Đ
oạn đường từ thị trấn Tiverton đến thị trấn Oare rất dài và vất vả, kẻ lữ hành phải tự tìm lấy đường mà đi, ấy là người ta nói vậy, vì con đường vẫn còn thô sơ, ít nhất là về hướng Dulverton, mặc dù giờ đây nó ít nguy hiểm hơn thời tôi còn đi học. Bây giờ một con ngựa khỏe có thể chạy một mạch đến đó mà không phải nhảy chồm chồm lên nhiều lần để tránh ổ gà, ổ voi, nhưng thời ấy đinh thúc ngựa sẽ long ra khi cần đến nhất vì bị bùn bám chặt. Chính nhờ thời đại này cùng sự cải tiến của chúng tôi theo cách của cha anh mà bây giờ chúng tôi không còn phải đặt rải rác gậy gộc, đôi khi cả mấy gốc sồi, để ban ngày người đi đường không bị thụt xuống hố, nếu anh ta không say rượu. Đến giờ, bổn phận chăm lo đường sá khắp giáo xứ Exmoor là việc tôi dành nhiều công sức hơn cả.
Nhưng thời đó, mỗi khi từ trường về nhà (đó cũng là những lúc sung sướng và ấm áp mà bây giờ đang trở nên hiếm hoi), muốn tìm được con đường cái không phải là việc dễ dàng. Bây giờ chúng tôi đã dựng hàng rào hai bên để đánh dấu, ít nhất là vậy, khi có một thị trấn ở ngay bên cạnh; nhưng tôi thấy nó có vẻ hơi khoe khoang thế nào, một kiểu công trình đặc trưng, và là trạm cho bọn cướp, dù khá gần London, nơi bọn họ kiếm được một trường đua ngựa.
Sau một ngày nghỉ ngơi vì hai con ngựa bị đau chân và viêm móng, chúng tôi rời “thị trấn có hai khúc sông cạn” (người ta bảo tên nó có ý nghĩa như vậy) từ sáng tinh mơ. Tôi cũng chẳng thua kém gì lũ ngựa - khắp mình mẩy ê ẩm và tím bầm. Chúng tôi trọ tại nhà trọ White Horse có tên được khắc bằng chữ vàng, trên đường Gold, đối diện nơi an nghỉ của hai vợ chồng John và Joan Greenway1 vì phải lên đường vào lúc gà gáy. Dù John Fry tiếp tục im như thóc về lý do chú đến đón tôi, toàn nói dối về cha, và không thể nhất quán các chi tiết, tôi vẫn mong đợi những điều tốt đẹp nhất, như bọn con trai thường thế, đặc biệt là sau một chiến thắng. Tôi nghĩ, có lẽ cha không đến đón tôi được vì bận rộn mùa màng, mà bọn chuột xấu xa thì liên tục tấn công vựa ngô.
1. John Greenway (1460-1529): là thương gia đầu tiên của Tiverton. Ông đã xuất khẩu vải đến châu Âu và giành được hợp đồng có giá trị cho vua Henry VII.
Mặt trời ở chính ngọ trước khi chúng tôi kịp đến Dulverton, gần thị trấn nơi con sông Exe và người anh em lớn của nó là Barle gặp nhau. Mẹ tôi có một người chú sống ở đấy, nhưng lần này chúng tôi không ghé nhà ông. Tôi thấy hơi ngạc nhiên, vì chúng tôi cần phải dừng lại ít nhất hai giờ đồng hồ cho lũ ngựa ăn uống, nghỉ ngơi, trước khi đi qua đầm lầy. Những đầm lầy chìm trong sương giá nhìn rất huyền ảo, nhưng năm nay không thấy nhiều sương giá, chỉ đủ để khiến lũ chim hét trông lớn hơn một chút vào buổi sáng thôi. Còn đâu chúng vẫn bé tí xíu, cho đến khi bị tuyết phủ kín người.
Con đường từ Bampton đến Dulverton không được dễ dàng lắm, nhưng chẳng có gì để phàn nàn nhiều - thực tế là không sâu quá khuỷu chân ngựa, ngoại trừ vài ổ gà, ổ voi. Không khí trở nên dịu đi và bảng lảng sương, cả hai con ngựa đều túa mồ hôi; nhưng con Peggy chả mang gì nặng (vì quần áo của tôi ở cả trên lưng con Smiler, khiến John Fry luôn miệng càu nhàu), nên chúng tôi dễ dàng vượt lên trước, nhưng vẫn trong tầm nghe.
