Học tập đích thực không phải là đọc hết vài cuốn sách, hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó cấp trên giao cho, mà là tiến hành quy hoạch và tự điều hành cuộc đời mình.
Ở trường Đại học Harvard, Mỹ có một tín điều được các thế hệ sinh viên tán tụng: Trong từ điển của Harvard không có hai chữ “tốt nghiệp”. Tại sao lại như vậy? Khi mới nhập học, các tân sinh viên lấy làm khó hiểu, tại sao các giáo sư phải giao quá nhiều tài liệu để đọc đến nỗi mọi người đã được định trước là không thể hoàn thành như vậy? Các bạn sinh viên đã nhận được câu trả lời từ trung tâm hỗ trợ sinh viên của nhà trường. Tài liệu giới thiệu có liên quan đến Harvard được bày la liệt, trong đó có một nội dung có tiêu đề “Đối mặt với lượng tài liệu phải đọc lớn do giáo sư giao cho, chúng ta nên làm thế nào?” khiến người ta chú ý. Các bạn sinh viên đã biết câu trả lời: Mong muốn của các giáo sư chính là sinh viên dùng cả đời để đọc xong các tài liệu được chỉ định, tức xây dựng quan niệm học tập suốt đời.
Từ khi cất tiếng khóc chào đời, được cha mẹ dạy dỗ, sau đó được nhà trường truyền thụ tri thức hệ thống, hơn mười năm học hành ấy thực ra chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc đời của con người, một lượng lớn tri thức trong cuộc sống và công việc đòi hỏi chúng ta phải lĩnh hội thông qua việc tự giáo dục bản thân. Khổng Tử viết: “Lúc mười lăm tuổi ta đã lo nỗ lực học tập, ba mươi tuổi đã tự lập, bốn mươi tuổi có thể không bị sự vật ngoại cảnh mê hoặc, năm mươi tuổi hiểu được thiên mệnh, sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả, bảy mươi tuổi có thể tùy theo lòng mình mà không vượt ra khỏi quy củ.” Có thể thấy, việc học tập của đời người sẽ có rất nhiều giai đoạn thăng cấp, thế nhưng hiện tại lại có rất nhiều người sa vào cùng một loại suy nghĩ sai lầm, tưởng rằng một khi rời khỏi trường học là không cần phải học tập nữa.
Thực ra, đời người là một quá trình học tập. Cho dù không tính việc đi học chính quy, thì chúng ta cũng luôn học tập trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên hiệu quả của việc học tập bị động này cũng có hạn, tác dụng biến đổi ngầm này cần thời gian dài hơn mới có thể nhìn thấy được. Tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, phương thức học tập này đương nhiên không thể so sánh với việc tự giáo dục bản thân một cách có ý thức. khi xưa chúng ta có những tấm gương ham học, học dưới ánh đèn đom đóm, học từ khi gà gáy sáng... nhưng chỉ có tinh thần ham học thôi thì chưa đủ, nếu không cần cù tích lũy kiến thức, học chưa đến nơi đến chốn đã vội vênh vang ra xã hội thể hiện mình, ắt sẽ khiến người ta coi thường.
Hyman tốt nghiệp trường Đại học Johns Hopkins và từng là một nha sĩ nổi tiếng, mỗi tuần bà chỉ cần làm việc ba ngày, một năm thu nhập của bà là 100 nghìn đô la Mỹ. Công việc này khiến bà vô cùng hài lòng, cuộc sống của bà đang vô cùng hoàn mỹ. Thế nhưng, năm bốn mươi tuổi, bà bị mắc bệnh viêm khớp, ngón tay luôn run rẩy, khiến bà không thể tiếp tục công việc nha sĩ. Bất đắc dĩ, bà chỉ có thể đến một ngôi trường cấp Hai làm giáo viên, thu nhập giảm đi nhiều. Điều này cho thấy, Hyman đã thỏa mãn với tình cảnh hiện tại của mình, không vạch ra dự định cho tương lai, giậm chân tại chỗ, không đầu tư thời gian học tập kỹ năng mới, kỹ năng nha khoa đơn nhất khiến bà không thể xoay sở khi cuộc đời gặp trắc trở. Dừng học, dễ khiến con người bước vào tình cảnh cùng quẫn của cuộc sống.
Bất kể giờ phút này chúng ta đang giữ chức vụ gì, tiền lương bao nhiêu, học vấn cao hay không, gia cảnh thế nào, đừng để tâm đến sự đắc chí nhất thời, thời gian sẽ cho chúng ta kết cục công bằng nhất. Đừng hoang tưởng lối đi tắt khác, đừng dùng chiêu không theo lẽ thường, cả đời học tập mới là con đường sinh tồn vững chắc duy nhất. Nếu dễ dàng thỏa mãn với tri thức mình đạt được, thì dù là người có chỉ số thông minh cao đến mấy cũng không thể có được thành công. Mọi người đều biết, học tập như con thuyền đi ngược dòng, không tiến sẽ lùi, con người giậm chân không tiến, cuối cùng sẽ bị thời đại đào thải.
