Tại sao bạn học hành giỏi giang như thế, mà cuộc đời, sự nghiệp vẫn cứ long đong, lận đận? Bạn có từng tham dự các khóa học thành công chưa? Có phải ở đó sẽ có những người lên diễn thuyết rằng “Khác biệt giữa bạn và người thành công không phải là tri thức, không phải là cơ hội mà là tư duy”, sau đó sẽ trình bày về con đường thành công của họ, rồi các bài học tổng kết kiểu như: “Học tốt xxx, để bạn tiến về phía con đường giàu có, tự do”, hoặc là “Người có xuất thân bình thường muốn thành công, nên biết đạo lý này nhất”... Và rồi bạn tràn đầy hào hứng học theo và ngày ngày ngóng chờ thành công đến với bạn. Bạn dùng thời gian rảnh rỗi để học triết lý cuộc đời, như thể làm vậy thì bạn có thể độc lập về kinh tế, có được cuộc đời viên mãn. Nhưng trên thực tế, tiền lương của bạn không hề tăng, bạn cũng không thể tự chủ về kinh tế. Nếu truy cứu nguyên nhân, những bài học này tuy không chỉ dẫn sai cho bạn, thậm chí bạn còn thu hoạch được nhiều điều từ trong đó, nhưng bạn chỉ dừng lại ở mặt tư tưởng, mà không vận dụng chúng vào thực tế.
Người xưa có câu “Biết trước đã giàu”. Chúng ta không thể đoán trước được tương lai sẽ phải đối mặt và xử lý những vấn đề nào. Giống như cựu CEO của Apple - Steve Jobs từng nói: “Bạn không thể kết nối các điểm mốc khi bạn nhìn về tương lai phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi bạn nhìn lại quá khứ.” Tất cả những kinh nghiệm hoặc kỹ năng chúng ta đang có đều có thể giúp đỡ chúng ta trong tương lai, khiến chúng ta có đủ dũng khí đối mặt với khó khăn, nhưng bạn buộc phải nắm vững và vận dụng chúng. Bởi vậy, nếu bạn cảm thấy có một số tri thức hoặc năng lực sẽ dùng cho tương lai, vậy thì hãy mau hành động đi, hãy biến nó thành của mình!
Nếu chúng ta thực hành trong một thời gian dài và dần luyện thành thói quen, vậy thì phương thức thực tiễn này sẽ ăn sâu bén rễ vào cuộc sống thường ngày của chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ luôn điều động nó một cách vô thức. Giống như những gì Mann từng nói: “Chỉ có chủ động thay đổi tiềm thức, cuộc sống của chúng ta mới có khả năng phát sinh thay đổi. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục phương thức sống góp nhặt từng chút một như trước kia mà thôi.” Chỉ có biến kinh nghiệm thành thói quen, chúng ta mới có thể vận dụng nó tốt hơn.
Người ăn không ngồi rồi đã được định trước là sẽ phải hứng chịu kết cục bi thảm. Con người một khi dừng lại, sẽ khiến mình buông thả trong đường đua cuộc đời, từ đó thua trận trước khi kịp chạm tay đến thành công. Có lẽ trong thời gian ngắn, bạn sẽ không cảm thấy có gì thay đổi, nhưng khi ngoảnh đầu nhìn lại, người và việc bên cạnh bạn đều đã phát sinh biến đổi không ngờ. Bấy giờ, bạn có hối hận cũng không kịp. Thời gian là thứ quý giá nhất của chúng ta, tinh lực của chúng ta là có hạn, cho nên nhân lúc còn trẻ, chúng ta càng phải tranh thủ làm một số việc có ích. Việc hôm nay chớ để ngày mai, dưỡng thành một thói quen tốt, duy trì sức cạnh tranh cho bản thân!
Kế hoạch có tốt đến mấy, nếu không hành động, thì đều đồng nghĩa với con số 0; bắt tay vào hành động nhưng không kiên trì đến cùng, vẫn đồng nghĩa với con số 0. Vậy thì, chúng ta nên dưỡng thành thói quen hành động như thế nào?
Dậy sớm. Đây là cách hiệu quả nhất để duy trì tính liên tục của hành động. “Kế hoạch một ngày quyết định từ sáng sớm”, buổi sáng sau khi thức dậy, bạn có thể nghiêm túc lên kế hoạch cho những việc cần làm trong một ngày.
Chuyên chú. Khi tập trung vào việc bạn đang làm, bạn sẽ cảm thấy công việc vô cùng nhẹ nhàng và suôn sẻ. Nếu luôn có nỗi buồn quấy nhiễu tâm tư của bạn, bạn sẽ lo được lo mất, vậy thì bạn cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ, hơn nữa dễ khiến cảm xúc của mình trở nên tồi tệ hơn, càng không thể làm tốt công việc. Đây là một vòng tuần hoàn ác tính.
Mục đích. Tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến bạn muốn làm việc này, thuận theo lý do này để tiếp tục, tự nhủ với mình phải làm đến nơi đến chốn. Đồng thời, ngẫm nghĩ xem mình sai ở đâu, làm không tốt hoặc bỏ cuộc sẽ gây ra hậu quả gì.
