Hình mẫu của người nghệ nhân mới là gì, là yêu tiền, nhưng tuyệt đối không hám lợi.
Tiền bạc là thứ không thể thiếu đối với mỗi người. Có tiền, chúng ta có thể mua xe hơi cao cấp, ở biệt thự xa hoa, ăn sơn hào hải vị, đi du lịch tới nơi mình thích, mua sắm đủ loại vật phẩm xa xỉ để tỏ rõ thân phận. Có tiền, có thể giải quyết hàng tá việc một cách dễ dàng, tựa hồ trong cuộc sống không còn chuyện gì phải lo nghĩ nữa. Thế nhưng, sự thực có phải như vậy không?
Andrew Carnegie trở thành vua thép nổi tiếng thế giới năm ông ba mươi ba tuổi. Năm đó, ông phát biểu rằng: “Đời người phải có mục tiêu, nhưng kiếm tiền là mục tiêu tồi tệ nhất. Tôi hi vọng ngoài tài sản trực tiếp ra, mỗi người đều có thể nhìn thấy tài sản gián tiếp. Ngoài tài sản theo nghĩa hẹp, còn nhìn thấy tài sản với nghĩa rộng.” Có lẽ có người sẽ nói đó là bởi ông có tiền, cho nên mới không coi trọng đồng tiền. Nếu tôi có tiền, tôi cũng nói ra được những lời như thế. Trên thực tế, nếu bạn coi kiếm tiền là mục tiêu duy nhất của cuộc đời, bạn sẽ chỉ biến thành nhân vật nhỏ bé không đáng nhắc đến. Không tin, bạn hãy đọc câu chuyện dưới đây:
Mùa hè năm ấy, trời nắng như đổ lửa, một nhóm công nhân đang làm việc trên đường sắt, người nào người nấy mồ hôi túa ra đầm đìa. Đúng lúc này, một đoàn tàu chầm chậm tiến vào, cắt ngang công việc của họ. Đoàn tàu dừng lại bên cạnh nhóm công nhân, cửa sổ của một toa tàu mở ra, các công nhân bỗng cảm nhận được luồng khí lạnh tỏa ra từ trong toa tàu. Cùng lúc ấy, một giọng nói ôn hòa, trầm thấp và thân thiện cất lên: “Là cậu sao, David?” Nghe thấy giọng nói quen thuộc, David – người phụ trách nhóm công nhân hưng phấn xông về phía cửa tàu, trả lời: “Tôi đây, Jim à? Gặp được cậu thật vui!” Jim là CEO của công ty đường sắt này, cậu và David là bạn bè tốt của nhau. David được mời vào con tàu, trò chuyện với Jim một hồi lâu. Sau đó, đoàn tàu chầm chậm lăn bánh, hai người bịn rịn nói lời tạm biệt. Sau khi đoàn tàu hỏa rời đi, nhóm công nhân vây quanh David, lấy làm tò mò không biết tại sao David lại thân thiết với CEO của công ty như vậy. David đắc ý giải thích, hai mươi năm trước mình và Jim tới nơi này làm việc cùng một ngày, cùng trên tuyến đường sắt này. Nghe thấy vậy, mọi người bắt đầu trêu chọc David, hỏi hai người cùng tới, tại sao bây giờ cậu vẫn làm việc dưới cái nắng như thiêu như đốt, còn Jim lại trở thành CEO của công ty đường sắt, khác biệt một trời một vực như vậy. David buông tiếng thở dài, như suy nghĩ gì đó, rồi mới nói: “Đó là bởi hai mươi năm trước, Jim làm việc vì tuyến đường sắt này, còn tôi chỉ làm việc vì 1,75 đô la Mỹ mỗi giờ.”
Trong cuộc đời, nếu kiếm tiền là mục đích duy nhất của bạn, thì nó chính là mục tiêu tồi tệ nhất, giống như những gì Andrew Carnegie đã nói. Khi bạn biết mục tiêu mình theo đuổi nằm ở một tầm cao nhất định, đồng thời bước từng bước về phía nó, nghiêm túc tích lũy mỗi bước đi của mình, đó mới được xem là đang tiến lên trên con đường tiến tới thành công. Chỉ cần bạn có thể đặt tầm nhìn ở phần tài sản gián tiếp, tích lũy nó trước, thì tài sản trực tiếp sẽ đến với bạn.
