Đôi khi, chúng ta không thể đứng ở góc độ người dùng để suy xét vấn đề, không phải là vì chúng ta không ưu tú, mà là vì chúng ta quá thông minh, quá coi mình là trung tâm, hoặc là bản năng của chúng ta đã ngăn cản chúng ta đứng ở góc độ của người dùng để suy xét, do vậy đã làm ra những phương án có thể chỉ thích hợp với bản thân.
Tránh tư duy lối mòn
“Góc nhìn nội tại” được hình thành sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm của chúng ta có thể là một loại trực giác tự nhiên, “quan tâm bản thân, biểu đạt thể nghiệm và cảm nhận của bản thân” là điều chúng ta phản ánh đầu tiên trong đầu, “đứng trên lập trường của người khác để xem xét bản thân” thường bị chúng ta phớt lờ.
Ví dụ như đồ ăn handmade, nó có thể giúp thực khách thưởng thức được mùi vị của “cuộc sống”, bởi trong đó có thể sẽ chứa đựng trải nghiệm hay câu chuyện cuộc đời của người làm ra nó, chúng ta có thể gọi đó là “chuyện ăn”. Sự xuất hiện của một món đồ bất kì tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên, sản phẩm được nhào nặn một cách tỉ mỉ mới có nội hàm phong phú, nó có thể khiến bạn và người làm ra nó sản sinh một sự đồng điệu nào đó.
Ngày hôm nay, trên thị trường có vô số món ngon handmade, chúng ta nhìn ra ngay được lợi điểm bán hàng độc nhất. Những cụm từ như “cuộc sống”, “câu chuyện”, “bạn bè”, nghe có vẻ hoàn mỹ, nhưng trên thực tế, rất nhiều ý tưởng quảng bá sản phẩm đều đứng ở góc độ cá nhân, thể hiện suy nghĩ của người nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nếu chúng ta đứng ở góc độ của người dùng để suy xét, vậy khi một người tình cờ đi ngang qua một biển quảng cáo đồ ăn có dòng chữ “Cùng bạn chia sẻ nhưng câu chuyện về cuộc sống với bạn bè”, người này sẽ định nghĩa phương thức tiêu dùng này như thế nào? Có thể suy nghĩ của người thích ăn đồ nướng sẽ là, đây không chỉ là đi ăn ở bên ngoài, mà còn có thể tụ tập cùng bạn bè. Vì có suy nghĩ như vậy, nên có thể người này sẽ không lên mạng đặt hàng mà sẽ đến tận cửa hàng để thưởng thức món ăn.
Miêu tả cảm xúc của bản thân, sau đó xuất phát từ góc nhìn của bản thân để tìm kiếm phương án đột phá, có lẽ đây là trực giác bẩm sinh và phản ứng đầu tiên của chúng ta. Nhưng chính trực giác, phản ứng này đã hạn chế nghiêm trọng tư duy của chúng ta. Bạn luôn quen với “tư duy thông thường” ấy (lập trường của bản thân), dùng nó vào mọi việc thì khó tránh sẽ gặp phải phiền phức. Bởi vậy, phải phá vỡ nó, phải tư duy xuất phát từ góc độ của người dùng.
Chú trọng tư duy người dùng
Chúng ta có thói quen muốn thay đổi quan niệm cố hữu của người khác, điều này khiến chúng ta không thể đứng trên lập trường của người dùng để suy xét.
Tư duy của người dùng, có nghĩa là vĩnh viễn đứng trên góc độ của người dùng để suy xét vấn đề, nhưng việc này trên thực tế không dễ, đòi hỏi chúng ta phải vứt bỏ kinh nghiệm cá nhân và rào cản của ngành nghề. Ví dụ, bạn là một nhân viên công sở tốt nghiệp đã lâu, muốn khai thác thị trường trường học, sẽ cảm thấy lực bất tòng tâm, bởi vì bản thân đã cách độ tuổi học sinh khá xa, không thể đứng ở góc độ của nhóm khách hàng này để suy xét.