Thiếu sót trong bản lĩnh đồng nghĩa với bị thay thế. Doanh nghiệp thiếu bản lĩnh, thì khó có thể đứng vững trên thị trường. Cá nhân thiếu bản lĩnh, thì khó có thể sinh tồn trong xã hội. Vậy chúng ta nên giải quyết vấn đề bản lĩnh như thế nào? Chỉ có không ngừng học tập, học tập suốt đời thì mới có thể độc lập tự cường, nắm giữ vận mệnh bản thân.
Sống ở đời, phải giỏi học tập kinh nghiệm từ người khác, phải giỏi giữ vững bản lĩnh giữa những vụn vặt của đời thường. Thông qua việc học tập không ngừng nghỉ, con người có thể cập bến thành công. Đặc biệt là trong thời đại biến chuyển từng ngày như hiện nay, không học đồng nghĩa với vô tri, khó có thể bắt kịp với bước đi của thời đại. Chỉ có thông qua việc học, học nữa, học mãi, không ngừng nâng cao tố chất và năng lực của bản thân, chúng ta mới thành thạo kỹ năng và giải quyết tốt các vấn đề. Bùng nổ tri thức là đặc trưng của thời đại này. Điều này có nghĩa là gì? Hiển nhiên, nó có nghĩa là, tri thức không tăng trưởng theo cấp số nhân, mà lại là tăng trưởng bùng nổ giống như phản ứng phân rã nguyên tử với tốc độ chúng ta khó có thể tưởng tượng, càng không thể kiểm soát. Ví dụ, công việc quản lý trưng thu của phòng thuế vụ, trong quá khứ hoàn toàn do con người vận hành, là công việc phức tạp, nhàm chán, hiệu suất thấp. Với sự phát triển của mạng Internet và dữ liệu lớn, trí tuệ và trình tự hệ thống hóa mang đến hiệu quả cao, có thể dễ dàng thao tác. Phòng thuế vụ lập tức cải cách chế độ quản lý trưng thu, vận dụng công nghệ hiện đại vào công việc, thao tác bằng tay sẽ phải đối mặt với việc bị đào thải. Thực tế đã chứng minh, trong một thế giới thay đổi chóng mặt, chỉ có học tập mới giúp chúng ta đưa ra ứng phó kịp thời nhất, hiệu quả nhất khi phải đối mặt với đủ kiểu biến chuyển.
Đối với nhân sự làm việc ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, không những phải học tập suốt đời, mà còn phải đưa học tập vào cuộc sống, công việc, làm được tới mức học tập hóa cuộc sống và công việc. Vậy thì, chúng ta phải làm thế nào mới có thể học tập cả đời? Điều này không khó, học tập suốt đời, chính là yêu cầu chúng ta mang quan niệm học tập theo suốt sinh mệnh, kết hợp học tập và cuộc sống, coi học tập là một phần của cuộc sống. Đương nhiên, đó không phải là học tập mù quáng, mà phải có tính lựa chọn, chỉ khi người học giữ niềm hứng thú và nhiệt huyết, mới có thể duy trì việc học lâu dài. Nếu ôm trong mình mục đích có được công danh, lợi lộc, đối đãi với việc học tập bằng ánh mắt hạn hẹp, sẽ mất đi cái tôi cá nhân, cho dù học được bản lĩnh cũng khó có thể thành tài. Xã hội truyền thống chia cuộc đời mỗi con người ra làm hai giai đoạn, là giai đoạn tiếp nhận giáo dục và giai đoạn làm việc, còn xã hội kiểu học tập hiện tại không phân chia như vậy, giai đoạn tiếp nhận giáo dục và giai đoạn làm việc sẽ hòa làm một thể. Chúng ta chỉ có học, học nữa, học mãi, mới có thể làm việc tốt hơn.
Trong lý luận về tổ chức học tập8, có một công thức như thế này: L ≥ C, có nghĩa là, một người, một đoàn thể cho đến một quốc gia muốn duy trì sự phát triển, điều kiện cơ bản là tốc độ học tập (tức L) phải lớn hơn hoặc bằng tốc độ của sự biến đổi (tức C). Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của học tập đến xã hội kiểu học tập, học tập ảnh hưởng trực tiếp đến sự tiến bộ, nếu tốc độ học tập không theo kịp sự phát triển, sẽ kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển. Thời đại này yêu cầu con người không ngừng học tập, bởi tri thức đổi mới với tốc độ chóng mặt. Nếu không học, bạn sẽ giậm chân tại chỗ, không biết nên làm thế nào khi phải đối mặt với sự biến đổi. Quan điểm nòng cốt trong tiến hóa luận “chọn lọc tự nhiên” là, trong quá trình phát triển, sự vật chỉ có không ngừng thích ứng, mới có thể tiếp tục sinh tồn. Tương tự, con người cũng như vậy, nếu muốn sinh tồn, thì chỉ có học cách thích ứng với thời đại, và con đường duy nhất của sự thích ứng chính là học tập.