Tôi đã hơi ghét chú John, tôi nghĩ đó là dấu hiệu của sự buồn chán và thất vọng khi phải về nhà nghỉ lễ, nhưng tôi cũng cố đặt mình vào vị trí của chú để hiểu chú. Chú chưa từng được đến trường, chưa bao giờ có cơ hội ăn thịt rán trong điều kiện đánh vần được tên của nó. Vậy nên tôi cứ tiếp tục đi, trong lòng thầm nghĩ chắc chú đang mong đến bữa trưa, và sẽ hết càu nhàu lúc đã no bụng. Chú có một tật xấu là khi đói quá thì chẳng nghĩ được gì ngoài thịt lợn muối, nhưng lúc này chú có vẻ đang dằn lòng và nhìn tôi như thể thấy có lỗi vì coi trọng những chuyện nhỏ nhặt hơn đại sự.
Bữa trưa hôm ấy ở Dulverton có những món ăn hiếm nhất và ngon nhất tôi từng nếm. Đến tận bây giờ, ở tuổi này, chỉ cần nghĩ về bữa ăn đó thôi là tôi lại ứa nước miếng thèm thuồng, hệt như lúc thi thoảng nghĩ về mối tình đầu yêu đến mụ mị. Chả thịt cừu nướng nóng hổi là món tôi thường nghe bọn con trai và cánh đàn ông nhà giàu bảo dùng để tráng miệng vào bữa trưa; chỉ nghe bọn họ nói về nó thôi, môi tôi đã chép chép, bụng thì réo cồn cào.
John Fry khệnh khạng sải đôi chân ngắn vào nhà trọ, cố làm ra vẻ lịch thiệp, rồi kêu lớn như thể đang gọi cừu ở Exmoor: “Trả thịt cừu nướng cho hai người, năm phút nhá! Nước xốt cho thật ngon hử, như bữa thứ Ba vừa rồi ấy.”
Đương nhiên đồ ăn không ra sau năm phút, mười phút rồi hai mươi phút vẫn chưa thấy gì. Nhưng đợi càng lâu thì càng hấp dẫn, kiểu nó thế. Rồi thức ăn cũng được đưa ra. Ôi chao, chỉ ngửi mùi thôi đã khiến cho một kẻ đói ngấu tạ ơn Chúa vì ban cho mình cái bụng đủ sức chứa ngần ấy. Năm mươi năm đã trôi qua đời tôi còn nhanh hơn thời gian dành cho việc nếm chỗ nước xốt ấy.
Con trai thường cẩu thả trong cách phục sức, chẳng để ý gì đến quần áo mặc trên người. Nếu tôi trông thấy một đứa con trai cố vuốt cho phẳng nếp áo quần và đi giày là để diện hơn là để bảo vệ chân, tôi không thể không nghĩ Chúa đã tính đến việc tìm cho nó một cô gái. Khi tụi nó lớn hơn, bắt đầu lân la cầu cạnh các thiếu nữ thì không còn như vậy nữa; có thể sự dạn dĩ cũng bỏ đi đâu mất; chúng chẳng thua kém gì cha mình thời xưa ở khoản ngốc và vụng. Nhưng Chúa không cho phép đàn ông là một kẻ ngốc khi yêu và được yêu, như tôi. Nếu không, Người đã ngăn chặn rồi.
Khi đã chén xong món chả thịt cừu nướng, Peggy và Smiler cũng đã được cho ăn no, vốn mê xà phòng và nước, tôi ra chỗ máy bơm để rửa ráy chút đỉnh. John Fry hầu như chẳng bận tâm đến việc này, trừ những ngày Sabbath khi chú tắm bằng xà phòng riêng của mình. Ban nãy chú đã ngăn tôi ra chỗ máy bơm bằng cách dọa ăn hết món chả thịt cừu nướng. Giờ chú ra ngoài với dáng điệu thỏa mãn, tay cầm mẩu quế, người tựa vào khung cửa, tai lắng nghe bọn ngựa nhai nhóp nhép, chuẩn bị răng cho bữa ăn tiếp theo.