Ai cũng hi vọng mình có thể phát triển ngày càng tốt hơn. Theo đuổi giấc mộng là quyền lợi của mỗi người. Mọi người theo đuổi tiền lương, chức vụ cao hơn, muốn có nhiều của cải hơn, đều là điều hợp lý.
Trong xã hội hiện đại, việc con người hết sức xem trọng của cải không phải là chuyện xấu. Cho dù là quân tử có tư tưởng cao thượng đến mấy, cũng sẽ theo đuổi vật chất, then chốt là khi theo đuổi nhu cầu hợp lý, sẽ áp dụng phương pháp, phương thức nào. Người xưa có câu “Người quân tử coi trọng của cải, nhưng lấy của cải phải đúng đạo lý”. “Đạo” là điều nhân sĩ cổ đại thường xuyên nhắc tới. “Đạo” ở đây vừa có thể hiểu là quy tắc, vừa có thể hiểu là phương thức. “Lấy của cải phải đúng đạo lý”, để chỉ việc phải dùng phương thức thích hợp để thực hiện mục tiêu, lý tưởng và có được của cải, để giành được sự tôn trọng của người khác, trở thành tấm gương cho người khác.
Theo đuổi tiền tài, khát khao về một cuộc sống vật chất đầy đủ, là chuyện thường tình của con người. Trong thời đại thương mại phát triển như ngày nay, mỗi người đều đang nỗ lực tạo ra của cải, đây cũng là động lực phát triển của xã hội. Trong thời kỳ Nho giáo thịnh hành, văn nhân cũng không chỉ trích “quân tử thích tiền tài”, nhưng linh hồn của câu nói trên nằm ở vế sau “lấy của cải phải đúng đạo lý”, thích tiền tài không gì đáng trách, quan trọng là phương thức đạt được của cải.
Mấy chữ “lấy của cải phải đúng đạo lý” xem thì đơn giản, nhưng lấy đó để làm chuẩn mực hành vi của bản thân thì không phải là điều dễ dàng. Mỗi người đều sẽ phải đối mặt với vô vàn cám dỗ, làm thế nào để trấn tĩnh, điềm nhiên chứ không khuất phục, là điều mà mỗi người nên suy xét. Nhìn chung, trong xã hội hiện đại, có bệnh nhân khó khăn được ủng hộ tiền chữa bệnh, dùng không hết liền đem ủng hộ người khác; đương nhiên cũng có thương nhân vì lợi ích, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích; thậm chí có tiểu nhân vì tư lợi của bản thân mà hi sinh người khác. Mù quáng tự đại, hám lợi đen lòng sẽ khiến con người lạc lối.
Chúng ta phải nhìn “đạo” từ hai phương diện: Đầu tiên, phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức của luân lý xã hội; thứ hai, phải dựa vào kỹ thuật và phương pháp để đạt được mục tiêu. Doanh nghiệp muốn phát triển, chúng ta muốn tiến bộ, đều cần nỗ lực và trí tuệ của cá nhân. Còn “đạo” trong câu “Nghe đạo có trước sau, học thuật có chuyên công”, là chỉ tri thức kỹ thuật của một ngành. Mức độ nắm vững tri thức, kỹ thuật của một ngành ở mỗi người mỗi khác, mỗi người đều có sở trường của mình. Trong xã hội hiện đại có hàng trăm hàng nghìn ngành nghề, mỗi ngành nghề đều có tri thức, kỹ thuật độc đáo của riêng mình; phân công xã hội cũng ngày càng tỉ mỉ theo sự phát triển của xã hội, mỗi người đều có trách nhiệm trên cương vị công tác của mình, cương vị công tác bình thường vẫn có thể sáng tạo ra thành tích phi thường. Mà tinh thần “ốc vít” này không thể có được một sớm một chiều, cần phải có sự tích lũy chuyên ngành nhất định. Chỉ có tích lũy, mới trở thành một con “ốc vít” phi phàm.
