Hậu quả của việc tự tử là gì? Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là đau khổ!
Tại sao có một số người muốn tự tử? Nguyên nhân nhất định là do họ đã gặp phải chuyện đau khổ, tủi nhục, khó khăn, bất đắc dĩ nên mới nghĩ đến việc dùng cái chết để giải quyết vấn đề. Thực ra, tự tử không những không giải quyết được vấn đề, ngược lại càng gây thêm nhiều nỗi đau, mất mát khôn cùng.
Tự tử là một hành động ích kỷ, người tự tử có thể cho rằng “chết là xong”, nhưng thực tế họ đã để lại cho bạn bè và người thân những nỗi day dứt, những vấn đề khó giải quyết, vượt ngưỡng chịu đựng.
Tự tử là hành động của những người yếu đuối, bởi vì không có vấn đề gì trên đời mà không thể giải quyết được, vậy vì sao phải tự tử để trốn tránh? Khi gặp phải khó khăn, ta có thể nhờ người lớn chỉ bảo, nhờ bạn bè chia sẻ, nhờ người thân giúp đỡ, tại sao lại phải tự tử?
Tự tử là một hành động thiếu suy nghĩ, sở dĩ một người phải đưa ra quyết định tự tử chắc chắn là do họ không thể nào suy nghĩ thông suốt về vấn đề mà mình đang mắc phải. Bởi bế tắc nên họ không hiểu được ý nghĩa chân thực của cuộc sống, chỉ vì nhất thời không thể tháo gỡ được nút thắt trong lòng, mà đành chọn cách tự tử để trốn tránh hiện thực.
Tự tử là hành động làm tăng thêm khổ đau, bởi vì người tự tử không chỉ phải chịu đựng đau đớn về mặt thể xác mà còn khiến tâm hồn càng thêm giày vò. Giả sử nếu sau khi tự tử mà họ vẫn cảm nhận được mọi thứ, thì khi hồi tưởng lại chuyện cũ, lẽ nào không thấy đau khổ hay sao?
Cuốn sách Chân tướng tự tử nói rằng, nỗi đau đớn của những người tự tử không một giấy mực nào có thể mô tả được. Chẳng hạn những người bị chết ngạt do nhảy sông, áp suất của nước từ bên ngoài cùng không khí bên trong phổi sẽ đối kháng lẫn nhau, làm cho lồng ngực bị ép lại, cảm giác khi ấy thật đau đớn biết nhường nào; với người chết do thắt cổ, thì khí quản bị tắc nghẽn, máu chảy ngược, thân thể như bị dao cắt, sau đó toàn thân tê liệt, đau khổ khôn cùng; những người uống một số loại thuốc độc như thuốc sâu, axit clohydric, v.v. thì ngũ tạng bị phá hủy, vô cùng đau đớn; người uống thuốc ngủ thì đầu óc choáng váng, ngũ tạng rối loạn, hô hấp tạm ngưng, nhịp tim cũng ngừng đập, rồi sau đó tử vong.
Có người tự tử là do kinh doanh thất bại, tình trường trắc trở, đánh mất lý tưởng hoặc gặp phải chuyện ngoài ý muốn, v.v. Trong tình cảnh đánh mất mọi thứ, tất cả đều trở thành trống rỗng đó, vì không chịu đựng được cảm giác bị trắng tay, dẫn đến tuyệt vọng nên họ chọn cách tự tử để mong giải thoát cho bản thân.
Bên cạnh đó, trong xã hội cũng có rất nhiều người vì có quá nhiều phiền não, áp lực, trách nhiệm, ham muốn, được mất, v.v. mà không thể nào rũ bỏ được, nên họ đã tìm đến con đường tự kết liễu cuộc đời để trốn tránh hiện thực.
Thực ra, tự tử cũng là phạm tội sát sinh, quả báo của nghiệp sát sinh là rất nặng. Trong Phật giáo nhắc đến phúc “thiện chung” - một cái chết thanh thản và an lành. Nếu ai đó có được phúc thiện chung thì mới có thể vãng sinh vào những đường lành, đồng thời mới có thể giải thoát thật sự.
Tự tử là biểu hiện của sự vô vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, tương lai. Điều tàn nhẫn nhất trên thế giới chính là kết thúc đi một sinh mệnh, đặc biệt là kết thúc sinh mệnh của chính mình. Phật giáo giảng về lý “vô thường”, tức là muốn nói khi đối mặt với khó khăn thất bại, chỉ cần chúng ta sẵn sàng cải thiện nhân duyên của mình thì mọi chuyện đều sẽ qua, chỉ cần chúng ta sẵn sàng thay đổi hiện trạng thì bản thân có thể hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, đây cũng chính là chỗ đáng quý của cuộc sống. Hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể trân quý sinh mệnh của chính mình và của người khác, sống có hy vọng, sống tự tại, sống bình an và sống tươi đẹp.