Người tiêu dùng là những người phi lý tính, khi chào hàng sản phẩm của mình, bên bán cần cung cấp cho họ đầy đủ lý do mà họ nên mua sản phẩm ấy, ví dụ đây mặt hàng mới, có cá tính, tốt cho sức khỏe… Hơn nữa, chỉ khi người tiêu dùng tận mắt nhìn thấy sản phẩm, thì họ mới có thể phát hiện ra được nhu cầu tiềm năng của chính mình. “Khách hàng là Thượng đế” là câu người kinh doanh thường nói. Đối với những người kinh doanh, khách hàng chính là người mang tới cơm ăn áo mặc cho họ, khách hàng là tối cao. Chỉ khi cung cấp sản phẩm và dịch vụ khiến khách hàng hài lòng, bạn mới có thể trở nên nổi bật giữa vô số đối thủ.
Vậy thì, làm thế nào để suy xét vấn đề từ góc độ của khách hàng?
Đầu tiên, chúng ta nên học cách lắng nghe khách hàng. Muốn chào bán được hàng, thì cần phải hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, giới thiệu ưu thế của sản phẩm tới khách hàng. Làm thế nào để hiểu khách hàng? Chắc chắn là phải thông qua việc năng kết nối với khách hàng, để họ tin tưởng bạn. Đối mặt với sự nghi ngờ của khách hàng, chúng ta nên kiên nhẫn, nhiệt tình giải thích, chỉ có phục vụ đến nơi đến chốn, suy nghĩ đến lợi ích của khách hàng, mới giúp đôi bên cùng được hưởng lợi ích.
Thứ hai, chúng ta phải chú ý đến cảm nhận của khách hàng, tức đổi vị trí để suy xét. Đứng ở góc độ của khách hàng có lợi cho việc nắm bắt chuẩn xác nhu cầu của họ, thuận tiện phát hiện vấn đề còn tồn tại, thúc tiến sự tối ưu hóa, nâng cấp sản phẩm. Đương nhiên, đổi vị trí để suy xét cũng có lợi cho việc giải quyết mâu thuẫn của đôi bên. Khi gặp phải vấn đề cần kịp thời bám sát, không được trì hoãn, trì hoãn lâu sẽ khiến khách hàng mất kiên nhẫn, thất vọng và có thể chuyển sang dùng sản phẩm của bên khác.
Không còn nghi ngờ gì nữa, khách hàng chính là người mang tới cơm ăn áo mặc cho chúng ta. Chỉ có dùng con tim chân thành để đối đãi với khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của họ, đồng thời cung cấp dịch vụ chất lượng cao, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ, chúng ta mới có thể giúp việc tiêu thụ sản phẩm của mình trở nên lý tưởng, khiến thị trường của mình ngày càng rộng mở. Trong quá trình sản xuất sản phẩm, nhiều nhà nghiên cứu phát triển không đặt mình vào vị trí của khách hàng, đứng ở góc độ của khách hàng để suy xét, đây là sự lẫn lộn đầu đuôi, sản phẩm sau đó sẽ khó thoát khỏi số phận không tiêu thụ được.
Trong quá khứ, các công ty công nghệ từng đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ cao, nhưng mức độ tiếp nhận của người tiêu dùng lại không như mong đợi. Những công ty này lên giọng quảng bá công nghệ của sản phẩm, giáo dục người tiêu dùng phải nghiêm túc sử dụng, tạo cho người ta cảm giác họ đang lên mặt dạy bảo khách hàng. Nhưng Công ty Apple thì khác, họ chỉ coi trọng thể nghiệm của người tiêu dùng, họ không quảng cáo quá nhiều về công nghệ nòng cốt của mình. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Apple đạt được thành công to lớn. Sáng tạo trên phương diện trình độ công nghệ nội tại đương nhiên là quan trọng, nhưng sáng tạo trên phương diện bề ngoài cũng quan trọng không kém. Công ty Apple bày sản phẩm ra trước mặt người tiêu dùng, khiến họ cảm nhận được đây chính là thứ họ cần, chứ không phải là hỏi họ cần gì.