Sự khắc họa chân thực về hình mẫu quân tử chính là “tài đức vẹn toàn”, mỗi công ty đều muốn có được nhân tài như thế, bởi vậy vị thế của “đức” và “tài” là quan trọng ngang nhau. Người hoàn mỹ nhất chính là người có tài có đức, còn người có đức mà không có tài thì chỉ cần có con tim kiên trì học hỏi, thông qua bồi dưỡng vẫn có thể đạt được thành tích phi phàm. Ngược lại, người có tài mà không có đức là người không thể dùng nhất, bởi họ sẽ gieo hại một phương. Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, sự hình thành của “đức” nằm ở nhân tố bẩm sinh cộng thêm sự bồi dưỡng sau này. Tầm quan trọng của “tín, nhân, dũng, nghiêm” càng không cần nói đến, bởi chúng đều thể hiện “đạo”.
Nếu quân tử thích tiền tài là điều hết sức bình thường, vậy phải làm thế nào mới có thể làm được tới bước “lấy của cải phải đúng đạo lý” đây?
Đầu tiên là phải chân thành, đây là gốc rễ của việc làm người, đồng thời cũng là tố chất cơ bản nhất của việc làm người. Người thiếu chân thành, sẽ khó có được cơ hội phát triển, bởi anh ta sẽ đánh mất lòng tin của người khác dành cho mình. Dù là lúc nào, chúng ta cũng không thể đánh mất phẩm chất của mình. Thứ hai, phải học cách báo đáp, cũng chính là chi tiền, bởi tiền tài của chúng ta lấy từ xã hội thì phải dùng cho xã hội. Con người phải có tinh thần trách nhiệm với xã hội, như vậy mới tích lũy được nhiều của cải hơn, đồng thời đây cũng là trách nhiệm làm người. Cuối cùng, bạn phải có một con tim bình tĩnh trước mọi giông tố, sóng gió của cuộc đời, bởi chuyện gì cũng không thể giải quyết trong chốc lát, nhanh vội ngược lại dễ khiến bản thân phải đi thêm nhiều đường vòng, gặp trùng trùng chướng ngại trên con đường thành công.
Ông Konosuke Matsushita, người sáng lập ra Tập đoàn điện tử Panasonic đã viết trong nhật ký của mình rằng: “Nghe nói đối với người học cờ vây, đi được khoảng 10.000 nước cờ là có thể có được thực lực của giai đoạn đầu. Tôi cho rằng, việc bồi dưỡng con tim thuần khiết cũng như thế. Đầu tiên, dù là buổi sáng hay buổi tối thì đều phải chú tâm bồi dưỡng con tim thuần khiết, đồng thời xét lại xem hành vi thường ngày của mình phải chăng đã tỏ thái độ không tốt. Kéo dài như vậy một năm, hai năm, làm 10 nghìn lần, sau ba mươi năm, là có thể vươn tới mức độ ban đầu của sự thuần khiết. Khi đạt được giai đoạn đầu của sự thuần khiết, mới được xem là có tâm thái của người bình thường. Lúc này, mọi phán đoán và hành động đại khái sẽ không có sai sót gì.”
Trong một trang nhật ký khác, ông Konosuke Matsushita đã viết: “Tôi cho rằng, giới hạn lớn nhất giữa người kinh doanh thành công và người kinh doanh thất bại nằm ở chỗ rốt cuộc có thể chí công vô tư, lấy con tim không màng lợi lộc để quan sát sự vật tới mức nào. Chạy theo tư lợi, hay chính là người kinh doanh mang theo dục vọng cá nhân, ắt sẽ thất bại. Người kinh doanh phải chiến thắng dục vọng cá nhân, mới có thể thúc đẩy sự nghiệp phát triển hưng thịnh, phồn vinh.”
