Nếu cho bạn một cơ hội tiến cử một ai đó, bạn sẽ tiến cử người như thế nào? Có lẽ phần đông mọi người sẽ tiến cử một số người “có năng lực”, “thông minh”, bởi như vậy sẽ giúp ích cho công việc. Nhưng ở thời đại này, mọi người muốn lựa chọn những người có “năng lượng tích cực” và “đáng tin” hơn. Bởi vì “đáng tin” là lời ngợi khen có giá trị nhất của xã hội hiện tại dành cho một người. Người “đáng tin” sẽ khiến người ta cảm thấy thiết thực và yên tâm, sẽ cho người ta đủ lòng tin. Sự tin tưởng này là tiền đề để mọi người ủy thác cho người đó trách nhiệm lớn lao. Một người làm việc “không đáng tin”, mọi người không có lý do gì để tin tưởng người đó cả.
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải kiểu người như thế này: khi gặp vấn đề, việc nghĩ tới đầu tiên không phải là giải quyết vấn đề hay tìm hiểu nguyên nhân, mà là oán thán không ngớt miệng; bất kể là đối đãi với cuộc sống hay chuyện học tập, công việc đều là quan niệm tiêu cực. Còn có một kiểu người, tuy ngoài miệng đã đồng ý với chuyện bạn nhờ cậy, nhưng trên thực tế lại trì hoãn hết lần này đến lần khác, cho dù có làm cũng qua loa, lấy lệ. Có thể thấy rằng, hai kiểu người này đều là người “không đáng tin”. Những người này không phải là số ít, họ nhìn thì thông minh, nhưng tại sao so với những người có vẻ vụng về kia lại thường khó có thể gặt hái được thành công hơn? Nguyên nhân thực ra hết sức đơn giản, họ coi thông minh là vốn liếng của mình nhưng lại làm việc không thiết thực, mơ ước viển vông, làm không tốt còn luôn thích oán trách. Bởi quá tự tin lại không bao giờ tổng kết bài học kinh nghiệm, cho nên mỗi khi cơ hội âm thầm đến, họ thường để vuột mất nó. Sự thực chứng minh rằng, những người “đáng tin” mới có thể gặt hái được thành công.
Vậy, làm thế nào để trở thành một người “đáng tin”?
Phải có một tâm thái ổn định
Làm một người “đáng tin” thực chất không khó, then chốt là ở tâm thái. Một người “đáng tin”, nhất định phải có tâm thái khỏe mạnh và ổn định. Khi làm việc, họ thong dong điềm tĩnh, rành mạch phân minh; khi gặp phải vấn đề khó, họ trấn tĩnh tự nhiên, ngoan cường lạc quan; họ đối đãi với bạn bè hào phóng, chân thành, lương thiện. Trong lòng họ, đâu đâu cũng ngập tràn ánh nắng, không bị mây đen giăng kín.
Đương nhiên, muốn có được tâm thái ổn định, hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của mình là điều không hề dễ dàng. Hai tâm lý tiêu cực phổ biến nhất của con người là đố kỵ và tự thấy xót xa. Đố kỵ sẽ khiến tầm nhìn và phong thái của một người trở nên hèn kém đi, người thích đố kỵ thường có bụng dạ hẹp hòi, thích ganh đua, so sánh. Tự thấy xót xa sẽ khiến bản thân trở nên thấp kém và nhu nhược, gặp phải chuyện gì cũng hốt hoảng, lo lắng, làm không tốt sẽ oán trách bản thân. Bị cảm xúc tiêu cực khống chế thì làm sao có thể cảm nhận được ánh nắng và những điều tươi đẹp trong cuộc sống? Cảnh do tâm sinh, chuyện mà mỗi chúng ta gặp phải trong đời đại để đều giống nhau, tại sao không đối mặt với nó bằng tâm thái tích cực? Thực chất, vui, buồn, hờn, giận trong cuộc đời đều được quyết định bởi chính chúng ta.
Tâm thái thay đổi mọi thứ. Tâm thái tốt sẽ khiến mọi sự trở nên tốt đẹp hơn, còn cảm xúc tiêu cực lại cản trở sự tình phát triển theo hướng thuận lợi. Khi bạn bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận tiêu cực của bản thân, bạn sẽ phát hiện ra rằng, suy nghĩ trước kia của mình thật nực cười, cơ bản không đáng để nhắc đến. Bây giờ, thế giới của bạn sẽ luôn ngập tràn ánh nắng và hi vọng.