8 Chiến lược quan trọng nhằm phát triển tổ chức. Đây là mô hình đề cao tính tập thể và sự tiến bộ của cá nhân, các cá nhân được học tập, sáng tạo, tham gia hình thành ý tưởng và giải quyết vấn đề cho tổ chức, giúp tổ chức phát triển, trưởng thành.
Từ xưa đến nay, người Trung Quốc luôn phân định rạch ròi khái niệm “học” và “tập”. Thực tế hiện nay, điều này đi ngược lại với xã hội kiểu học tập. “Học” là chỉ lý luận, “tập” là chỉ thực tiễn, chỉ có dùng lý luận chỉ dẫn cho thực tiễn, đồng thời không ngừng phê bình và hoàn thiện lý luận trong thực tiễn, mới có thể kết hợp “học” và “tập” lại một cách hoàn mỹ, đây mới là ý nghĩa của việc học tập. Chỉ có thực sự hiểu “học tập”, một người mới có thể tiến bộ. Học tập mà chúng ta nhấn mạnh, không phải là việc đạt được tri thức một cách đơn giản, mà là năng lực học tập. “Nếu chỉ nhìn thấy những gì viết trên giấy thì chỉ là sự nông cạn, cái thâm sâu phải tự mình thể nghiệm và thực hành.” Chúng ta phải học tập quan niệm, đồng thời đưa quan niệm vào thực tiễn, không ngừng ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống thực tế. Bởi vậy, “năng lực” quan trọng hơn “tri thức”. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều người có “học lực giỏi” nhưng lại không có “năng lực cao” tương xứng, cho dù sau khi tốt nghiệp được vào làm tại công ty danh tiếng, thì sau vài năm, có lẽ cũng không tránh được việc bị đào thải. Những điều này đều đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Đánh giá một người có xứng với tiêu chuẩn nhân tài hay không, không phải là nhìn học lực hay chức vụ của anh ta, mà xem anh ta có năng lực và thành tích xuất sắc hay không.
Muốn đạt được tri thức chúng ta phải có năng lực, vận dụng tri thức và sáng tạo càng cần nhiều năng lực hơn. Chỉ biết giành lấy tri thức mà không biết làm thế nào để vận dụng tri thức và sáng tạo thì không thể được gọi là học tập. Đối với một người, sẽ thật nguy hiểm nếu chỉ biết vùi đầu học hành, mắt điếc tai ngơ trước sự thay đổi của thế giới bên ngoài, điều này sẽ chỉ khiến anh ta khép mình và tự phụ, kết quả cuối cùng chính là lạc hậu và bị đào thải. Chúng ta học tập là để sinh tồn, để thích ứng với sự biến đổi, chỉ có nhìn nhận vấn đề bằng ánh mắt của sự phát triển và sáng tạo, mới là mục đích học tập của chúng ta. Khi chúng ta muốn có được năng lực, không thể phớt lờ sự tích lũy tri thức, năng lực giống như tòa cao ốc, cũng buộc phải xây trên móng nhà kiên cố, nếu không sẽ chỉ là tòa nhà giấy, gió thổi là đổ. Nên hiểu như thế này: Tích lũy tri thức là nền móng, quyết định giới hạn dưới; sự vận dụng của năng lực là phát triển, quyết định giới hạn trên. Chúng ta phải nắm bằng hai tay, tức vừa coi trọng sự tích lũy tri thức, vừa chú trọng nâng cao năng lực. Tích lũy tri thức sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lực, còn sự phát triển của năng lực có thể dùng vào việc nắm bắt tri thức cụ thể.
Thế nhưng, tất cả những điều này đều được quyết định bởi tâm thái. Tâm thái của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của sự tình. Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra rằng: Để đạt được thành công, gặt hái được thành tựu, thăng quan tiến chức… 85% là do thái độ tốt, chỉ có 15% là do trình độ chuyên môn. Tâm thái tốt mới là nguồn gốc và sức mạnh tiến bộ của một người, tích cực lạc quan, hăng hái tiến thủ, dám phấn đấu mới có thể giải quyết được mọi vấn đề, mâu thuẫn và khó khăn phải đối mặt trong cuộc đời.
