Xét từ góc độ công nghệ, trí tuệ nhân tạo được lợi nhờ sự phát triển của máy tính.
Tính khả dụng của dữ liệu ngày càng tăng cao, các chức năng của các loại máy móc cũng đang trên đà được khai thác, phát triển và cải tiến. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cũng ngày càng tăng lên. Trong tương lai, đối thoại, mệnh lệnh, kiểm soát tự động hóa giữa người và vật, giữa vật và vật… có thể sẽ được thay thế bằng kiểm soát dựa trên lập trình trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng trên các lĩnh vực như phiên dịch, ngôn ngữ, lý giải hình vẽ, thiết kế lập trình tự động, du hành không gian... Cùng với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo, ảnh hưởng của nó đối với con người sẽ ngày càng rõ rệt.
Vậy thì, thời đại trí tuệ nhân tạo có thể kéo theo những vấn đề nào?
Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến thị trường lao động
Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ được thực hiện tự động hóa trên phạm vi rộng hơn, ở mức độ sâu hơn, có thể sẽ gây ra tình trạng “thất nghiệp do thay đổi công nghệ”. Mấy chục năm trước, hai nhà kinh tế học nổi tiếng là John Maynard Keynes và Wassily Wassilyevich Leontief đã dự đoán được hiện tượng này. Họ bày tỏ rằng, trong tương lai, công nhân sẽ bị robot thay thế. Kể từ lần cách mạng công nghiệp đầu tiên vào những năm 60 của thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, người ta đã bắt đầu lo lắng trước vấn đề công nghệ “cướp trắng” công ăn việc làm của con người. Trong thời gian hai lần cải cách công nghiệp, số định mức lao động Mỹ được thuê cho ngành nông nghiệp giảm từ 70% xuống còn 27.5%, hiện nay là chưa tới 2%. Nhiều quốc gia đang phát triển cũng có trải nghiệm tương tự như vậy.
Nhìn về lịch sử, rồi lại nhìn vào hiện tại, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường lao động trong thời đại ngày nay? Tháng 12 năm 2016, cơ quan nghiên cứu có liên quan của Mỹ đã công bố báo cáo, rằng trong vòng 10 đến 20 năm nữa, số lượng công ăn việc làm bị công nghệ trí tuệ nhân tạo thay thế sẽ tăng từ con số 9% của hiện tại lên tới 47%. Tháng 4 năm 2016, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố báo cáo cho thấy, nếu không có biện pháp thích ứng với sự cải cách công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot, thì đến năm 2030, số nhân công làm việc ở Nhật sẽ bị cắt giảm đi 7,36 triệu người.
Tuy nhiên, ở một mức độ nhất định, tiến bộ công nghệ từ thế kỷ XIX tới nay mặc dù từng gây ra ảnh hưởng tới vị trí công việc của con người, nhưng sự xuất hiện của công nghệ mới cũng đã tạo ra cơ hội việc làm mới cho con người. Ví dụ, vào lần cải cách công nghiệp đầu tiên, do công nghiệp hóa và thủ công nghiệp truyền thống nảy sinh mâu thuẫn kịch liệt, người làm nghề thủ công truyền thống vì không theo kịp sự thay đổi của tiến bộ công nghệ, đã trở thành người bị hại. Nhưng cũng vào lúc đó, những người nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng đất, mất đi kế sinh nhai vì phong trào “xây khu công nghiệp” lại có được cơ hội vào công xưởng làm việc. Hay ví dụ như, vào thời kỳ sau của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, người làm nghề lập trình ở các nước phát triển phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Nhưng cùng lúc đó, lượng công việc có thu nhập thấp cùng với công việc kỹ năng đòi hỏi công nghệ cao bỗng tăng mạnh. Hay như tại nước Mỹ, nơi công nghệ được phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, số lượng nhân khẩu hiện tại so với đầu thế kỷ XX đã tăng lên hơn 200 triệu người, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của nước họ lại thấp hơn nhiều thời kỳ trong lịch sử.
