Thời đại phong kiến xưa, thần dân phải khấu đầu vái lạy hoàng đế. Trong nền văn hóa dân gian, vào các dịp lễ tết, lễ mừng thọ, hoặc khi lễ cha mẹ, lễ các bậc trưởng bối, thì phận con cháu cũng đều phải cúi đầu vái lạy.
Một khi đã cúi đầu vái lạy thì người ta không thể thiếu bồ đoàn. Do vậy, không chỉ ở chùa chiền, mà ngay cả trong các gia đình thông thường hay trong Phật đường cũng đều đặt sẵn bồ đoàn, đệm quỳ để việc hành lễ được thực hiện đúng với nghi thức.
Đến thời nay, do xã hội thay đổi, người ta thường sử dụng các nghi thức hiện đại như bắt tay, cúi chào, v.v. cho nên không còn dùng đến bồ đoàn nữa. Nhưng trong các đạo tràng tu tập ở chùa, thông thường chư tăng, tín đồ vẫn dùng bồ đoàn để làm vật kết nối, tiếp tâm với chư Phật, Bồ tát.
Một người không có tín ngưỡng tôn giáo sẽ cho rằng vái lạy là điều gì đó không bình thường, nhưng đối với một giáo đồ có tín ngưỡng, thì khi vái lạy chính là cơ hội sử dụng bồ đoàn để ngồi thiền, tĩnh tâm. Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu bậc giác ngộ đã thành tựu trên bồ đoàn, biết bao nhiêu người đã sử dụng bồ đoàn để sám hối, gột rửa những tội lỗi nhơ bẩn của thân tâm, đạt được sự giải thoát tâm linh. Lại có những người thông qua việc vái lạy mà kết nối được với chư Phật và Bồ tát, xem việc vái lạy như thư từ, điện thoại và mạng xã hội thời nay, đây là cách để tâm phàm phu kết nối được với tâm Phật mà không gặp rào cản.
Một chiếc bồ đoàn nho nhỏ, hóa ra lại là đạo tràng để ta tu dưỡng nhân cách, mở rộng thế giới tâm linh, tự mình phản tỉnh và là nơi ta gặp gỡ chư Phật, Bồ tát.
Mặc dù về mặt hình thức, khi lễ bái mọi người đều ngồi trên bồ đoàn, nhưng về mặt ý nghĩa, lễ bái cũng có nhiều tầng bậc, tức là căn cứ vào sự thanh tịnh của thân tâm, hay thái độ có thành kính hay không, mà người ta phân thành bảy phương pháp lễ Phật: lễ bằng sự ngã mạn, lễ để cầu danh, lễ bằng sự kính cẩn của thân tâm, lễ để phát trí thanh tịnh, lễ để vào khắp trong pháp giới tính, lễ để tu tập chính quán và lễ bằng thật tướng bình đẳng.
Mọi tín đồ khi ngồi trên bồ đoàn ở trước tòa chư Phật Bồ tát, thì không còn có sự phân biệt tôn ti cao thấp, tất cả đều muốn hướng lên Đức Phật và Bồ tát, bằng tâm thành kính của mình, trút hết tâm tư, đảnh lễ, chắp tay quỳ lạy.
Các bậc đế vương của Trung Hoa thành kính tin Phật thời xưa như: Lương Vũ Đế, Tùy Văn Đế, Võ Tắc Thiên, v.v. cứ đến mỗi dịp đại pháp hội, họ đều nhất định đích thân đến tận nơi để tham dự và lễ Phật.
Vua Ba Tư Nặc của Ấn Độ hễ gặp Đức Phật liền đỉnh lễ, hành động đó khiến quần thần phản đối, họ cho rằng đầu của nhà vua cao quý hơn hết, vậy tại sao phải cúi đầu lễ bái chư Phật, Bồ tát? Để quần thần của mình hiểu được ý nghĩa của việc lễ lạy đó, vua bèn lệnh cho người vào trong ngục lấy đầu một tử tù mang ra ngoài, truyền rằng đó là đầu của vua Ba Tư Nặc, rồi rao bán với giá 100 đồng. Người dân nghe đến câu đầu của vua Ba Tư Nặc thì kinh hoàng, nhà nhà đều đóng chặt cửa không dám bước ra. Sau đó, nhà vua lại sai người đem rao bán đầu lợn với giá 200 đồng, đám dân chúng vội vàng tranh nhau mua. Lúc này vua Ba Tư Nặc mới nói với đám quần thần: “Các khanh xem, các khanh cho là đầu của ta vô cùng quý giá, nhưng thực tế thì nó không quý bằng một cái đầu lợn!”
Bông lúa chín thì sẽ rủ đầu, cũng như vậy, một người từng được trải nghiệm nghi thức lễ lạy trên bồ đoàn thì người ấy chắc chắn sẽ hiểu được đức khiêm cung, kính lễ, biết cúi đầu, từ đó mới biết cách đối nhân xử thế, đối diện với những khó khăn của thế gian này bằng một tâm hồn rộng mở hơn.