Tư tưởng của Tịnh độ không chỉ thuộc phạm vi của Tịnh độ tông, cũng không giới hạn ở ba kinh và một luận: Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh, A Di Đà kinh và Tịnh độ luận. Có rất nhiều kinh và luận Đại thừa đề cập đến pháp môn Tịnh độ, đâu đâu cũng giải thích rõ về tín ngưỡng trong tư tưởng Tịnh độ.
Nói đến những căn cứ của tư tưởng Tịnh độ, sau đây sẽ liệt kê một số điểm để làm sáng tỏ.
2.1 - Từ kim khẩu của Đức Phật (Thánh ngôn lượng) mà ta biết có sự tồn tại của Tịnh độ
Khi nói về một sự vật hay hiện tượng nào đó, chúng ta không thể chỉ đơn thuần căn cứ vào lời nói mà quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của chúng. Phải có chứng cứ, tiêu chuẩn hay chuẩn mực nhất định mới có thể đưa đến nhận định khách quan. Ví dụ, tôi nói ở đây có một cái bàn, đương nhiên sẽ không ai phản đối về điều này, vì trên thực tế có một cái bàn đang hiện diện nơi đây. Một ví dụ khác, tôi nói ở đằng kia có người, tại sao tôi lại biết như vậy? Tuy không nhìn thấy, nhưng tôi có thể nghe được những âm thanh mà họ đang trò chuyện với nhau, do vậy mới biết ở đằng đó có người.
Tóm lại, chúng ta muốn biết chiều dài của một vật thì cần dùng thước để đo, muốn biết trọng lượng của một vật thì phải dùng cân để lường. Như vậy, một đồ vật có hay không, dài hay ngắn, lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ đều có thể căn cứ vào những đặc điểm đó để so sánh mà biết được, gọi là “tỷ lượng”. Vẫn còn một cách thức nữa để phán đoán về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, đó là ta cần phải căn cứ vào “Thánh ngôn lượng”. Bậc Thánh ắt hội tụ đầy đủ trí tuệ, lời vị ấy nói ra hẳn không có chỗ sai lầm và chúng ta cần phải tin tưởng. Căn cứ vào lời phán đoán, nhận xét về sự tồn tại của một sự việc dưới cái nhìn của bậc Thánh nhân, thì đó gọi là “Thánh ngôn lượng”.
Trong A Di Đà kinh, Đức Phật có dạy: “Từ thế giới Ta bà này trải qua mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc, trong cõi đó Đức Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp”.
Phật là bậc Thánh nhân, những lời Ngài nói ra chắc chắn không sai. Trong ba mươi hai tướng hảo của Ngài, có một tướng là “tướng lưỡi rộng dài”, lưỡi rộng có thể phủ kín mũi và mặt. Ngài có được tướng thù thắng này, là vì trong quá khứ chưa từng buông lời nói dối. Do vậy, Đức Phật nói với chúng ta trong vũ trụ này có một thế giới tên Cực Lạc, là điều hoàn toàn có thể tin được.
2.2 - Trong lịch sử có đề cập đến các sự tích vãng sinh Tịnh độ, qua đó ta biết được sự tồn tại của cõi này
Vào triều đại nhà Thanh niên hiệu Càn Long, có vị cư sĩ tên là Bành Tế Thanh. Ông yêu cầu cháu là Bành Hy Tốc biên soạn bộ Tịnh độ Thánh hiền lục, ghi chép lịch đại cao Tăng tu trì pháp môn Tịnh độ, xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật và những sự tích về việc vãng sinh Tịnh độ. Ví như, Tổ sư của Tịnh độ tông là Ngài Tuệ Viễn, tu tập trên núi Lô Sơn, tỉnh Giang Tây lập nên hội niệm Phật và đã từng ba lần nhìn thấy Phật A Di Đà hiện thân.
Nhà Đường có Đại sư Thiện Đạo xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Mỗi một câu niệm Phật, từ trong miệng Ngài phóng ra một tia sáng; niệm mười câu Phật hiệu, trong miệng phóng ra mười tia sáng; niệm trăm câu A Di Đà Phật, từ miệng phóng ra trăm tia sáng. Do vậy mà Ngài còn có danh xưng khác là Hòa thượng Quang Minh. Ngày nay, ngay cả người Nhật Bản cũng đều hết sức sùng bái Ngài Thiện Đạo.