Làm người nhất định phải có nguyên tắc. Đối với những người có tư tưởng “kẻ mạnh là kẻ thắng”, thậm chí “nhân đạo tức là chết”, hiển nhiên là họ sẽ không nghe lọt tai những lời này. Đối mặt với áp lực xã hội, họ cho rằng kẻ mạnh nhất là kẻ sống sót sau chọn lọc tự nhiên, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích.
Maximilian Carl Emil Weber, nhà kinh tế, chính trị học và xã hội học người Đức đã đưa ra một quan điểm nổi tiếng: “Thái độ về của cải của thời đại chủ nghĩa tư bản được gọi là tinh thần chủ nghĩa tư bản, là một tiến bộ so với thái độ về của cải trong các giai đoạn lịch sử khác.” Trên thực tế, chỉ cần là của cải bạn có được bằng cách chính đáng, thì đó chính là vinh quang. Bởi của cải vốn dĩ không xấu, chỉ xem người có nó sử dụng như thế nào mà thôi. Nếu bạn có của cải mà vẫn có thể tiết kiệm, chứ không coi nó như một công cụ để thỏa mãn dục vọng của bản thân, vậy thì của cải trong tay bạn chính là thứ tốt. Nếu có thể giữ vững điểm này, con người sẽ không vì dục vọng và lòng tham mà lầm đường lỡ bước. Như vậy, bạn sẽ có được nguồn của cải dồi dào, dùng nó vào việc hữu dụng, để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của bạn, chứ không phải là để bản thân sống cuộc sống xa xỉ. Nếu bạn có sự theo đuổi tinh thần cao hơn, bạn sẽ có cảm giác về sứ mệnh và tinh thần trách nhiệm dùng của cải để tạo phúc cho xã hội, cho con người. Điều này không những sẽ mang tới niềm vui lớn hơn cho bạn, mà còn mang tới cho bạn sự thỏa mãn về mặt đạo đức, khiến bạn trở thành một người cao thượng đích thực, là người có ích cho xã hội. Đây là niềm vui lớn, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần.
Đức Phật dạy: “Muôn việc đều có nhân quả. Trồng cây ngọt cho trái ngọt, trồng cây đắng cho trái đắng. Trao đi sẽ luôn được nhận lại, chẳng qua gieo trồng và thu hoạch không cùng một mùa mà thôi! Nhiều người đang mải miết theo đuổi lợi ích lớn nhất của bản thân, có người cả đời không thực hiện được mục tiêu của mình, bởi nhân gieo không phải là nhân thiện (việc thiện), sẽ khó mà có được quả thiện (phúc lành).” Suôn sẻ không nổi lòng tham, nghịch cảnh tuyệt không chán nản, chỉ cần trong lòng an ổn, nghèo cũng có niềm vui của nghèo, vẫn có thể sống một cuộc đời rực rỡ màu sắc. Trong cuộc sống, có rất nhiều người không có địa vị vinh quang, lừng lẫy, không có sự nghiệp chói sáng, rạng ngời, không có của cải nở mày nở mặt, nhưng họ sống là chính mình, hiểu rằng phải làm việc mình cho là đúng đắn, hiểu được chân lý của cuộc sống không nằm ở đòi hỏi, mà nằm ở cống hiến. Điều họ thu hoạch được là bình lặng và an nhiên.
Cổ nhân có những câu nói về cách sống mà khi áp dụng vào môi trường công sở cũng rất đúng đắn: “Cẩn thận chớ nói về sở đoản của người khác, đừng nói về sở trường của chính mình”, “Đối với thầy quý ở chữ lễ, kết bạn trọng ở chữ tín”, “Chớ nên chê việc thiện nhỏ mà không làm, chớ xem thường việc ác nhỏ mà phạm vào”. Đối với một doanh nghiệp, nội bộ phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, giữ sự chân thành, tin tưởng, biết cách kết nối, làm việc đứng đắn, thiện chí giúp mọi người, không được làm tổn hại đến lợi ích của người khác, dùng người hiền đức. Chỉ có như vậy, một doanh nghiệp mới có thể là một tổ chức đoàn kết, hiệu quả cao, mới có thể đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng.
