N
gười cha yêu quý của tôi đã bị gia tộc Doone sát hại vào tối thứ Bảy khi ông đang trên đường về nhà từ chợ Porlock. Đi cùng ông là sáu bác nông dân khác, tất cả đều rất tỉnh táo bởi cha tôi không thích có bạn đồng hành uống quá nửa gallon bia hoặc một gallon rượu táo. Bọn cướp không thù hằn gì ông vì ông chẳng bao giờ buông lời nhục mạ chúng, cũng không hô hoán om sòm khi bọn chúng cướp của mấy người khác. Ông vốn là người thật thà, nghĩ rằng mỗi người có trách nhiệm tự vệ và bảo vệ hàng hóa của mình; trừ khi người đó thuộc về giáo xứ của chúng tôi thì chúng tôi mới có nghĩa vụ đối với người đó.
Bảy nông dân ngoan đạo đang thong dong trên đường, thỉnh thoảng hỗ trợ nhau khi gặp sự cố, hát nghêu ngao để át nỗi sợ, thì bất thình lình một người đi ngựa chặn họ lại.
Dựa vào cách ăn mặc, vũ khí, cộng với tướng tá nổi lên trong ánh sáng lờ mờ của sao đêm, họ biết rõ hắn từ đâu đến. Mặc dù trông họ có vẻ như một chọi bảy, nhưng kỳ thực chỉ có một chọi một. Sáu bác nông dân kia, vốn đang hát những bài thánh ca về quyền năng của Chúa - hồi ấy chúng khá là phổ biến - giờ ngưng bặt, tất cả lục tìm tiền và rượu, khúm núm dâng cho tên Doone nọ.
Cha tôi lâu nay vẫn có suy nghĩ rằng những ai đã có áo khoác và gi lê ấm áp trên người thì không xứng có thêm thứ tương tự, trừ phi người đó dùng đến nắm đấm để cưỡng chiếm. Vậy nên, trong khi cánh bạn đường của ông cởi mũ cùng những gì có trên người ra, ông vung cao ba toong, phi ngựa xông thẳng vào tên cướp họ Doone kia. Nhờ có con ngựa lanh lẹ, tên cướp né được đòn tấn công bất ngờ, mặc dù chắc chắn là hơi sững sờ vì có người dám kháng cự. Khi con Smiler phi nước đại, phóng vút đi, mang theo cha tôi trên lưng, tên cướp đưa tay lên huýt sáo, cướp của sáu tiểu điền chủ còn lại. Thấy thế, cha vội quay đầu con Smiler, cố trở lại hỗ trợ họ, liền rơi vào vòng vây chừng chục tên cướp không biết ở đâu ra, cứ như thể trồi từ dưới đất lên. Vài tên cưỡi ngựa, số khác đi bộ. Ấy thế mà ông không hề nao núng, cứ thế phang ba toong túi bụi vào đầu, vào cổ bọn chúng. Là người to con và dai sức, cộng với cơn thịnh nộ sục sôi, ông trở thành đối thủ khó nhằn đối với toán cướp. Vốn giỏi đấu gậy, ông choảng vỡ đầu ba, bốn tên gì đó, cho đến khi số còn lại phi ngựa biến đi. Ông tưởng mình thắng rồi, định bụng về kể cho vợ nghe.
Ngờ đâu vẫn còn một tên núp sau mô đất, súng kê vai, ngắm vào mục tiêu là người cha tội nghiệp của tôi. Xin thứ lỗi vì tôi không thể kể phần còn lại. Chỉ nghe nói lại rằng con Smiler về nhà một mình, người dính đầy máu khô. Sáng hôm sau, có người phát hiện cha tôi chết ngoài truông, với cây gậy bị gãy nằm bên dưới ông. Vụ việc đó đúng sai thế nào, Chúa phán xét giữa gia tộc Doone và tôi.
