N
ếu có quý vị nào chịu bỏ ra chút thời gian đọc một câu chuyện giản đơn được kể theo lối mộc mạc, bình dị thì tôi, John Ridd, giáo dân vùng Oare, thuộc hạt Somerset, tiểu điền chủ và người trông giữ nhà thờ, từng chứng kiến và dự phần vài biến cố xảy ra trong vùng, sẵn sàng hầu chuyện theo thứ tự lớp lang hết mức có thể. (Cầu Chúa ban cho con sức khỏe và trí óc minh mẫn). Quý vị nào tình cờ đọc được cuốn sách này nên nhớ giúp cho rằng tôi kể chuyện này ra đây cốt để giải oan tiếng xấu giáo xứ chúng tôi phải mang, và để mọi người biết cả một điều nữa mà tôi tin là sẽ thường xuyên xuất hiện trong cuốn sách, đó là… tôi chỉ là một kẻ quê mùa ít học, chẳng biết lấy một thứ tiếng nước ngoài nào như mọi quý ông khác, cũng không hề có tài ăn nói những lời lẽ cao siêu (ngay cả bằng tiếng mẹ đẻ), ngoại trừ những thứ rất có thể tôi đã lượm lặt được từ Kinh thánh hoặc từ đại văn hào William Shakespeare, người mà, bất kể công luận thế nào, tôi vẫn luôn dành cho sự quý trọng đặc biệt. Nói tóm lại, tôi là một kẻ ít học, nhưng với một tiểu điền chủ thì như thế đã là quá đủ.
Cha tôi vốn có của ăn của để được thừa hưởng từ nhiều thế hệ, ít nhất là theo nếp nghĩ của dân Exmoor chúng tôi, và tự mình tậu được một trong số ba trang trại (đó cũng là cái màu mỡ nhất và rộng lớn nhất) trong giáo xứ Oare (hay nói đúng hơn, từ khi vào tay cha tôi, nó mới thành trang trại). Ông - John Ridd Cha, người trông giữ nhà thờ và đốc công, là người ham học hỏi và có thể dễ dàng viết ra tên mình - đã gửi mụn con trai độc nhất là tôi đến học tại Tiverton, thuộc hạt Devon. Là niềm tự hào bậc nhất của thành phố cổ ấy, ngôi trường nơi tôi theo học là một trường tư dạy tiếng Latin tiêu biểu, lớn nhất miền Tây nước Anh, được ngài Peter Blundell - một nhà buôn vải vóc, cũng là người trong vùng - sáng lập và đầu tư tài chính hậu hĩ vào năm 1604.
Lúc ấy, ở tuổi mười hai, tôi bước vào trung học1, có thể mon men tìm hiểu về Eutropius2 và Caesar3 - đương nhiên là với sự hỗ trợ đắc lực của phiên bản tiếng Anh - cùng đâu chừng sáu dòng thơ Ovid4. Thậm chí vài người còn bảo rằng nếu kiên gan bền chí, trước khi đến tuổi trưởng thành, tôi có thể học lên đến lớp chín; dẫu rằng, trong mắt mọi người (ngoại trừ mẹ), tôi là một đứa tối dạ. Những điều đó chắc hẳn là, như giờ đây tôi nhận ra, một hoài bão nằm ngoài tầm với của con trai một tá điền; vì trường chỉ dạy đến lớp tám - và toàn bọn làm ra vẻ ta đây quen thói hoạnh họe người khác, nhân danh “quản lớp”. Sau đó, ơn Chúa lòng lành, tôi phải bỏ dở việc học khi mới bắt đầu làm quen với động từ Hy Lạp φιλέω năm lớp Bảy.
1. Trong hệ thống giáo dục ở Anh, cấp trung học dành cho những học sinh từ 12-16 tuổi, lớp 7 đến lớp 11.
2. Flavius Eutropius: một nhà sử học La Mã cổ đại sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ IV.
3. Gaius Julius Caesar (100 tr.CN - 44 tr.CN): một lãnh tụ quân sự và chính trị, tác gia văn xuôi Latin lớn của La Mã cổ đại.
4. Publius Ovidius Naso (43 tr.CN - 17 hoặc 18), hay Ovid ở các nước nói tiếng Anh, là một nhà thơ La Mã nổi tiếng với các tác phẩm Heroides, Amores, và Ars Amatoria.
