Nội dung của Tịnh độ Di Đà gồm có năm phần: “Môi trường thanh tịnh, cuộc sống thanh tịnh, kinh tế thanh tịnh, quần chúng thanh tịnh và thân tâm thanh tịnh”, nhưng tập trung hết năm yếu tố này lại nói gọn một câu thì nó mang ý nghĩa là “Thanh tịnh”. Nghĩa tiêu biểu của chữ “tịnh” là trí tuệ, điều thánh thiện, sự an ổn và niềm hạnh phúc. Năm phần thanh tịnh được trình bày như sau:
4.1 - Môi trường thanh tịnh
Trong xã hội ngày nay tồn tại rất nhiều vấn đề, nhưng vấn đề lớn nhất là vệ sinh môi trường. Không khí ô nhiễm đã và đang đe dọa đến sức khỏe của quần chúng, ảnh hưởng nguy hại đến sự sinh tồn của nhân loại. Ở Tịnh độ Cực Lạc không có tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy. Đất ở nơi đó được lát bằng vàng, khắp nơi đều do bảy lớp lan can, bảy lớp lưới làm bằng châu báu, bảy hàng cây báu bao quanh. Nơi đó còn có ao sen bảy báu, có nước tám công đức (trong vắt, mát lành, thơm ngọt, mềm nhẹ, trơn bóng, an hòa, trừ cơn đói khát và trưởng dưỡng thiện căn), đáy ao trải thuần bằng cát vàng,... Tất cả đều do kim ngân, lưu ly hợp thành. Vậy thì trong cõi đó có sự hỗn loạn và ô nhiễm không? Môi trường ở Cực Lạc Tịnh độ, xét về phương diện kiến trúc để so sánh thì vượt trội với những đô thị tiên tiến bậc nhất hiện nay; còn xét về phương diện phong cảnh để khẳng định thì hơn hẳn những kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Chắc rằng vẫn có người khởi tâm hoài nghi, không tin tưởng là có một Thánh cảnh đẹp như vậy? Giờ đây tôi sẽ lấy hai ví dụ để làm sáng tỏ những vấn đề đang bị hoài nghi. Nếu như hơn 100 năm về trước, có người nói trong tương lai sẽ có một loại dầu hắc làm nhựa đường, thông qua quá trình tinh chế có thể dùng để trải trên mặt đường, làm cho nó trở nên bằng phẳng và sạch sẽ. Lúc đó hẳn sẽ có rất nhiều người không dám tin vào điều này, nhưng trong xã hội ngày nay việc trải dầu hắc lên mặt đường là việc hết sức bình thường. Một ví dụ khác, hơn 100 năm về trước chắc sẽ không ai tin rằng, con người có thể sống ở những tòa nhà cao chọc trời, chỉ cần mở vòi thì nước tự nhiên liên tục chảy về. Nhưng trong thời hiện đại chúng ta đang sống, đó là một việc hiển nhiên chẳng có gì đáng kinh ngạc.
Ngày nay, tôi nói về những đạo lý thù thắng ở cõi Di Đà Tịnh độ cũng như vậy. Chúng ta nên tin rằng tại thế giới Cực Lạc có những lầu các trùng điệp, âm thanh của nước, tiếng hót của chim đều như tiếng của chư Phật đang thuyết pháp; hoa, lá rung rinh như biết tấu nhạc; mặt đất bằng phẳng, nước thì trong veo. Trên thực tế chẳng có gì đáng hoài nghi cả.
Tại thế giới Cực Lạc môi trường sạch sẽ, đặc biệt vấn đề vệ sinh rất tốt, những hoạt động giáo dục cũng rất phổ biến. Tại thế gian, một quốc gia muốn cường thịnh nhất định phải đề xướng hoạt động giáo dục. Thế giới Cực Lạc có đời sống giáo dục rất cao, sinh hoạt của chúng sinh nơi đó như sau: Buổi sáng thức dậy, mắt nhìn vào những cảnh vật tự nhiên, bụng liền cảm thấy no; tai nghe những âm thanh thuyết pháp của Phật A Di Đà liền có thể giải trừ được sự đói khát và mệt mỏi. Sau khi dùng cơm xong, chúng sinh cõi ấy bay đến mười phương thế giới, dùng vạt áo đựng hoa để cúng dường chư Phật, chư Bồ tát, cuộc sống rất tiêu dao tự tại. Hằng ngày, họ ở nơi núi rừng hoặc nơi bờ sông tản bộ kinh hành, cùng sống chung với các bậc Thượng thiện nhân, nếu không nghe giảng kinh học pháp thì chuyên tâm niệm Phật. Hoàn cảnh môi trường quá hoàn mỹ, kiến trúc nguy nga lộng lẫy, cây cối thẳng hàng, đường sá bằng phẳng. Đại chúng sống tại nơi đây đều vừa lòng đẹp ý, cho nên gọi là thế giới Cực Lạc.
