Vừa rồi tôi đã giới thiệu bốn thế giới hoàn mỹ của Phật giáo, bây giờ tôi muốn chia sẻ tiếp về thế giới hoàn mỹ trong Hoa nghiêm kinh, đó là thế giới Hoa Tạng cũng gọi là Tịnh độ Hoa Tạng. Thế giới này cũng có bốn đặc điểm nổi bật như sau:
6.1 - Là thế giới trùng trùng vô tận
Ở thế giới này, trong mỗi bông hoa là một thế giới, trên mỗi chiếc lá có một Đức Như Lai. Thế giới này có vô lượng hạt bụi, trong mỗi hạt bụi lại dung chứa vô lượng đại thiên thế giới. Cho nên nói rằng một hạt bụi là một pháp giới, một thế giới có trăm ngàn Đức Phật. Trong thế giới Hoa Tạng chứa các thế giới vô cùng, ánh sáng vô tận và các Đức Phật nhiều không thể tính đếm. Bởi vậy mới nói trong ánh sáng có vô lượng châu báu, trong mỗi châu báu có vô lượng Đức Như Lai!
6.2 - Là thế giới sự lý viên dung
Đây là nói về hiện tượng và bản thể viên dung vô ngại, vô vàn sự khác biệt trên mặt hiện tượng và bản thể của vũ trụ đều không trở ngại lẫn nhau. Nhìn từ “Sự pháp giới” có thể nói, tất cả hiện tượng vạn vật trong vũ trụ đều khác biệt không giống nhau. Nhìn từ “Lý pháp giới” thì nói bản thể chân như của muôn sự muôn vật trong vũ trụ chỉ có một, chỉ do một cái tâm này mà thôi. Quan điểm “Lý sự vô ngại pháp giới” thì nói hiện tượng và bản thể là đồng một thể, nên nói “không có hai, cũng không có ba” chính là ý này. Còn nếu từ góc độ “Sự sự vô ngại pháp giới” mà nói, thì muôn vật đều đầy đủ thể và dụng.
Do duyên khởi mà mỗi loại có một đặc tính riêng, nhưng giữa chúng lại có sự hỗ tương qua lại. Có khi từ nhiều duyên tương trợ thành một duyên, có khi lại từ một duyên mà hỗ tương cho nhiều duyên khác. Nhờ sự hỗ tương qua lại này mà sự sự vô ngại, trùng trùng vô tận, cho nên lại gọi là “vô tận pháp giới”.
6.3 - Là thế giới tính Không bình đẳng
Trong thế giới Hoa Tạng, cái lớn không thật lớn, vật nhỏ không thật nhỏ, trong sạch không thật trong sạch, dơ bẩn không thật dơ bẩn, “có” không chắc là thật “có”, “không” cũng không chắc là thật “không”. Thế giới này là thế giới tính Không bình đẳng. Trong thế giới Hoa Tạng, phàm phu và Thánh nhân bình đẳng, chư Phật và chúng sinh bình đẳng, cá nhân và mọi người bình đẳng, tâm hồn và vật chất bình đẳng, bất luận là cái gì cũng đều bình đẳng với nhau.
Trong thế giới này, ánh sáng giao nhau không bị cản trở. Nếu có thể nhận biết về thế giới đó, cho dù chỉ từ một hạt bụi cũng có thể thấy được toàn bộ cảnh giới của thế giới. Chỉ từ một vi sinh vật nhỏ bé cũng có thể nhìn thấy được tất cả chúng sinh. Cuộc sống trong thế giới Hoa Tạng không có sự phân chia ta và người, cũng không cần thiết phải phát sinh bất cứ sự tranh giành nào. Bởi vì, tâm hồn của chúng sinh nơi đây có thể bao dung tất cả!
6.4 - Là thế giới lợi mình như lợi người
Nhân dân trong thế giới Hoa Tạng dù không có phân biệt ta và người, Thánh và phàm, nhưng tâm nguyện lợi ích cho mình và người lại vô lượng, vô biên và vô cùng tận. Bởi vì từ mười nguyện lớn của Bồ tát Phổ Hiền, chúng ta có thể thấy sự tu hành của Ngài dù đến tận đời vị lai cũng không ngưng nghỉ. Mười nguyện lớn ấy không chỉ nguyện đối với các bậc Thánh hiền, đối với bản thân Ngài, mà còn với tất cả chúng sinh. Sự cung kính, lòng từ bi và nguyện lực của Bồ tát Phổ Hiền khiến mọi người khen ngợi không ngớt. Từ trong những lời nói và hạnh nguyện cao cả lớn lao của Ngài, chúng ta có thể thấy được tinh thần lợi mình như lợi người nơi thế giới Hoa Tạng.
Hôm nay tôi đã giới thiệu cho quý vị năm thế giới hoàn mỹ trong Phật giáo. Thế giới Ta bà hiện nay có thể nói là thế giới của “khổ, không, vô thường và vô ngã”. Còn thế giới hoàn mỹ của Phật giáo là thế giới của “thường, lạc, ngã và tịnh”. Hôm nay được biết về các thế giới hoàn mỹ của Phật giáo rồi, chúng ta nên tìm cầu các cõi Tịnh độ hoàn mỹ đó từ đâu đây? Quý vị đừng hướng ra bên ngoài mà truy tìm. Như thế giới Cực Lạc mà tôi vừa giới thiệu, chúng ta không cần phải vượt ra ngoài mười vạn ức cõi Phật để đi tìm. Các thế giới hoàn mỹ của Phật giáo mà tôi vừa nói, có thể dùng một câu để tổng kết đó là “thế giới nội tâm”.
Giống với Tịnh độ nhân gian trong Duy Ma kinh mà tôi đã chia sẻ, là thế giới “tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh”. Bởi vậy nếu chúng ta muốn tìm cầu thế giới hoàn mỹ, thì việc quan trọng nhất chính là hãy bắt đầu quay về tìm kiếm nơi tâm hồn mình. Thế giới nơi tâm hồn của chúng ta chính là Tịnh độ nhân gian, Tịnh độ trên cõi trời, Tịnh độ Lưu Ly, Tịnh độ Cực Lạc và Tịnh độ Hoa Tạng. Đương nhiên là Bồ tát Di Lặc có thế giới của Bồ tát Di Lặc, cư sĩ Duy Ma có thế giới của cư sĩ Duy Ma, Đức Phật Dược Sư có thế giới của Đức Phật Dược Sư, Đức Phật A Di Đà có thế giới của Đức Phật A Di Đà, pháp giới Hoa Tạng có thế giới của pháp giới Hoa Tạng. Vậy chúng ta nên tìm cầu thế giới hoàn mỹ nào?
Thế giới hiện thực của chúng ta là thế giới hơn thua tranh chấp, ngắn ngủi, nhiễm ô và đầy rẫy khổ đau. Nhưng theo năm bộ kinh điển của Phật giáo là: Di Lặc Bồ tát thượng sinh kinh, Duy Ma Cật sở thuyết kinh, Dược Sư Như Lai công đức kinh, A Di Đà kinh và Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh mà tôi vừa giới thiệu ở trên thì chỉ đang nói rõ thế giới hoàn mỹ của Phật giáo là thế giới hòa bình, vĩnh cửu, thanh tịnh và an vui. Xin hỏi chúng ta muốn sống ở thế giới nào đây?
Giảng tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật
Quốc Lập Đài Bắc, tháng 11 năm 1976