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, có thuộc tính kinh tế, đồng thời cũng là tổ chức xã hội, có thuộc tính xã hội. Thuộc tính xã hội của doanh nghiệp là do bản tính của con người làm trong doanh nghiệp đó quyết định. Trong cuốn Lý thuyết về tình cảm đạo đức, Adam Smith đã chỉ ra rằng, bản tính của con người không chỉ giới hạn ở lợi ích cá nhân. Đối với nhiều người, lòng đồng cảm, tình hữu nghị, tình yêu cùng với nguyện vọng cải thiện xã hội còn mãnh liệt hơn cả lợi ích cá nhân, đặc biệt là khi người ta có được sự trưởng thành về tâm lý ở cấp độ cao hơn.
“Kính trời yêu người” là giáo huấn xã hội mà Inamori Kazuo luôn tuân thủ trong quá trình dẫn dắt Công ty Kyocera phát triển. “Kính trời” chính là tuân thủ quy luật của tự nhiên để xử lý công việc, tuân thủ đạo đức và nhân tính. Một số người vì theo đuổi lợi ích ngắn hạn đã phá hoại hệ sinh thái tự nhiên, để mở rộng lợi ích mà đánh mất giới hạn đạo đức cơ bản nhất của con người. “Yêu người” đề cập đến đông đảo những người có liên quan đến lợi ích, đặc biệt nhấn mạnh đến công nhân viên và xã hội.
Giá trị quan của doanh nghiệp nên thống nhất giữa tính kinh tế và tính xã hội, thống nhất giữa lợi ích của bản thân và lợi ích của người khác. Nói cách khác, doanh nghiệp không chỉ cần tạo ra của cải, mà còn phải tạo ra giá trị cho xã hội, gánh vác trách nhiệm xã hội.
Câu chuyện nhỏ
MAI BẢO CỬU: MỘT ĐỜI LÀM NGHỀ, MỘT ĐỜI TRUYỀN NGHỀ
Từ Mai Xảo Linh (1842-1882) đến Mai Bảo Cửu (1934-2016), kinh kịch Mai phường đã trải qua bốn đời kế thừa, bốn thế hệ luôn giữ một lòng tin – hát tròn vai thanh y. Trong buổi đầu thành lập đoàn kinh kịch, màn biểu diễn của họ không phải kinh điển, thậm chí còn không có người xem, nhưng dựa vào sự nỗ lực qua các đời, cuối cùng họ đã làm rạng rỡ kinh kịch. Trong quá trình này, mỗi cá nhân đều phấn đấu không ngừng nghỉ. Ban đầu, có thể họ không có quá nhiều hứng thú với kinh kịch, nhưng vì sứ mệnh kế thừa văn hóa, họ đã kiên trì, dốc hết một đời, chỉ để thể hiện cho mọi người thấy thứ nghệ thuật đẹp nhất.
Dùng cả đời để làm một việc, rốt cuộc có đáng không? Trong xã hội cũ, đường đường nam tử hán lại sắm vai nữ thanh y, những chua xót khi đó, chỉ có bản thân họ biết. Nhưng nếu bạn muốn hỏi họ có hối hận không, chắc chắn họ sẽ trả lời rằng “không”, bởi khi họ hạ quyết tâm làm nghề này, họ đã không hối hận. Một đời chỉ làm một việc, bình tĩnh thong dong, điều này khiến biết bao người phải kính phục.
Bốn thế hệ hương hỏa tương truyền, tre già măng mọc. Họ đưa linh hồn mình vào trong kinh kịch, tinh thần của họ đã lay động trái tim mỗi người xem. Không còn nghi ngờ gì nữa, sứ mệnh của họ thật vĩ đại, họ đưa nghệ thuật kinh kịch từ chỗ khó vào nơi thanh nhã, trở thành báu vật của văn hóa Trung Quốc. Đây là một sự nhảy vọt về chất, là một mặt mà vô số người làm công tác kinh kịch và người kế thừa văn hóa khao khát muốn làm được. Bởi vậy, điều này cũng khiến mọi người một lần nữa xác định lại vị thế của họ, họ không còn bị khinh thường là “con hát”, mà là người kế thừa văn hóa và bậc thầy nghệ thuật được kính trọng.