Vào thời cận đại có Ngài Ấn Quang, một đời xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cho nên cuối đời Ngài biết trước được ngày giờ viên tịch. Cư sĩ tại gia hành trì pháp môn niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh độ cũng rất nhiều. Năm 1948, cư sĩ Hồ Tùng Niên sống ở núi Linh Nham, tỉnh Tô Châu, hằng ngày chăm chỉ hành trì pháp môn niệm Phật. Trước ngày mất, ông thông báo cho người thân và bạn bè rằng 8 giờ sáng ngày hôm sau mình sẽ vãng sinh, mời tất cả mọi người đến để giúp ông trợ niệm. Hôm đó, khi mọi người đều tập trung trước 8 giờ thì thấy ông đang dùng bữa sáng, trên thực tế nhìn ông không giống người sắp qua đời. Mọi người đều có suy nghĩ không có khả năng là ông sẽ ra đi trong sáng hôm nay. Thế nhưng đến đúng 8 giờ, ông ngồi tư thế xếp bằng, vãng sinh về cõi Cực Lạc Tịnh độ trong tiếng niệm Phật của mọi người.
Tại thành phố Đài Bắc - Đài Loan có “Đoàn niệm Phật Liên Hữu”. Vị cư sĩ đầu tiên đảm nhiệm chức trưởng đoàn tên là Lý Tế Hoa, cũng vãng sinh Tịnh độ trong tiếng niệm Phật của đại chúng, tại niệm Phật đường do Đoàn thành lập. Trong “Đài Trung Liên Hội” (thuộc thành phố Đài Trung - Đài Loan) cũng có rất nhiều người tu tập theo pháp môn niệm Phật, trong đó có không ít câu chuyện về việc niệm Phật biết trước giờ vãng sinh.
Từ xưa đến nay, người tu tập pháp môn niệm Phật rất nhiều, người biết trước ngày giờ vãng sinh cũng không thiếu; có người tự thân nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn; có người nghe được tiếng nhạc du dương trầm bổng từ trong không trung; có người ngồi trong phòng ngửi được mùi thơm khiến cho thân nhẹ tâm an. Những điềm lành này, chỉ có người tu tập theo pháp môn Tịnh độ đạt đến lúc công đức viên mãn mới có thể thấy và hiển nhiên là có thể trở về quê nhà Tịnh độ. Trên thực tế, điều này đối với một người bình thường tu tập các pháp môn khác không thể làm được.
2.3 - Thông qua sự chứng minh của khoa học, ta biết chắc về sự tồn tại của cõi Tịnh độ
Căn cứ vào những thành quả của nghiên cứu khoa học mà luận bàn, chúng ta đã biết ngoài hệ mặt trời còn có những hệ mặt trời khác; ngoài dải ngân hà này còn có những dải ngân hà khác. Không gian của vũ trụ là vô hạn, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của loài người rất nhiều. Nói cách khác, ngoài trái đất mà chúng ta đang sinh tồn vẫn còn rất nhiều thế giới khác tồn tại trong dải ngân hà.
Bên ngoài thế giới này vẫn còn nhiều thế giới khác, phải trải qua thời gian rất lâu khoa học ngày nay mới chứng minh được những điều nói trên. Trong kinh có ghi chép một đoạn rất thú vị rằng, khi Phật Thích Ca Mâu Ni đang giảng kinh, Ngài hiện tướng lưỡi rộng dài, âm thanh chấn động đến vô lượng thế giới và truyền đi rất xa. Lúc bấy giờ, trong chúng đệ tử, Mục Kiền Liên là người thần thông đệ nhất lại không tin vào điều này. Ông hoài nghi âm thanh không thể nào truyền đến một nơi xa xăm như thế được. Vì muốn kiểm chứng thực hư, Mục Kiền Liên liền vận thần thông bay ra bên ngoài Phật quốc cách đó mười ức cõi Phật. Lúc đó, trong một cõi Phật xa xôi khác có Đức Phật hiệu Thế Tự Tại Vương đang thuyết pháp. Một thính chúng đang nghe pháp bỗng nhiên bắt được một con vật gì bò ở trên thân, bèn kêu lên: “Trên người tôi sao lại có một con sâu róm thế này?”
Đức Phật Thế Tự Tại Vương liền nói: “Vật đó không phải là con sâu róm, mà là Mục Kiền Liên đệ tử Phật Thích Ca Mâu Ni từ thế giới Ta bà đến”. Thực ra, thân hình của Mục Kiền Liên không phải nhỏ bé, nhưng so với chúng sinh trong quốc độ này thì thân hình của ông ấy chỉ bằng một con sâu róm mà thôi. Dù rằng tại thế giới Ta bà, Mục Kiền Liên được mệnh danh là thần thông đệ nhất. Sau đó, Như Lai vì Mục Kiền Liên mà khai thị rằng: “Oai đức của chư Phật là điều không phải hàng Thanh văn đệ tử có thể so bì được, con không cần sử dụng thần thông để thăm dò”. Từ đó về sau, Mục Kiền Liên đặc biệt tin tưởng trong hư không thật sự là có vô số thế giới và vô lượng chư Phật.