Về ảnh hưởng của robot tới thị trường lao động, chúng ta có thể phân chia trình tự để phán đoán. Trong ngành chế tạo, ảnh hưởng của tự động hóa đến nhân sự có trình độ công nghệ thấp và nhân sự có trình độ công nghệ cao là khác nhau. Tiền lương và tình trạng làm việc của nhân sự có trình độ thấp sẽ bởi vậy mà chịu ảnh hưởng tiêu cực tương đối lớn, nhưng với nhân sự có trình độ cao thì gần như không có tác động gì. Điều này chứng minh rằng, sự tiến bộ và sáng tạo của công nghệ không những nâng cao sức sản xuất của người lao động, tạo dựng sản phẩm và thị trường mới, mà còn mang tới cơ hội việc làm mới cho nhiều người. Điều này cũng sẽ xảy ra ở thời đại trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo sẽ là một cuộc cách mạng khoa học công nghệ với ý nghĩa mở ra một kỷ nguyên mới. Nó khiến công nghệ số nhận được sự coi trọng và phát triển tốt hơn, dẫn tới nhu cầu về nhân sự có kỹ năng, trình độ vừa và thấp sẽ giảm. Trên thực tế, cùng với sự già hóa dân số ngày một trầm trọng, chi phí lao động dần tăng cao, lao động đồng ý làm nghề nghiệp nguy hiểm dần giảm thấp, tiến trình thương mại hóa trí tuệ nhân tạo đang dần tăng nhanh. Phân tích số liệu chỉ ra rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi ích to lớn cho những nhân sự có trình độ kỹ năng, độ nhạy bén cao, khả năng sáng tạo lớn, khả năng giải quyết vấn đề nhanh và mối quan hệ xã hội tốt.
Chúng ta có thể mạnh dạn dự đoán rằng trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo sẽ uy hiếp lớn đến vị trí công tác của nhân sự có trình độ, kỹ năng trung bình và thấp. Xét từ phân tích thị trường lao động của các quốc gia phát triển, số người có trình độ lập trình hóa tương đối cao làm các công việc có thu nhập trung bình đang không ngừng giảm, còn số người có trình độ lập trình hóa tương đối thấp làm công việc có thu nhập cao và thu nhập thấp thì ngược lại.
Nhìn lại lịch sử, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể dựa vào giá thành thấp để kéo theo sự mở rộng quy mô ngành cùng sự tăng cấp của kết cấu ngành, từ đó tăng thêm cơ hội việc làm cho người dân. Công ty tư vấn Deloitte Touche Tohmatsu Limited đã phân tích mối quan hệ giữa việc làm và tiến bộ công nghệ bắt đầu từ năm 1871 và rút ra kết luận: Công nghệ gần như là “bộ máy tạo ra việc làm”. Nguyên nhân là do sự tiến bộ của công nghệ giúp giảm giá thành sản xuất, từ đó thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng về hàng hóa, tiến tới mở rộng nhu cầu tổng thể của xã hội, nhờ đó số lượng việc làm cũng sẽ gia tăng. Dựa vào kinh nghiệm và bài học từ các cuộc cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, có thể thấy việc vận dụng máy tính và máy móc trên quy mô lớn cùng với việc sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ đều được hưởng lợi từ sự tiến bộ của công nghệ. Sáng tạo sản phẩm mới sẽ kéo theo sự tăng trưởng của GDP, nâng cao sức sản xuất, thúc đẩy nghề nghiệp mới ra đời.
Bởi giá thành của robot ngày càng thấp đi, trong khi năng lực của nó ngày càng cao lên, cộng thêm sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, chúng sẽ mang tới nhiều lợi ích kinh tế hơn cho đất nước. Năm 2017, kết quả phân tích dữ liệu của Công ty Pricewaterhouse Coopers (gọi tắt là PwC) cho thấy, đến năm 2030, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến GDP toàn cầu tăng tên 14%. Sau khi nghiên cứu về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong mười hai nền kinh tế phát triển, Công ty tư vấn Accenture PLC đã tổng kết rằng: trí tuệ nhân tạo làm thay đổi bản chất công việc, tức mối quan hệ kiểu mới giữa người sáng tạo và máy móc. Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ nâng cao năng suất lao động lên 40%, giúp con người có thể sử dụng thời gian tốt hơn, hiệu quả hơn. Đến năm 2035, trí tuệ nhân tạo có thể sẽ khiến mười hai nền kinh tế phát triển này nhân đôi tỉ lệ tăng trưởng.
Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của con người là sự tiến bộ của công nghệ. Chỉ có nâng cao năng suất, mới có thể thúc đẩy sự gia tăng của thu nhập bình quân đầu người và mức chi tiêu. Khi phát triển công nghệ trở thành GPTs (General Purpose Technology, tức công nghệ vạn năng), ở nhiều lĩnh vực kinh tế, công nghệ sẽ dựa vào tính chuyển hóa của chính nó để nâng cao năng suất. Xét từ góc độ phát triển kinh tế, trong các cuộc cách mạng công nghiệp ở quá khứ, GPTs đã thúc đẩy sự chuyển đổi mô hình tích cực cơ bản, đồng thời hỗ trợ công cuộc cải tạo thế giới. Hiện nay, năng lực của hệ thống trí tuệ nhân tạo ngày càng lớn mạnh, giúp rất nhiều lĩnh vực như công nghệ số (Digital Technology), công nghệ sinh học (Bio Technology), công nghệ xanh (Green Technology), công nghệ nano (Nano Technology) và công nghệ thần kinh (Neuro Technology) đạt được bước đột phá to lớn. Thông qua việc nâng cao khả năng tính toán, sự tăng trưởng tốc độ của kho dữ liệu, sự tiến bộ của thuật toán “Học sâu” (Deep Learning), cùng với sự tổ hợp và vận dụng trên phạm vi lớn của công nghệ mới, sẽ làm thay đổi thị trường lao động và kết cấu xã hội.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu đe dọa đến việc làm của con người, robot đã sinh ra ảnh hưởng với mô thức vận hành hiện có của rất nhiều ngành nghề. Xét về lâu dài, công nghệ AI còn phải dựa vào sự hợp lực của các phương diện như tích lũy công nghệ, thúc đẩy tiền vốn và mô hình kinh doanh mới có thể đạt được sự phát triển tốt hơn. Ngoài ra, nếu muốn thực hiện mục tiêu phát triển lâu dài, sự sắp xếp thể chế hợp lý và tổ hợp chính sách cũng là điều không thể thiếu.
Không thể xem nhẹ sự truyền bá và mở rộng tri thức về trí tuệ nhân tạo. Xét theo tiến trình lịch sử, mỗi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đều sẽ mang tới những thay đổi mới. Chỉ nói riêng tới tình hình phát triển hiện tại, có thể sẽ có một loạt ngành nghề dần biến mất vì sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo. Trong tương lai, robot sẽ thay thế con người trong rất nhiều công việc. Điều này sẽ khiến rất nhiều công việc phục vụ, công việc mang tính quy trình cùng các mắt xích trong quản lý cấp trung dành cho con người bị xóa bỏ. Không thể phủ nhận, chỉ có sức lao động mới có thể thích ứng được với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo buộc phải thay thế lao động thể lực, trí óc mang tính lặp lại, máy móc, đồng thời cũng sẽ mở rộng nhu cầu đối với những nhân tài mới có nội hàm và khả năng sáng tạo. Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài trí tuệ nhân tạo. Muốn thay đổi hiện trạng này, cần phải thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhằm bắt kịp thời đại, bồi dưỡng nhân tài có khả năng sáng tạo mà xã hội cần. Làm thế nào để lao động nhanh chóng thích ứng được với sự phát triển của thời đại và đạt được kỹ năng mới, sẽ là thách thức lớn nhất của cả xã hội trong tương lai.
Cùng với sự xuất hiện của thời đại trí tuệ nhân tạo, phân công lao động trong xã hội sẽ phải có sự thay đổi lớn. Đồng thời, nó cũng sẽ mang tới “ngành nghề mới” và “công việc mới”, thậm chí là một số công việc chưa từng được biết đến, ví dụ như “xử lý ngôn ngữ tự nhiên”, “kỹ sư nhận diện giọng nói” và “giám đốc sản phẩm robot/trí tuệ nhân tạo”… Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ dần len lỏi vào công việc của một số ngành nghề hiện tại, ví dụ, nó sẽ thay thế nhân sự bảo vệ và phiên dịch. Đương nhiên, nếu ai thích ứng được với thời đại mới, tiền lương và đãi ngộ của họ có thể sẽ được tăng lên rất cao, ví dụ như người phụ trách vấn đề an ninh có kinh nghiệm lại nắm vững công nghệ điều khiển robot, hay nhân tài phiên dịch biết cách sử dụng thiết bị công nghệ để hỗ trợ cho nghề nghiệp…
Tóm lại, song song với việc xóa bỏ những công việc cũ, thì sự tiến bộ của công nghệ cũng sẽ mang tới những công việc mới, địa vị mới.