Một cô hầu gái từ trong đi ra, ánh nắng chiếu thẳng vào mặt. Cô bèn xoay người ra sau rồi lại quay lại, nhưng lần này cô đối mặt với ánh mặt trời chói chang một cách thản nhiên hơn. Cô bị sẩy chân, vội vã kéo váy xuống, sợ cánh trông coi chuồng ngựa cười nhạo làn da đang bị rám của cô. Điệu đà cầm một chiếc ly dài kiểu Ý trong tay, cô tiến đến chỗ máy bơm đặt ở chính giữa sân, nơi tôi đang xối nước lên khắp đầu, vai, cánh tay và ngực. Dù đã thoáng thấy cô qua làn nước, tôi vẫn không khỏi hoảng hốt vì đang trong tình trạng trần trụi thế này. Còn cô thì nhìn tôi chẳng chút thẹn thùng. Chắc cô xem tôi là đứa nhóc con, kiểu một người đàn bà ba mươi hay làm vậy khi bắt gặp một thằng con trai trên đống cỏ khô, ngay cả khi nó đã lớn tướng. Rồi cô cứ nhơn nhơn nói với tôi như thể tôi chẳng là ai hết, trong khi tôi co rúm lại đằng sau cái máy bơm, cuống quýt xỏ sơ mi vào người: “Cậu bé xinh ơi, đến với tôi nào. Chúa ơi! Mắt cậu xanh ngăn ngắt ấy, còn da cậu trắng muốt như tuyết kìa; nhưng sao lại thâm tím thế kia? Chắc là cái đứa hư hỏng nào đánh cậu rồi. Ôi, cậu bé ơi, cho tôi chạm vào làn da cậu nào. Ối, chắc là cậu đau lắm đấy. Đến đây nào, cậu sẽ yêu tôi.”
Trong suốt lúc đó, cô nhẹ nhàng sờ khắp ngực tôi bằng những ngón tay nâu thuôn mảnh. Từ giọng nói và cung cách của cô, tôi biết cô là người nước ngoài. Thế rồi tôi không còn ngượng nghịu trước cô nữa, vì tôi có thể nói tiếng Anh giỏi hơn cô; tôi vẫn muốn mặc chiếc áo choàng không tay vào, nhưng lại không muốn tỏ ra thô lỗ với cô.
“Xin cô, tôi phải đi rồi. John Fry đang đợi ngoài cửa, còn Peggy đang hí đòi tôi. Xin cô, chúng tôi phải về nhà vào tối nay, cha sẽ đợi tôi ngoài lán.”
“Vâng, vâng, cậu đi đi, cậu bé đáng yêu, có lẽ tôi sẽ đi theo cậu. Tôi phải lòng cậu mất rồi. Nhưng bà Nam tước nghiêm khắc với tôi lắm. Cậu có biết từ đây tới bờ biển ở Wash… Wash… gì ấy nhỉ… bao xa không…”
“Chắc cô định nói đến Watchett. Ồ, rất xa, đường sá cũng dễ đi như đường đến Oare ấy.”
“Ôi chà, ôi chà, tôi sẽ nhớ, Oare hẳn là nơi cậu bé đáng yêu của tôi sống, một ngày nào đó tôi sẽ đến tìm. Giờ thì bơm nước hộ tôi nào cưng, cho tôi nước trong đi nào. Phải có một đám mây bám bên ngoài cốc, bà Nam tước mới chịu đụng tới.”
Tôi không biết ý cô là gì; nhưng tôi vẫn vui vẻ bơm nước cho cô, không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cô hắt nước vào máng xối chừng năm mươi bận, như thể nước ấy chưa đủ trong. Cuối cùng, nước cũng hợp ý cô, với một thứ hệt như sương bên ngoài ly, và ánh lấp lánh của thủy tinh bên dưới nó, rồi cô nhún gối chào tôi vẻ đùa bỡn, tay cẩn trọng cầm đế chiếc ly dài vì sợ làm hỏng đám mây bên ngoài. Sau đó, cô muốn hôn tôi, nhưng tôi đã mệt đến đứt hơi, lại vốn nhát chuyện đó, trừ khi chính tôi là người chủ động. Vì vậy tôi né xuống bên dưới tay cầm máy bơm nước, thế là cằm cô bị va vào cái núm. Ngay lúc đó, cánh trông chuồng ngựa xuất hiện, hỏi liệu họ có được ban cho ân sủng đó không.
Ngay lập tức, cô bỏ đi, vẻ nghiêm trang lạnh lùng (tướng đi của người nước ngoài) khiến họ không dám tiến xa hơn, bởi vì nó quá khác so với cung cách đám người tình của họ. Họ quay trở lại chỗ nửa xe cỏ khô đang chờ, nhìn theo để tin chắc là cô sẽ không ngoái lại. Rồi cả đám phá lên cười nhạo nhau.
Giờ chúng tôi đi ngược lên đầu phía bắc của thị trấn Dulverton, nơi có hai đoạn đường lổn nhổn bẩn thỉu khiến dân Oare và dân Watchett phải chịu rất nhiều khổ sở, nhọc nhằn, cho đến khi tới chỗ một cây thánh giá gãy, nơi chôn một người đàn ông bị sát hại. Peggy và Smiler đi phăm phăm lên ngọn đồi, như thể chẳng có gì dễ dàng hơn thế, sau khi đã được ăn no nê. Khi rẽ qua khúc cua của cánh rừng, chúng tôi trông thấy một chiếc xe ngựa lớn và sáu con ngựa đang phi nặng nhọc. John Fry bỏ mũ xuống, cầm trên tay và tiếp tục đi, như chú vẫn thường làm vậy đối với tầng lớp quý tộc; còn tôi thì sửng sốt đến mức để nguyên mũ trên đầu, ghìm dây cương trong vô thức.
Ngồi ở ngay ghế trước chiếc xe ngựa để mở một nửa theo lối thành phố vào những ngày trời oi chính là người phụ nữ nước ngoài đã gặp tôi ngoài máy bơm. Cô đưa tay chào tôi. Bên cạnh cô là một bé gái tóc đen, rất xinh, với vẻ con nhà giàu có, quyền quý, muốn gì được nấy. Tôi không dám nhìn cô bé đến hai lần, còn cô bé không buồn nhìn tôi lấy một lần, vì đang mải mê ngắm phong cảnh hai bên đường bằng cặp mắt háo hức của một đứa trẻ. Chỗ ngồi danh giá trên xe dành cho một người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc chỉn chu với những gam màu tinh tế. Bên cạnh là một bé trai dễ thương, chừng hai, ba tuổi, đội mũ có gắn phù hiệu trắng, gặp thứ gì hoặc ai cũng giương mắt nhìn hiếu kỳ. Thằng bé bất chợt nhìn thấy con Peggy và thích thú đến mức mẹ nó - nếu đúng là vậy - buộc phải nhìn con ngựa lùn và tôi. Nói thật, dù tôi chẳng phải loại thấy người sang bắt quàng làm họ, nhưng đúng là cô nhìn chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến, dịu dàng hiếm khi thấy được ở cánh phụ nữ vắt sữa bò vùng quê.
Rồi tôi ngả mũ chào người phụ nữ xinh đẹp ấy mà không hỏi lý do. Cô giơ tay lên, gửi một nụ hôn gió, có lẽ đang thầm nhủ con cái nhà ai mà ngoan quá, vì mọi người vẫn bảo trông tôi ngây thơ, dù chỉ Chúa mới biết còn lâu tôi mới thế. Người phụ nữ ngoại quốc, hay đúng hơn là cô hầu gái, quan sát cảnh tượng đang diễn ra bằng đôi mắt nhỏ màu đen, cô nhìn thẳng vào mặt tôi. Kỳ thực là tôi định chào cô từ xa rồi, và không phải bằng sự tinh tế như cách cô chào tôi, nhưng lạ một nỗi, cô cứ nhìn chằm chằm vào mắt tôi như thể chưa từng gặp tôi bao giờ, mà cũng chẳng mong gặp lại tôi. Tôi quá kinh ngạc, những chuyện kiểu vậy nằm ngoài sự hiểu biết của tôi, đến mức khiến con Peggy bối rối vì cảm giác được cơ chân tôi căng lên, mà nó thì mới ra khỏi chuồng, được cạo sạch sẽ bùn đất. Nó bất thình lình lồng lên phi nước đại khiến tôi chẳng kịp làm gì ngoài việc ngoái người và hạ chiếc mũ (đã đội được năm tháng) về phía người phụ nữ xinh đẹp nọ. Tôi bắt kịp John Fry ngay sau đó, hỏi chú đủ thứ về họ và lý do chúng tôi không thấy họ ra khỏi quán trọ. Nhưng John chẳng bao giờ chịu nói nhiều cho đến khi nốc cạn một gallon rượu táo, thế nên “bọn Gia tô sát nhân” là tất cả những gì tôi có thể moi được từ chú, chú chẳng quan tâm đến họ hoặc việc họ đến từ nơi quái quỷ nào. Thật may (đúng là ý trời mà), tôi có cơ hội xuống thị trấn Dulverton để mua ít kẹo cho Annie, chứ không thì cái đầu đần độn của tôi hẳn cứ lấn bấn mãi về cuộc gặp gỡ ban nãy.
Rồi chúng tôi không còn nhìn thấy họ vì rẽ sang hướng khác. Ngay sau đó, hai chú cháu phải vận hết “công lực” để đi vì đường mỗi lúc một xấu, cho đến khi chẳng còn thấy đường sá gì nữa, có lẽ điều rõ ràng nhất nó có thể làm là thấy xấu hổ khi trương chính mình ra trong bộ dạng như thế. Chúng tôi vẫn gắng hết sức đi tiếp, chẳng tin được là mình sẽ về đến nhà, trừ khi Chúa rủ lòng thương ban cho phước lành đặc biệt.
Sương mù sa xuống dày đặc khắp nơi như vẫn thường thấy vào mùa này. Chẳng có lấy một âm thanh hay một làn gió nào dẫn đường cho chúng tôi. Rải rác chỗ này, chỗ kia mấy tán cây thấp hệt những lùm bụi được gắn chân gỗ, ướt lẹp nhẹp và rũ xuống thảm não. Đây đó trồi lên mấy gốc cây hệt cái u nơi vai ngựa cùng những vũng bùn nhão nhoét. Ngay sau đó, trời sụp tối đến mức chẳng còn nhìn thấy gì nữa, ngoại trừ những lằn sáng mảnh và đứt khúc còn sót lại trong bóng chiều nhập nhoạng bò ngược lên thung lũng.
Một lúc sau, ngay cả hình ảnh đó cũng bị đêm đen nuốt lấy, chúng tôi không còn niềm an ủi nào khác ngoài hai cái đầu ngựa ngúc ngoắc theo mỗi bước phi. Lướt đi bên dưới là mặt đất tối đen, có sáng hơn một tí tại những vũng nước, những vạt bùn bắn tung tóe, cú vút đuôi dứt khoát và mùi ngựa nồng gắt.
John Fry gà gật chúi người về phía trước, giờ tôi không còn nhìn thấy râu ria ướt nhẹp của chú đâu nữa. Chú có bộ râu quai nón khá đẹp, màu đỏ tươi, được cắt tỉa thành một búi gọn gàng và bôi dầu làm từ mỡ cá voi (chẳng là chú mới cưới vợ). Tôi nhiều lần thầm nghĩ không biết lớn lên mình có nên nuôi một bộ râu kiểu thế không - thưa ở phía trên và rậm dần xuống dưới. Nhưng tôi vẫn còn nhìn thấy chiếc mũ Chủ nhật có chóp bên trên của chú thỉnh thoảng lại xóc nhẹ, một bên vai lệch nghiêng chập chờn trong màn sương mù, khiến tôi chực lên tiếng nhắc “Ngồi thẳng lên đi, chú John” khi con Smiler vấp chân. “Chúa ơi! Mình đang ở đâu thế này?” John Fry bừng tỉnh, ngơ ngác. “Chắc đã đi qua cây tần bì dà rồi ha, Jan. Cậu có thấy nó không zậy?”
“Chưa mà, chú John. Chưa thấy cây tần bì già. Hoặc thứ gì khác mà cháu biết; cũng chẳng nghe gì hết, ngoài tiếng ngáy của chú.”
“Cậu đúng là ngốc, Jan; tôi cũng chả hơn gì. Lắng nghe thử sem!”
Chúng tôi ghìm ngựa lại, khum hai bàn tay lên tai, cố lắng nghe qua bầu không khí đặc quánh. Thoạt tiên chẳng nghe thấy gì ngoại trừ tiếng thở hổn hển của hai con ngựa, tiếng nước chảy long tong từ mũ cùng quần áo hai chú cháu, và những âm thanh rất khẽ của màn đêm tĩnh mịch khiến chúng tôi suy diễn đủ điều. Rồi có một tiếng động nhỏ, rất khẽ, hệt như tiếng than khóc - một âm thanh không làm ta sợ, nhưng khiến ta tò mò muốn biết đó là gì - nghe hơi rợn người. Âm thanh đó cất lên ba lần rồi không thấy nữa. Tôi đụng vào người John Fry để tự trấn an rằng không phải có mỗi mình tôi giữa nơi hoang lạnh này.
“Đừng có ngốc, Jan à! Tiếng nhạc lệnh ấy mà, tôi từng nghe rồi. Cầu Chúa ban phước lành cho họ.”
“Có phải họ treo cổ một người họ Doone không chú John?”
“Suỵt. Đừng bao giờ nói như thế. Treo cổ người họ
Doone! Chúa biết, Đức vua sẽ cho treo cổ ngay nếu ngài có thể.”
“Vậy là ai, chú John?”
Tôi cảm thấy lên tinh thần hẳn, trước giờ tôi vẫn nuôi hy vọng rằng thỉnh thoảng người ta cũng đáng bị như thế, và nghĩ có thể đó là một bài học cho những kẻ quen thói ngồi mát mà đòi ăn bát vàng, cái kiểu gì mà cứ ngang tàng cướp cừu béo của thiên hạ trong khi mình chẳng nuôi nó được ngày nào. Hạng người đó sinh ra để bị treo cổ, khi cứ xem mình trên trước, thích trèo đầu cưỡi cổ thiên hạ như thế.
“Đó chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, chẳng việc gì phải nhặng sị lên.” John nói. “Ở bên kia con truông, mò qua bên này truông để thó cừu của chúng ta. Tên hắn là Jem Hannaford Tóc Đỏ. Hãy tạ ơn Chúa vì hắn đã bị treo cổ, cậu John. Quỷ tha ma bắt hắn đi.”
Cứ như thế, cái âm thanh thoắt đến thoắt đi nương theo làn gió ấy lẩn khuất theo bước chân chúng tôi, thậm chí tới tít cái chân giá treo cổ đặt ở ngã tư.
“Đây rồi.” John ngước lên nhìn cho chắc. “Tôi có khắc dấu lên đây. Đúng là Jem Tóc Đỏ rồi. Cầu Chúa ban phước cho họ vì đã tìm được cách trừng trị bọn bất lương. Chúc mày ngủ ngon, Jem, đừng có dật mình nhé!”
John Fry giật dây cương, vui vẻ nựng nịu con Smiler khi nó phi vào con đường dẫn về nhà. Nhưng tôi thấy tội cho Jem Tóc Đỏ, muốn biết thêm về hắn. Có phải hắn không thể tránh được kết cục đau đớn này không? Vợ con hắn (nếu có) nghĩ gì về chuyện này?
Tuy nhiên John chẳng buồn rỉ cho tôi thêm chút thông tin nào nữa. Có lẽ lòng chú đang nôn nao cảm giác đơn độc, khi cái âm thanh rờn rợn ấy cứ bám theo mãi không dừng.
“Làm ơn im miệng dùm được không?” Chú gắt um lên. “Chúng ta đang đi vào lãnh địa của da tộc Doone đấy, cách đồi Đèn hiệu Dunkery hai giặm, nơi cao nhất của Hexmoor. Nếu chẳng may bọn chúng tình cờ ra ngoài tối nay, chúng ta phải trườn mà đi đấy, Jan à.”
Ngay lập tức tôi hiểu ý chú. Gia tộc Doone đáng ghét, những kẻ xấu xa, là nỗi kinh hoàng của toàn dân Devon và Somerset, đó là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những tên phản bội, những kẻ giết người. Hai chân tôi bắt đầu run bắn lên ở hai bên hông con Peggy khi tôi nghe tiếng rền rĩ than khóc của tên cướp bị treo cổ đuổi theo đằng sau và mường tượng về những kẻ còn sống đâu đó phía trước.
“Mà John này…” Tôi thì thầm cảnh giác, len lén xáp lại gần bên chú. “Họ sẽ không nhìn thấy chúng ta trong sương mù dày đặc thế này, đúng chứ?”
“Chúa làm ra xương mù có phải để bịt mắt họ đâu.” Chú đáp khẽ, giọng sợ sệt. “Giờ chúng ta đang ở gần thung lũng. Cẩn thận cái mồm, nếu cậu muốn gặp lại mẹ.”
Như cách phản ứng của tụi con trai mỗi khi gặp nguy hiểm, tôi những muốn phi ngựa hết tốc lực, xông vào bọn Doone và tiêu diệt chúng. Nhưng rồi tôi băn khoăn tại sao chú chỉ nhắc đến mẹ mà chẳng đả động gì đến cha.
Chúng tôi đến một goyal1 dài và sâu, theo cách gọi của dân Exmoor. Chả biết nguồn gốc, xuất xứ của nó thế nào, chỉ biết thời còn học ở trường Tiverton, khi tụi học trò lớp nhỏ cười nhạo tôi vì nhắc đến từ goyal thì một đứa lớp lớn táng vào đầu tụi nó, bảo rằng từ đó ở trong sử thi Homer, có nghĩa là “chỗ hõm trong lòng bàn tay”. Lần khác, một người xứ Wales bảo từ đó ở chỗ họ có nghĩa là “luồng hơi”. Nói vậy thôi chứ tôi biết nó có nghĩa là một vùng trũng lớn nằm giữa những quả đồi hoang vu, đổ về phía đồng bằng, tròn ở đáy, dốc hai bên. Dù thẳng hay cong thì cũng là nó.
1. Nghĩa là khe núi, hẻm núi.
Chúng tôi cho ngựa đi thật thận trọng xuyên qua vạt cỏ mềm dưới chân đồi, lắng nghe như thể không khí là một chiếc kèn trumpet. Rồi chúng tôi mừng rỡ thúc ngựa tiến về phía đỉnh. Khi sắp lên đến nơi, tôi nghe thấy âm thanh gì đó, vội chụp lấy cánh tay John. Chú khum bàn tay áp lên tai mình. Đó là tiếng chân ngựa cày vào lớp đất bùn, như thể chân đồi hút lấy chúng. Sau đó là tiếng đàn ông cằn nhằn uể oải, rồi tiếng bàn đạp ngựa mỗi lúc một lớn, thỉnh thoảng có tiếng lanh canh của sắt xen lẫn với tiếng thở khò khè.
“Chúa ơi, Jack, xuống ngựa mau, để mặc nó đi đâu thì đi.” John Fry thì thào.
Tôi lật đật nghe theo, vì vừa dứt lời, chú đã xuống khỏi con Smiler rồi. Thế nhưng hai con quỷ đó không đi đâu xa được vì quá mệt, thế là chúng bắt đầu sục sạo xung quanh, nhóp nhép nhai, khụt khịt nhiều hơn mức cần thiết. Tôi bò gần như không một tiếng động đến bên cạnh John, vẫn cầm dây cương trên tay.
“Thả giây cương ra đi, trời ạ. Cầu Chúa cho bọn họ tưởng nhầm chúng là ngựa hoang, chứ không thì ăn đạn như chơi đấy.”
Tôi hiểu ngay và vội buông dây cương. Lúc này sương bắt đầu loãng dần khiến hai chúng tôi nổi bật trên đường chân trời, rất dễ bị phát hiện bởi đoàn người cưỡi ngựa bên dưới. John nằm bẹp xuống đất bên một lùm thạch nam, nơi có một hẻm núi nhỏ, còn tôi vừa bò lại chỗ chú vừa nơm nớp sợ âm thanh phát ra từ đôi chân kéo lê cùng tiếng rin rít của chiếc quần nhung kẻ. John át nó đi bằng cách giả tiếng kêu be be của một con cừu đang run rẩy vì lạnh.
Ngay khi người cưỡi ngựa đầu tiên đi ngang qua, không đầy hai mươi mét bên dưới chúng tôi, một luồng gió thổi thốc qua thung lũng khiến sương mù tan loãng. Đột nhiên một khối ánh sáng đỏ chói quét thẳng xuống, hệt bàn tay xòe ra bên trên vùng đất hoang, khiến bóng tối nhạt đi và những thanh kiếm ánh lên loang loáng.
“Đèn hiệu Dunkery.” John thì thào sát tai tôi đến mức tôi cảm thấy môi răng chú va vào nhau lập cập. “Thắp đèn hiệu vào dờ này là để soi đường cho bọn Doone, vì vào ban đêm bọn chúng thường đưa lính canh lên đó. Dờ sao đây, Jan? Cầu Chúa…”
Không thể cứ nằm im thế mãi được, tôi bèn vùng ra khỏi cánh tay chú, trườn dọc theo hẻm núi nhỏ cho đến khi tới bên dưới một tảng đá xám có dương xỉ mọc quanh. Tôi nằm yên ở đó, sáu mét phía trên đoàn người đi ngựa. Tôi không dám hít sâu, nhưng vô thức làm thế vì quá kinh ngạc.
Lúc này, đèn hiệu sáng rực như một cơn bão lửa, từng cuộn lửa bùng lên rồi biến mất, bầu trời như nặng trịch, sà thấp xuống. Xung quanh nhuốm một màu đỏ chóe trong hình hài những cột lửa vặn xoắn, rồi một luồng lửa khổng lồ chạy thông thốc xuyên qua màn đêm đen kịt, làm sáng bừng hai bên sườn đồi ảm đạm và thung lũng mịt mùng, hiện lên những khoảng sáng tối xen kẽ, đánh thức tất cả những con truông đang lờ mờ ngủ.
Nhưng hầu hết những cột lửa đều thốc cả vào miệng của thung lũng hẹp bên dưới tôi, nơi đoàn cưỡi ngựa đi qua trong im lặng, thảng hoặc mới hạ cố đưa mắt nhìn quanh. Những gã hộ pháp nặng nề tướng tá ngang tàng, súng ống bặm trợn, mặc áo choàng không tay bằng da, đi giày cao cổ, ngực và đầu lấp loáng những phiến sắt. Đằng sau yên ngựa chất đầy những thứ cướp bóc được, đằng trước lủng lẳng chai lọ. Tôi đếm được hơn ba mươi tên đi qua, hệt những đám mây nổi bật trên nền hoàng hôn màu đỏ. Vài tên chở những xác cừu còn nguyên da, mấy tên khác thì nai, có tên còn vắt cả một đứa bé qua yên ngựa. Chả biết em chết rồi hay vẫn còn sống, chỉ biết đầu em mềm oặt, rũ xuống. Bọn chúng đã bắt một đứa bé, còn rất nhỏ, chắc chắn là vì muốn lấy quần áo trên người em nhưng chưa kịp lột ra. Tôi thấy lấp lánh dưới ánh lửa có một thứ gì đó, có lẽ là đồ trang sức. Tôi thầm mong được biết bọn chúng sẽ làm gì em, hay liệu bọn chúng có ăn thịt em không.
Em hệt một con mồi giữa bầy kền kền thối tha, làm dấy lên trong lòng tôi một mối thương tâm. Trong cơn nóng giận ngu ngốc, bốc đồng, tôi đứng phắt dậy, nhảy phốc lên một tảng đá, hét thật to. Hai tên quay lại, một tên chĩa súng các bin về phía tôi, nhưng tên kia bảo chỉ là một con yêu tinh vớ vẩn thôi, dặn y tiết kiệm thuốc súng. Bọn chúng đâu biết, còn tôi lại càng mù tịt hơn nữa rằng cái con yêu tinh vớ vẩn này một ngày kia sẽ san bằng sào huyệt của bọn chúng, tiêu diệt sạch không còn một tên.
Lúc nãy, trong cơn hoảng hốt, John Fry đã lập cập tụt xuống khỏi con Smiler, nấp im trong lùm cây thạch nam khiến người ê ẩm, ướt nhẹp như thể bị nhúng trong dầu, giờ thấy nguy hiểm đã qua, chú bèn mò đến chỗ tôi.
“Cảm ơn cậu, Jan. Zậy là cô vợ mới của tôi không thành góa phụ. Lỡ như tôi có mệnh hệ nào thì biết lấy ai lo cho cô ấy đây, cả con trai tôi nữa nếu như cô ấy đang mang bầu mà tôi không biết?”
Đó là tất cả những gì chú phải nói, thay vì tạ ơn Chúa ư? Nếu từng có người đàn ông nào đang trong cơn sợ hãi mà sẵn sàng tạ ơn Chúa vì bất kỳ điều gì, người đàn ông đó chính là John Fry cách đây chưa đầy năm phút.
Tuy vậy, tôi chẳng nói chẳng rằng, thấy xấu hổ với bản thân. Ngay sau đó, chúng tôi tìm thấy Peggy và Smiler đang tha thẩn gặm cỏ tươi trên đường. Gặp lại chúng tôi, hai con ngựa mừng rỡ - không phải vì niềm vui thích được chở người, mà bởi một con ngựa (như phụ nữ ấy) thiếu, và tốt nhất là không nên có, sự tự lực.
Cha không hề ra đón chúng tôi, ở cả bên này lẫn bên kia cái lán, cũng chẳng có ở chỗ cái trụ cong, thậm chí ngoài chuồng gia súc cũng không thấy, mặc dù lũ chó kêu mừng nhặng xị đến mức ông hẳn đã nghe thấy con trai yêu quý của ông về. Đứng bên hông chuồng gia súc, dưới hàng tần bì, nơi cha vẫn dạy tôi bắt chim hét, tim tôi bỗng chùng xuống, ngực trống rỗng. Thậm chí chiếc đèn móc bên ngoài chuồng bò cũng không được thắp sáng, chẳng một ai quát lũ chó “Im nào!” hoặc loan báo “Jack nhà ta về rồi đây!”.
Trong bóng tối, tôi nhìn vào hai cái trụ cổng bởi vì chúng cao, hệt như cha, rồi nhìn sang cửa phòng cất giữ yên cương, nơi ông thường hút tẩu và hát. Sau đó, tôi nghĩ chắc ông đang tiếp khách - những người đi lạc ngoài truông - ông không thể bỏ mặc họ một cách tàn nhẫn, ngay cả vì con trai mình. Tôi thấy ghen tỵ với họ, định bụng sẽ trách hờn ông khi ông xoắn xuýt hỏi han. Tôi nghĩ đến cái ống tẩu mới đang nằm trong túi mà tôi mua cho ông ở Tiverton, thầm nhủ “Sáng mai mới đưa cho cha”.
Một nỗi đau quá lớn! Bây giờ nhớ lại tôi vẫn không biết sự thật khủng khiếp đó đã tìm đến tôi như thế nào. Tôi không khóc, hoặc nghĩ đến việc khóc, chỉ len lén tụt xuống một cái hố cưa, nấp ở đấy. Trên đầu tôi là những thanh gỗ bắc ngang hệt những vệt sọc. Tôi chỉ muốn được yên, không muốn nghe bất kỳ điều gì.
Thế rồi, có âm thanh gì đó vẳng xuống, nghe như tiếng phụ nữ khóc. Bên trên hố là mẹ và hai đứa em gái của tôi đang ôm nhau nấc nghẹn. Dù họ là những người tôi yêu quý nhất, tôi vẫn không thể chịu nổi khi nhìn thấy họ, cho đến khi hình như họ muốn sự giúp đỡ từ tôi và đưa hai tay ôm lấy mặt.