Đứa cháu nội lớn nhất của tôi cả gan mở mồm bảo ông nó chắc là chưa bao giờ học nổi từ τύπτω, và đọc quá mười trang sách, trong khi chính cu cậu chỉ có thể làm được ngần ấy việc sau khi lãnh kha khá “lươn” vào mông. Tôi biết thằng bé sáng dạ hơn mình - dù về sức mạnh cơ bắp, cu cậu chẳng bao giờ có cửa so với ông nội; tôi thấy mình may vì đã dừng lại kịp thời, trong sự ngoan ngoãn và sáng suốt.
Nếu như quý vị còn lợn cợn hoài nghi, bởi chăng những gì tôi biết còn quá ít ỏi, thì cứ việc xem tên của tôi đi - “John Ridd” - nó được khắc y chang như vậy đấy. Nói đúng ra, ngay từ lúc đủ sức bật con dao nhíp lên và đánh vần được tên mình, tôi liền khởi sự khắc nó lên gỗ sồi, trước tiên là ghế ngồi, sau đó lân la đến bàn (hiện giờ cháu nội tôi vẫn còn nhìn thấy). Tôi đã tẩn một đứa trong lớp vì dám giễu “Lêu lêu John Ridd”, và dằn mặt nó thêm lần nữa bằng trò “hỏa công”. Cái trò hơi ác mà vui cực, đứa nào cũng mê tít.
Cái trò đó là như thế này, tôi chỉ viết ra đây thôi kẻo con cháu bắt chước rồi làm vậy trong nhà cha ông chúng nó thì khốn; nếu chúng nó mà dám, tôi sẽ phát hiện ra ngay và mắng cho một trận nên thân ấy chứ. Sau khi xin xỏ hoặc mua được đâu đó một nhúm diêm tiêu, ta dùng con dao chuốt bút khoét một cái lỗ xuống mặt bàn dày ba phân. Khoét sao cho xung quanh sâu hơn, còn phần chính giữa thì chừa lại một ít. Bước tiếp theo là nhồi diêm tiêu vào cái rãnh được khoét sâu. Rồi găm chân nến bằng mỡ động vật đã được thắp sẵn - hoặc “đuôi chuột cống” theo cách gọi của bọn học trò chúng tôi - lên cái phần lồi lên ở chính giữa được chừa lại đó (lý tưởng nhất là vuốt cho nó nhọn lên một chút). Lát sau, trong lúc đang học bài dưới ánh nến, ta ngẩng đầu lên và kìa, lửa đã bắt đầu liếm tới diêm tiêu, phát ra những tiếng xèo xèo rồi bập bùng cháy. Nếu ta vớ ngay lấy cây bút, ngoáy cật lực vào đấy, mặc xác bút có tòe ngòi, hay bỏng tay tí cũng thây kệ, ta sẽ được ngắm nhìn một thứ ánh sáng rực rỡ hệt như những quả núi đang bốc cháy với hằng hà tia lửa tung tóe vui tươi, khói tỏa mịt mù; nếu ta ngoáy khéo, và có lượng diêm tiêu kha khá, cảnh đó sẽ tiếp diễn cho đến khi lớp gỗ bị cháy thủng, hệt như cách người ta đào giếng ấy. Thế rồi cả cái mớ đó hạ cánh xuống đầu đứa nào tình cờ ngồi bên dưới đang mê mải đọc sách. Nhưng nên nhớ là phải trông chừng cẩn thận vì rất có thể sẽ bị thầy giáo bắt quả tang vào một buổi sáng xấu trời nào đó.
Mấy trò chơi khác, cũng hay ho không kém, hiện vẫn còn diễn ra tại trường Blundell, như thui mũ chẳng hạn; dẫu cho mỗi khi nghĩ về chúng tôi lại thấy lòng mình dấy lên một cảm giác gì đó khoan khoái, dễ chịu, tôi vẫn xin mạn phép được bỏ qua, trừ một thông lệ liên quan đến lũ. Ngôi trường tọa lạc bên cạnh một dòng suối không lớn lắm có tên là Lowman, chảy vào một con sông rộng của Exe, cách đó chừng một dặm. Dòng Lowman, dù không ầm ĩ và hung hăng (như con suối Lynn của chúng tôi), nhưng hay giở thói dâng nước tràn bờ mỗi khi bị chọc giận bởi những cơn mưa nối nhau tuôn xối xả; nhất là khi con suối nhỏ bên cạnh, tên gọi Taunton Brook - nơi tôi vẫn nhổ những cây cải xoong ngon lành nhất - hệt như một con ngựa lang khổng lồ phì bọt trắng xóa và tung hai vó sau lên bên trên đám lau sậy mọc hai bên bờ. Rồi nước đổ về bao vây những bức tường đá xám của ngôi trường Blundell, ngập trắng cả thung lũng, khiến đám học trò khó lòng về nhà dùng bữa tối.