Cơ hội nào cho chúng ta trong thời đại trí tuệ nhân tạo?
Trí tuệ nhân tạo có ba lĩnh vực hạt nhân lớn: thuật toán đề xuất, nhận dạng hình ảnh và nhận dạng ngữ âm. Lấy một ví dụ khá quen thuộc, khi bạn truy cập vào một website thương mại điện tử bất kì để xem hàng, sẽ phát hiện ra website này luôn đề xuất cho bạn một số mặt hàng tương tự, đây chính là trí tuệ nhân tạo. Hay như khi bạn đọc tin tức, các trang tin cũng sẽ sử dụng thuật toán đề xuất để giới thiệu một số thông tin liên quan. Hiện tại, ở một số lĩnh vực phát triển theo chiều dọc, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo là vô cùng rõ rệt. Trong các lĩnh vực này xu thế phát triển trong tương lai là, ở một điểm cụ thể đều có thể biểu lộ sức hấp dẫn của trí tuệ nhân tạo.
Đối mặt với trí tuệ nhân tạo, chúng ta không cần thiết phải lo lắng, vì mỗi hiện tượng đều sẽ có một quá trình phát triển, ban đầu có thể sẽ rất “hot”, trở thành tiêu điểm mà mọi người quan tâm, nhưng đến nửa chừng dần nguội lại, kế đó là lại tiếp tục tăng nhiệt, đạt đến một trạng thái tương đối hoàn chỉnh và thuần thục. Tóm lại, nó sẽ là một quá trình từ đỉnh sóng (Wave crest), xuống máng sóng (Wave trough) rồi lại tới đỉnh sóng nhỏ.
Tuy nói robot có thể thay thế con người làm một số công việc tương đối cơ bản, nhưng robot không thể thay thế được con người trong sự hình thành nhu cầu kết nối giữa người với người. Đối với một nhiệm vụ đơn giản, trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện vừa nhanh chóng vừa chuẩn xác. Nhưng trên thực tế, sự nảy sinh của một sự việc là có căn nguyên, trong tình trạng thiếu điều kiện đủ, sự hiểu biết của con người về sự việc sẽ tốt hơn robot. Có nghĩa là, con người có thể thực hiện công việc mang tính trí tuệ hơn, làm một số công việc đòi hỏi kết nối phức tạp, nhịp nhàng, cân đối. Con người nên năng “động não”, chứ không chỉ là “động thủ”. Nếu chỉ có “động thủ” thì không còn nghi ngờ gì nữa, robot chắc chắn sẽ thay thế con người, trở thành kẻ thống trị.
Nếu chúng ta huấn luyện robot để nó làm công việc phải “động não”, ví dụ như viết văn, khả năng “động não” của nó sẽ rất yếu. Chúng ta có thể để robot làm công việc ghi chép sổ sách hoặc thẩm tra số liệu của các công việc liên quan đến pháp luật, thuế vụ... Ở những phương diện này, khả năng “động thủ” của nó sẽ rất mạnh. Nếu bạn không chuẩn bị đủ tri thức, khi đọ khả năng “động thủ” với robot, chắc chắn bạn không thể thắng nổi nó. Nhưng về mặt ngôn ngữ, chữ viết, kết nối và thấu hiểu khách hàng, thì con người sẽ hơn robot một bậc.
Trí tuệ nhân tạo được tạo ra để phục vụ con người chứ không phải thay thế con người. Điều mà chúng ta nên quan tâm là ứng dụng của nó. Ví dụ, khi đề cập đến việc phát triển xe ô tô tự lái, có lẽ điều mọi người quan tâm chính là khả năng tài xế thất nghiệp sẽ tương đối lớn và cho rằng sau này không cần phải thi bằng lái xe nữa. Trên thực tế, ở xe ô tô tự lái, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng được chia làm hai giai đoạn là L3 (tự lái trong điều kiện giới hạn) và L4 (tự lái hoàn toàn). Ở giữa hai giai đoạn này còn có một giai đoạn quá độ là phụ trợ lái xe. Trong quá trình chạy xe, nếu bạn cảm thấy mệt, có thể để nó giúp bạn một khoảng thời gian. Lúc này bạn có thể điều khiển nó, đây là một trợ thủ khá thân thiện.