Theo họ thấy, nếu khán giả đã sẵn lòng thưởng thức, thì đó là một sự công nhận, phải dùng trái tim để diễn, để hát. Chỉ có xem khán giả là người mang tới cơm ăn, áo mặc cho mình, họ mới có động lực biểu diễn. Họ luôn duy trì được tinh lực dồi dào khi đối diện với kinh kịch, là bởi tình yêu tha thiết trong lòng, họ lấy đây làm niềm vui, thậm chí còn coi đây là sinh mệnh của mình.
“Hoa lê nở, xuân mang mưa, hoa lê rụng, xuân xuống bùn, đời này chỉ vì một người mà đi”, đây là một câu hát trong vở Đại Đường quý phi, đã hát trọn một đời của Mai Bảo Cửu: Một đời vì nghệ thuật, một đời vì kinh kịch.
Năm 1934, Mai Bảo Cửu chào đời tại Mai phường số 57 đường Tư Nam, Thượng Hải, là người con thứ chín của Mai Lan Phương.
Mai Bảo Kỳ là người con trai thứ ba của Mai Lan Phương, bởi thiên phú hí kịch dị bẩm, được định làm người kế thừa, đáng tiếc năm tám tuổi bị bệnh bạch hầu và qua đời. Bất đắc dĩ, Mai Lan Phương chỉ có thể gửi gắm kỳ vọng vào người con trai khác của ông – Mai Bảo Cửu. Năm mười tuổi, Mai Bảo Cửu đã diễn một đoạn Tam nương dạy con, được cha ưng ý, cảm thấy chất giọng, hóa trang của ông đều ổn.
Vận mệnh đã an bài, Mai Bảo Cửu chỉ có thể chấp nhận, vừa học văn hóa vừa học kinh kịch. Có công mài sắt có ngày nên kim, khi mới mười ba tuổi, ông đã bắt đầu lên diễn trên sân khấu. Bấy giờ đang trong giai đoạn kháng chiến, vì đại nghĩa dân tộc, Mai Lan Phương tạm thời rời khỏi sân khấu kinh kịch, Mai Bảo Cửu phải tiếp nhận nhiệm vụ hát kịch. Ông trời sinh có chất giọng hay, cộng thêm nỗ lực, dần có thần vận diễn xuất của cha. Cả đời ông, chưa từng rời khỏi kinh kịch. Là người duy nhất kế thừa sự nghiệp của cha, theo lý ông phải gánh vác nhiệm vụ lớn lao là phát huy văn hóa kinh kịch, và đúng là ông đã làm như vậy. Ông sáng tạo trong sự kế thừa, giọng hát mà ông kế thừa của cha giống như huyết mạch chảy trôi trong cơ thể cũng đang không ngừng đổi mới. Qua sự quan sát và học tập không ngừng, Mai Bảo Cửu đã đưa nghệ thuật kinh kịch lên một cảnh giới cao hơn.
Đương nhiên, muốn làm nên sự nghiệp, thì cần bỏ ra sức lực. Mai Bảo Cửu đã luôn chăm chỉ học tập kinh kịch. Từ nhỏ, ông đã thường xuyên ở nhà xem băng hát của cha, nhìn động tác của cha khi biểu diễn, cứ ngồi xem là hết một buổi chiều, đôi khi còn quên cả ăn uống. Mai Lan Phương nói với Mai Bảo Cửu rằng, học tập kinh kịch không được sốt sắng, làm việc gì cũng vậy, rèn luyện tốt kỹ năng cơ bản trước mới là điều quan trọng nhất. Mai Bảo Cửu nghe lời dạy bảo của cha, bắt đầu học từ kỹ năng cơ bản. Để đạt được yêu cầu của cha, ông quyết định tìm thầy hướng dẫn. Thầy giáo nhập môn Vương Ấu Khanh nói với ông rằng, phải luyện tập kéo dài cơ thể trước. Ông bèn làm theo, kiên trì, bền bỉ, đến khi thầy giáo gật đầu mới thôi. Cuối cùng, ông đã học thuần thục kỹ năng cơ bản, đặt nền móng cho sự thành tài sau này.