Trong cái thời đầy rẫy bạo lực và bất công đó, người ta thường đau buồn hơn là bất ngờ khi người mẹ biết mình vừa thành quả phụ, còn bầy con của mình mất cha. Tụi tôi có ba đứa, chưa đứa nào làm được gì để phụ giúp gia đình, chỉ có thể an ủi mẹ để mẹ có động lực làm việc, nuôi nấng bầy con. Tôi, John Ridd, là anh cả (điều đó khiến tôi cảm thấy mình gánh một trọng trách nặng nề trên đôi vai chưa đủ rộng), kế đến là em Annie, nhỏ hơn tôi hai tuổi và bé út là Eliza.
Trước khi tôi về đến nhà và biết được nỗi mất mát tang thương kia (không ai yêu cha mình bằng tôi), mẹ đã làm một chuyện phi thường khiến hàng xóm xôn xao, ái ngại bảo chắc bà điên rồi. Sáng thứ Hai, trong khi chồng vẫn còn nằm đó, chưa kịp chôn, bà quấn khăn tang trên đầu, khoác áo choàng đen lên người, bất chấp mọi lời can ngăn, đi bộ đến sào huyệt của gia tộc Doone.
Trưa hôm đó, bà đến chỗ cái cổng vào trơ trụi, trống trơn. Mà thực tế chẳng có cổng gì ráo, chỉ mỗi bóng tối hun hút. Nếu viết tiếp câu chuyện này, chẳng sớm thì muộn tôi sẽ phải kể chi tiết về nơi đây, vì sau này đích thân tôi tới đó hơn một lần, nhưng khoan đã, bây giờ thì chưa. Mẹ tôi không bị bắn, chỉ bị bịt kín hai mắt và được ai đó nắm tay dắt đi, khá là tử tế.
Bà chỉ nhớ mỗi một điều là đường đi rất gập ghềnh, vì bà không thể nghĩ được gì cho ra môn ra khoai khi có vật sắc lạnh gí vào người. Đến cuối con đường, bọn chúng mở bịt mắt cho bà, và bà gần như nín thở.
Bà đang đứng ở đầu một thung lũng hình bán nguyệt bát ngát xanh, bao quanh là núi đá lởm chởm, cao chừng hai mươi lăm đến ba chục mét. Những quả đồi tối sẫm ngoi lên từ bờ miệng thung lũng nổi bật trên đường chân trời. Ngay cạnh là một con sông nhỏ chảy róc rách uốn lượn từ dưới lên trong bóng râm, vì bị khuất mặt trời, rồi cứ thế lững lờ trôi đi, đổ vào thung lũng, hướng đến chỗ có ánh sáng. Từ đó, nó hối hả chảy xuống cánh đồng cỏ, đám cây tống quán sủi đứng hai bên bờ rợp cỏ, và những lùm cây bụi mọc san sát nhau. Xa xa phía dưới, nằm hai bên bờ là những ngôi nhà được xây bằng đá, vuông vức, thẳng tắp, như thể dòng suối là con đường kết nối chúng. Chỉ duy có một cái cao vút hơn hẳn, không đối diện với cái nào, chắc chắn đó là nơi ở của thủ lĩnh. Ấy là một kiểu nhà kép, hoặc nói đúng hơn là hai căn nhà ghép lại với nhau bởi một cây cầu bằng ván bắc qua sông.
Mẹ tôi đếm được mười bốn cái cả thảy, tất cả đều giống nhau, không thể phân biệt được cái nào ra cái nào, ngoại trừ nhà của thủ lĩnh. Sâu tít trong thung lũng tĩnh lặng, cách xa tiếng ồn ào, bát nháo và nhặng xị, chỉ có mỗi âm thanh réo rắt của con suối nhỏ, bất kỳ ai cũng sẽ tưởng rằng đây là nơi cư ngụ của những con người chân chất và thiện lành. Thế nhưng ngôi nhà nào cũng chứa ít nhất một tên giết người.
Hai tên cướp dẫn mẹ tôi xuống một cầu thang rất dốc, hệt cái trong vựa cỏ khô nhà chúng tôi, đưa bà đến tận nhà của thủ lĩnh. Đến cửa, chúng để mặc bà đứng đó, run rẩy vì hồi hộp và căng thẳng.