Điều mà chúng ta phải hiểu rõ là, robot chỉ là một trợ thủ, sinh ra để giúp đỡ chúng ta. Ở một số lĩnh vực đặc biệt trong tương lai, với tiền đề công nghệ có thể đạt tới trình độ cao, đúng là nó có thể làm việc mà không cần con người tác động, ví dụ robot quét rác, robot hát… nhưng nó không chiếm giữ vị trí chủ đạo.
Chỉ nói riêng lĩnh vực tài chính, chúng ta có thể nhìn thấy người làm công tác tài chính sẽ tận dụng một số công cụ tương tự như trợ thủ robot để giúp họ nâng cao hiệu suất công việc. Mà trên thực tế, những công cụ phụ trợ này tương tự như các ứng dụng văn phòng Microsoft Word và PowerPoint trước đây, sẽ dần trở nên phổ cập trong tương lai.
Nòng cốt của trí tuệ nhân tạo bao gồm hai bộ phận: một bộ phận là dữ liệu, nếu dữ liệu theo chiều dọc đủ nhiều, vậy thì máy móc sẽ có năng lực suy xét, hay nói cách khác là có “trí lực”; một bộ phận khác là thiết bị di động, đặc biệt là thiết bị kết nối Internet, ví dụ bảng điều khiển xe hơi, đồng hồ điện tử đeo tay.
Trí tuệ nhân tạo được phát triển dựa trên nền tảng dữ liệu, dữ liệu lớn. Trong lĩnh vực máy tính có một câu nói kinh điển: “thuật toán + cấu trúc dữ liệu = chương trình”. Vậy thì, cấu trúc dữ liệu là gì? Cấu trúc dữ liệu (Data Structure) là thứ tương đối tĩnh, trên thực tế nó chính là mối quan hệ hữu cơ của dữ liệu. Vậy thuật toán là gì? Thuật toán (Algorithm) là thứ vận động tuyệt đối, nó là các bước thao tác dữ liệu. Vậy thì, trong tương lai, trí tuệ nhân tạo chính là tổng hòa của thuật toán “học sâu” (Deep Learning) và dữ liệu lớn (Big Data).
Chúng ta có thể gọi “học sâu” (Deep Learning) là học máy móc, nó được chia làm ba giai đoạn: đầu tiên là giai đoạn chuyên gia học tập, giai đoạn này chủ yếu là con người “nói” cho máy móc biết nên dự tính thế nào, khi đó gần như là con người can dự 100% vào quá trình hoạt động của máy móc; tiếp theo là giai đoạn máy móc học tập, tức giai đoạn mà sự can dự của con người và sự vận dụng thực tiễn của máy móc lần lượt chiếm 50%; cuối cùng là giai đoạn học sâu, giai đoạn này đòi hỏi máy móc phải tự vận hành, con người gần như không can dự. Ví dụ, chuyên gia cài đặt một chương trình nhất định hoặc cung cấp cho máy móc dữ liệu, không cần sự tham dự của con người, máy móc có thể tự vận hành, hoặc căn cứ vào quy tắc tương quan để rút ra phán đoán từ việc phân tích những dữ liệu này.
Bản chất của thời đại công nghiệp chính là sản xuất máy móc, nó đã giải quyết một số vấn đề về thu nhập cho chúng ta. Còn thời đại thông tin chủ yếu giải quyết một số vấn đề về giao lưu và kết nối thông tin. Do vậy có thể thấy, giai đoạn trước đặt nền tảng cho giai đoạn sau, trên nền tảng của thời đại công nghiệp, chúng ta sáng tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, nhưng trên thực tế là chúng ta đang tiến hành kết nối và giao lưu thông tin. Với tiền đề đủ thông tin, dựa vào dữ liệu, chúng ta đã xây dựng được trí tuệ nhân tạo hiện tại.
Do trí tuệ nhân tạo ở vào phần cuối của tiêu dùng cá nhân, bởi vậy nếu muốn sản xuất theo kiểu ồ ạt và nhanh chóng, sẽ có độ khó nhất định. So ra thì vận dụng máy chủ doanh nghiệp sẽ có khả năng thành công lớn hơn. Nguyên nhân là bởi tất cả sản phẩm chúng ta đang sử dụng, bao gồm máy tính, đều bắt nguồn từ phát minh quân sự. Ví dụ, khi đánh trận, để tính toán quỹ đạo của tên lửa đạn đạo, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo máy tính, sau đó được doanh nghiệp sử dụng, kế đó là gia đình.