Nghiên cứu, phát triển sản phẩm tiềm năng, chính là tìm cách khiến cho người tiêu dùng kinh ngạc và mừng rỡ, từ đó thôi thúc họ đáp lại, không chỉ khiến họ hài lòng, mà đôi khi còn hơn cả hài lòng.
Một sản phẩm đi từ khâu thiết kế đến khâu bày bán trên thị trường cần rất nhiều thời gian. Doanh nghiệp cần người tiêu dùng công nhận sản phẩm của mình, người tiêu dùng hi vọng có thể mua được sản phẩm khiến bản thân hài lòng. Khi sản phẩm được người tiêu dùng tiếp nhận, nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Doanh nghiệp muốn sản xuất ra sản phẩm tốt, đòi hỏi phải giữ vững tinh thần nghệ nhân. Nhạc sĩ người Đài Loan - Jonathan Lee có nói: “Cả đời luôn phải để một số chấp niệm tốt đẩy mình về phía trước, bởi vậy có thể sẵn lòng nghe theo sự sắp xếp của con tim. Chuyên chú làm một số việc, chí ít không phụ lòng năm tháng. Những thứ khác, cứ để thời gian nói đi!” Doanh nghiệp phải làm được tới mức “đã tốt còn muốn tốt hơn” đối với sản phẩm của mình, chứ không phải làm qua loa cho xong chuyện. Con người thời hiện đại ngày càng theo đuổi sự độc đáo, một sản phẩm chỉ khi có sức hấp dẫn độc đáo mới được người tiêu dùng tiếp nhận. Nhiều sản phẩm chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, chỉ có sản phẩm bao hàm tinh thần nghệ nhân mới có thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người tiêu dùng ở cấp độ sâu sắc hơn. Doanh nghiệp nên đưa tinh thần nghệ nhân vào trong quá trình sản xuất, như vậy mới có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn.
Doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài, thì phải làm tốt mỗi sản phẩm. Đương nhiên, ngoài việc tạo ra sản phẩm tốt, doanh nghiệp còn phải tích cực khai thác nhu cầu của khách hàng, như vậy mới có thể giành được trái tim khách hàng.
Hãy cùng tìm hiểu về lĩnh vực giày da thủ công cao cấp. Thương hiệu giày da thủ công cao cấp của Ý được đông đảo mọi người yêu thích, nguyên nhân là do đâu? Thì ra, các tiệm chế tác giày ở đây đều là những cửa tiệm trăm năm tuổi, trải qua nhiều đời kế thừa và phát triển vẫn giữ được nhiều kỹ thuật ưu tú. Chỉ có cửa tiệm giàu tinh thần nghệ nhân, mới có thể chế tác ra đôi giày da tốt nhất. Sản phẩm tốt không những phải thỏa mãn nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng, mà còn phải truyền đạt tới người tiêu dùng một loại tinh thần và văn hóa độc đáo.
Mỗi sản phẩm tinh tế đều được người nghệ nhân dày công chế tác, mỗi người nghệ nhân lão luyện đều có tiêu chuẩn độc đáo của mình. Người nghệ nhân ưu tú sẽ kết hợp tinh thần truyền thống và kỹ thuật hiện đại một cách hoàn mỹ. Và đương nhiên, đôi giày họ chế tác ra cũng sẽ tinh tế như tác phẩm nghệ thuật.
