hàng khác. Toàn bộ nhà ở cho nhân viên của HaiDiLao đều là phòng hai gian hoặc ba gian trong tiểu khu chung cư, hơn nữa đều được lắp đặt điều hòa. Chỉ tính riêng chi phí nhà ở cho nhân viên, một năm một cửa hàng của HaiDiLao đã tiêu tốn tới 500 nghìn tệ.
Thực tế, mục đích căn bản của marketing thị trường là tạo ra giá trị cho khách hàng. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn có thể mang lại thêm chút giá trị cho khách hàng, thì bạn sẽ nhận được sự xem trọng của họ, hoạt động marketing cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Giống như vị giám đốc marketing của một công ty đa quốc gia đã nói: “Nếu bạn có thể tạo ra giá trị cho khách hàng, khách hàng sẽ mở rộng cánh cửa chào đón bạn.”
Một người muốn sống hạnh phúc, thì cần phải suy nghĩ tới cảm nhận của người khác, học cách nhìn nhận vấn đề từ lập trường của người khác. Điều này cũng đúng khi áp dụng cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp muốn thu được lợi nhuận, thì trước tiên phải tạo ra giá trị và lợi ích cho khách hàng. Cuộc cạnh tranh cốt lõi giữa các doanh nghiệp chính là cuộc cạnh tranh tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng, cho khách hàng.
Doanh nghiệp vĩ đại theo đuổi lợi nhuận, khách hàng giành được càng nhiều lợi ích trong thời gian càng dài, thì lợi nhuận của công ty sẽ càng cao.
Vậy làm thế nào để sáng tạo ra giá trị độc đáo?
Khi một thương hiệu có sức hấp dẫn lớn đối với một khách hàng, vấn đề cạnh tranh về mặt giá cả sẽ không tồn tại, nguyên nhân là thương hiệu lớn có sức hấp dẫn độc đáo của riêng mình.
Vậy giá trị là gì? Nói một cách đơn giản, vật phẩm thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, có tác dụng đối với cuộc sống của chúng ta, vật phẩm này đã được gửi gắm giá trị. Khi đôi giày của một người bị bẩn, bạn lau sạch giúp người đó, việc bạn làm là việc có giá trị, nhưng vì những người khác cũng có thể làm việc này, nên có thể nói bạn không sáng tạo ra giá trị độc đáo, bởi vậy bạn có thể bị người khác thay thế. Steve Jobs – nhà sáng lập Apple đã sáng tạo ra điện thoại thông minh, khiến điện thoại tăng sức hấp dẫn độc đáo của nó, đây là điều mà những người khác không làm được, đây chính là giá trị độc đáo.
Có người từng hỏi bậc thầy Quản lý học Peter Ferdinand Drucker rằng làm thế nào mới có thể trở thành người thành công. Câu trả lời của ông khiến người kia vô cùng hoang mang, ông nói, những người hỏi loại câu hỏi này thường sẽ không thành công. Truy cứu nguyên nhân, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để trở thành người thành công, mà phải nỗ lực trở thành người có giá trị. Bill Gates từng nói rằng, mọi người chỉ để tâm xem bạn có giá trị gì đối với người khác, mà không bao giờ để tâm xem cái tôi của bạn là gì. Đây chính là mấu chốt của thành công!
* Phát hiện ra điểm độc đáo của bản thân
Vậy thì, bạn phải làm gì để tăng giá trị cho bản thân? Trước tiên, bạn phải học cách phát hiện ra điểm độc đáo của bản thân, đừng quá quan tâm đến điểm giống nhau giữa mình và người khác. Thương hiệu ưu tú luôn thể hiện ra điểm đặc biệt của mình trong cuộc cạnh tranh với thương hiệu khác, sau đó mới có thể giành được phần thắng. Một thương hiệu có giá trị là thương hiệu có thể lột tả ưu điểm và sở trường của mình một cách rõ ràng, chuẩn xác, như vậy mới để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng. Thứ mà doanh nghiệp bán không chỉ là hàng hóa, mà còn là món quà lưu niệm giàu ý nghĩa.