Mai Lan Phương từng nói, đặc điểm lớn nhất của kinh kịch Mai phường là không có đặc điểm. Bởi vậy, duy trì “mùi vị” ban đầu là điều hết sức quan trọng. Mai Bảo Cửu giữ trọn linh hồn Mai phường, vì ông biết chỉ có làm đến nơi đến chốn, mới có thể học được những điểm mạnh của người khác, mới dám sáng tạo. Cuối cùng, sau khi theo cha hợp diễn Mẫu Đơn Đình, Du Viên Kinh Mộng, Lôi phong đáp, Đoạn kiều, thần vận của vai đào đã hòa vào huyết dịch của ông.
Phía sau sự kế thừa, không chỉ là kỹ nghệ. Trái tim nghệ thuật cần phải được tu dưỡng, sức hấp dẫn của nghệ thuật nằm ở sự vĩnh hằng. Đằng sau linh hồn kinh kịch, là văn hóa Trung Quốc lâu đời. Có thể nói như thế này, kinh kịch là điển hình của văn hóa Trung Quốc, sự xuất sắc của nghệ thuật kinh kịch là hào quang của văn hóa Trung Quốc. Nghệ thuật nằm ở sự kế thừa, đằng sau một vở kịch đều là một câu chuyện, đều có nền tảng văn hóa sâu dày.
Ở một mức độ nào đó, nghệ thuật là của chung. Nghệ thuật là tài sản của toàn nhân loại, không thuộc sở hữu của một quốc gia, một cá thể nào, bởi nó là một dạng gửi gắm của tình cảm con người, vượt thời gian và địa lý. Khi Mai Bảo Cửu quan tâm tới sự kế thừa văn hóa của bản thân, ông cũng nhận thức được tính cộng đồng của văn hóa và nghệ thuật, nhờ vậy mới có được sự sáng tạo và phát triển của Mai phường.
Kịch là thứ cần phải hát, nhưng đồng thời cũng cần phải biểu diễn trên sân khấu. Diễn kịch không phải là phương thức thể hiện bình thường, nó đòi hỏi người biểu diễn phải cảm nhận đầy đủ tình cảnh của bối cảnh văn hóa, lịch sử riêng biệt. Bởi vậy, không có tu dưỡng văn hóa tốt thì không thể diễn kịch. Mai Bảo Cửu chú trọng nâng cao tu dưỡng văn hóa của bản thân, thư pháp, hội họa, âm nhạc, thơ văn… ông đều tinh thông.
Giới văn nghệ đã đánh giá Mai Bảo Cửu rằng, ông đã phục hưng một kiểu thẩm mỹ: khiêm tốn, nho nhã. Không có tấn công tình cảm kịch liệt, có chăng chỉ là một tâm thái bình tĩnh, thể hiện sức hấp dẫn độc đáo.
Ngày hôm nay, chúng ta cần tinh thần người nghệ nhân, vì vậy người chuyên chú, trọn đời làm một việc đáng được người khác tôn kính. Nếu có thêm những người có thể tĩnh tâm, kiên trì làm tốt một việc giống như nghệ nhân Mai phường, xã hội sẽ không còn xốc nổi nữa.
Cả đời chỉ làm và làm tốt một việc, có thể khiến vô số người xúc động. Đây không chỉ là một loại phẩm chất, mà hơn thế còn là một kiểu tinh thần. Cứ một lòng hai dạ với nhiều việc, không bằng tập trung tinh thần làm tốt một việc. Nếu dành cả cuộc đời để làm, vậy thì không có ai có thể sánh kịp bạn trong việc này. Dùng trái tim để làm việc, làm đến mức tốt nhất, sẽ khiến thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Như vậy, mỗi việc bạn làm đều sẽ kéo gần khoảng cách giữa người với người, kết nối tâm hồn con người lại với nhau.
Ông trời tính toán vừa hay: Cả đời, thì ra chỉ đủ làm một việc…