Văn hóa đóng giày của Ý đã ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có bậc thầy giày da thủ công Zero. Giày da thủ công của Ý chú trọng sự tỉ mỉ, chuẩn xác của từng đường kim mũi chỉ, điều này cũng đã thể hiện tinh thần nghệ nhân một cách hoàn mỹ. Giày da Zero đã kế thừa tinh hoa chế tác giày thủ công của Ý, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao và thể nghiệm tình cảm độc đáo. Zero cho rằng, sản phẩm do người thợ đích thực tạo ra cần phải có linh hồn độc đáo. Ngoài ra, khi chế tác giày da, họ sẽ gửi gắm suy nghĩ của mình vào sản phẩm, kết hợp với sự sáng tạo trên nền tảng kỹ nghệ tinh xảo, như vậy mới có thể sản xuất ra sản phẩm giày da thích hợp nhất với người tiêu dùng. Giày da Zero đã có sự cải tiến nhất định trên nền tảng giày da Ý kiểu cũ, thêm vào các yếu tố thời trang mới, là sự kết hợp một cách hoàn mỹ giữa truyền thống và hiện đại.
Ngoài lĩnh vực chế tác giày thủ công cao cấp, chúng ta có thể tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác. Chất lượng của đồ ăn và sự phục vụ của nhân viên là những điều được coi trọng nhất trong ngành thực phẩm. Thực khách vô cùng nhạy bén với mức độ tươi ngon của nguyên liệu chế biến và thái độ phục vụ của nhãn hàng. Nếu làm tốt hai công việc này, ắt sẽ thu hút được khách hàng. 1 Date 1 Cake đã làm được điểm này.
1 Date 1 Cake là một công ty khởi nghiệp ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Từ khi thành lập, họ đã xác định được mục tiêu phát triển của mình là phải sản xuất ra bánh ngọt kiểu Âu chất lượng tốt nhất. 1 Date 1 Cake đã chọn dùng nguyên liệu chế biến tươi ngon nhất, công nghệ gia công tiên tiến nhất. Thương hiệu này còn vô cùng coi trọng thể nghiệm của khách hàng. “Khách hàng chính là Thượng Đế” là tôn chỉ hoạt động của họ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, 1 Date 1 Cake đã tạo được rất nhiều kỷ lục. Đấy là thương hiệu đầu tiên của Trung Quốc đề xuất không dùng phụ gia, nhận được chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế. Họ cho rằng, an toàn của thực khách quan trọng hơn tất cả, phải để mỗi thực khách đều được hưởng thụ đãi ngộ tốt nhất. Để thực khách được thưởng thức món bánh chất lượng nhất, 1 Date 1 Cake đã tổ chức ra một đội ngũ giao hàng hiệu quả, nhanh chóng đưa bánh đến tay khách hàng. Họ còn mời bậc thầy bánh ngọt kiểu Âu ở nước ngoài về làm thợ chính, nỗ lực làm ra những chiếc bánh ngon nhất. 1 Date 1 Cake đã đặt nhu cầu của người tiêu dùng và chất lượng của sản phẩm ở vị trí đầu tiên, chú trọng chi tiết, chẳng mấy chốc đã trở thành thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Hiện tại, 1 Date 1 Cake có rất nhiều dòng sản phẩm. Ngoài việc duy trì các loại bánh vốn có ra, họ còn không ngừng sáng tạo, khai thác rất nhiều loại bánh mới. Ví dụ như dòng bánh châu Âu, bản gốc, bậc thầy… Bánh ở các dòng khác nhau có đặc điểm khác nhau, có thể thỏa mãn nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.
Bốn mùa đều có phong tình riêng, mỗi nguyên liệu chế biến lại có cái hay của riêng nó. Đúng thời gian, đúng địa điểm, gặp được đúng nguyên liệu, là sự bảo đảm đối với chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu chế biến của 1 Date 1 Cake về cơ bản là những nguyên liệu chất lượng tốt trên thế giới, như phô mai Mascarpone của Ý, bơ nhạt President của Pháp, mứt hoa quả của Bỉ, bột quả phỉ của Mỹ, hạt dẻ hiệu Hero của Thụy Sĩ.