Suy cho cùng, bà cũng chỉ là quả phụ của một nông dân bình thường. Bà lấy tư cách gì mà đi kêu ca chuyện người có gia thế quyết định ra tay giết chồng bà nếu họ thấy làm thế là đúng? Dân quê xứ Exmoor chúng tôi ai mà chả biết gia tộc Doone vốn xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt. Mà thời ấy ai cũng được dạy rằng dân đen phải chịu quyền sinh sát từ tầng lớp bên trên mình. Do vậy mẹ tôi thấy hơi hổ thẹn khi mình đã trót than van.
Nhưng (sau này bà kể lại) bà sực nhớ đến chồng, nhớ những lúc ông đứng quàng cánh tay chắc khỏe quanh người bà, nhớ những khi ông khen bà hết lời về món thịt lợn muối rán. Thế là nước mắt tràn mi, không gì ngăn lại được.
Một người đàn ông tướng tá cao lớn dềnh dàng (Ensor Doone) bước ra, tay cầm lưỡi hái, găng tay làm vườn đeo tới quá khuỷu, cứ như dân lao động đích thực. Chỉ có điều dựa vào khuôn miệng, ánh mắt, điệu bộ, nhất là giọng nói của ông ta, ngay cả một đứa con nít cũng biết và cảm nhận được đây chẳng phải là dân lao động gì ráo. Có lẽ kể từ khi đó, ông ta tìm thấy lý do chính đáng để ao ước mình như vậy.
Trên người mặc chiếc áo khoác gắn mấy cái móc khóa trắng đung đưa theo mỗi bước chân, ông ta dừng lại, ngó xuống mẹ tôi, khiến bà không thể không nhún gối chào trước ánh nhìn chờ đợi đó.
“Chào bà, bà không thuộc về nơi này. Ai đã mang bà đến đây? Tụi nhỏ thật là, tôi đang bận thế này.”
Ông ta chằm chặp nhìn mẹ tôi vì vẻ dễ thương của bà, như thể ông ta thích bà vì điều đó. Về phần bà, trong niềm tiếc thương chồng vô hạn, bà vẫn cảm thấy bị miệt thị vì là đàn bà, do đó bà lớn giọng.
“Tôi không hiểu ý ngài là gì. Đồ lừa đảo! Quân giết người! Đồ hèn! Tôi đến đây để đòi lại chồng tôi.” Bà không thể nói thêm được nữa, nỗi đau lúc này như dâng ứ lên đến cổ, tràn ra miệng; nhưng bà vẫn nhìn trừng trừng người đàn ông trước mặt.
“Thưa bà!” Ensor Doone (vốn là một quý tộc, dù rất xấu xa) cất tiếng. “Tôi xin bà thứ lỗi cho. Mắt tôi kém rồi, nếu không tôi hẳn đã biết. Thôi được rồi, nếu chúng tôi có bắt giữ chồng bà thật thì ông ấy sẽ được tự do mà không cần tiền chuộc, vì tôi đã xúc phạm đến bà.”
“Thưa ngài!” Đột nhiên mọi đau buồn tan biến vì cung cách bặt thiệp của ông ta, mẹ tôi nói. “Xin để tôi khóc một chút.”
Ông ta đứng ra xa, có vẻ như biết rằng phụ nữ muốn được để yên trong những lúc này. Nhìn cách bà khóc, ông ta biết rằng chồng bà bị giết thật. Chính ông ta cũng cảm thấy xót xa. Ông ta không tức giận với bà, mà để bà kể lại từ đầu.
“Tôi bất đắc dĩ...” Mẹ tôi sụt sùi với chiếc mùi soa mới màu đỏ và nhìn vào hoa văn trên nó. “Quả thực là bất đắc dĩ, thưa ngài Ensor Doone, khi buộc tội bất kỳ ai một cách thiếu công bằng. Nhưng tôi đã mất người chồng tốt nhất mà Chúa từng ban cho một phụ nữ; tôi biết ông ấy từ khi ông ấy mới chỉ đứng ngang thắt lưng ngài thôi, còn tôi thì chưa tới đầu gối ngài. Ông ấy chưa từng lời nặng tiếng nhẹ với tôi, cũng chưa từng chặn ngang khi tôi nói. Ông ấy ân cần chỉ bảo tôi mọi thứ, từ rau cỏ vườn tược đến việc làm thịt lợn muối sao cho ngon nhất, từ việc khi nào mổ lợn là tốt nhất đến cách đối đãi với con gái mình ra sao cho chúng khỏi tủi thân. Tôi sẽ không bao giờ còn được… Ôi, John ơi, thiếu mình em biết phải sống sao đây? Mới tuần trước em còn thấy mình mà giờ đã âm dương cách biệt.”