Ngoài ra, tuy rằng việc học tập phải được tiến hành xuyên suốt cuộc đời mỗi con người, nhưng sinh mệnh của con người là có hạn. Trong chương Dưỡng sinh của cuốn Nam Hoa kinh, Trang Tử - triết gia và tác giả Đạo giáo, viết rằng: “Đời ta có hạn mà tri thức thì không bờ.” Ai hiểu được tầm quan trọng của sinh mệnh, người đó có thể thực sự hiểu được giá trị của thời gian. Thời gian chính là vàng bạc, có thể hình thành nếp nhăn trên trán người đẹp, cũng có thể lấp sông hồ thành đường rộng thênh thang. Kế hoạch một năm bắt đầu vào mùa xuân, kế hoạch của một ngày bắt đầu vào buổi sáng. Thời gian quan trọng là thế, nhưng lại dễ bị tiêu phí tùy tiện nhất. Đại thi hào người Anh, Shakespeare từng nói rằng: “Người nào buông bỏ thời gian, thời gian cũng sẽ buông bỏ người đó.” Nhà thơ nổi tiếng người Đức, Goethe cũng từng nói rằng: “Người lãng quên ngày hôm nay sẽ bị ngày mai quên lãng.” Chúng ta phải làm như thế nào mới không uổng phí thời gian? Chỉ có không ngừng học tập, nó mới dần in hằn vết chân trong chuyến hành trình của cuộc đời bạn.
Đối với người đã bước chân vào xã hội, công việc cần thời gian, gia đình cần thời gian, giải trí cần thời gian, học tập càng cần đến thời gian. Mà những thời gian này từ đâu tới? Điều này đòi hỏi chúng ta phải học cách sử dụng thời gian. Nếu bạn có thể sánh kịp bước chân của thời gian, nắm bắt tốt nó, vậy thì bạn sẽ không còn là một người không có tiếng tăm gì. Sử dụng thời gian hợp lý, là mảnh đất của mọi thành tựu trên thế giới. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói rằng: “Làm gì có thiên tài, là tôi đã dùng thời gian người khác uống cà phê để viết lách thôi.” Trong xã hội hiện tại, tộc người cúi đầu9 chiếm số đông, cuộc sống của mọi người bị lấp đầy bởi những thông tin vụn vặt, thời gian lẳng lặng trôi mất từ những mảnh vụn này, còn chúng ta lại không hay biết gì. Trên sân ga đợi tàu điện ngầm, trong thời gian xếp hàng lấy số ở bệnh viện… nếu chúng ta có thể bỏ điện thoại xuống, tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi này để đọc một cuốn sách bỏ dở đã lâu, thì chúng ta có thể tích đất thành núi, tích nước thành vực, cứ như vậy, ắt sẽ có kho dự trữ tri thức phong phú.
9 Thuật ngữ chỉ những người luôn cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại
Để tránh lãng phí thời gian, sử dụng “phương pháp thống kê thời gian” được xem là một giải pháp hữu ích. Trong suốt cuộc đời mình, nhà sinh học người Nga, Aleksandr Lyubishchev đã nhờ vào phương pháp này để thu hoạch được thành quả khoa học đáng kinh ngạc, khiến sinh mệnh của mình trở nên có ý nghĩa hơn người khác. Ông không có thiên phú gì đặc sắc, cuộc sống nghèo khó, cơ thể suy yếu, hồi nhỏ vì nghịch ngợm bị gãy tay, hồi trẻ trượt băng bị ngã dẫn đến tổn thương não, đến tuổi trung niên lại bị bệnh lao phổi giày vò. Thời bấy giờ, những người mắc căn bệnh này đều sa vào tuyệt vọng. Vận mệnh tựa hồ đã định trước con người đáng thương này không thể có một cuộc đời bình thường.
Việc Aleksandr Lyubishchev học được “phương pháp thống kê thời gian”, đã mang đến cho ông sự giúp đỡ to lớn. Trong 82 năm cuộc đời của mình, ông đã tận dụng từng phút từng giây, gắng sức miêu tả tư tưởng của mình lên giấy. Hơn 70 tác phẩm học thuật được xuất bản, 12.500 tờ luận văn đánh máy và sáng tác chuyên ngành, ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết cho chúng. Các tác phẩm của ông có nội dung rộng khắp và toàn diện, những nghiên cứu về các lĩnh vực di truyền học, lịch sử khoa học, côn trùng học, bảo vệ thực vật, thuyết tiến hóa, triết học của ông đều gặt hái được thành tựu xuất sắc.
Không ai dám tin rằng mỗi ngày ông có thể đảm bảo ngủ nghỉ 8 tiếng đồng hồ. Đổi lại là người khác, đứng trước núi công việc như vậy đều sẽ thức khuya, thậm chí là thức trắng đêm để làm việc, chứ chưa nói đến có thể kiên trì tham gia hoạt động giải trí, rèn luyện thân thể, nhiệt tình với công tác xã hội trong thời gian dài như ông.