Trách nhiệm. Đối với mỗi người, trách nhiệm là sứ mệnh sinh ra đã có, nó đi theo chúng ta suốt cuộc đời. Từ lúc chúng ta cất tiếng khóc chào đời cho đến khi rời khỏi thế giới này, mỗi giây mỗi phút đều phải làm tròn trách nhiệm của mình – trách nhiệm đối với gia đình, đối với công việc, đối với xã hội, đối với sinh mệnh…
Thái độ. Thái độ tốt sẽ giúp chúng ta “làm ít được nhiều”, bởi vì đa phần công việc của chúng ta không tồn tại khó khăn quá lớn. Nhưng vẫn có rất nhiều người cảm thấy công việc của mình đầy trắc trở, nguyên nhân căn bản ngoài vấn đề trong cách làm việc ra, thì nhiều hơn cả là thái độ khi đối mặt với trở ngại. Có tinh thần trách nhiệm cao, mới làm chủ được sự nghiệp của mình, mới có thể thực hiện được mục tiêu của mình, từ đó nhận được thành quả xứng đáng.
Sau khi hành động, còn phải kiểm tra lại kết quả nhiều lần, đây là tinh hoa của năng lực hành động. Lấy ví dụ về việc đào tạo nhân viên mới.
Nhiều nhân viên quản lý bồi dưỡng nhân viên mới xong, không kiểm tra lại tình hình thực hiện nhiệm vụ của nhân viên mới. Bồi dưỡng như vậy đương nhiên là không có hiệu quả, đội ngũ nhân viên được bồi dưỡng đương nhiên cũng sẽ không thể khá hơn lên. Vì thế, khi bồi dưỡng nhân viên mới, bạn phải đặc biệt quan tâm đến những điểm dưới đây:
Điểm thứ nhất, phàm là con người sẽ thích lười biếng. Bạn phải hiểu rằng, đội ngũ của bạn cần được thúc giục. Nếu bạn không kiểm tra tình hình thực hiện công việc của họ, cộng thêm với điều kiện dù không hoàn thành cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của họ, vậy thì kết quả chính là họ sẽ không tuân thủ đúng tiến độ công việc.
Điểm thứ hai, suy nghĩ của bạn có thể khác với suy nghĩ của người khác. Bạn hi vọng nhân viên mới làm việc theo quy trình bạn dạy, kết quả là họ sẽ đảo lộn trật tự. Nếu bạn không kiểm tra lại, vậy thì kết quả mà họ làm ra có thể sẽ muôn hình vạn trạng, không theo đúng ý bạn. Đối với bạn, đây là công việc quen thuộc, nhưng đối với người mới, đây là lĩnh vực lần đầu tiếp xúc, nên có thể họ không học hết ngay được. Bạn không kiểm tra xem họ làm thế nào, hiển nhiên là kết quả sẽ khiến bạn thất vọng. Cũng vì bạn không kiểm tra, nên người mới sẽ luôn cho rằng quy trình làm việc của mình là đúng. Sau hai tháng, bạn đi kiểm tra kết quả, mới phát hiện ra họ đã đi sai đường, cũng tức là hai tháng làm việc vừa qua của họ là uổng phí.
Điểm thứ ba, yêu cầu của việc đào tạo nhân viên mới là họ có thể tự làm từng phân đoạn cho tới hoàn chỉnh công việc trong bộ phận của mình. Nếu bạn đang chỉ đạo, bồi dưỡng một đội ngũ, vậy thì bạn nên lựa chọn một thời gian thích hợp để đích thân hoặc cử một người đi kiểm tra tình hình hoàn thành nhiệm vụ của mỗi giai đoạn và năng lực của các nhân viên mới.
Điểm thứ tư, phải có chế độ thưởng phạt. Nhiều quản lý cấp cao chỉ kiểm tra mà không quan tâm đến kết quả, vậy kiểm tra còn có tác dụng gì? Nếu kết quả tốt xấu đều như nhau, thử hỏi như vậy có ai chấp hành? Mỗi lần kiểm tra, người có kết quả tốt được thưởng, người có kết quả kém phải chịu phạt. Như vậy nhân viên mới ý thức được việc mình làm có liên quan đến thu nhập hoặc tiền thưởng của mình, mới nâng cao năng lực chấp hàng của bản thân.
Điểm thứ năm, chi tiết tạo nên sự hoàn mỹ. Cần hướng dẫn nhân viên mới chú ý đến chi tiết khi làm việc. Để tâm nhiều đến chi tiết, họ sẽ xác định được những bước nào có thể lược bỏ, chi tiêu nào là không cần thiết. Có một số người cho rằng quy trình chấp hành nhiệm vụ của chúng ta về cơ bản đã cố định, mục tiêu chính là hoàn thành công việc, không cần nghĩ đến sáng tạo, bởi vậy không cần bỏ tâm tư nghiên cứu sáng tạo. Nguyên nhân bản chất chính là không để tâm đến chi tiết. Ở hãng điện thoại Huawei, khẩu hiệu “5 tắt trước khi tan làm” được dán ở mọi góc trong công ty, với mục đích nhắc nhở mọi người tắt các thiết bị tiêu hao điện năng trước khi ra về. Nhờ thói quen tốt này, mỗi tháng Huawei đã tiết kiệm được hàng trăm nghìn tệ tiền điện. Bởi vì tiền phải được dùng cho những việc quan trọng, các mắt xích xây dựng và kinh doanh công ty đều phải chi tiết hóa, cộng thêm sự sáng tạo, lợi nhuận mới có thể nâng cao. Sự theo đuổi chi tiết của chúng ta phải tỷ lệ thuận với năng lực chấp hành, chỉ có như vậy, công việc mới logic và rõ ràng.