Nói đến đây, mẹ tôi lại bật khóc, không phải òa lên nức nở, chỉ là những tiếng nấc nghẹn, vì bà biết rằng giờ chẳng có ai lau nước mắt cho bà. Biết bao nhiêu kỷ niệm về người chồng vắn số chợt ùa về, ý nghĩ mình và ba đứa con sẽ sống ra sao trong những năm tháng sắp tới khi thiếu ông khiến tinh thần mẹ xuống dốc trầm trọng.
“Chuyện này nhất định phải xem lại, phải xem lại ngay.” Ensor Doone đáp, giọng hơi xúc động dù đã biết tỏng sự thật. “Thưa bà, nếu có bất kỳ điều gì không phải, hãy tin vào danh dự của một người họ Doone. Tôi sẽ làm hết sức mình để đòi lại công bằng cho bà. Hãy vào trong nghỉ ngơi một lát để tôi tìm hiểu xem sao nhé! Tên người chồng yêu quý của bà là gì? Chuyện này xảy ra khi nào và ở đâu?”
“Hỡi trời cao đất dày!” Mẹ tôi thốt lên khi ông ta lịch sự lấy ghế cho bà, nhưng bà không buồn ngồi. “Sáng thứ Bảy tôi vẫn còn là một người vợ, thưa ngài; vậy mà đến tối thứ Bảy, tôi đã thành quả phụ, con tôi thành không cha.
Tên chồng tôi là John Ridd, thưa ngài, ai ai cũng biết. Ở Somerset hoặc Devon, không một người đàn ông nào tử tế và tốt bằng chồng tôi. Ông ấy đang trên đường về nhà từ chợ Porlock, mua cho tôi một chiếc váy mới cùng một cây kẹp tóc bằng vỏ sò - ôi, John ơi, sao mà mình tốt với em thế!”
Bà lại bắt đầu nghĩ về điều đó, không tin vào nỗi mất mát ấy. Bà cứ ngỡ nó như một cơn ác mộng kinh hoàng. Có lẽ bà sẽ tỉnh lại trong một phút nữa thôi, và chồng bà sẽ cười ghẹo bà. Do vậy bà gạt nước mắt, mỉm cười, đưa mắt tìm kiếm điều gì đó.
“Thưa bà, đây là chuyện nghiêm trọng.” Ensor Doone nói một cách nhã nhặn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc. “Tôi biết đám trẻ có hơi khinh suất. Nhưng tôi thiển nghĩ bọn chúng không thể tự nhiên mà làm hại ai. Tuy nhiên nhìn bà thế này chắc không phải dựng chuyện. Gọi Quân sư đến cho ta!” Từ cửa nhà mình, ông ta cất tiếng gọi lớn vọng khắp thung lũng. “Gọi Quân sư đến mau.”
Quân sư Doone có mặt trước cả khi mẹ tôi kịp lấy lại bình tĩnh. Nếu có bất kỳ hình ảnh nào có thể khiến bà kinh ngạc khi mà tất cả những ý thức về đúng sai, phải trái đã đi chệch hướng bởi tác động của hoàn cảnh, đó chính là hình ảnh của Quân sư. Một người đàn ông to ngang, vạm vỡ, nhưng thấp hơn mức chuẩn theo quy định của gia tộc Doone ba phân (tôi sẽ kể việc này sau). Ông ta có bộ râu quai nón màu xám dài đến đai lưng bằng da. Hai hàng chân mày rậm rì treo trên mặt hệt dây thường xuân vắt trên cây sồi bấm đọt, bên dưới chúng là hai con mắt màu nâu thô lố như mắt cú vọ khi ị. Ông ta có biệt tài giấu mắt, hoặc trưng chúng ra, hệt một ngọn lửa đang cháy. Ông ta đứng đó, cầm mũ trong tay, mẹ tôi cố nhìn ông ta, nhưng ông ta làm như không thấy bà.