Chúng ta cần phải nhận thức rõ một điểm, trong cuộc đời này bạn sẽ gặp muôn vàn người, bạn không thể khiến tất cả mọi người đều yêu thích mình, bởi đây là điều không thể, giống như tất thảy hoa tươi trên thế giới này không phải chỉ nở vì riêng mình bạn vậy. Điều bạn phải làm, chính là nghe theo lòng mình, làm tốt việc mình nên làm, trở thành một người “đáng tin”.
Người “đáng tin” ổn định về tâm lý, có hành vi chuẩn mực, khiến mọi người sẵn lòng tin tưởng họ. Khi bạn tiếp xúc với một người “đáng tin”, bạn sẽ cảm thấy an toàn, vì bạn có thể chắc chắn người đó có nguyên tắc và giới hạn của mình, dù xảy ra chuyện gì cũng có cách ứng phó đúng mực.
Người “đáng tin” cũng có nghĩa là một người thực sự chín chắn, anh ta đã thực sự trưởng thành, trở thành một người có nhân cách hoàn thiện, chứ không còn là đứa trẻ to xác nữa. Người như thế này thường dễ tiếp xúc với người khác hơn, bởi họ “đáng tin”, nên những người xung quanh họ có đủ lòng tin đối với họ.
Phải có sự thành tín
Cùng với sự chuyển biến của thời đại, “khủng hoảng lòng tin” được coi là một hiện tượng xã hội mới, gây ra hàng tá vấn đề. Trong một xã hội biến đổi trong nháy mắt như thế này, muốn làm một người “đáng tin”, một người đáng để người khác tin tưởng, đôi khi sẽ vô cùng khó khăn. Song chúng ta không thể bởi vì khó khăn mà dừng bước không tiến, điều chúng ta phải làm nên là nghênh đón và vượt qua khó khăn.
Chúng ta sẽ phát hiện ra một hiện tượng như thế này, những người thực sự “đáng tin” thường ít khi nói ra những lời đại loại như “tôi đảm bảo”, “nhất định”, “chắc chắn”. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân chính là bởi ở trong lòng họ, làm tốt công việc của mình là điều “đáng tin” hơn nói lời hay. Nếu không chắc chắn có thể làm tốt một việc, thì đừng khẳng định, bởi kết quả cuối cùng có thể sẽ khiến người khác thất vọng.
Vua cổ phiếu Warren Buffett mỗi năm đều sẽ mở cuộc tọa đàm giao lưu với sinh viên đại học. Một lần, có sinh viên hỏi ông: “Ngài cho rằng phẩm chất quan trọng nhất của một người là gì?” Warren Buffett không trả lời thẳng câu hỏi này, mà kể một câu chuyện có tên “Mua 10% cổ phiếu của bạn học”.
Warren Buffett hỏi mọi người: “Bây giờ cho các bạn quyền lợi mua 10% cổ phiếu của một người bạn học cho đến khi sinh mệnh của người đó kết thúc, bạn sẵn lòng mua 10% cổ phiếu trong phần đời còn lại của bạn học nào? Bạn có chọn người thông minh nhất hay không?” Câu trả lời ông nhận được là “Chưa chắc”. “Vậy bạn có chọn người có tinh lực dồi dào nhất không?” “Chưa chắc.” “Bạn có lựa chọn con cái của quan chức chính phủ giàu có, con cái của tỷ phú, triệu phú không?” “Cũng chưa chắc.” Sự thực chứng minh rằng, sau khi suy nghĩ tỉ mỉ, có thể bạn sẽ lựa chọn người mà bạn công nhận nhất, là người đáng tin nhất. Sau đó, bạn bắt đầu liệt kê ra những ưu điểm của người đó ở bên trái trang giấy: có tài năng lãnh đạo, khảng khái thành thực, làm việc có lợi cho người khác, có sức hấp dẫn.