Một trong những nguyên nhân giúp cho 1 Date 1 Cake có thể đạt được thành công lớn như vậy là nhờ quy trình sản xuất của họ. Nhà máy của 1 Date 1 Cake vô cùng sạch sẽ, được lắp đặt thiết bị diệt khuẩn, khử mùi chuyên biệt, hàng ngày nhân viên đều phải dùng dung dịch vệ sinh rửa tay nhiều lần. Mỗi phòng gia công đều khép kín và độc lập, như vậy mùi vị của các loại đồ ngọt sẽ không lẫn vào nhau. Bánh được sản xuất ra phải trải qua quy trình thẩm tra nghiêm ngặt, nếu không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng, toàn bộ nhân viên của phòng sản xuất sẽ bị trừ lương. Bánh phải được giao đi trong ngày để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Trong ngành thực phẩm, các sản phẩm được tung ra với tốc độ chóng mặt, nhưng 1 Date 1 Cake cho rằng, nếu không có mặt hàng thích hợp, vẫn nên kiên trì làm tốt sản phẩm cũ. Nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm của 1 Date 1 Cake đều là bậc thầy đồ ngọt nổi tiếng thế giới, các loại bánh mới phải trải qua kiểm nghiệm của một nhóm người tiêu dùng mới được chính thức tung ra thị trường.
Quy mô của thị trường kinh doanh ẩm thực ngày càng lớn, thương hiệu mới thành lập mọc lên như nấm, nhưng doanh nghiệp có thể làm lớn làm mạnh không nhiều, và chỉ có doanh nghiệp có chất lượng tốt thực sự mới có thể đứng vững. Sự thành công của 1 Date 1 Cake còn liên quan đến ý thức sáng tạo tốt đẹp của họ. Doanh nghiệp tốt nên tích cực tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, khai thác nhu cầu ấy ở cấp độ sâu hơn. Để chiến thắng được trái tim người tiêu dùng, 1 Date 1 Cake đã xây dựng thương hiệu bánh gato sinh nhật đầu tiên của Trung Quốc. Để thay đổi hình thức đón sinh nhật truyền thống, 1 Date 1 Cake đã cho ra đời loạt bánh gato sinh nhật kiểu mới, đồng thời mời chuyên gia thiết kế các khâu trong buổi tiệc sinh nhật, hi vọng có thể khơi dậy lòng nhiệt tình đón sinh nhật của khách hàng. Nếu khách hàng muốn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật theo ý muốn cá nhân thì có thể yêu cầu dịch vụ trọn gói, 1 Date 1 Cake thỏa mãn đầy đủ nhu cầu cá tính hóa của khách hàng.
Tâm huyết của người nghệ nhân không phải là vẻ ngoài có thể dễ dàng thấy được, mà là sự chuyên chú đối với sản phẩm và sự tinh tế đối với khách hàng. Chỉ khi nghiêm túc suy nghĩ cho người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm bằng thái độ chuyên nghiệp, doanh nghiệp mới tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ngoài ra, vì khách hàng sẽ trưởng thành và thay đổi từng ngày nên nhất định phải dự đoán được nhu cầu trong tương lai của họ. Nhìn thấy xu thế tương lai sớm hơn khách hàng, mới là trọng điểm doanh nghiệp nên quan tâm!
Vừa làm tốt trong thị trường bão hòa, vừa bày bố trong thị trường đang tăng trưởng, doanh nghiệp mới có cơ hội thành công.
Câu chuyện nhỏ
LA ANH: DÙNG TẤM LÒNG CỦA NGHỆ NHÂN, BẢO VỆ TÂM NGUYỆN BAN ĐẦU
“Một đời, một việc, trước sau như một” nói đến việc dùng thời gian một đời, nghiêm túc làm tốt mỗi việc. Đây là tinh thần nghệ nhân trong thời đại mới. Mỗi người đều nên xác lập sứ mệnh của cuộc đời mình, không kiêu không vội, chuyên chú kiên trì, sáng tạo ra giá trị không thể thay thế cho xã hội.
Lòng yêu cái đẹp, ai ai cũng có. Vẻ đẹp có nhiều tiêu chuẩn khác nhau, và có hàng nghìn tư thái khác nhau. Thế nào là đẹp? Không cần truy tìm định nghĩa chuẩn nhất về cái đẹp, bởi đẹp là một dạng cảm nhận, nó chạm đến cảm quan của chúng ta. Vào khoảnh khắc bạn rung động, cái đẹp đã sinh ra. Vẻ đẹp tự nhiên của hoa cỏ, vẻ đẹp do chế tác của cái bàn, cái ghế, vẻ đẹp từ hoạt động sáng tác của đoạn thơ, bản nhạc… Cái đẹp len lỏi ở mỗi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta. Có cái đẹp, cuộc sống sẽ rạng rỡ hơn, tâm tình con người cũng sẽ trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.
Nói đến phẫu thuật thẩm mỹ, mọi người hẳn không còn xa lạ. Ngày nay, để con người trở nên đẹp hơn, để thế giới trở nên đẹp hơn nhờ con người, chúng ta có thể tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
La Anh – người sáng lập bệnh viện thẩm mỹ ANJIELISHI PLASTIC SURGERY HOSPITAL, chính là “bà đỡ” cho cái đẹp. Trong lòng La Anh, cái đẹp không phải là kết quả của việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ, mà nên là sự kết hợp hoàn mỹ của ngoại hình và nội tâm.
Đối tượng mà phẫu thuật thẩm mỹ tác động là con người. Để quá trình phẫu thuật thẩm mỹ diễn ra tốt đẹp không chỉ đòi hỏi trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nguyên liệu tốt, mà còn yêu cầu bác sĩ thẩm mỹ chính phải có kinh nghiệm lâm sàng phong phú và nền tảng thẩm mỹ nhất định.
La Anh có tiêu chuẩn cao, yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân và đội ngũ của mình. Bệnh viện của bà sử dụng thiết bị tiên tiến nhất và nguyên liệu phẫu thuật thẩm mỹ cao cấp, tuyển mời chuyên gia ngoại khoa thẩm mỹ của bệnh viện chính quy. Đối với bà, bên cạnh hiệu quả thẩm mỹ, sinh mệnh của khách hàng cũng là điều hết sức quan trọng.
Lương tâm là chốt chặn cuối cùng của nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Lương tâm còn, y đức còn; lương tâm còn, an toàn còn. Từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, La Anh đều giữ trọn y đức của người làm nghề y, không hám lợi, không thổi phồng hiệu quả phẫu thuật, từ chối sản xuất dây chuyền, để chuyên gia và khách hàng trực tiếp trao đổi nhằm thống nhất phương án phẫu thuật phù hợp nhất. Mỗi ekip phẫu thuật đều phải dốc toàn sức lực, phụ trách cái đẹp và an toàn cho khách hàng, trên nền tảng an toàn, cố gắng đạt đến vẻ đẹp tự nhiên như vốn có.
Thế giới của cái đẹp vô cùng tươi đẹp, cái đẹp không những cần được phát hiện, mà còn phải không ngừng được sáng tạo. Niềm tin trong cuộc sống của La Anh chính là theo đuổi cái đẹp không thể qua loa, vẻ đẹp của mỗi người đều là độc nhất vô nhị, cần sự đắp nặn riêng. Những năm qua, bà đã giúp đỡ rất nhiều phụ nữ tái tạo lại vẻ đẹp và sự tự tin, sáng tạo ra hết kỳ tích này đến kỳ tích khác.
Không quên tâm nguyện ban đầu, ở con người La Anh, chúng ta đã nhìn thấy linh hồn của “tâm huyết của người nghệ nhân” trong cuộc đời theo đuổi sự hoàn mỹ, toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp làm đẹp. Bà đã dùng tâm huyết của người nghệ nhân, bảo vệ tâm nguyện thuở ban đầu của mình.