Lẽ nào quỹ thời gian của ông dư dả hơn người khác? Năm 1916, khi 26 tuổi, Aleksandr Lyubishchev đã áp dụng “phương pháp thống kê thời gian”. Trong sổ tay của mình, ông đã ghi chép hết sức chi tiết về thời gian dành cho học tập, viết lách, đọc sách, đọc báo, thậm chí là giao lưu tình cảm với con trai, con gái, sau đó đưa ra lời tổng kết của mình cho các hoạt động này. Vận dụng nguyên lý kiểm soát phản hồi trong điều khiển học là đặc điểm lớn nhất trong phương pháp của ông. Ông thống kê thời gian tiêu phí, tính toán tỷ lệ sử dụng, từ đó tìm ra nguyên nhân lãng phí, sau đó suy nghĩ lại và tổng kết biện pháp hạn chế hiện tượng này, dốc hết khả năng tránh lãng phí thời gian.
Rất nhiều người đều có cuốn sổ quản lý thời gian của riêng mình giống như ông, điều này không có gì khó khăn, cũng không tốn thời gian. Thông qua ghi chép về những hoạt động trong ngày, mỗi người sẽ xác định được thời gian nào có thể học tập hiệu quả, thời gian nào có thể nghỉ ngơi và giải trí, thời gian nào nên được tận dụng để tích lũy tri thức… Chỉ cần bạn kiên trì, bền bỉ, bạn sẽ phát hiện ra rằng, thời gian học tập hiệu quả của bạn sẽ ngày một nhiều lên, một ngày của bạn tựa hồ cũng ngày một dài hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong số những việc chúng ta làm, đọc chính là hoạt động hiệu quả nhất để giải phóng tâm hồn, đồng thời nâng cao trình độ tư duy. Tri thức cá nhân được thu hoạch từ hai phương diện: Một là tự mình trải nghiệm trong thực tiễn, đây là con đường tốt nhất để có được một lượng tri thức cảm tính lớn, sau đó dùng phương thức suy xét để chuyển đổi chúng thành tri thức lý tính; hai là thông qua việc đọc, kế thừa tri thức đã có, biến chúng thành tri thức của mình. Dựa vào kho tàng tri thức, di sản tư tưởng vĩ đại người xưa để lại để mở rộng tầm mắt của chúng ta. Đại não của chúng ta có tính lười biếng, sẽ vì không được thường xuyên tiếp xúc, bổ sung thêm tri thức mới mà dừng vận hành, dừng suy nghĩ, dần trở nên trì độn, cho dù là thiên tài, một khi thiếu rèn luyện trí óc, cũng sẽ dần trở nên yếu kém.
Đọc là con đường chính nhất, thuận tiện nhất để hấp thụ tri thức. Đọc là trách nhiệm, là sứ mệnh của toàn nhân loại. Việc người Đức có tố chất ưu tú, có liên quan mật thiết đến truyền thống ham đọc sách tốt đẹp của họ. Theo thống kê, nước Đức có hơn 14 nghìn thư viện, cất giữ khoảng 129 triệu cuốn sách, thậm chí ở các làng quê nhỏ cũng đều có thư viện. Các tổ chức như Hiệp hội sách nước Đức, Quỹ đọc sách nước Đức… thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm khơi dậy hứng thú đọc sách của người dân. Cho dù đang sống trong thời đại Internet phát triển như vũ bão, người Đức vẫn giữ truyền thống đọc sách. Trong tàu điện ngầm, trên thảm cỏ trong công viên, thậm chí ở phòng chờ khám bệnh của bệnh viện, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng mọi người chăm chú đọc sách. Kết quả điều tra chỉ ra rằng, 70% người Đức thích đọc sách, 50% mua sách định kỳ, 30% đọc sách hàng ngày, việc đọc sách đã thấm nhuần vào cuộc sống thường ngày của người Đức.
Có người đọc sách rất nhiều năm nhưng không mở rộng được vốn tri thức, điều này chứng tỏ cần điểu chỉnh phương pháp đọc. Chúng ta phải học cách đọc sách hiệu quả, nắm vững phương pháp đọc và kỹ xảo đọc, không ngừng tìm tòi, tra cứu trong quá trình đọc. Sau khi chúng ta bước chân vào xã hội, công việc sẽ hao phí khá nhiều thời gian của chúng ta. Có người sẽ nói: Có bao nhiêu công việc phải làm, lấy đâu ra thời gian đọc sách? Đọc sách thiếu mục đích, thiếu kế hoạch, sẽ lãng phí quỹ thời gian vốn không nhiều, khiến mọi người cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, nếu xác định đúng mục tiêu, dành ra khoảng thời gian hợp lý và có phương pháp phù hợp thì về lâu dài, đọc sách có lợi cho việc học hỏi tri thức, nâng cao năng lực làm việc, phát triển sở trường của mỗi người.
