Tịnh độ có rất nhiều cõi, ước tính có thể phân làm một số loại như sau:
3.1 - Tịnh độ riêng của Đại thừa
Tịnh độ riêng của Đại thừa lại có thể phân thành Cực Lạc Tịnh độ của Phật A Di Đà và Lưu Ly Tịnh độ của Phật Dược Sư. Trong đó Cực Lạc Tịnh độ của Phật A Di Đà vẫn là thù thắng nhất.
Trong các bản kinh luận Đại thừa, tuy rộng nói về cõi Tịnh độ của mười phương chư Phật, ngợi khen các cõi ấy rất to lớn, thuận lợi cho việc tu tập và hành đạo; nhưng đặc biệt coi trọng xưng dương và tán thán cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Cho rằng trong số các pháp môn thì pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, cũng chính là việc xưng niệm Thánh hiệu của Phật A Di Đà, cầu vãng sinh Cực Lạc Tịnh độ. Điểm đáng chú ý ở Phật Di Đà là khi Ngài còn trong quá trình tu tập để đạt được đến quả vị Phật, Ngài đã lập 48 lời nguyện và dùng vô biên công đức, bi nguyện để thiết lập nên thế giới Cực Lạc. Đồng thời Ngài còn lập lời thệ nguyện khẳng định rằng: “Dù là người nào, chỉ cần tin tưởng nơi nguyện lực của Phật A Di Đà, nguyện sinh về thế giới Cực Lạc, thường niệm A Di Đà Phật, bất luận là một ngày, hai ngày, một niệm hay mười niệm, niệm đến chỗ chân thành, cung kính, đạt được nhất tâm bất loạn, thì có thể nhận được sự gia trì của Phật A Di Đà mà vãng sinh thế giới Cực Lạc”. Cho dù là dưới hình thức mang nghiệp vãng sinh, thì tại thế giới Cực Lạc vẫn tiếp tục tu học. Bất kể là thời gian có dài như thế nào đi chăng nữa, hành giả nhất định sẽ thoát ly khỏi sinh tử và tiến đến quả vị Vô thượng Bồ đề. Do vậy pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh được xem là thù thắng nhất.
Tiếp theo là cõi Tịnh độ Lưu Ly ở phương Đông của Phật Dược Sư. Nếu Di Đà Tịnh độ là biểu trưng cho sự “quy tụ”, thì Dược Sư Tịnh độ là biểu trưng cho sự “sinh trưởng”. Trong kinh có nói: Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khi còn trong quá trình tu tập đã phát 12 đại nguyện, mục đích là để mở mang tri thức, thúc đẩy phát triển sự nghiệp, cứu chữa người tàn phế, nghèo đói, bệnh tật, không nơi nương tựa; đồng thời cho họ lương thực, y phục, sự an vui, giúp họ không còn tin vào ngoại đạo, không phạm pháp và không phải chịu các sự trừng phạt; giúp cho họ hiểu được rằng nam nữ bình đẳng, tất cả chúng sinh đều thành Phật. Với những hạnh nguyện như vậy, tại thế giới phương Đông tồn tại cõi Tịnh độ Lưu Ly vô cùng trang nghiêm của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Trong Dược Sư kinh chỉ ra một điều rất thù thắng, người xưng niệm danh hiệu Phật Dược Sư cũng có thể phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà.
3.2 - Tịnh độ chung của Tam thừa
Chúng sinh trong Tam thừa tu chứng đến cảnh giới Niết bàn thiên về lý Không, nương vào thứ lớp tu tập, đoạn trừ phiền não, chứng ngộ chân lý, chấm dứt sinh tử luân hồi mà chứng đắc giải thoát. Người tu tập Tam thừa thường nghiêng về tự lợi là chính. Họ chứng ngộ cảnh giới Tịnh độ, tuy cùng thụ hưởng vị giải thoát là như nhau, giống như trăm sông đều chảy về biển và đều cùng một vị mặn, nhưng người tu tập Tam thừa lấy Tiểu thừa làm cảnh giới cứu cánh cho riêng mình. Mặc dù họ không tạo nghiệp trong đời này và không thọ những quả khổ của sinh tử, nhưng lại cần phải hướng đến một cảnh giới cao hơn để theo đuổi. Tam thừa Tịnh độ hẳn không phải là cái đích sau cùng mà chúng ta muốn hướng đến. Ví như chúng ta đi từ Cao Hùng đến Đài Bắc, thì Đài Trung chỉ là trạm dừng chân giữa đường để nghỉ ngơi, đến Đài Bắc mới là mục đích mà mình cần đạt được. Do vậy, những Thánh giả tu tập Tam thừa, sau cùng vẫn phải cần đến một đỉnh cao mới, niệm Phật cùng trở về Tịnh độ Cực Lạc.
3.3 - Tịnh độ chung của Ngũ thừa
Tịnh độ chung của Ngũ thừa chỉ cho cõi trời Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc. Trong pháp hội của Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Di Lặc được Ngài đích thân thọ ký sẽ là Phật vị lai ở cõi này. Hiện tại Bồ tát Di Lặc đang cư trú tại nội viện cung trời Đâu Suất, là một Tịnh độ rất trang nghiêm thanh tịnh. Tại cõi này, hằng ngày Bồ tát Di Lặc vì đại chúng mà thuyết pháp. Chúng sinh nếu muốn phát nguyện sinh về cõi Đâu Suất Tịnh độ thì có thể diện kiến Bồ tát Di Lặc, tương lai sẽ theo Ngài xuống nhân gian gặp Phật nghe pháp.
3.4 - Tịnh độ nhân gian
Nói đến Tịnh độ nhân gian chúng ta có thể thấy, cư sĩ Duy Ma Cật tuy sống trong cõi Ta bà nhưng cảnh giới của ông cũng giống như một cõi Tịnh độ. Có người nói Thiên đường là cõi Tịnh độ của Phật giáo, kỳ thực hai điều này hoàn toàn không giống nhau. Ngài Ấn Thuận đã dùng ba tiêu chí để so sánh và làm rõ sự khác nhau giữa Tịnh độ và Thiên đường.
Tịnh độ trong Phật giáo lấy Tịnh độ riêng của Đại thừa, đặc biệt Tịnh độ của Phật A Di Đà tại Tây phương Cực Lạc là thù thắng nhất. Tuy là có Tịnh độ chung của Tam thừa nhưng lại thiên về làm lợi cho tự thân. Mặc dù cõi Tịnh độ của Di Lặc Bồ tát đối với chúng ta là rất gần, dễ vãng sinh và được phổ biến rộng rãi, nhưng vẫn không được như cõi Di Đà Tịnh độ “một đời thành tựu”. Lại nữa, Tịnh độ Di Lặc ở tại nội viện cung trời Đâu Suất tức vẫn thuộc trong Tam giới, mà Tịnh độ Cực Lạc là nơi đã vãng sinh về đó thì không còn bị thoái chuyển nữa. Nếu đem so sánh với Thiên đường của đạo khác, thì rõ ràng nhận thấy Thiên đường còn cách xa.
Bất luận là cõi Tịnh độ của Đại thừa, Tịnh độ của cõi Trời hay Tịnh độ nơi thế gian, nếu ví Tịnh độ là “Thiên đường” thì thông thường sẽ có người hỏi: Thiên đường và địa ngục ở nơi đâu? Vấn đề này bao hàm luôn cả Tịnh độ ở nơi đâu và Tịnh độ có tồn tại hay không? Nhằm giải đáp nghi vấn này Đại sư Ấn Thuận dùng ba ý sau đây để làm rõ:
(1) Thiên đường ở tại nơi mà nó đang ở, địa ngục ở tại nơi mà nó đang tồn tại.
(2) Thiên đường và địa ngục ở tại nhân gian. Có không ít người được hưởng thụ những nhân duyên, phúc báo của mình cho nên trải qua một cuộc sống hết sức yên bình và hạnh phúc. Lẽ nào đây không phải là thiên đường của kiếp người sao? Cũng có rất nhiều người, tâm thì bị những phiền não, đau buồn trói buộc bức bách, thân thì chịu những nỗi đau về thể xác như dao đâm, kéo cắt, v.v. Vậy đây có được xem là địa ngục của nhân sinh không?
(3) Thiên đường và địa ngục ở ngay trong tâm. Giữa con người với con người trong thế gian luôn tồn tại sự so đo, tính toán, ngờ vực, phẫn nộ; nội tâm chứa đựng đầy rẫy tham, sân, si, thì đây chính là địa ngục. Nếu như mỗi chúng ta đều có thể quên đi những thị phi giữa ta và người, mở rộng tâm lượng, bao dung tất cả; đối với nhau rộng rãi bố thí, hoan hỷ ngợi ca, nơi nơi đều dùng tâm từ đối đãi với nhau, thì đây chính là Thiên đường. Hiện tại chúng ta vẫn chưa vãng sinh về cõi Tịnh độ Cực Lạc để được thân cận với Phật A Di Đà, vậy hãy cùng nỗ lực để chuyển hoá thế giới Ta bà này thành cõi Tịnh độ nơi trần gian.
Tôi xin kể một câu chuyện để làm rõ Tịnh độ của nội tâm là như thế nào.
Vào thời nhà Tống, hai anh em nhà Nho là Trình Hạo hiệu Minh Đạo và Trình Di hiệu Y Xuyên. Trong lịch sử Trung Hoa, hai người nổi tiếng lẫy lừng về lĩnh vực “Lý học” - một trường phái triết học duy tâm đời nhà Tống - Minh và cũng được coi là hai anh em ruột nghiên cứu về Nho học thân thiết nhất.
Người anh Minh Đạo, đức tính khoan dung, khí phách hơn người, tấm lòng rộng mở. Người em Y Xuyên, khí chất cương quyết, đạo mạo trang nghiêm và có chút nghiêm khắc, cứng nhắc, đơn độc. Một ngày nọ, hai anh em cùng lên triều tham dự yến tiệc. Đó là một bữa tiệc rượu thịt, ca múa, nam nữ vui cười, cực kỳ xa hoa và phung phí. Minh Đạo vốn là một người hòa đồng, tham gia yến tiệc cùng mọi người một cách vui vẻ. Y Xuyên thì ngược lại, do không chấp nhận những việc như vậy cho nên trong lòng khó chịu, không vui.
Sự việc trôi qua đã được vài tháng, nhưng Y Xuyên kìm nén không được, mới chất vấn Minh Đạo rằng: “Đại huynh! Mấy tháng trước anh em ta tiến triều tham dự yến tiệc, sao anh lại bị mấy thứ nam nữ, rượu thịt đó làm mê hoặc như vậy? Anh không cảm thấy trái với bản tính của người học Đạo sao?”
Minh Đạo nghe vậy ngạc nhiên nói: “Hiền đệ à! Sự việc đã qua rất lâu rồi, sao đến nay em còn giữ mãi trong tâm như thế? Lúc tiệc rượu kết thúc, anh đã không để tâm đến nữa và quên mất rồi!”
Y Xuyên bản tính nghiêm túc, tuy không hòa mình vào cùng mọi người tham gia những bữa tiệc tùng mua vui như thế, nhưng trong thâm tâm thì luôn bị dính mắc và không thể buông bỏ. Trái lại, Minh Đạo là người khoan dung và cởi mở, có thể nhấc lên được thì buông xuống được, đúng như cái gọi là: “Đi qua cõi muôn hoa, không vướng bận một chiếc lá”.
Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy, muốn xây dựng cõi Tịnh độ nơi trần gian, trước hết phải xây dựng Tịnh độ tại chính tâm mình. Điều đầu tiên phải làm là buông bỏ được ngũ dục, lục trần từ ngay trong tâm chúng ta, đúng như câu nói: “Tâm tịnh quốc độ tịnh”.
Trưởng lão Xá Lợi Phất có một lần thưa Đức Phật rằng: “Mười phương quốc độ đều rất thanh tịnh. Tại sao thế giới Ta bà của Ngài lại đầy rẫy những cấu uế và thấp kém như vậy?”
Đức Phật dạy: “Thế giới mà ta đang ở, các ông không hiểu hết được đâu”. Vừa nói Ngài vừa dùng ngón tay cái ấn xuống đất, tức thời đại địa quang minh xán lạn, thanh tịnh trang nghiêm. Đức Phật khẳng định: “Đây mới chính là thế giới mà Ta đang cư ngụ”.
Do vậy, con người trên thế gian cùng chung sống với nhau, cùng bước đi trên một tuyến đường, nhưng mỗi người có một cảm thọ khác nhau và thế giới tâm lý cũng không đồng nhất với nhau.