“Nút thắt phát triển” mà trí tuề nhân tạo phải đối mặt
Sự thay đổi lớn mà trí tuệ nhân tạo mang tới có thể sẽ khiến một số người cảm thấy lo lắng. Song, các chuyên gia cho rằng, đối mặt với xu thế này, chúng ta không cần lo lắng thái quá. Ứng dụng của công nghệ mới ắt sẽ thay thế phương thức làm việc và sản xuất cũ, đây là biểu hiện của sự tiến bộ. Sau khi container xuất hiện, công nhân khuân vác lo rằng sẽ thất nghiệp, nhưng ở bến cảng lại xuất hiện rất nhiều công nhân lái cẩu. Công nghệ mới không những sẽ không khiến con người thất nghiệp, mà ngược lại, đây là biểu hiện không ngừng tiến bộ của tự thân con người, mọi người không còn thỏa mãn với tính chất máy móc và hiệu suất thấp của công việc.
Đằng sau ảnh hưởng lớn của trí tuệ nhân tạo là sự báo hiệu các ngành nghề đang không ngừng phát triển. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Trung Quốc iiMedia Research, trong năm 2016, quy mô ngành trí tuệ nhân tạo của nước này đã tăng đột phá 10 tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ tăng trưởng đạt 43.3%; năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng quy mô ngành trí tuệ nhân tạo sẽ lên đến trên 50%. Chuyên gia dự đoán rằng, vào năm 2019, ở Trung Quốc, ngành này sẽ tăng trưởng lên tới 34,43 tỷ nhân dân tệ. Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey Global Institute nhận định rằng, trí tuệ nhân tạo là một cuộc cải cách trong lịch sử phát triển của nhân loại. Cuộc cải cách này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng hơn cuộc cải cách trong thời kỳ cách mạng công nghiệp. Trong tương lai, có lẽ trí tuệ nhân tạo sẽ giống như chiếc đèn điện, thắp sáng từng căn nhà, bao quanh cuộc sống của chúng ta, thay đổi hoàn toàn hình thái chính trị, kinh tế, xã hội và cuộc sống của chúng ta.
Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển tới mức độ nào vẫn là một ẩn số. Nhưng có thể khẳng định rằng, nó đang hiện diện khắp mọi nơi. Nếu nói trí tuệ nhân tạo là một chuyến hành trình, vậy thì chuyến hành trình này vừa mới khởi hành. Trên thực tế, sức hút của trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn này được lợi nhờ sự thúc đẩy của chính phủ, doanh nghiệp, tiền vốn. Giống như rất nhiều hiện tượng mới, song song với việc trở thành giải phát mới, trí tuệ nhân tạo cũng tồn tại tình trạng “nút thắt cổ chai” chờ được tháo gỡ. Đến nay, nó vẫn phải dựa vào lượng dữ liệu lớn để vận hành, vẫn chưa thể tiến hành suy nghĩ như con người.
Đồng thời, đối với những doanh nghiệp hy vọng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có sự phát triển, thiếu thốn nhân tài ở mảng này cũng là một hạn chế lớn. Khi nhịp độ phát triển của xã hội ngày một nhanh chóng, nóng vội và khoa trương quá mức, có thể sẽ gây ra đủ mọi vấn đề lớn nhỏ trong quá trình phát triển. Người sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime từng chỉ ra rằng: “Phần lớn hạng mục khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo ở Hồng Kông chỉ dừng lại ở cấp độ ứng dụng, người khởi nghiệp sử dụng thuật toán nguồn mở, tìm được một lĩnh vực theo chiều dọc nào đó bèn chụp lên khái niệm ‘trí tuệ nhân tạo’, còn người có thể xuất phát từ cấp độ thuật toán làm ‘công nghệ nguyên bản’ không nhiều, mà phần này mới là nòng cốt, cần được tích lũy.”
Chuyên gia bày tỏ rằng, đây là “nút thắt phát triển” mà trí tuệ nhân tạo phải tìm cách tháo gỡ, giống như mỗi người đều sẽ gặp phải vấn đề lớn nhỏ trong quá trình trưởng thành. Nhìn từ góc độ lâu dài hơn, thế giới đang ở vào thời kỳ tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo.