L
ý do khiến tôi buộc phải rời trường Tiverton là như thế này. Ngày 29 tháng 11 năm 1673 dương lịch là ngày sinh nhật lần thứ mười hai của tôi. Tôi dốc hết tiền túi mua kẹo thết tụi học trò lớp nhỏ, cho đến khi tụi học trò lớp lớn xông tới cướp. Theo nội quy, vào những ngày thứ Ba chúng tôi tan học lúc năm giờ. Theo thói quen, chúng tôi rượt đánh tụi ngoại trú chạy tán loạn dọc theo bờ đường đắp cao từ hành lang đến cổng trường, nơi vừa là chỗ cư ngụ vừa là chỗ làm việc của bác Đồng Đỏ. Chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa đến cái chuyện tụi nó là thân thích của nhà sáng lập ra ngôi trường này, có khi là cháu gọi ông bằng ông trẻ cũng nên (vì ông chẳng để lại hậu duệ trực hệ nào), chúng tôi cũng chả thèm hỏi về dòng dõi của chúng làm quái gì. Bấy lâu nay, trong mắt chúng tôi - những đứa học nội trú - tụi ngoại trú là một đám “học nhờ” - cụm từ chúng tôi tự nghĩ ra, do tụi nó chẳng trả xu học phí nào, đi học thì khệ nệ xách theo cơm đùm cơm nắm. Chúng tôi ăn giúp tụi nó, vì tụi nội trú chúng tôi thường ăn không đủ no. Trong lúc ăn thức ăn của tụi nó, chúng tôi cho phép tụi nó nói chuyện thoải mái với chúng tôi. Ấy thế mà sau khi tọng hết thức ăn vào mồm, chúng tôi lại xúm nhau tống tụi nó ra khỏi trường. Trong tụi nó có vài đứa nhà mở cửa hàng, sạp tạp hóa, bán da lông thú hay gia cầm, và tụi này hình như biết mình đáng bị đá đít. Số khác có xuất thân từ dòng dõi cao quý ở Devon - nhà Carew, Bouchier và Bastard - vài đứa trong số này đôi khi tức khí quay lại nện đứa đã đá mình. Tức thì đá lại vậy thôi chứ tụi nó cũng biết thân biết phận; không trả một đồng học phí nào thì bị đuổi là đúng rồi.
Sau khi đám “học trò tình thương” này đi khỏi (chúng tôi vẫn gọi tụi ấy một cách xấc láo như thế) - “Nếu mày đập cặp lên đầu tao…” Một đứa nói. “Ngày mai đừng hòng tao cho ăn.” - và sau khi bác Đồng Đỏ đóng hai cánh cổng sắt phát ra tiếng vang rền bên dưới mái cổng tò vò bằng đá nhám, trên có nạm mấy câu thơ tiếng Latin bằng loại đồng chất lượng kém, vài đứa chúng tôi không thấy đói, cũng chẳng để tâm đến chuông báo giờ, vì đã ních căng một bụng kẹo do tôi bỏ tiền túi ra mua - chẳng phải tôi dư dả gì cho cam, mà số tiền đó là do tôi tằn tiện để dành cho sinh nhật lần này. Trời nhá nhem tối, chúng tôi chừng sáu, bảy đứa (tất cả đều học lớp nhỏ) đứng áp sát vào cổng, gần như tan vào ánh chiều nhập nhoạng, bảng lảng sương mù, nếu không bác Đồng Đỏ hẳn đã xua chúng tôi ra bãi cỏ rồi, bác rất hà khắc với tụi học trò nhỏ mỗi khi bị vợ tịch thu hết tiền. Không gian đủ rộng cho cả bọn, vì cái cổng vừa chỗ cho chín đứa đứng sát vào nhau, trừ phi ăn quá no, mà có thế cũng chả nguy hiểm gì. Bây giờ cả bọn đang dõi mắt ra đường cái, ao ước được ra bên ngoài, hơn thế nữa là được ngắm nhìn những đoàn ngựa thồ đi ngang qua cùng toán kỵ binh hộ tống. Nghe tụi ngoại trú bảo vài người đang trên đường đến thành phố đã nghỉ chân tại Sampford Peveril vào buổi sáng, chắc sẽ đến đây trước khi trời tối, vì bị Faggus đuổi theo. Faggus là cậu tôi và là niềm vinh dự cho cả dòng tộc. Cậu là một người Northmolton danh tiếng lẫy lừng trên đường lộ từ thị trấn Barum đến London. Do vậy đương nhiên tôi hy vọng cậu sẽ tóm được đoàn người, và tụi học trò đua nhau hỏi tôi như thể những gì tôi nói ra là lời sấm truyền vậy.
Một đứa nào đó ép sát vào người tôi khiến cùi chỏ tôi chẳng cục cựa được lấy một tẹo, bực hơn nữa là bụng tôi bị chèn kẹt cứng, dù cái bụng của nó mới ních đầy kẹo tôi mua. Kể ra cũng thật ác khi tôi chẳng mảy may cân nhắc hay suy tính thiệt hơn mà cứ thế đấm thẳng vào mặt nó. Đáp lại, nó cúi đầu, lấy hết sức bình sinh húc vào chính giữa áo gi lê của tôi. Trong một phút hoặc hơn, hơi thở của tôi dường như tuôn ra khỏi mấy cái túi, và tôi gần như tức thở. Trước khi tôi kịp định thần, mấy đứa khác thống nhất là nên di chuyển đến “Cái bàn là” - tên gọi của một rẻo đất hình tam giác, là nơi gặp nhau của hai bờ đường đắp cao - (một chạy từ cổng trường và một chạy từ cổng ký túc xá), cũng là nơi diễn ra phần lớn những trận đấu tóe lửa của tụi học trò. Chỉ có điều chúng tôi phải đợi đoàn hộ tống đi ngang qua rồi mới thắp lên một vòng tròn bằng nến, và tụi còn lại sẽ rất phởn chí. Nhưng đột nhiên xuất hiện một đàn ngựa rất lèo tèo, kỳ thực chỉ có hai mống (kể cả một con ngựa lùn), và một người đàn ông mặt đỏ gay ngồi trên con ngựa lớn hơn rẽ qua cái trụ nơi có khắc những chữ cái tên của nhà sáng lập trường, không phải từ hướng Taunton mà là từ phía cầu Lowman.
“Sin cho hỏi…” Chú nói, e dè trước cánh cổng. “Jan1 Ridd có ở đây không?”
1. Cách gọi tên John theo tiếng địa phương.
“Có, có Jan Ridd ở đây.” Một đứa nhỏ thó nhanh nhảu đáp, nhại theo John Fry.
“Gọi cậu ấy dúp tôi với.” John Fry trỏ roi ngựa qua chấn song về phía chúng tôi. “Cậu ấy đâu? Gọi cậu ấy ra dùm đi.”
Mấy đứa khác chỉ vào tôi, một số đứa bắt đầu hú hét, nhưng tôi biết mình sẽ làm gì.
“Chú John, chú John!” Tôi reo lên. “Không dưng chú đến đây vào giờ này để làm gì vậy, cả con Peggy nữa, chắc nó lạnh lắm đấy, phải không? Thứ Tư tuần sau nữa mới nghỉ lễ mà chú. Ờ, mà làm sao chú biết được chứ!”
John Fry chồm người về phía trước, nhìn lảng đi, từ cổ họng chú phát ra âm thanh hệt như một con ốc sên bò trên bậu cửa sổ.
“Ồ, biếc chớ, biếc chớ, Jan; dân Oare ai mà chẳng biếc điều đó, dù không được đi học như cậu. Mẹ cậu chưa cho hái quả táo nào, bà vú Betty làm bánh pudding đen, và không ai dám đặt bẫy chim nhạn. Tất cả dành cho cậu; mọi thứ bây giờ dành cho cậu cả!”
Đột nhiên chú ngưng bặt khiến tôi bất giác thấy hoảng.
Tôi rất hiểu John Fry.
“Thế còn cha, còn cha… Cha thế nào?” Tôi vừa nói vừa vung tay gạt mấy đứa ở hai bên ra. “Chú John, cha ở thị trấn cơ mà! Cha vẫn thường đến đón cháu, cha có bao giờ để ai làm việc này đâu.”
“Ông chủ sẽ đợi ngay cái trụ cong, bên cạnh “lán”1. Ông chủ không thể đi đón cậu được vì phải lo làm thịt lợn muối xông khói cho lễ Giáng sinh, và cả ủ rượu táo nữa.”
1. Nguyên văn: telling house, loại lều được làm thô sơ, nơi cánh chăn cừu gặp để đếm cừu vào cuối mùa cỏ.
Trong lúc nói, chú cứ nhìn vào đôi tai của con ngựa. Quan sát thái độ của John Fry, tôi biết chú đang nói dối. Tim tôi bất giác trĩu nặng hệt như có một tảng chì bên trong, tôi dựa lưng vào cánh cổng, chẳng còn thiết tha đánh đấm gì nữa. Cảm giác như có một thứ quyền năng lờ mờ treo lơ lửng bên trên tôi, hệt đám mây của một cơn dông tố ẩn tàng nhiều nguy hiểm, và tôi sợ nghe bất kỳ tin tức gì. Tôi thậm chí chẳng buồn xoa mũi con Peggy, dù nó thò mặt qua những chấn song, chỗ có một vuông lưới mắt cáo lớn, khịt khịt và gặm tay tôi. Nhưng bất kể sống chết ra sao, việc gì phải ra việc nấy, và việc chính lúc này dứt khoát phải là đánh nhau, cho xứng danh một tín đồ Cơ đốc giáo.
“Nào, Jack2.” Một đứa nâng cằm tôi lên. “Nó đánh mày thì mày đánh nó, mày biết luật rồi đấy.”
2. Một cách gọi thân mật từ tên John.
“Trả nợ trước khi về.” Quản lớp đã kịp nghe chuyện, vừa xăm xăm đi về phía tôi vừa nói. “Ridd, mày phải giải quyết cho xong vụ này đã.”
“Đánh đi, vì lớp bảy.” Đứa nhỏ thó nhại John Fry ban nãy hét vào tai tôi. Nó thông minh, luôn đứng đầu lớp, biết tấn tần tật về các thì bất định và cố nhét chúng vào đầu tôi, nhưng tôi chẳng giữ được bao lâu, sau bữa trưa là quên sạch. Cả đám vây quanh thúc giục, khích bác, dù tôi chả còn lòng dạ nào để mà đánh với đấm. Với trí thông minh hạn chế (cái này không phải lỗi của tôi), tôi nhìn hết đứa này đến đứa khác, tìm kế hoãn binh. Chẳng phải tôi sợ đánh đấm, tôi học ở trường Blundell này tính ra đã được ba năm, suốt thời gian đó, mỗi tuần tôi đánh nhau ít nhất một bận, cho đến khi nổi danh khắp trường. Chỉ có điều mối lo trong lòng tôi còn nặng hơn cả một bó cỏ khô. Kể chuyện này ra thật chẳng lấy gì làm vui vẻ, nhưng đến tận bây giờ, khi đã có nhiều hiểu biết và từng trải, tôi vẫn không tin con trai có thể giải quyết mọi vấn đề mà chẳng cần viện đến đánh đấm. Trừ phi chúng là những đứa rất tốt và sợ nhau.
“Không.” Tôi nói, vẫn tựa lưng vào cánh cổng sắt. “Robin Snell, bây giờ tao chưa đánh mày được. Đợi chừng nào tao quay lại nhé!”
“Đánh đi, Jack Ridd!” Chừng năm, sáu đứa học trò lớp nhỏ hét lên, đẩy Bob1 Snell về phía trước, bởi lẽ nhờ những trận đánh từ trước đến giờ với tôi, tất thảy tụi nó thừa biết tôi là đứa xứng đáng làm đại ca của tụi nó - ý tôi là tụi nó thừa biết tôi không đời nào chùn bước. Nhưng tôi chẳng để ý đến tụi nó, ánh mắt hoang mang, thờ thẫn nhìn John Fry, con Smiler, khẩu etpigôn và con Peggy. Nhờ ánh sáng hắt ra từ cửa sổ phòng khách nhà bác Đồng Đỏ, tôi có thể nhìn thấy John Fry đang gãi đầu, nét mặt buồn bã, chú ngồi rịt trên lưng con Smiler, cho nó đi tới đi lui như thể bị dán chặt vào nó vậy. Chú hết liếc nhìn vào mắt tôi lại đến nắm đấm của tôi, tôi nghĩ chú còn cố lén nháy mắt với tôi nữa; rồi con Peggy vẫy đuôi.
1. Một cách gọi thân mật từ tên Robin.
“Cháu đánh nhé, chú John?” Rốt cuộc tôi nói. “Nếu chú không đến thì cháu đã đánh rồi.”
“Phải theo ý Chúa thôi. Có vẻ như không đánh không được, Jan à.” Chú nói thật khẽ qua chấn song cánh cổng. “Tụi nó gào lên thế kia. Tốt hơn hết là thuận theo thôi. Mà ông gác cổng có cho tôi vào sem không Jan?”
Chú hướng ánh nhìn ngờ vực xuống đôi bốt da bò của mình và bùn bám trên hai con ngựa (những vũng bùn trên đường thì bẩn thôi rồi). Con Peggy, con ngựa lùn màu nâu đỏ của tôi, nhẹ cân hơn, hai vai không lấm lem lắm; nhưng hai bên vai con Smiler (con ngựa kéo xe nhỏ tuổi nhất của chúng tôi) lem luốc những bùn là bùn, chắc chẳng ai còn nhận ra nó là một con ngựa vá nữa. Họng khẩu etpigôn lớn bị bùn bít nghẹt, và chiếc mũ Chủ nhật gam màu chết của John Fry vướng một chùm cỏ dại. Tôi quan sát mọi thứ trong khi chú xuống ngựa bằng cách nhấc một chân qua yên như thể bị vẹo cột sống, trông nặng nề và rời rã.
Những lời trao đổi giữa hai chú cháu về việc có nên đánh hay không đã bị tụi kia nghe thấy; vì xuất hiện một đám nhốn nháo tụi học trò lớn hơn, những đại ca có máu mặt, những đứa khá thích thú việc dạy cho chúng tôi cách đọ sức bằng nắm đấm: phòng thủ, né, vờn, phản công, tấn công bất thình lình như trong môn đấu kiếm, và đứa yếu hơn khuỵu một bên gối xuống khi không sự khéo léo nào của thuật đánh kiếm có thể chặn đứng được cú tấn công - cánh đại ca này ưa xem tụi học trò nhỏ chúng tôi thực hành “môn đánh nhau” hơn là tự mình lâm trận. Chừng sáu, bảy đứa gì đó tiến lại dọc theo bờ đường đắp cao, sau khi nghe nói có một “cối xay nhỏ xinh” ngoài cổng. Liệu cụm từ đó bắt nguồn từ một thuật ngữ Hy Lạp nghĩa là một cuộc xung đột, như tụi học trò giỏi quả quyết, hay chỉ là cách nói ví von để liên tưởng đến những cánh quạt của một chiếc cối xay, hệt cái tôi đã nhìn thấy tại những hạt không có sông suối, nơi người dân dùng sức gió để làm bánh mì - một người ít học như tôi không thể khẳng định được. Chỉ biết là những đứa làm nên vòng tròn nến đặt tên cho quang cảnh đó là “cối xay”, trong khi chúng tôi, những đứa bị thụi bên trong, cố hãnh diện khi được đồng bọn reo hò hoan hô, cho đến khi ngã sấp mặt.
Hơn nữa, trước mặt John Fry, tôi cảm thấy mình cần phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận duy trì khí chất mạnh mẽ của dòng họ Ridd cùng danh dự của Exmoor. Cho đến nay chưa từng có ai đánh bại tôi, dù trong ba năm học ở trường, tôi đã đánh hơn sáu mươi trận. Thoạt đầu tôi có được thành công này chẳng nhờ kỹ năng, kỹ xảo gì ráo, cho đến khi tôi trở nên rành rẽ hơn; đến tận hai mươi hay ba mươi trận gì đó, tôi tấn công theo bản năng, chẳng khôn lanh hơn con chôm chôm dưới sức nóng của một chiếc đèn lồng; nhưng tôi đã chiến thắng, một phần vì sức mạnh bẩm sinh, sự dẻo dai của người dân xứ Exmoor chảy trong huyết quản, thậm chí còn khỏe hơn khi no bụng. Tuy nhiên lúc này tôi ỉu xìu, xụi lơ vì lòng đang trĩu nặng một thứ gì đó mơ hồ. Thằng Robin Snell lại to xác hơn những đứa tôi từng đụng độ nữa chứ, và “đầu gấu” không thua kém gì tôi.
Tôi chưa từng hé răng với mẹ lời nào về những trận ẩu đả thường xuyên này, bởi vì bà là người đa cảm; cũng chẳng nói nửa lời với cha, vì ông sẽ không chịu hiểu. Do vậy, ngoài mặt tôi vẫn là một thằng bé ngây thơ, với những lọn tóc xoăn lòa xòa trước trán, chưa bao giờ nói bậy một tiếng. John Fry tưởng đâu đây là trận sống mái đầu tiên mà tôi từng lâm vào. Khi tụi học trò để chú đi qua cổng, “vì có điều muốn nhắn với hiệu trưởng”, theo lời một quản lớp báo với bác Đồng Đỏ, còn Peggy và Smiler được cột vào rào chắn, chờ tôi “xong việc”, chú đến bên tôi, rơm rớm nước mắt, nói: “Đừng có làm zậy, Jan à; đừng làm mà.” Nhưng khi tôi bảo chú rằng giờ đã quá muộn để rút lui thì chú nói: “Chúa sẽ ở bên cậu, Jan à, đừng quên cầu nguyện.”
Cái rẻo đất hình tam giác nơi hai bờ đường đắp cao gặp nhau ấy không lớn lắm, nhưng đủ để quyết chiến một trận sống mái tại đó, nhất là đối với những tín đồ Cơ đốc giáo thích kề vai sát cánh bên nhau. Mấy đứa lớn đứng thành một vòng tròn xung quanh vì đó là đặc quyền của tụi nó, trong khi mấy đứa nhỏ phải dạt ra, nằm bẹp xuống đất và xem trận đấu qua háng tụi kia. Thế nhưng khi sắp sửa vào trận, giữa không gian mù sương và tiếng kêu xì xì của nến cháy, cụ Phoebe (chắc cũng thất thập cổ lai hy rồi), có phòng gần cổng ký túc xá, lụ khụ bước tới, như cụ vẫn thường vậy, để làm hỏng cuộc vui. Chẳng đứa nào thèm để mắt đến cụ, mà cụ cũng chả màng đến; nhưng ác một nỗi là lúc nào cũng có hai đứa lớp lớn buộc phải bỏ lỡ hiệp đầu để dắt cụ về nhà.
Tôi không biết thằng Robin Snell cảm thấy thế nào. Rất có thể nó cũng chả nghĩ gì sất, vì thằng đó vốn thuộc loại vênh váo, bất trị. Nhưng tôi cảm thấy tim mình đập loạn lên khi tụi học trò nhào tới cởi quần áo tôi ra. Tự nhiên tôi đâm hoảng ghê gớm, bèn thổi vào mấy khớp ngón tay. Rồi tôi cởi chiếc áo choàng không tay ra, đặt nó lên trên cái mũ, rồi cởi tiếp áo gi lê. Một đứa được vinh dự trông coi chúng. Đó là thằng Thomas Hooper, tôi vẫn nhớ cách nó nhìn tôi. Mẹ tôi đã tự may lấy chiếc áo choàng không tay nhỏ xíu đó vào những tối mùa đông yên ả. Tôi hãnh diện mỗi khi mặc nó và thấy mình thật bảnh, tôi ghét phải làm nó bị vấy máu, trong túi áo còn có mấy hạt phỉ ngon lành nữa. Rồi thằng Robin Snell sấn tới, đứng giạng chân nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại nó. Nó buộc một cái khăn quanh hông, chân đi giày bí ngô và ở trần. Nó đứng cách tôi vài phân, nhảy loi choi khiến tôi chóng hết cả mặt. Còn tôi, vì tâm trí đang rối bời với nhiều thắc mắc về John Fry cùng mục đích đến đây của chú, mới cởi xong áo choàng không tay và gi lê, chưa sẵn sàng vào trận.
“Ê, bắt tay nhau đi!” Một đứa nhảy cẫng lên, hét vang để gây chú ý. Đó là một đứa lớp chín cao gần một mét tám. “Bắt tay đi, hai ông nhõi này. Dũng mãnh lên, đánh cho hăng vào nhé! Chúa ban phước cho đứa nào thắng cuộc.”
Robin bắt tay, khinh khỉnh nhìn tôi, rồi bất thần nện một cú vào chính giữa mặt tôi, trước khi tôi kịp phòng thủ. “Có sao không?” John Fry hét lên. “Đánh lại đi chứ, Jan! Khá lắm, Jan nhà ta.”
Vì tôi đã đánh trả Robin bằng tất cả sức nặng của cơ thể cùng sự ngắt nhịp (một yếu tố trong thơ nói ra thì dễ nhưng tôi không bao giờ có thể diễn đạt cho ra môn ra khoai), và trận đánh bắt đầu theo hướng nghiêm túc, nên tụi học trò cũng bõ công chen lấn để xem. Dù tôi không nhận được nhiều tiếng hoan hô từ tụi nó khi liên tục lãnh những cú đấm tới tấp trút xuống, đó không phải thất bại gì lớn; sau này John Fry có kể lại rằng những câu chửi thề phun ra từ miệng tụi nó hệt như những tia lửa bắn ra từ lò sưởi vậy. Nhưng chúng tôi không để ý, vì phải liên tục nhún nhảy, chẳng còn biết gì đến xung quanh. Tôi chỉ biết một điều là, khi hiệp đấu kết thúc, tôi tiến về góc của mình, tim đập loạn trong lồng ngực và muốn biến mất ghê gớm.
“Hết giờ.” Quản lớp kêu lên trước khi tôi kịp lấy lại hơi thở. Tôi muốn nán lại thêm một chốc nữa trên đầu gối đứa trợ thủ thì John Fry tiến tới, bọn con trai phá lên cười ha ha khi nghe chú tỏ ý muốn một cái đèn treo chuồng ngựa, nếu không sẽ mách mẹ tôi vụ việc hôm nay.
“Hết giờ.” Một đứa khác la lớn. “Nếu chúng tao đếm đến ba mà mày không đứng lên được thì coi như mày thua, về nhà núp váy mẹ đi nhé!” Tôi bắt đầu điên máu. Nó đếm “một, hai, ba”, nhưng trước khi từ “ba” kịp rời khỏi miệng nó, tôi đã mặt đối mặt với địch thủ, hai tay giơ lên, hơi thở mạnh và nóng, quyết định xoay chuyển tình thế. May sao trong lúc giải lao, đứa trợ thủ già dặn đã truyền thụ cho tôi vài tuyệt chiêu. Nó biết phần kết thường khác nhiều so với phần đầu. Nó còn là một học trò xuất chúng, với bộ môn tiếng Đức giờ đây đã đạt tới trình độ thượng thừa. Có lẽ tụi con trai và cánh đàn ông thông minh hay tỏ lòng trắc ẩn đối với những đứa dốt đặc cán mai như tôi.
“Kết liễu nó đi, Bob.” Một đứa lớn la lên. Tôi đặc biệt để ý đến nó, bởi vì tôi nghĩ thằng đó thật xấu xa, sau khi ních kẹo bơ của tôi đến phễnh bụng. “Kết liễu nó, chấm dứt đi; nó đáng bị thế vì dám đụng vào một đứa tầm cỡ như mày.”
Đời nào tôi để mình bị kết liễu một cách dễ dàng như thế, dù cảm thấy những khớp ngón tay như bị bầm tím hết cỡ và tê cứng. Chẳng có gì giữ tôi đứng được ngoài hai chân tôi, và hiện chúng vẫn còn đỡ tôi ngon lành. Vậy là trong cuộc đấu này, hay hiệp đấu này, tôi ra đòn cật lực và hết mình nhờ những gì “quân sư” của tôi, cái đứa sáng dạ ấy truyền đạt cho, cộng với quyết tâm nhận được lời khen ngợi từ nó trước khi tôi lại ngồi lên đầu gối nó lần nữa. Tôi nghĩ, trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa từng nghe những lời nói nào (ngoại trừ của người yêu tôi) ngọt ngào hơn khi người ủng hộ và người trợ thủ đắc lực của tôi (người xem việc của tôi cũng như việc của mình và chắc sẽ rơi nước mắt nếu chứng kiến cảnh tôi bị đập tơi bời) cất tiếng…
“Giỏi lắm, Jack, cừ lắm! Cứ giữ phong độ đi nhé, Jack, cậu sẽ hạ đo ván nó!”
Trong khi đó, John Fry đi vẩn vơ xung quanh, hỏi bọn con trai nghĩ gì về trận đấu này, liệu có khi nào tôi bị đánh chết hay không, vì chú sẽ không biết ăn nói ra sao với mẹ tôi. Nhưng khi biết tôi đã kinh qua sáu mươi trận, chú tiến lại gần tôi vẻ ủ rũ, trong khi tôi ngồi trên đầu gối đứa trợ thủ, thở hồng hộc, với một miếng bọt biển thấm nước để giảm đau. Chú tỉ tê vào tai tôi, như đang khích lệ một con ngựa…
“Đừng có để bị thua, nghe chưa, Jan, bằng không khó mà vác mặt zề Hexmoor1 đấy, nghe không?”
1. Cách gọi Exmoor theo phương ngữ.
Bấy nhiêu đó là đủ. Cái đầu đang nặng trịch của tôi sôi lên, hai mắt lóe sáng. Ngay lập tức, tôi lại cuộn hai tay thành nắm đấm, tim tôi dính chặt vào lồng ngực tôi như sáp của thợ chữa giày. Hoặc thằng Robin Snell đánh chết tôi, hoặc tôi sẽ khiến thằng Robin Snell phải tâm phục khẩu phục. Sau khi xốc lại tinh thần, tôi lại xung trận. Thằng Bob nhơn nhơn cười khả ố vì chắc mẩm nắm phần thắng trong tay. Tôi thấy ghét cái điệu cười đó ghê gớm. Nó đấm tôi bằng tay trái, tôi nện vào mắt nó bằng tay phải khiến nó chớp chớp hai mắt, điệu cười đáng ghét tắt ngóm. Tôi sợ quái gì nó. Tôi quyết hạ đo ván thằng này, chứ không đời nào để mình bị đánh bại. Tôi thở được trở lại, tim tôi bớt đập mạnh, hai mắt không còn tóe lửa. Tôi chỉ biết rằng thà chết chứ nhất định không làm xấu mặt quê hương. Phần còn lại hôm đó diễn ra thế nào tôi không rõ, chỉ biết rốt cuộc Robin phải nằm liệt giường.