Trong lúc đó, bác gác cổng già, bác Đồng Đỏ (bác có biệt danh như vậy bởi bác có đôi giày ống bằng đồng đỏ để ngăn nước làm ướt chân, và một cái mũi cũng màu đồng đỏ, nhưng là do một thứ chất lỏng khác gây ra chứ không phải nước1) đứng ngay trước cổng, trông coi những tấm chắn được ghép lại với nhau, canh chừng mực nước, và giữ mình không bị cuốn trôi. (Cầu Chúa ban phước lành cho bác.) Chẳng mấy chốc cơn lũ ồ ạt tràn về, trong khi mực nước mỗi lúc một dâng cao, vài ba đứa học trò được phân công canh chừng mấy cái lỗ tháo nước cứ chốc chốc lại liếc mắt ra ngoài những bức tường nơi bác Đồng Đỏ đang tợp rượu. Ngay trước cổng trường không mái vòm, nơi được lát những viên gạch đẹp nhất, quý vị có thể nhìn thấy hai chữ cái in hoa lớn “P.B” được xếp thành từ những hòn cuội trắng tinh. Đã thành thông lệ, mỗi khi lũ tới, dù chảy dọc theo bức tường từ bên dưới cầu hay băng xiết qua những cánh đồng cỏ từ con kênh Owen - chính mắt tôi từng chứng kiến lũ về từ cả hai hướng - ngay khi dòng nước thè lưỡi liếm vào một hòn cuội làm nên hai chữ cái viết tắt tên người sáng lập thôi, đó được xem như là “tín hiệu đèn xanh” cho bất kỳ đứa học trò nào, lớn cũng như nhỏ, cho phép chúng xông vào những phòng học rộng thênh thang nơi các thầy giáo đang ngồi mặt khó đăm đăm, rồi hét to hết cỡ: “P.B.”
1. Nguyên văn: a nose of copper - chứng mũi đỏ, điển hình của người hay uống rượu.
Ngay tức thì đám học trò đồng loạt nhảy cẫng lên, hò reo vang dội, hoặc túa cả ra khỏi chỗ ngồi; chúng tung mũ lên trần nhà rầm đen, có lẽ sách vở cũng nối gót theo sau đó; đám học trò to xác không còn làm khó mấy đứa bé hơn, đám học trò nhỏ cũng chẳng nể nang, e dè mấy đứa lớn. Cả bọn chen lấn, tranh nhau ra xem nước lên, chứng kiến nỗi vất vả, cực nhọc của bác Đồng Đỏ, xuýt xoa vài ba lời ca tụng. Chẳng còn lớp để dạy, mà học trò thì cũng chẳng còn đứa nào để trông chừng, các thầy giáo đưa mắt nhìn nhau, rồi như một quy ước bất thành văn, họ cùng lẳng lặng gập sách lại đánh soạt, rủ nhau rít vài hơi tẩu hay lai rai chút rượu ngoại, bảo rằng chẳng mấy khi có dịp, vả lại để cho ấm người.
Lạ chửa! Tôi lại sa đà vào những chuyện tủn mủn, vụn vặt, mà lờ đi quãng đời cay đắng, gian nan mình đã kinh qua. Cho dù bản thân tôi chẳng mạnh mẽ gì cho cam, cũng chẳng phải quá yếu đuối, có Chúa mới biết tôi đã chịu đựng biết bao thử thách khốc liệt để có được một tôi kiên cường của ngày hôm nay. Tuy thế tôi vẫn không thể nào tin được rằng chúng ta cần phải căm ghét nhau, tránh xa nhau, chặn đứng đường sống của nhau, tận diệt nhau, như bọn thú hoang trong rừng dồn đuổi con mồi đến tận hang ổ. Hãy để chuyện đó diễn ra tự nhiên theo cách của nó. Việc này nằm ngoài khả năng bày tỏ của tôi, và có lẽ cả chắt của tôi nữa. Tôi chỉ biết một điều rằng lúa mì tươi tốt hơn khi tôi bắt đầu gieo nó.