“Quân sư.” Ensor Doone nói, đứng lùi lại. “Đây là người phụ nữ tốt tiếng…”
“Ồ, không, thưa cha; chỉ là một người đàn bà thôi mà.” “Cho phép tôi, thưa bà! Quân sư, đây là một phụ nữ tốt tiếng trong vùng, buộc tội gia tộc Doone đã vô cớ giết chồng bà ấy…”
“Đã giết ông ấy! Đã giết ông ấy!” Mẹ tôi hét lên. “Nếu đó là một vụ giết người. Ôi, thưa ngài! Ôi, thưa ngài! Ngài biết chuyện đó.”
“Ta muốn biết toàn bộ sự thật.” Ensor nói vẻ kẻ cả. “Và công bằng sẽ được lập lại cho bà, thưa bà.”
“Ôi, tôi van ngài. Van xin các ngài. Hãy truy cứu giúp. Chúa trên cao hỡi, xin hãy rủ lòng thương!”
“Vụ việc thế nào?” Quân sư nói.
“Là thế này…” Ensor đáp, đưa một tay ngăn mẹ tôi lại. “Có vẻ như người chồng đáng kính của người phụ nữ này bị giết khi đang trên đường về nhà từ chợ Porlock, cách đây chưa lâu vào tối thứ Bảy vừa rồi. Thưa bà, cứ sửa lại nếu tôi nói có gì không đúng.”
“Chưa lâu. Đúng rồi, đúng rồi, thưa ngài. Đôi khi như thể cả năm, có lúc dường như chỉ một giờ.”
“Tên ông ta là gì?” Quân sư nói, cặp mắt vẫn giấu bên trong.
“Ông John Ridd. Chúng ta thỉnh thoảng có nghe nói về người này - một con người đáng kính và hiền lành, không bao giờ can thiệp vào việc của chúng ta. Nếu có bất kỳ đứa thuộc hạ nào của chúng ta khinh suất như vậy, chúng nó phải nói cho ra lẽ. Nhưng ta vẫn khó lòng tin được điều đó. Dân quanh vùng này có khuynh hướng hiểu sai những nỗi đau khổ của chúng ta, và vô cảm với chúng ta. Quân sư, con chuyên việc ghi chép sổ sách, rất nghiêm khắc với chúng ta. Hãy cho ta và phu nhân đây biết chuyện này là thế nào.”
“Ôi, ngài Quân sư!” Mẹ tôi kêu lên. “Ngài Quân sư, ngài sẽ công bằng - tôi nhìn thấy điều đó trong nét mặt ngài. Chỉ cần cho tôi biết người đó là ai, hãy để tôi đối mặt với hắn, tôi sẽ cầu Chúa ban phước cho ngài, Chúa sẽ ban phước cho ngài và cho các con tôi.”
Người đàn ông có thân hình vuông cùng bộ râu quai nón màu xám dài thượt, không nao núng bởi bất kỳ điều gì, lùi lại nơi cửa, cất giọng như đá rơi xuống đáy một hầm mỏ.
“Là thế này ạ. Bốn, năm người của ta (những người hiền nhất và ôn hòa nhất) hôm nọ đi chợ ở Porlock, trong người mang theo kha khá tiền. Họ mua một ít vật dụng hằng ngày và đồ đạc với giá cao ngất ngưởng, rồi phi ngựa thẳng về nhà, không để mình sa đà vào những cuộc chè chén đình đám tầm thường. Khi họ cho ngựa dừng lại nghỉ chỗ một đống than bùn (lúc này trời đã sụp tối), bỗng đâu một tên cướp sức vóc hơn người phi ngựa thẳng vào chính giữa họ, chắc là muốn giết hoặc dọa cho họ sợ chết khiếp.