Đọc nhiều sách vở, có thể tích lũy được nhiều tinh hoa. Cần phải giống như loài ong, hái nhiều hoa, mới làm được ra nhiều mật, nếu chỉ ở một chỗ, chỉ xem tác phẩm của một người, tri thức đạt được sẽ có hạn. Song song với việc đọc nhiều, chỉ cần lĩnh hội được sơ lược là được. Khi cầm một quyển sách hãy đọc mục lục trước, khi phát hiện ra tri thức hữu dụng, hãy lật mở nội dung liên quan. Cách này cũng thích hợp khi đến hiệu sách chọn sách, thông qua mục lục và lời nói đầu, nhanh chóng nắm bắt được nội dung sơ lược của cuốn sách. Trong số các cuốn sách đã mua, thử chọn ra một cuốn để đọc tỉ mỉ. Sau đó, đọc những cuốn sách khác cùng thể loại, mạch suy nghĩ của bạn sẽ linh hoạt hơn, tầm mắt của bạn sẽ rộng mở hơn về một lĩnh vực nhất định. Khi đọc tỉ mỉ, phải “nghiền ngẫm chậm rãi”; khi đọc lướt, phải lĩnh hội được tư tưởng, hiểu rõ đại ý. Nên ghi chép lại kiến thức mới trong khi đọc, năng lực quy nạp, thậm chí là năng lực biểu đạt của bạn, chắc chắn sẽ được nâng cao sau mỗi lần đọc xong một cuốn sách.
Khi đọc sách còn phải năng động não suy nghĩ, phải nắm được tinh túy, thực hiện chuyển hóa từ nông sang sâu.
Câu chuyện nhỏ
MÃ KHẢ: TÂM TÌNH TRONG TỪNG ĐƯỜNG KIM MŨI CHỈ
Có thể bạn chưa từng nghe thấy tên của bà, nhưng chắc chắn bạn không còn lạ gì với thiết kế của bà. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức, đi cùng là phu nhân Bành Lệ Viện. Việc phu nhân Chủ tịch Trung Quốc ăn vận trang phục thương hiệu dân tộc đã trở thành tiêu điểm chú ý của truyền thông. Những bộ trang phục này đều do chính tay Mã Khả thiết kế, mọi người gọi bà là “nhà thiết kế thiên tài”.
Bà không thích đi giày cao gót, luôn để mặt mộc, mặc áo vải màu xanh, làm bạn với những chiếc bàn gỗ, ghế gỗ trong phòng làm việc tông màu xám trắng. Phong cách tự nhiên, giản dị của bà dường như không tương xứng với danh tiếng của bà.
Đằng sau sự thành danh của Mã Khả là cả một quá trình hi sinh và nỗ lực lâu dài. Năm 1994, bà tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế trang phục và Biểu diễn của khoa Mỹ thuật công nghệ thuộc Học viện Tơ lụa Tô Châu (hiện là Đại học Tô Châu) và đến làm việc cho một công ty trang phục nhỏ ở Quảng Châu. Kể từ đó, bà đã bước lên con đường trở thành nhà thiết kế chuyên nghiệp. Năm 23 tuổi, bà đã dựa vào loạt tác phẩm “Tần dũng” của mình, giành được giải Vàng tại cuộc thi Cup huynh đệ lần thứ hai dành cho các nhà thiết kế trẻ quốc tế.
Năm 1995, Mã Khả đạt danh hiệu “Một trong mười nhà thiết kế thời trang xuất sắc nhất Trung Quốc”, được tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản bình chọn là “Một trong năm nhà thiết kế thời trang xuất sắc nhất Trung Quốc”. Năm 1996, bà đã sáng lập thương hiệu thiết kế của riêng mình, mang tên Ngoại Lệ.
Tháng 4 năm 2006, Mã Khả đến Châu Hải sáng lập phòng làm việc cho thương hiệu mới Vô Dụng.
Tháng 2 năm 2007, với tư cách là nhà thiết kế thời trang của Trung Quốc, tại Tuần lễ thời trang cao cấp Xuân Hạ Paris, bà đã ra mắt bộ sưu tập đầu tiên có tên là Vô Dụng/Trái Đất. Sở dĩ lấy tên “Vô Dụng” là bởi bà đã dành thời gian gần 10 năm lang thang khắp các thôn làng ở Trung Quốc. Bà đến các địa phương như Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Thanh Hải để thu thập tư liệu sống, tìm tòi, nghiên cứu những tập tục may mặc đã bị lãng quên. Nhiều người không hiểu, cho rằng bà đang làm chuyện vô dụng và lỗi thời, bởi bà đang thử cứu vớt những truyền thống bị thời đại vứt bỏ kia. Nhưng trong mắt bà, những giá trị truyền thống ấy mới là những thứ đáng để trân quý. Bà dẫn theo phụ nữ Miêu Trại khéo tay và khung cửi tìm được trong núi về Châu Hải để dệt vải thêu hoa, bà dùng màu nhuộm từ thực vật. Phong cách của bà dường như tái hiện lại thời kỳ phường hội. Hầu hết các sản phẩm có xuất xứ từ phòng làm việc Vô Dụng đều là tác phẩm thủ công, điều này đã dần trở thành thương hiệu của Vô Dụng. Yếu tố truyền thống này đã được thể hiện trong không gian triển lãm của Vô Dụng tại Bắc Kinh. Ở đó, bạn có thể nhìn thấy bức tường màu đất, khung cửi truyền thống, cùng với những quả bông rơi vãi trên nền. Không những thế, bạn còn cảm nhận được hơi thở văn hóa cổ xưa, khiến bạn có cảm giác mình đang xuyên không về một phường hội thủ công nào đó thời phong kiến. Tất cả những điều này nhìn thì có vẻ khác biệt hoàn toàn với thời trang, nhưng lại khiến bạn lưu luyến quên về, bởi nó khiến bạn cảm nhận được sự sâu sắc của những câu chuyện đằng sau nó, khơi dậy một thứ tình cảm nào đó trong bạn.