Warren Buffett lại nói: “Bây giờ lại cho các bạn một cơ hội bán 10% cổ phiếu của một bạn học, bạn sẽ lựa chọn ai? Bạn có chọn người có thành tích kém nhất không?” “Chưa chắc.” “Bạn có chọn người nghèo khó nhất không?” “Cũng chưa chắc.” Trên thực tế, sau khi suy nghĩ tỉ mỉ, có thể bạn sẽ lựa chọn người khiến bạn ghét nhất, không chỉ có bạn ghét, mà những người khác cũng ghét, mọi người đều không muốn qua lại với bạn học này. Bởi vì người này không thành thực, thích dùng mưu mô, thích nói xấu người khác sau lưng, có thói qua cầu rút ván, giậu đổ bìm leo. Sau đó, bạn viết những tính xấu này vào bên phải trang giấy kia.
Khi bạn quan sát tỉ mỉ hai bên của trang giấy này, bạn sẽ phát hiện ra rằng, năng lực giỏi, kém không quan trọng, đẹp như tiên sa cũng không hề gì, thành tích tốt, xấu cơ bản không ai để tâm. Cái bạn để tâm chỉ là, người này có đủ khiến bạn tin tưởng hay không mà thôi.
Thành tín đối với một người là điều vô cùng quan trọng. Thành tín đại diện cho một người làm việc “đáng tin”, cho thấy rằng anh ta có thể nói được làm được. Thành tín là cầu nối giao thiệp giữa người với người, không có chiếc cầu nối này, khó có thể tiếp xúc sâu hơn được, kết quả cuối cùng sẽ là mỗi người một ngả. Một người “đáng tin”, chắc chắn sẽ xem trọng sự tin tưởng, họ thường dễ nhận được sự nương nhờ và tôn trọng.
Làm việc có bàn bạc, có sắp xếp, có hồi âm
Một người có “đáng tin” hay không, có thể nhìn ra được thông qua ba điểm: “mọi việc phải có sự bàn bạc, mọi sự phải có cách sắp xếp, mọi chuyện phải có lời hồi âm”. Nếu có thể làm được ba điều này, vậy thì người đó cách hình ảnh “đáng tin” không còn xa nữa.
Vậy thì, như thế nào mới được coi là làm việc có bàn bạc, có sắp xếp, có hồi âm?
Trong cuộc sống, chúng ta thường sẽ gặp phải người như thế này: nói năng khéo léo, cử chỉ nho nhã, bất luận nói đến tri thức ở phương diện nào, đều có thể hạ bút thành văn, hiểu rộng biết nhiều. Nhưng một khi giao việc cho anh ta, thường phải thúc giục hết lần này đến lần khác, cho dù anh ta đã giao nộp kết quả công việc, vẫn cần người khác phải sửa chữa; hoặc là có thể hoàn thành công việc theo thời gian quy định, nhưng kết quả lại thường chỉ dừng ở mức độ tạm chấp nhận được. Lại có những người, cử chỉ vụng về, không giỏi ăn nói, thường ngày nói chuyện với họ cảm thấy vô cùng buồn tẻ, nhưng trong công việc, họ lại chưa từng khiến bạn phải lo lắng, không những có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn, mà thường cho bạn kết quả ngoài sức tưởng tượng, khiến bạn kinh ngạc và vui mừng mãi không thôi.
So sánh hai kiểu người này, chúng ta biết rõ kiểu người sau mới được xem là người “đáng tin”. Tại sao lại như vậy? Tại vì lời hay thì ai cũng biết nói, nhưng việc hay thì không phải ai cũng làm được.
Vượt xa mong đợi của đối phương
Đầu tiên, khi được giao nhiệm vụ bạn nên nghiên cứu nó ngay lập tức, phỏng đoán mục đích thực sự của đối phương. Căn cứ vào mục đích đó để tiến hành thực hiện nhiệm vụ, không những có thể nâng cao hiệu suất công việc, mà còn có thể giảm sai sót cho quyết định được đưa ra trong thực tiễn, tránh làm việc vô dụng.
Thứ hai, người xưa có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Có thể thấy, có nhận thức về năng lực thực sự của bản thân cũng là điều hết sức quan trọng. Cần phải phán đoán chuẩn xác về năng lực của bản thân, biết rõ bản thân có thực sự hiểu rõ nhiệm vụ này hay không, có thể đạt được mong muốn của đối phương hay không. Đương nhiên, nếu ước đoán mù quáng thực lực của bản thân để tiếp nhận nhiệm vụ, sẽ chỉ gây ra thất bại, làm sụt giảm nghiêm trọng “độ tin cậy” của người khác với chúng ta. Chúng ta thường hay gặp phải kiểu người “gặp việc ba vỗ”: hễ phải đương đầu với việc gì cũng vỗ ngực, gặp phải khó khăn thì vỗ đùi, gặp phải phiền phức thì vỗ mông; đây chính là điển hình của kiểu người “không đáng tin”.
Thứ ba, trong xã hội thương mại, “tinh thần tỉ mỉ” đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bất kể công việc phức tạp thế nào, nhưng cho dù là chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng không được bỏ qua, phải nghiêm túc thực hiện, đây là điều mà mỗi nhân viên công sở đều nên tuân thủ, cũng là môn học bắt buộc của mỗi nhân viên.
Cuối cùng, kết nối là một mắt xích hết sức quan trọng. Nó không những có thể khiến đối phương kịp thời biết được tiến triển của nhiệm vụ, mà bất kể khi nhiệm vụ gặp thuận lợi hay khó khăn, đều có thể dự tính được. Trong quá trình làm việc, gặp phải khó khăn là điều khó tránh khỏi, nhưng không nên thấy khó là lui, gạt phắt nhiệm vụ sang một bên hoặc đùn đẩy cho người khác. Đây là hành vi vô trách nhiệm, đừng nói vượt xa mong đợi của đối phương, ngay cả tiến độ bình thường của công việc cũng sẽ bị lỡ dở.
Phần lớn các công việc đều cần sự phối hợp, bởi vậy “mượn sức” cũng là việc cần thiết. Phải biết rằng, mục đích làm việc là để thực hiện mục tiêu công việc, mà việc thực hiện chiến lược cuối cùng của mỗi doanh nghiệp đều không thể tách rời sự phối hợp, hợp tác lẫn nhau của các phòng ban. Mỗi hệ thống hợp tác “đáng tin” đều là do từng nhân viên công sở “đáng tin” tổ hợp thành. Nếu trong quá trình công tác, mỗi người đều có tinh thần vượt xa mong đợi của đối phương, thì biểu hiện thành tích của phòng ban cho đến toàn bộ doanh nghiệp sẽ ngày càng “đáng tin”.
Có dũng khí từ chối
Trong cuộc sống hiện thực, đồng ý với người khác là điều hết sức đơn giản, nhưng muốn từ chối người khác, không những cần có dũng khí, mà còn đòi hỏi cả trí tuệ. Phương thức từ chối thích hợp không chỉ khiến đối phương và bản thân nhận được câu trả lời rõ ràng hơn, mà còn là một hình thức biểu hiện của sự “đáng tin”. Một người “đáng tin” không chỉ là trung tâm của nhóm người, mà hơn thế sẽ dễ được người khác nhờ cậy và tin tưởng. Nếu chuyện gì cũng đồng ý ngay tắp lự, tuy sẽ được nhiều người thích hơn, nhưng đôi khi cũng sẽ vô cùng mệt mỏi. Bởi tinh lực của một người là có hạn, nếu nhiệm vụ nào cũng không từ chối, tình huống nào cũng đều chấp nhận, sẽ dễ làm cạn kiệt lòng nhiệt tình của bản thân trong thời gian ngắn.
Bởi vậy, khi được giao nhiệm vụ, chúng ta nên suy nghĩ tỉ mỉ, rõ ràng. Nếu có thể gánh vác nhiệm vụ này, hơn nữa nó không xung đột gì với nhiệm vụ khác, thì chúng ta có thể tiếp nhận. Ngoài ra, nếu là nhiệm vụ ngoài phạm vi năng lực của bản thân, hãy giới thiệu hoặc chuyển cho người thích hợp hơn. Ý thức được về khả năng của bản thân mới là sự đáng tin ở mức độ cao hơn.
“Đáng tin”, không chỉ là hai chữ cộng lại, mà còn đại diện cho rất nhiều phẩm chất ưu tú. Đối với lãnh đạo, sự “đáng tin” của cấp dưới thể hiện sự trung thành, có thể trở thành một tiêu chí để quyết định có bồi dưỡng người này hay không. Đối với bạn bè hoặc đồng nghiệp, “đáng tin” đồng nghĩa với có thể tin tưởng và hợp tác. Đường đời còn dài, hãy trở thành người càng bước càng “đáng tin”.