Điểm khác biệt của bạn có thể chẳng mấy đáng kể. Trên thực tế, giữa đa số các sản phẩm cùng loại không có khác biệt quá lớn, nhưng chính khác biệt nhỏ bé đã tạo ra ưu thế cạnh tranh lớn mạnh. Tương tự như vậy, bạn không cần có khác biệt quá nổi trội so với người khác, điểm độc đáo của bạn có thể vô cùng nhỏ bé, nhưng bạn nhất định phải hiểu rõ rốt cuộc là bạn khác người ta ở đâu.
Một khi bạn phát hiện ra điểm khác biệt của bản thân mình, bạn nên trân trọng nó, bởi có thể nó sẽ mang tới vô số cơ hội cho bạn. Mọi người thường bỏ ra một số tiền lớn để mua hàng hóa có tính độc đáo. Tương tự như vậy, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cũng sẽ bỏ ra khoản tiền lương cao hơn để khai thác nhân tài. Khi bạn là một người quản lý cấp cao, những khách hàng coi trọng bạn chắc chắn cũng hiểu được sự khác biệt của công ty bạn, chính vì những khác biệt này, khách hàng mới tin tưởng rằng, hợp tác với bạn sẽ sản sinh nhiều giá trị và lợi ích hơn.
Thượng đế đóng cánh cửa này, thì sẽ mở ra cho bạn cánh cửa khác. Mỗi người đều là độc nhất vô nhị, chỉ có điều quỹ đạo cuộc sống mỗi người không giống nhau mà thôi. Nhận biết rõ về bạn và người khác, đừng dùng cuộc sống của mình để “đo đạc” cuộc sống của người khác, hiểu rõ điểm khác biệt của mình nằm ở đâu, có như vậy bạn mới trở thành người có giá trị.
Đây là một câu chuyện tương đối quen thuộc: Trong một cuộc hội thảo, vị diễn giả nổi tiếng không nói lời mở đầu, mà chỉ giơ cao một tờ 20 đô la Mỹ. Bấy giờ, có hơn 200 người ngồi trong khán phòng, diễn giả nói: “Ai trong số các bạn muốn tờ 20 đô la Mỹ này?” Rất nhiều cánh tay giơ lên, nhưng diễn giả lại nói: “Tôi sẽ tặng tờ 20 đô la Mỹ này cho một trong số các bạn, nhưng trước đó, xin mọi người hãy cho phép tôi làm một việc.” Sau đó, diễn giả vo tròn tờ tiền lại, nói: “Có ai muốn nó không?” Lúc này, vẫn có người giơ tay. Thấy vậy, diễn giả lại nói tiếp: “Nếu tôi làm như thế này, thì sẽ như thế nào nhỉ?” Diễn giả ném tờ tiền xuống đất rồi giẫm chân lên. Sau đó, diễn giả nhặt tờ tiền lên, tờ tiền đã bẩn, diễn giả lại hỏi: “Bây giờ còn có ai muốn tờ tiền này nữa không?” Vẫn có người giơ tay.
Mọi người muốn có tờ tiền kia, là vì bất kể tờ tiền bị vò, bị làm bẩn, giá trị của nó vẫn tồn tại. Trên đường đời, có lẽ chúng ta sẽ gặp phải muôn vàn trắc trở, gập ghềnh, bị khó khăn đánh bại. Nhưng bạn phải hiểu rằng, dù thất bại hay thành công, bạn vẫn là bạn, vĩnh viễn sẽ không mất đi giá trị của mình. Giá trị của chúng ta được quyết định bởi nỗ lực của chúng ta. Họa sĩ người Áo, Egon Schiele từng nói rằng, giá trị của đời người tồn tại trong vai diễn chúng ta sắm, chứ không phải là trên sân khấu cuộc đời.
Có người dùng cách bắt chước để làm nổi bật năng lực của mình, mà không biết rằng, làm sao có thể bê nguyên xi năng lực của người khác sang bản thân mình? Tri thức không thể có được bằng cách đi mượn, cũng không thể có được bằng cách đố kỵ; năng lực của bạn như thế nào vẫn sẽ là như thế ấy, không tăng, không giảm khi bạn dùng chiêu trò. Chỉ có nỗ lực thực sự, mới là chỗ dựa tốt nhất cho bản thân. Giá trị cuộc đời là do bản thân tích lũy mà thành, không phải là bậc thang do người khác giúp bạn xây nên.
* Tạo dựng thương hiệu cá nhân
Muốn có thành tựu trong sự nghiệp, thì điều quan trọng nhất chính là xây dựng thương hiệu cá nhân. Những người thành công sẽ thông qua sự hợp tác chân thành để xây dựng uy vọng và danh tiếng cho mình, từ đó hình thành thương hiệu của riêng mình, nhằm đạt được vị thế có lợi trong cuộc cạnh tranh thị trường.
Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân? Phải có nhận thức rõ ràng về giá trị độc đáo của bản thân, giống như việc quản lý thương hiệu của công ty, thương hiệu cá nhân không phải là thứ bạn sáng tạo ra, mà là thứ được khai thác ra. Nói từ góc độ của người quản lý, thông thường sẽ thông qua việc phát hiện giá trị độc đáo của bản thân để thúc tiến việc hình thành thương hiệu có tính cơ động, đồng thời phải có một ý tưởng rõ ràng về thương hiệu. Nhân viên công sở đang trong thời kỳ thăng tiến càng nên chú ý tới những điều này.
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân, cần phải chú ý đến ba nhân tố do con người tạo nên: bản thân, thị trường mục tiêu và đối thủ cạnh tranh. Ba nhân tố này đan xen lẫn nhau, bạn phải tìm thấy giá trị độc đáo của mình từ đó.
Hiểu rõ bản thân, mới có thể chiến thắng bản thân. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân và mục tiêu cá nhân là bổ trợ cho nhau. Trong thực tế, không khó để phát hiện ra rằng, hầu hết các thương hiệu thành công đều bắt nguồn từ một kế hoạch phát triển thương hiệu tầm cỡ.
Điều kiện đầu tiên để xây dựng thương hiệu cá nhân chính là cần phải xác định được một cách rõ ràng mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bản thân trong thời gian một năm, năm năm, thậm chí là mười năm tới. Khi bạn hiểu rõ bản thân phải đạt được mục tiêu như thế nào, bạn sẽ biết hướng nỗ lực, phấn đấu của mình vào nó. Ngược lại, nếu bạn không biết bước tiếp theo mình nên làm gì, bạn sẽ cảm thấy hoang mang và muốn bỏ cuộc.
Thương hiệu càng có tầm ảnh hưởng thì càng có thể thể hiện cho thế giới thấy nội tâm mộc mạc nhất của người sáng lập. Nói cách khác, thành công của bạn trong sự nghiệp, có mối liên hệ mật thiết đến ưu thế, giá trị quan, lòng nhiệt tình của bạn đối với nghề nghiệp và tầm nhìn của bạn.
Bạn cần phải làm rõ bốn câu hỏi sau: Bạn là ai? Bạn có điểm độc đáo gì? Bạn muốn làm gì? Bạn muốn làm như thế nào? Chỉ có như vậy, bạn mới hiểu rõ về bản thân, mới có thể tiến bước xa hơn. Đồng thời, bạn càng phải hiểu một cách rõ ràng làm thế nào mới có thể khai thác được tốt hơn tiềm lực của bản thân, khích lệ bản thân, thúc đẩy bản thân không ngừng thành công. Ngoài ra, bạn còn phải giỏi trong việc tiếp thu lời khuyên của người khác dành cho mình. Xây dựng thương hiệu cá nhân chính là phải để người khác công nhận bạn, tin tưởng bạn. Chỉ có như vậy, người khác mới thực sự hiểu về thương hiệu của bạn. Đồng thời, bạn còn nên nắm vững cách mà thế giới bên ngoài cảm nhận về thương hiệu của bạn.
Một điểm then chốt trong tiến trình xây dựng thương hiệu cá nhân chính là xây dựng mối quan hệ thống nhất giữa hình tượng cá nhân của bạn và cảm nhận của người khác về bạn. Khi người khác miêu tả về bạn giống như bạn miêu tả về mình, chứng tỏ bạn đã bắt đầu xây dựng được một thương hiệu cá nhân rồi. Khi mọi người có ấn tượng vô cùng rõ ràng về bạn, bạn có thể cân nhắc tới việc xác định và chinh phục thị trường mục tiêu của bạn. Thị trường mục tiêu cần bạn, có thể giúp bạn thực hiện được mục tiêu của mình, đồng thời yêu cầu của họ cũng phù hợp với mục tiêu của bạn.
Thương hiệu có tầm ảnh hưởng luôn hiểu thị trường mục tiêu của mình, sẽ dùng hết tài nguyên mình có để truyền đạt thông tin về thương hiệu. Ví dụ, thương hiệu ôtô Volvo (Volvo Personvagnar AB) luôn truyền đạt tới thị trường mục tiêu – những người lần đầu làm mẹ - thông tin sản phẩm của Volvo an toàn, đáng yên tâm như thế nào.
Chỉ có hiểu được mục tiêu lâu dài của mình, thì bạn mới có thể xác định được thị trường mục tiêu một cách rõ ràng và hoàn chỉnh. Chỉ khi hiểu được khách hàng cần gì ở bạn, bạn mới có thể, xây dựng thị trường mục tiêu của mình. Bạn có thể thông qua tuổi tác, nghề nghiệp, chỗ ở hiện tại cùng các số liệu thống kê khác để nhận biết tình hình chi tiết của thị trường mục tiêu.
Hãy học cách dùng phương thức thích hợp nhất để gây ảnh hưởng tới thị trường mục tiêu. Cần nhận thức rõ họ là ai? Thói quen của họ là gì? Nhu cầu của họ ra sao? Bạn cũng cần biết ở nơi nào, thông qua phương thức nào để đạt được mục đích gây ảnh hưởng đến họ… Điều này sẽ giúp việc xác lập thị trường mục tiêu của bạn trở nên dễ dàng hơn, từ đó giúp bạn mở rộng độ phổ biến của thương hiệu mình.
Khi bạn tìm hiểu đối tượng mục tiêu của mình bằng cách này, đồng thời biết được phương thức, phương pháp gây ảnh hưởng đến họ, bạn có thể bắt đầu quan tâm đến nhân tố khác quyết định thương hiệu cá nhân của bạn, tức đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh xã hội ngày càng khốc liệt, để bản thân trở nên nổi bật hơn là điều hết sức quan trọng.
Ví dụ, trong một cuộc dự tuyển, làm thế nào mới có thể đánh bại những ứng viên khác? Phải biết mình biết ta, hiểu được điểm giống và khác giữa đôi bên.
Địa vị của bạn càng cao, thì danh tiếng và thương hiệu sẽ càng trở nên quan trọng. Hiểu rõ đặc điểm chung giữa bạn và đối thủ, đồng thời biết được phẩm chất như thế nào khiến bạn trở nên khác biệt với họ, từ đó trổ hết tài năng, để bản thân trở thành người được lựa chọn lý tưởng cho chức vụ cuối cùng kia.
Một khi đã xây dựng được thương hiệu cá nhân, bạn còn phải có một lời thuyết minh rõ ràng về thương hiệu của mình. Bạn nên viết chúng thành văn bản, đồng thời lưu trữ, đặt ở vị trí có thể nhìn thấy mọi lúc, để chúng trở thành lời răn của bạn. Luôn luôn nhắc nhở, để bản thân giữ được tính nhất quán khi tuyên truyền về thương hiệu cá nhân của mình.