Sự ngạo mạn và táo tợn của ông ta thoạt tiên khiến họ bất ngờ, nhưng họ quyết đánh trả để bảo vệ số hàng đã mua chứ nhất định không chịu đầu hàng. Ông ta đã đánh bất tỉnh ba người, vì cánh tay ông ta có sức mạnh thật kinh khủng. Đó là lý do người còn lại cố né cú đánh của ông ta bằng súng. Đó là Carver, thưa cha. Chính là Carver can đảm, cao quý của chúng ta, người đã cứu mạng anh em cùng cả chính mình, và lấy làm mừng vì đã trốn thoát. Tuy thế, mọi người đã hy vọng đó chỉ là một vết thương xoàng thôi, chứ không có ý định đoạt mạng ông ta vì tội lỗi của ông ta.”
Khi câu chuyện dối trá này bày ra trước bà từng chút, từng chút một, hệt con bọ cánh cứng “quỷ tha ma bắt”1 lộ ra từng đốt chân, mẹ tôi bàng hoàng đến mức chỉ biết chết sững nhìn ông ta như thể quả đất đang mở ra. Nhưng thứ duy nhất mở ra là cặp mắt nâu thô lố của Quân sư, đậu lên mặt mẹ tôi với tia nhìn buồn bã, khi ông ta nói về tội lỗi.
1. Nguyên văn: Devil’s coach horse: tên gọi của một loài bọ cánh cứng được đặt bởi người dân miền Tây nước Anh. (Chú thích của tác giả.)
Không thể nào chịu đựng thêm nữa, bà quay ngoắt sang Ensor, bắt gặp (như bà tưởng tượng) một nụ cười trên môi ông ta, một kiểu hả hê ngầm.
“Tất thảy gia tộc Doone đều là người cao quý.” Ensor đáp một cách nghiêm trang, trông như thể ông ta chưa bao giờ cười từ khi còn là một đứa bé ẵm ngửa. “Chúng tôi luôn sẵn lòng giải thích, thưa bà, nếu dân làng buộc tội chúng tôi bất kỳ việc làm sai quấy nào. Chúng tôi mong bà hiểu một điều rằng chúng tôi sẽ không buộc chồng bà tội cướp bóc, chúng tôi cũng sẽ không kiện ông ấy ra tòa để cho tài sản của ông ấy bị tịch thu. Chẳng phải vậy sao, Quân sư?”
“Chắc chắn là đất đai của ông ta sẽ bị tịch thu; trừ phi cha vì nể tình mà bỏ qua vụ này.”
“Quân sư, chúng ta sẽ bỏ qua. Thưa bà, chúng tôi sẽ tha thứ cho ông ấy. Vì đêm hôm đó ông ấy mất hết lý trí. Những con suối ở Porlock hiền hòa là thế cũng có lúc gầm gào chảy xiết. Nên chẳng có gì lạ khi một người đàn ông lương thiện phang gậy bừa bãi trong thời kỳ đầy rẫy bạo loạn và cướp bóc này.”
Gia tộc Doone mà nói đến cướp bóc cứ như việc của ai khác! Mẹ tôi xoay đầu, nhún gối chào cả hai tên cướp. Lúc này, bà gần như chẳng biết mình đang ở đâu, chỉ biết ứng xử theo phép tắc. Suốt thời gian đó, bà cảm thấy một sự ấm áp, như thể lẽ phải đang ở phía bà, nhưng bà không biết cách để tỏ bày trước họ. Chào họ xong, bà vội lau khô nước mắt, đi ra ngoài dưới tiết trời lạnh căm, vì sợ lỡ miệng thốt lời cay nghiệt.
Trên đường bà ra về, cùng với mấy tên lính gác canh chừng và bịt mắt bà như thể bà còn chưa đủ mù từ việc khóc chồng, một tên tất tả đuổi theo bà, dúi vào bàn tay xụi lơ của bà một cái túi da nặng trịch.
“Thủ lĩnh gửi bà cái này mang về cho tụi nhỏ.” Hắn thì thào.
Nhưng mẹ tôi thả nó rơi phịch xuống đất thành một đống, như thể nó là một con rắn thủy tinh; rồi lần đầu tiên cúi đầu trước Chúa vì lẽ ngay cả gia tộc Doone cũng thương hại bà.