Mỗi bộ trang phục, mỗi đường kim mũi chỉ đều mang theo ký ức, ẩn chứa những tình cảm sâu sắc.
Phòng làm việc Vô Dụng từng tổ chức một buổi triển lãm có tên “Tìm y vấn đạo – tìm kiếm chiếc áo thủ công có câu chuyện sâu sắc nhất”. Buổi triển lãm đã trưng bày hàng chục chiếc áo được may thủ công được tìm thấy từ những chiếc hòm cổ xưa, có chiếc áo đỏ mẹ may hồi còn trẻ, có chiếc áo cưới ngày xưa, có chiếc áo từng mặc trong những năm tháng chiến tranh… Có lẽ, chính những chiếc áo cũ sờn vai này đã khiến mọi người không khỏi nhớ về cố hương, nhớ về những ngày thơ ấu, nhớ về một ai đó ở tận sâu trong ký ức. Cùng với ánh đèn tối mờ, bầu không khí được tạo dựng trong buổi triển lãm khiến mọi người lẳng lặng rơi lệ. Ở phần cuối hoạt động, ánh đèn vụt tắt, cả hội trường im lặng, tiếng khung cửi dệt vải vang lên, kéo dài ba phút, sau đó một chùm sáng dội xuống, trên màn hình lớn xuất hiện một bàn tay Phật cầm hoa, bên dưới có bốn chữ: “Vô trung sinh hữu”.
Mã Khả luôn theo đuổi những điều khác biệt so với mọi người. Bà muốn đưa trang phục trở về với sự chất phác và sức hấp dẫn vốn có của nó, khôi phục cảm quan bị kích thích quá độ của mọi người về với sự nhạy bén đối với những chi tiết nhỏ. Thời trang đích thực không nên là những bộ trang phục đẹp đẽ, trống rỗng, mà nên là sự chất phác, tự nhiên, vẻ đẹp của nó chắc chắn sẽ thấm vào lòng người.
Nhìn thấy trang phục như nhìn thấy ký ức. Kim chỉ có tình, bịn rịn luyến lưu, kể về những câu chuyện đã xa. Quần áo là nhu yếu phẩm làm bạn với chúng ta sớm chiều, từ khi chúng ta chào đời đến khi rời khỏi nhân thế, nó theo ta suốt cuộc đời. Đối với Mã Khả, nội hàm của trang phục vượt xa tất cả những sự vật thường ngày.
Ngày còn nhỏ, mẹ dạy ta mặc quần áo, may vá quần áo cho ta, những tình cảm hết sức bình dị nhưng lại sâu sắc ấy đã lưu lại trong lòng mỗi người.
Không có phương thức biểu đạt tình yêu nào trực tiếp hơn điều này, giữa quần áo và con người có mối quan hệ vô cùng gắn bó. Bởi vậy, Mã Khả vô cùng trân quý quần áo, bà cảm thấy chúng nên được tạo ra và đối đãi bằng tinh thần trách nhiệm. Quần áo cũng có sinh mệnh của mình, một chiếc váy cưới làm bằng vải the Hương Vân có thể dìu bước một người phụ nữ gần trăm năm, còn sản phẩm dệt cuối cùng sẽ bị phai màu, bị dão, không thể trường tồn cùng thời gian. Bởi vậy, từ góc độ thời gian, quần áo là thứ đáng để chúng ta yêu thương và trân trọng.
