Phạm Trọng Yêm, một thừa tướng nổi tiếng thời nhà Tống, từ khi còn nhỏ, bất chấp hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông vẫn học hành chăm chỉ suốt nhiều năm, hàng ngày chỉ ăn cháo để no bụng, cuối cùng gặt hái được thành công. Do vậy, ông nói: “Trong cháo có đạo”.
Ma ha Tăng kỳ luật của Phật giáo chỉ ra: “Cháo có mười lợi ích”, điều này mọi người chắc hẳn đều đã nghe qua, mười lợi ích đó là: giúp tướng mạo đầy đặn, giúp tăng cường sức lực, giúp bổ khí sống lâu, giúp an lạc dẻo dai, giúp nói năng rõ ràng, giúp giọng nói trầm ấm, giúp tiêu hóa dễ dàng, thích hợp cho người già bệnh tật, giúp hết đói hết khát, giúp điều hòa khí sắc.
Có một đoạn thơ bút tre như sau:
Nấu cơm sao ngon hơn nấu cháo
Hãy cùng con gái thương lượng qua,
Một đấu gạo nở ra ba đấu
Hai ngày thóc ăn được sáu ngày.
Khách đến chỉ thêm nước thêm lửa
Không tiền cũng đỡ nấu thêm canh,
Chớ chê nhạt nhẽo thiếu vị ngon
Vị thanh đạm ấy còn lưu mãi.
Trong đời sống nông thôn xa xưa, hầu hết các gia đình nghèo đều phải ăn cháo, thậm chí để có gạo nấu cháo cũng không hề dễ, mà hầu hết cháo đều được nấu từ đậu hoặc các loại ngũ cốc (ngô, cao lương, v.v.). Khi Lưu Tú (Hán Quang Vũ Đế - vị hoàng đế sáng lập triều đại Đông Hán) cất quân dẹp yên phản loạn, lúc đến Vô Lâu Đình huyện Nhiêu Dương, gặp phải thời tiết lạnh giá, khiến việc vận chuyển lương thực bị gián đoạn. Trong cảnh thiếu thốn ấy, đại tướng Phùng Dị đã dâng lên cho ông một bát cháo đậu để qua cơn đói rét. Sau khi Lưu Tú giành được thiên hạ, ông đã hạ lệnh ban thưởng cho Phùng Dị.
Ngày nay, đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, nên bữa sáng của mỗi gia đình nếu không phải là sữa hay bánh mỳ, thì cũng là nước ép hoa quả và trứng, rất ít nhà còn ăn cháo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ăn một bữa cháo trắng cũng có thể giúp cả nhà cảm thấy ngon miệng, đặc biệt là những người già hoặc người mới khỏi bệnh, đa số đều thích ăn cháo trắng thay cho bữa ăn chính. Thậm chí hiện nay, một số người có tu dưỡng, có học vấn cao đã lập ra “hội cháo” để thể hiện sự tao nhã. Do đó, bản thân vật chất không có phân biệt tốt hay xấu, mà nó tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.
Hàng ngày, nếu chúng ta không chú ý bảo vệ sức khỏe, sẽ rất dễ bị ốm. Khi bị ốm, có người dùng thuốc, có người dùng vật lý trị liệu, lại có người điều trị bằng phương pháp vận động, thậm chí còn có người điều trị bằng biện pháp tâm lý. Trên thực tế, trong số rất nhiều phương pháp điều trị, thì trị liệu bằng dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng, trong đó phương pháp quan trọng hàng đầu chính là ăn cháo.
Ngày xưa, Trung Quốc thường xảy ra chiến tranh liên miên, hoặc mỗi khi rơi vào tình cảnh loạn lạc, như bị lũ lụt, hạn hán, những người tốt bụng đều làm từ thiện bằng cách phát cháo cứu người. Người xưa đã cứu tế đùm bọc nhau trong hoàn cảnh đó.
Ngày nay, những gia đình giàu có, ngoài những bữa ăn chính hàng ngày, đôi khi cũng ăn cháo với các món ăn kèm như dưa muối, đậu phụ. Như vậy không những có thể làm tăng thêm cảm giác ngon miệng, mà còn có thể khơi lại ký ức một thời ăn cháo gian khổ, nuôi dưỡng ý chí vượt khó, tăng thêm thiện niệm, làm sạch bầu không khí thiện lương của xã hội.
Do đó, trong xã hội ngày nay, nếu mọi gia đình đều đề cao việc ăn cháo, không những có thể tiết kiệm chi phí tổ chức tiệc tùng, mà còn giúp ta có một đời sống thanh đạm, điều này ắt hẳn sẽ giúp cho hương thơm đức hạnh của mỗi người được lan tỏa. Đây chẳng phải là minh chứng cho câu nói “trong cháo có đạo” hay sao?