4.2 - Đời sống thanh tịnh
Sống trong một môi trường thanh tịnh, cuộc sống của con người tự nhiên cũng được an bình. Đời sống ở thế giới Cực Lạc không giống như trần gian chúng ta, con người nơi đó không vì miếng cơm manh áo mà bôn ba vất vả, không cần đấu đá, tranh danh đoạt lợi. Hơn thế nữa, họ cũng không cần bận tâm suy nghĩ quá nhiều về cuộc sống. Tại thế giới Cực lạc, khởi niệm về y phục liền có y phục, khởi niệm về thức ăn liền có thức ăn, cuộc sống cực kỳ tiêu dao tự tại.
Tôi thường nghĩ cuộc sống của chúng ta tại nhân gian, vì để no cái bụng mà một ngày bận rộn ba bữa cơm, trong nhà bếp thì chạy tới chạy lui không biết tiêu hao bao nhiêu thời gian của kiếp người. Ăn xong rồi phải đi giải quyết, giải quyết xong lại tiếp tục ăn; cả ngày, cả tháng, cả năm đều bận rộn không ngừng về vấn đề này. Nhưng chúng sinh tại thế giới Cực Lạc, tất cả đều do tâm khởi niệm mà thành, nào là y phục, đồ ăn, thức uống, nào là cư trú, di chuyển, giáo dục đều rất tự tại, không một chút phiền hà. Cho nên, họ trải qua một đời sống cao thượng và an vui.
4.3 - Kinh tế thanh tịnh
Chúng sinh trong thế giới Cực Lạc không giống như chúng sinh ở nhân gian. Họ không vì tiền tài, thị phi, danh lợi làm cho phiền não. Cuộc sống nơi thế giới Cực Lạc không cần suy nghĩ những vấn đề kinh tế, không bị 42 Từ bài kinh A Di Đà nói đến sự thiết lập tư tưởng Tịnh độ phiền não bởi những việc tranh chấp tiền tài, không cần lên kế hoạch cho những công trình giao thông vận tải.
Chúng sinh cõi này tự do bay lượn, không cần mua bán nhà đất. Họ có thể linh hoạt cư ngụ trong mọi hoàn cảnh, không cần tích lũy tiền bạc. Và bởi vì họ có nhiều công đức pháp tài (tín, giới, văn, tàm, quý, xả và tuệ) nên họ không cần kinh doanh thương mại mà cũng không thiếu thứ gì.
Chúng sinh vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, cuộc sống mỗi ngày đều có vô lượng pháp tài, trong khi tu tập thì hưởng thụ vô tận pháp lạc. Họ không phiền não về việc kinh doanh cho nên cũng không cớ gì vì tiền bạc mà đi mưu tính hại nhau. Cuộc sống của chúng sinh nơi ấy tương ưng với chân lý, không vướng phải những vấn đề kinh tế, rất tự tại và thong dong.
4.4 - Quần chúng thanh tịnh
Tại thế giới này, giữa các quốc gia với nhau, giữa người với người, thu hẹp phạm vi cho đến trong một gia đình mà nói, mối quan hệ giữa cha mẹ, anh chị em là thân thiết nhất, nhưng đến một thời điểm nào đó nó vẫn phát sinh những việc tranh chấp. Người Trung Hoa có câu tục ngữ nói rằng: “Quan thanh liêm khó giải quyết hết việc lục đục trong gia đình”, hay như câu: “Không phải oan gia thì đâu gặp gỡ”. Do vậy mà biết, người trong xã hội phát sinh bất hòa là chuyện thường tình.
Nhưng tại thế giới Cực Lạc thì những phiền não như vậy sẽ không có nơi để tồn tại. Trong A Di Đà kinh nói rằng: “Đây là nơi hội tụ của các bậc Thượng thiện…” Các bậc thiện tri thức cùng tụ họp cầu ngộ chân lý, cầu ngộ Phật pháp, cả ngày niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, không có tranh quyền đoạt lợi, không có mưu đồ hại nhau, không phân biệt thị phi, nhân ngã. Tất cả đều chung sống hòa thuận với nhau, cho nên chỉ có thế giới Cực Lạc là nơi đáng để chúng ta dụng công niệm Phật cầu vãng sinh về.
4.5 - Thân tâm thanh tịnh
Tại thế giới Cực Lạc, thân thể của mỗi người đều từ hoa sen hóa sinh nên không còn bị những nỗi khổ về sinh, lão, bệnh, tử chi phối. Tâm thanh tịnh không nhiễm ô, không còn những ý nghĩ về tham, sân, si. Thân tâm đều thanh tịnh, trong ngoài như một, không còn bất kỳ phiền não, đau khổ, thị phi nào nữa. Một hạt bụi hồng trần cũng không nhiễm, tiêu dao tự tại, cảnh giới như vậy được gọi là thế giới Cực Lạc.
Liên quan đến vấn đề thế giới Cực Lạc, những gì tôi đã trình bày, chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế những điều tốt đẹp đó. Tịnh độ Cực Lạc đương nhiên không thể dùng vài câu nói đơn giản mà có thể biểu đạt hết ý nghĩa. Những điều này trong A Di Đà kinh đại khái nêu lên một số nào đó mà thôi.