Mã Khả không phải là một người quá quan tâm đến vật chất. Nhiều người sau khi thành danh, đều mở rộng phòng làm việc của mình, hoặc mở thêm nhiều chuỗi cửa tiệm trên toàn quốc, nhưng Mã Khả không làm như vậy. Bà nói mình không phải là một thương nhân hám lợi, bà định vị bản thân là một nhà thiết kế theo chủ nghĩa lý tưởng, mục tiêu của bà là xây dựng thương hiệu cao cấp, truyền đạt quan niệm và tinh thần của Trung Quốc ra thế giới. Bà luôn cố gắng hạ thấp nhu cầu của bản thân về vật chất. Khi học đại học, bà là người không nỡ tiêu tiền nhất lớp, bà không thích mua sắm đồ trang điểm, cũng không thích dạo phố. Có một khoảng thời gian, bà chìm đắm trong thư viện, đọc dòng sách thiết kế mình yêu thích. Bà nói, khi sự theo đuổi về tinh thần của một người cao hơn vật chất, người ấy sẽ không còn dựa dẫm vào vật chất nữa.
Trong một lần đi du lịch, bà đến một thôn làng, ở đó cây cối xanh um, dòng nước lặng trôi dưới chiếc cầu nhỏ, là một nông trại đẹp đẽ thấp thoáng trong hoa đỏ cây xanh. Tối đó, bà ở nhờ nhà dân, nhìn thấy người phụ nữ ngồi dệt vải trước khung cửi đến tận đêm khuya, khung cửi phát ra âm thanh vừa đơn điệu lại vừa có lực, bà biết đó là một người mẹ đang chuẩn bị cho đứa con của mình chiếc áo mới đón Tết. Thứ âm thanh này, là ký ức về người mẹ in dấu khó phai trong lòng con cái. Hàng ngàn năm qua, khung cửi luôn vang lên những tiếng “kĩu kịt”, sợi dệt qua lại như con thoi trong tay những người phụ nữ, đó là thứ tình cảm không thể diễn tả bằng lời. Điều khiến Mã Khả không bao giờ buông bỏ được là những chiếc áo mang theo hơi ấm và khao khát kia, nhìn có vẻ thô kệch, nhưng lại vừa người và thoải mái.
Từ đó, Mã Khả đã tìm được cảm hứng. Bà cảm nhận được rằng động cơ vĩ đại nhất khi làm nên một bộ trang phục nên xuất phát từ sự quan tâm, chứ không chỉ là tính thực dụng và tính trang sức của quần áo. Thế nên, bà bắt đầu kéo chỉ, dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa, bà học phương thức làm trang phục truyền thống, kế thừa nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đang dần mai một.
Mã Khả có nhận thức rõ ràng về Vô Dụng, bà cảm thấy nhiều món đồ vô dụng bị mọi người vứt bỏ đã chứa đựng ký ức, tình cảm trân quý của biết bao con người. Một vật phẩm được gửi gắm tình cảm sẽ có sinh mệnh, giữa con người và sản phẩm cũng có thể sản sinh tình cảm. Điều Vô Dụng coi trọng là sự tự nhiên, đơn giản, mộc mạc, gắn với cội nguồn. Mã Khả hi vọng Vô Dụng có thể từ chối những thứ hoa lệ, những dục vọng không có điểm dừng kia để tìm về với sự đơn giản, không quên tâm nguyện thuở ban đầu, áo quần nhẹ nhàng bước về phía trước, mới có thể nhìn thấu lòng mình. Tư tưởng đơn giản sẽ giúp cho cuộc sống đơn giản, dẫu bão táp mưa sa, đúng sai thành bại, dẫu vinh hay nhục cũng chẳng sợ, thuận theo tự nhiên.
Ngô đồng cao ắt có phượng hoàng tới thăm, hoa thơm ắt có bướm ong đến tìm. Tâm an lành, cuộc sống an nhiên. Mỗi bộ trang phục đều mang theo tâm ý, mỗi đường kim mũi chỉ đều ẩn chứa tình cảm. Bất kể là người thiết kế hay người chế tác sản phẩm, nếu có thể gửi gắm tình cảm vào trong quá trình thiết kế hoặc quá trình chế tác, sản phẩm sẽ không còn là vật phẩm đơn thuần, lực tương tác của nó chắc chắn sẽ tăng vọt. Nhận thức tác động đến tình cảm, tình cảm ảnh hưởng đến nhận thức. Một sản phẩm thủ công hoàn mỹ, khiến bạn cảm thấy tốt đẹp càng dễ sử dụng, càng dễ sản sinh hiệu quả hài hòa.
Đến nay, Mã Khả vẫn lẳng lặng thêu một đóa hoa, dệt một tấm vải trong phòng làm việc của mình. Trong không gian tĩnh lặng ấy, sản phẩm thủ công lan tỏa sức mạnh của truyền thống, của ký ức. Đồ dùng mộc mạc và hơi thở dân gian đan xen tỏa sáng, tấu lên nhạc khúc tươi đẹp. Từng đường kim mũi chỉ khiến trang phục không còn là áo quần được sản xuất hàng loạt, mà là sản phẩm của lòng nhiệt tình của người thợ và tâm ý của tự nhiên.