Dường như “đáng tin” đã trở thành ưu điểm hàng đầu để con người sinh tồn trong xã hội. “Đáng tin”, cũng có ý nghĩa chỉ dẫn rất lớn đối với nhân viên kinh doanh. Công việc kinh doanh có tính phân công cao độ, liên quan mật thiết, là “vòng khép kín” chặt chẽ. Mỗi nhân viên kinh doanh đều là một tiếp điểm trong quy trình làm việc “vòng khép kín” này. Phải dùng thái độ “đáng tin”, hành động “đáng tin”, thành tích “đáng tin”, giữ vững tiếp điểm của bản thân, duy trì chặt chẽ mối liên hệ với tiếp điểm trên, dưới, trái, phải, tận tâm, tận lực, tận trách vì sự phát triển của công ty. Một nhân viên “đáng tin” phải có thái độ khiêm tốn, nhã nhặn, phải có cung cách phục vụ chu đáo, cách làm việc nề nếp, thường xuyên mở rộng nghiệp vụ. Đối với đồng nghiệp, lấy “nâng cao hiệu quả công việc, thúc đẩy sự đoàn kết” làm tiêu chuẩn, công việc chính làm tỉ mỉ, công việc thời vụ giành phần làm, công việc hợp tác dốc lòng làm. Đối với lãnh đạo, phải dựa trên tiêu chuẩn “đến nơi đến chốn, hình thành vòng khép kín trong công việc”, khi xin chỉ thị công việc phải trình bày phương án, khi chấp hành công việc phải có phản hồi, khi tổng kết công việc năng xét lại mình, khi báo cáo công việc phải trình bày kết quả. Trau dồi năng lực cá nhân, phát huy ưu thế của tập thể, nâng cao hiệu suất công việc, cũng là “đáng tin”. Làm việc đúng quy định càng “đáng tin”, là biểu hiện của nhân phẩm cá nhân, cũng là yêu cầu cuối cùng trong quản lý doanh nghiệp.
Hi vọng chúng ta có thể là phiên bản chân thực nhất của chính mình. Đừng vì chạy theo cảm xúc của người khác hoặc hùa theo người khác, mà không cân nhắc đến tình hình thực tế của bản thân, dẫn tới việc không thể hoàn thành nhiệm vụ, dần trở thành người không đáng tin. Hãy nghiêm túc đối với việc đã hứa hẹn, đừng gây ra tổn thất cho người khác, bởi làm vậy sẽ chỉ khiến “độ đáng tin” của bản thân ngày càng sụt giảm.
Trong cuộc sống và công việc, ai cũng hi vọng có thể kết giao và hợp tác với người “đáng tin”, nhưng ép buộc người khác “đáng tin” hiển nhiên là một chuyện xa vời. Bởi thế, điều chúng ta có thể làm là để mình trở thành một người ngày càng “đáng tin”, có như vậy người xung quanh mới ngày càng tin tưởng chúng ta.
Ngày nay, tính chất công việc của mỗi người mỗi khác, nhưng dù là công việc nào cũng sẽ có mối liên hệ nhân quả tương ứng. Khi làm việc, do nhiệm vụ nặng nề cộng với áp lực lớn, nên cảm thấy phiền phức, vất vả, gặp phải khó khăn khi xử lý vấn đề đều là những điều chúng ta khó tránh khỏi. Ai cũng hi vọng công việc của mình vừa nhẹ nhàng vừa có tiền đồ tốt, đây cũng là mục tiêu mà chúng ta theo đuổi. Nhưng trong công việc, nếu chúng ta đùn đẩy, trì hoãn để rời xa phiền phức, rời xa những vấn đề phức tạp, thì không phải là cách làm hay. Bạn phải thản nhiên đón nhận công việc, chỉ cần bắt tay thực hiện với con tim vui sướng, nhiệm vụ có khó khăn, vất vả, cũng không cần lo lắng, oán trách. Làm một người “đáng tin”, hãy nghe theo tâm hồn của bạn, cuộc đời của bạn, công việc của bạn sẽ do bạn thống trị.
Chúng ta phải học cách khơi dậy lòng tự tin trong công việc, thổi ngọn lửa yêu nghề vào công việc. Dù có cơ hội thăng tiến hay không, dù tiền lương có tăng hay không, chúng ta đều nên gieo trồng tình yêu với công việc vào trong lòng mình, tận tâm làm việc, cống hiến sức mình cho xã hội.
Trở thành nhân viên mà máy móc không thể thay thế.